Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Ghi chép: ÔNG TÔ VĂN LAI VÀ NHẠC SĨ PHẠM DUY

(NCTG) Sự ra đi của ông Tô Văn Lai, đồng sáng lập Trung Tâm Thúy Nga và chương trình ca nhạc tạp kỹ hải ngoại “Thúy Nga Paris By Night”, đã để lại nỗi thương tiếc và những lời ngợi ca ngập tràn cõi mạng. Mình nghĩ, ông hoàn toàn xứng đáng được nhận sự tưởng thưởng lập tức như thế, với vai trò một người yêu nước, yêu nền văn hóa Việt, trong số những trí thức, nghệ sĩ mẫn cảm “ra đi mang theo quê hương”.
Ông Tô Văn Lai cùng nhạc sĩ Phạm Duy - Ảnh tư liệu
Mình tất nhiên hoàn toàn không có vinh hạnh được quen hay biết ông, kể cả lần đầu tiên vào năm 1999, khi qua trụ sở của Trung Tâm Thúy Nga - một cửa hàng nhỏ tại Khu phố Tầu ở Quận 13, Paris, mà không hiểu sao trong thâm tâm mình cứ nghĩ là phải “hoành tráng” hơn rất nhiều -, thì mình cũng không hề nghĩ tới ông, cho dù có biết tên ông. Nhưng, một cách gián tiếp, mình phải biết ơn ông cho một mối quan hệ.

Ấy là vào khoảng 1992-1993, tức là cũng đã tròn ba thập niên. MC Nguyễn Ngọc Ngạn vừa “đầu quân” cho Thúy Nga, cộng đồng bên này biết tới hàng loạt tên tuổi nghệ sĩ hải ngoại - mà đa phần đã sinh hoạt nghệ thuật ở miền Nam trước 1975 - thông qua 3 cuốn VHS số 17, 18 và 19 mà ca sĩ Anh Khoa, khi ấy vừa có dịp xuất hiện lần đầu trên sân khấu Paris By Night, mang về Budapest... bán lại cho bà con.

Trong hoàn cảnh đời sống tinh thần khá thiếu thốn những giá trị Việt Nam (bất luận là trong nước hay hải ngoại) vào thời điểm đó, 3 cuốn video ấy như mang một làn gió mới vào đời sống tinh thần của cộng đồng bên này, khi đó đang manh nha hình thành tại các khu chợ trời đầu tiên sau thời kỳ thay đổi thể chế. Người mua không nhiều, cũng tiếc tiền chứ, nhưng mượn nhau, truyền tay và cả thâu lại, không ít.
 
Ông Tô Văn Lai thời trẻ - Ảnh tư liệu
Ông Tô Văn Lai thời trẻ - Ảnh tư liệu

Kỷ niệm đầu tiên của mình với những cuốn băng ấy, là ngoài chợ, truyền miệng nhau “chúng mày đừng mua cái băng có đầu ông già ấy nhé”. Đó là cuộn băng số 19, “Phạm Duy - Tác phẩm và con người” do Đỗ Văn dẫn chương trình, có lẽ là chương trình đầu tiên trong loạt tri ân những nhạc sĩ lớn của tân nhạc Việt Nam, mảng nội dung văn hóa nhất, nhân văn và giá trị nhất mà Thúy Nga đã làm được, theo mình.

Băng hội tụ nhiều gương mặt sáng giá nhất của âm nhạc hải ngoại, có cả Ái Vân và Lệ Quyên “của miền Bắc”, và “giọng ca lên trời” Thái Thanh với “Tình hoài hương”. Chung khúc “Việt Nam, Việt Nam” do Hợp ca trình bày, khiến mình chảy nước mắt. Cũng là lần đầu, mình theo dõi được một số ca khúc tiêu biểu trong sự nghiệp của Phạm Duy với chính sự dẫn giải của ông, người mà trước đó mình chỉ biết mươi bài.

Dầu vậy, vào lúc đó, nhạc Phạm Duy vẫn còn rất xa lạ, ít “phổ thông” hơn nhiều so với các bản “nhạc vàng” của nhiều nhạc sĩ miền Nam khác được bà con (đại đa số ra đi từ miền Bắc) ưa thích, dẫn đến sự “tẩy chay” cuốn băng thật ra là giá trị nhất trong số ba cuốn, bìa có hình ảnh người nhạc sĩ với mái tóc bạc trắng. Câu chuyện này, về sau, khi đã đủ thân, mình có kể cho Phạm Duy nghe và ông tỏ ra khoái chí một cách tự trào.
 
Cuốn video “Phạm Duy - Tác phẩm và con người” của Trung Tâm Thúy Nga - Ảnh tư liệu
Cuốn video “Phạm Duy - Tác phẩm và con người” của Trung Tâm Thúy Nga - Ảnh tư liệu

“Phạm Duy - Tác phẩm và con người” để lại cho mình nhiều suy nghĩ về số phận của người nghệ sĩ trong dòng lịch sử và thời cuộc đảo điên. Mình quyết định viết cho Phạm Duy, bày tỏ ý muốn tìm hiểu sự nghiệp của ông từ chính ông, và thông qua đó, được biết thêm về một thời kỳ lịch sử và đời sống văn nghệ của Việt Nam, mà Phạm Duy là một chứng nhân đặc biệt và khả tín vì ông bảo tồn nhiều tư liệu một cách có ý thức.

Đương nhiên, Phạm Duy không biết mình là ai và mình cũng không có gì để mất khi thử liên hệ thư từ như vậy, cùng lắm là ông bỏ qua và không trả lời, thì thôi, cũng không có gì đáng hổ thẹn. Nhưng rất nhanh chóng, mình nhận được thư Phạm Duy, chữ rất đẹp, bay bướm, văn phong hào sảng, ông tỏ ra vui khi “lớp trẻ miền Bắc” còn quan tâm tới ông và nhạc của ông, và đáp rằng ông sẵn sàng trả lời những gì mình cần!

Lá thư đầu tiên ấy mở ra một thời kỳ kéo dài nhiều năm, khi mình có dịp tiếp xúc với Phạm Duy qua những lá thư tay (dạo đó email đã bắt đầu có, nhưng chưa phát triển, phổ biến), và cứ hàng tuần, ông lại lọ mọ ra bưu điện gửi mình những cuốn cassette do ông tự tay thu về những chương trình hồi tưởng và nghiên cứu sử nhạc, mà ông bảo là tặng riêng cho vài người bạn trẻ của nhóm “Phạm Duy học hội” (PD Study).
 
Nỗ lực bảo tồn giá trị văn hóa Việt Nam thông qua âm nhạc
Nỗ lực bảo tồn giá trị văn hóa Việt Nam thông qua âm nhạc

Thời gian sau đó, mình dần được đọc các hồi ký của Phạm Duy (phần 2 và 3 do ông Võ Thắng Tiết gửi tặng từ Hoa Kỳ, phần 1 do chính Phạm Duy gửi tặng theo lời hứa “để qua Paris, nếu kiếm được sẽ gửi anh đọc chơi”, và phần 4 chỉ phát hành trên mạng thì mình nhận được qua email mỗi chương khi ông vừa viết xong), mình càng ngấm lời anh Đặng Tiến, về giá trị của những cuốn này trong việc tìm hiểu lịch sử Việt Nam.

Những gì mà mình có được, “khai thác” được từ Phạm Duy từ lúc đó tới khi ông qua đời, là một kho tàng tư liệu vô cùng quý báu, nhưng điều mình trân quý nhất là trái với những điều hay được nghe về tính cách kiêu căng, thậm chí... không coi ai ra gì của Phạm Duy, mình được chứng kiến một tấm lòng tận tụy với âm nhạc, văn hóa và quê hương, đặt trong sự ứng xử tôn trọng và thân tình với kẻ hậu sinh vô danh tiểu tốt, là mình.

Rất có thể, mình đã không có được mối hạnh ngộ với Phạm Duy nếu không có cuốn băng 19 “lịch sử” ấy của Thúy Nga (sau này, Trung Tâm còn làm thêm nhiều chương trình về Phạm Duy và các nhạc sĩ lớn khác, đều rất giá trị và công phu). Viễn kiến của thủ lĩnh Tô Văn Lai thể hiện ở loạt chương trình chủ đề như thế, vượt lên tầm các sản phẩm văn nghệ thương mại đơn thuần, vươn tới bảo tồn những giá trị lớn và vĩnh cửu.
 
Nhà kiến tạo “Thúy Nga Paris By Night”, món ăn tinh thần không thể thiếu của người Việt hải ngoại - Ảnh tư liệu
Nhà kiến tạo “Thúy Nga Paris By Night”, món ăn tinh thần không thể thiếu của người Việt hải ngoại - Ảnh tư liệu

Sinh thời, Tô Văn Lai đã đặt một thước đo rất cao trong văn hóa, văn nghệ thông qua thương hiệu “Thúy Nga Paris By Night”, nhưng sự ra đi của ông cũng để lại một câu hỏi bỏ ngỏ: sinh hoạt văn nghệ, và hẹp hơn là âm nhạc hải ngoại sẽ đi về đâu khi thế hệ đầu không còn nữa? Văn hóa Việt, tiếng Việt với công cụ phổ biến hữu hiệu là âm nhạc sẽ thế nào khi sự gắn kết với quê hương ngày càng lỏng lẻo trong các thế hệ sau...

Dầu sao mặc lòng, những cộng đồng xa xứ sẽ không quên công lao và cả sự định hướng văn nghệ của ông, thông qua món ăn tinh thần chọn lọc và chất lượng mà ông đã dày công vun đắp, kiến tạo qua nhiều thập niên. Không phải ngẫu nhiên, truyền thông hải ngoại gọi sự nghiệp của ông là “một trong những định chế văn hóa của người Việt có sức ảnh hưởng lớn nhất bên ngoài Việt Nam”. Mong ông yên nghỉ giấc ngàn thu!

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh