Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


LỜI NÓI ĐẦU TẬP THƠ "GIÓ TRẮNG"

(NCTG) Là một quốc gia nhỏ ở vùng Đông Âu với dân số vỏn vẹn bằng một phần bảy và diện tích cũng chỉ gần một phần ba Việt Nam, nhưng Hungary đã có những người con ưu tú trên mọi lĩnh vực khoa học và văn hóa, mà điển hình là hơn 10 giải Nobel dành cho các nhà bác học, nhà văn (gốc) Hung trong hơn một trăm năm vừa qua.

Đặc biệt, đất nước xa xôi này đã sản sinh nhiều nhà thơ xuất chúng, để lại dấu ấn trong nền văn học thế giới, mà tên tuổi của họ ít nhiều cũng đã được độc giả Việt Nam ghi nhận: Petőfi Sándor, Arany János, Ady Endre, József Attila, Illyés Gyula...

Trong số những thi hào đó, József Attila chiếm một vị trí đặc biệt. Mặc dù chỉ sống được 32 năm, nhưng nhà thơ tài hoa mệnh yểu này đã được đánh giá như tên tuổi vĩ đại nhất của thi đàn Hung thế kỷ trước, và cũng là đại diện tầm cỡ thế giới của nền thơ ca Hung. Suốt đời, József Attila đã chịu thiếu thốn, xua đuổi, thi ca và con người ông không phải lúc nào ông cũng được cảm thông, nhưng "người con của đường phố và ruộng đồng" ("az utca és a föld fia") đã có ảnh hưởng vô cùng lớn đến nền thi ca Hung hậu bán thế kỷ trước.

Sinh năm 1905, làm thơ từ năm 14 tuổi, xuất bản tập thơ đầu vào năm 17 tuổi dưới sự khích lệ của người thày, người bạn thơ, thi sĩ Juhász Gyula, József Attila đã tổng hợp một cách tuyệt vời những nguồn thơ của Hung và thế giới và phát triển chúng ở mức độ rất cao. Điều đáng nói là ngoài những đề tài vĩnh cửu như tình yêu, cuộc đời, nhân sinh quan..., thi sĩ còn quan tâm đến nhiều đề tài mới, cấp thời (về phong trào lao động, giới công nhân, nhà máy, công xưởng...) và khi thể hiện chúng, ông đã tránh được những mô-típ sáo mòn, thiên về tuyên truyền, cổ động mà thế hệ các nhà thơ "vô sản" cùng thời với ông thường phạm phải.

Cuộc đời của József Attila là một chuỗi những bất hạnh triền miên. Năm lên ba, thân phụ ông rời bỏ gia đình và ông phải sống trong cảnh nghèo đói cơ hàn; một dạo, József Attila còn phải rời Budapest về nông thôn ở tạm với cha mẹ nuôi là những nông dân mộc mạc. Đang theo học Đại học Szeged, vì một bài thơ mang tính "vô chính phủ" với tựa đề "Trái tim trong trắng" (Tiszta szívvel), ông bị một vị giáo sư dọa nạt và buộc phải thôi học. Sau đó, trong hai bận qua Wien và Paris, trở thành bạn thân của Arthur Koestler, thi sĩ có dịp làm quen với các học thuyết cánh tả. Hồi hương, trên cương vị một nhà thơ đã có tiếng tăm, József Attila gia nhập đảng Công nhân Xã hội Hung và sau đó, năm 1930, ông tham gia công tác bí mật của đảng Cộng sản Hung. Tuy nhiên, là một trí thức độc lập, József Attila sớm nhận ra bản chất độc đoán và chuyên quyền của những phe nhóm trong đảng.

Trong sáng tạo nghệ thuật, József Attila cũng bất đồng quan điểm với nhóm các nhà văn "cánh tả" theo hình mẫu giáo điều, độc tài và ông thường xuyên có những cuộc tranh luận gay gắt với họ. Các tác phẩm của thi sĩ bị tịch thu, ông bị đưa ra tòa, bị mất việc và gặp vô vàn khó khăn trong đời tư. Từ năm 1936, József Attila chìm đắm trong cảnh bệnh hoạn và cô độc; căn bệnh thần kinh kinh niên của ông đã khiến thi sĩ có lúc tưởng chừng hóa điên. Thất vọng, chán chường trước cuộc đời vô vọng, không chịu nổi ý nghĩ có thể trở thành một kẻ điên rồ vô dụng, năm 1937, József Attila đã quyên sinh bằng cách lao vào một đoàn tàu hỏa đi ngang qua vùng hồ Balaton (1).

Cái chết bi thảm của thi hào ở tuổi rất trẻ đã làm chấn động các bạn hữu cũng như giới độc giả của ông, khiến họ cảm thấy áy náy lương tâm và hối hận vì những gì không phải với József Attila. Về căn bản, chỉ đến lúc ấy, ít nhiều, người ta mới thấy hết giá trị tinh thần của di sản thi ca do ông để lại. Trong những năm hậu bán thế kỷ trước, József Attila được tôn vinh ở vị trí rất cao trên thi đàn Hung, nhưng ít nhiều, người ta hay bó hẹp ông trong khuôn khổ "nhà thơ của giai cấp vô sản", không ngoài mục đích đưa thơ József Attila phục vụ những mục đích chính trị thiển cận và nhất thời.

Sự thực, với toàn bộ thi nghiệp của mình, József Attila đã đề cập - một cách thiên tài - đến toàn bộ những vấn đề chính của thơ ca và con người: cuộc sống, cái chết, tình yêu, thân phận con người, Tổ quốc, thế giới... và bao trùm lên tất cả, là vẻ đẹp trong trăn trở của Kiếp người, "cây sậy biết suy tư". Đúng như lời đánh giá trân trọng của các nhà phê bình Hungary: "Tất cả những gì đã tồn tại trong nền thi ca của chúng ta đến lúc bấy giờ, đều thu nhập vào József Attila; tất cả những gì có từ hồi ấy, đều bắt đầu từ ông. Ông là tác gia kinh điển của "tinh thần và tình yêu", của chủ nghĩa nhân văn, của người Hung ở châu Âu. Ông đã trở thành một tác gia kinh điển, của dân tộc và của văn đàn thế giới".

Với sự nghiệp sáng tác ngắn ngủi nhưng đồ sộ gồm trên dưới 600 tác phẩm, József Attila xứng đáng với ngôi vị thi bá trên văn đàn Hung thế kỷ XX. Bức tượng đồng của ông đặt cạnh tòa Nhà Quốc hội Hung, nhìn ra sông Duna (Danube), không mấy khi thiếu vắng những bó hoa của dân Hung và du khách vãng lai.

*

Thi ca của Hungary, một xứ sở xa xôi và có ngôn ngữ riêng biệt, "không giống ai", thật bất ngờ, lại đến Việt Nam từ rất sớm, thông qua các bản dịch từ tiếng Pháp. Thơ József Attila cũng đến với chúng ta từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp: vào thời gian đó, các anh lính Việt Minh đã biết đến một số bài thơ ái quốc của ông. Dường như có một cái gì chung giữa tâm thế và tình cảm của cư dân hai xứ sở, cộng với sự mẫn cảm đặc biệt của các nhà thơ kiêm dịch giả Việt Nam đầu tiên của nền thơ Hung (Tế Hanh, Xuân Diệu, Nguyễn Xuân Sanh, Hoàng Trung Thông, Vũ Tú Nam...), khiến các thi phẩm của József Attila - dù được chuyển ngữ thông qua một ngoại ngữ thứ ba - đã được Việt hóa ở mức tối đa và rất thân thuộc, gần với cảm nhận của độc giả Việt.

Tuy nhiên, với thời gian, độc giả Việt Nam hẳn có quyền đòi hỏi những bản dịch khác, có hệ thống và đầy đủ hơn, chuẩn xác hơn, từ nguyên bản tiếng Hung. Nhiều thế hệ các du học sinh Việt Nam tại Hung đã làm công việc đó, chúng ta đã được thưởng thức nhiều bài thơ Hung từ các dịch giả Trương Đăng Dung, Vũ Ngọc Cân... Có điều, chuyển ngữ một số lớn thơ József Attila một cách hệ thống, chi tiết, có chọn lọc, và trong đa số các trường hợp, giữ được hơi thở, mạch thơ và nắm bắt được "hồn" của tác giả, có lẽ mới chỉ có Nguyễn Thụ, dịch giả tuyển thơ mà quý độc giả đang cầm trong tay.

Mấy chục bài thơ của thi hào Hung trong tuyển tập này chỉ là một phần nhỏ trong hơn 200 bài thơ József Attila mà Nguyễn Thụ đã dịch với bao trải nghiệm của cuộc đời, trong vòng 30 năm qua. Vốn là một du học sinh, tốt nghiệp khoa Máy Đại học Bách khoa Budapest giữa thập niên 70 thế kỷ trước, rồi trở lại Hung vào những năm cuối thập niên 80, bươn chải làm đủ mọi việc để sinh kế trên xứ người, trong gần hai chục năm ở Hung, với niềm say mê thi ca vô bờ bến, Nguyễn Thụ đã tự tạo cho mình một bầu không khí, một "môi trường" rất "Hung" để, hơn ai hết, ông có thể tiếp cận với thi nghiệp các nhà thơ lớn của Hung, trong đó József Attila là một tác gia chính.

Đọc các bản dịch thơ József Attila mà Nguyễn Thụ đã suy ngẫm ròng rã và âm thầm suốt ba thập niên - nhất là bản dịch các thi phẩm lớn như "Gửi Juhász Gyula" (Juhász Gyulának), "Tụng ca" (Óda), "Bài ca của người Hung buồn" (Bús magyar éneke), "Mẹ" (Mama)... - hi vọng các độc giả sẽ tìm thấy và cảm nhận được một tâm hồn Hung, một trí tuệ Hung vĩ đại, người với trực cảm thơ ca đã vượt khá xa thời đại ông sống cùng những hạn chế của nó.

Chẳng những là một dịch giả, Nguyễn Thụ còn là một nhà thơ theo nghĩa đích thực của từ này. Ở ông, vai trò một dịch giả và một nhà thơ đã hòa quyện và thúc đẩy lẫn nhau, giúp ông vẫn có được cảm hứng mạnh mẽ khi đã quá độ tuổi "tri thiên mệnh". Nguyễn Thụ làm thơ từ thuở còn đi học và từ đó, thơ đã theo ông trên mọi bước đường đời, nhiều lúc, đã là người bạn tri âm duy nhất khi ông gặp nỗi khổ đau và những nhọc nhằn nhân thế. Ông sáng tác nhiều, nhưng có lẽ chỉ cho mình, chứ ít  nhằm đăng tải (2); thơ của ông rải rác trong sổ thơ của bạn bè, trên những tờ giấy một mặt dùng lại, những tấm bìa carton lăn lóc ngoài chợ trời xứ lạ, nghĩa là đẫm vị Đời và Tình, những gì mà vì chúng ông sống. Một phần nhỏ trong kho sáng tác của Nguyễn Thụ, được giới thiệu trong tuyển tập này, sẽ cho độc giả thấy ít nhiều về "con người thơ" của ông.

Được tác giả cho phép có vài lời phi lộ, lẽ ra tôi phải viết nhiều hơn về Nguyễn Thụ và những gì ông đã làm. Nhưng vì biết ông, dù cũng đã có trên dưới ba chục năm trong nghiệp cầm bút, vẫn cảm thấy như mình là kẻ mới vào nghề trong gian đại sảnh của thi ca, và luôn coi mình là người học trò nhỏ, hậu sinh của thi hào vĩ đại József Attila, nên mấy dòng này chủ yếu chỉ nhằm vào bậc thầy mà Nguyễn Thụ luôn ngưỡng mộ.

Còn về những thi phẩm và dịch phẩm của Nguyễn Thụ, xin để độc giả cho ý kiến cuối cùng!

Ghi chú:

(1) Gần đây, có nhiều ý kiến cho rằng cái chết của József Attila chỉ là một tai nạn đáng tiếc.

(2) Nguyễn Thụ cũng từng có thơ (và thơ dịch) đăng trên các báo "Văn nghệ", "Văn nghệ Quân đội"... ở Việt Nam cuối thập niên 80. Tuy nhiên, chỉ đến hơn một năm nay, ông mới cộng tác và đăng tải nhiều thơ trên tuần báo Việt ngữ "Nhịp cầu Thế giới" ấn hành tại Hung.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh