Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Danh nhân Hungary: KŐRÖSI CSOMA SÁNDOR, NGƯỜI ĐI TÌM THỦY TỔ DÂN TỘC HUNGARY

(NCTG) Tháng 9/2010, trong loạt thuyết giảng hết sức được ưa chuộng tại Budapest, Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 Tenzin Gyatso - Giải Nobel Hòa bình 1989, được coi như một trong 3 “Thánh nhân” của thế kỷ thứ 20 - đã nhắc đến học giả Hungary Kőrösi Csoma Sándor, và coi đó là người có “sự nghiệp vĩ đại”.
Học giả Kőrösi Csoma Sándor
Vinh quang của ông nằm ở chỗ ông khởi đầu theo một hình ảnh trong mơ, nhưng đã giải quyết được một nhiệm vụ thực sự”, đó là đánh giá của William W. Hunter, nhà viết tiểu sử người Anh của Kőrösi Csoma Sándor. Là một trong những nhà du hành lớn nhất của lịch sử thế giới, đồng thời, ông đã đặt những viên gạch đầu cho ngành nghiên cứu Đông Phương học.

Tên tuổi Kőrösi Csoma Sándor (1784-1842) được xếp đầu trong số hơn 10 danh nhân Hungary trong bài học về các tên tuổi nổi bật của nền khoa học Hung dành cho người nước ngoài muốn nhập tịch Hung và do đó, cần có kiến thức nền - những hiểu biết cơ bản và tổng hợp về quốc gia này - trước kỳ thi “sát hạch”.
 
Hành trình kỳ vĩ để tìm về cội nguồn
Hành trình kỳ vĩ để tìm về cội nguồn

Không chỉ là người đi tìm nguồn cội dân tộc, mà Kőrösi Csoma Sándor còn là một vĩ nhân, một nhà văn hóa du nhập Phật giáo vào Châu Âu và Hungary. Có lẽ nguồn gốc Szekely của ông - được xem như hậu duệ của sắc dân Hung Nô tại Châu Âu - cũng khiến ông, cả đời, có một khát khao cháy bổng để tìm về thủy tổ dân tộc Hung.

Đáng ngạc nhiên là một xứ sở xa xôi tại Đông Âu như Hungary là một quốc gia có truyền thống lâu đời về đạo Phật, đặc biệt là Phật giáo Tây Tạng. Một số cư sĩ Phật giáo cho rằng do có nguồn gốc xuất xứ từ Phương Đông nên các giá trị văn hóa Phương Đông, trong đó có Phật giáo, luôn tồn tại một cách vô hình trong tâm thức người dân Hungary.

Sự hấp dẫn và phát triển của Phật giáo tại Hungary cũng được nhiều người lý giải là bởi khi tiếp cận với Phật pháp, người Hungary luôn có cảm giác như họ đang nghe những giáo lý quen thuộc, đã từng được biết tới từ bao giờ, trong tiềm thức.
 
Mộ gió của Kőrösi Csoma Sándor tại TP. Szeged, Hungary - Ảnh: szoborlap.hu
Mộ gió của Kőrösi Csoma Sándor tại TP. Szeged, Hungary - Ảnh: szoborlap.hu

Khởi điểm và đặt nền móng cho Phật giáo Tây Tạng tại Hungary, phải kể đến sự nghiệp nghiên cứu Tây Tạng và Phật pháp của Kőrösi Csoma Sándor, một học giả sinh vào cuối thế kỷ 18. Ông cũng là người mở cánh cửa ra thế giới cho xứ Tây Tạng huyền bí, đồng thời, hướng thế giới đến nền văn hóa đặc sắc của mảnh đất này.

Trong những chuyến hành hương về Phương Đông, đặc biệt là tới Tây Tạng để tìm thủy tổ của dân tộc Hungary, ông đã chấp bút cuốn tự điển Tây Tạng - Anh đầu tiên (năm 1834), tổng hợp những nguyên tắc ngữ pháp của ngôn ngữ Tây Tạng và như thế, Kőrösi Csoma Sándor được coi là người đã sáng lập bộ môn khoa học nghiên cứu về Tây Tạng.

Có học vấn uyên bác, đọc thông viết thạo hơn 20 thứ tiếng, trong quá trình dịch thuật kinh sách và truyền bá ngôn ngữ Tây Tạng, Kőrösi Csoma đã đồng thời giới thiệu và lan tỏa những khái niệm căn bản của Phật giáo Tây Tạng (Mật Tông) tại Hungary và Châu Âu đương thời.
 
Tượng Kőrösi Csoma Sándor ở Quận 10, Budapest - Ảnh: szoborlap.hu
Tượng Kőrösi Csoma Sándor ở Quận 10, Budapest - Ảnh: szoborlap.hu

Nhờ sự nghiệp truyền bá đó, vào ngày 22/2/1933, tại Đại học Phật giáo Taisho (Tokyo), ông đã được “tấn phong” Bồ tát (ông là người Châu Âu đầu tiên được danh hiệu đó), mặc dù suốt đời ông vẫn giữ niềm tin vào đạo Tin Lành và chỉ khiêm nhường coi mình là một “môn đệ Phương Tây” của Phật giáo.

Được đánh giá là người đã “mở trái tim Phương Tây trước giáo lý nhà Phật”, Kőrösi Csoma Sándor trở thành một biểu tượng tại Hungary như người kết hợp giữa tinh thần dân tộc, nguồn cội và Phật giáo. Có thể coi ông là người đặt những cột mốc đầu tiên cho sự xuất hiện của các nhóm tìm hiểu Phật giáo tại Hungary từ cuối thể kỷ 19.

Tại Việt Nam, di tích kiến trúc mang tính văn hóa - tôn giáo duy nhất có liên quan tới Hungary, tọa lạc tại bờ biển phía Nam, thành phố Vũng Tàu, chính là đài tưởng niệm Kőrösi Csoma Sándor. Đây là một tòa tháp bà (phù đồ, tức stupa) hướng ra biển tưởng nhớ vị học giả, được xây dựng năm 1972 đề xướng của cư sĩ Rudolf Petri (1915-1980), giảng viên Học viện Phật giáo Kőrösi Csoma Sándor (Budapest).
 
Tháp bà tưởng nhớ Kőrösi Csoma Sándor tại Vũng Tầu - Ảnh: Internet
Tháp bà tưởng nhớ Kőrösi Csoma Sándor tại Vũng Tầu - Ảnh: Internet

Tại thủ đô của Hungary, tên của Kőrösi Csoma Sándor được đặt cho con đường chính - cùng con phố đi bộ - tại Quận 10, nơi có đông đảo bà con Việt Nam sinh sống. Tượng của ông, được thể hiện như một hành giả mang dáng dấp Phương Đông, tọa lạc ở giữa một khu dân cư, hòa mình vào đời sống thường nhật của cư dân, và nhắc nhớ hậu thế về một sự nghiệp lừng lẫy.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh