Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Danh nhân Hungary: SZILÁRD LEÓ, NGƯỜI CHA CỦA BOM NGUYÊN TỬ

(NCTG) “Nếu chúng ta muốn thành công trong thế giới này, không cần phải thông minh hơn người khác nhiều. Chỉ cần đi trước người khác một ngày” (Szilárd Leó).
Szilárd Leó cùng Albert Einstein (trái) bàn về lá thư gửi tổng thống Mỹ để thúc giục chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên (năm 1939) - Ảnh tư liệu
Nhà vật lý, tham gia trong quá trình thiết lập lò phản ứng hạt nhân đầu tiên” là thông tin ít ỏi trong giáo trình dành cho người ngoại quốc muốn qua kỳ sát hạch để nhận quốc tịch Hungary về Szilárd Leó (1898-1964). Một câu ngắn ngủi khó khiến chúng ta nắm bắt được tầm vĩ đại của con người được xem như “người Hỏa tinh toàn diện nhất” này. 

Chỉ với chiều cao 167cm, Szilárd Leó được liệt vào Top 5 những nhân vật làm thay đổi thế hệ chúng ta (1). Khi sống đã vậy, qua đời cũng đặc biệt: tro cốt của ông, lạ kỳ thay, được chia làm ba phần: một phần hồi cố hương tại nghĩa trang Kerepesi, một phần ở lại quê hương thứ hai, nước Mỹ, và một phần tan trong không trung bởi khinh khí cầu!

Hiếm ai có được khả năng siêu phàm và tư duy sâu rộng như Szilárd Leó. Bạn thân của ông, đồng thời cũng là một “người Hỏa tinh”, Giải Nobel Vật lý năm 1963 - Wigner Jenő - cho hay: “Trong cuộc đời dài của tôi, tôi đã tiếp xúc với biết bao nhà bác học, nhưng chưa bao giờ tôi được gặp ai có trí tưởng tượng đặc sắc như của Szilárd Leó”.

Chưa bao giờ tôi gặp ai có tư duy và quan điểm độc lập như của Szilárd Leó, và khi tôi nói điều này, quý vị hãy nghĩ rằng, tôi cũng rất quen biết Albert Einstein!”, Wigner Jenő khẳng định. Szilárd Leó “có nhiều sáng kiến như một vị thủ lĩnh bộ lạc có nhiều vợ”, còn đây là nhận xét của nhà hóa sinh học Jacque Monod, quen Szilárd Leó từ năm 1934.

Bài viết ngắn này không nhằm nói về sự nghiệp lẫy lừng của Szilárd Leó, về vai trò mang tính quyết định của ông trong sự ra đời của trái bom nguyên tử đầu tiên - bởi lẽ tất cả những phát kiến của ông đều vượt xa tầm hiểu biết của chúng ta. Sẽ thú vị hơn nhiều nếu chúng ta tìm hiểu, cha đẻ của bom nguyên tử là con người thế nào trong đời thường.
 
Szilárd Leó trong một buổi thuyết giảng - Ảnh tư liệu
Szilárd Leó trong một buổi thuyết giảng - Ảnh tư liệu

Thời còn nhỏ, tôi chỉ quan tâm đến 2 điều: vật lý và chính trị, nhưng không bao giờ tôi nghĩ rằng hai lĩnh vực ấy lại có mối quan hệ với nhau. Có lẽ nhờ hiểu biết về chính trị mà tôi mới sống sót, và nhờ vật lý mà đời tôi mới thú vị như thế này”, Szilárd Leó hồi tưởng. Sự tinh tường và nhạy bén về mặt chính trị quả thực đã giúp ông sống qua thời gian khổ.

Trong đời, Szilárd Leó luôn ở nhà thuê và va-li của ông bao giờ cũng sẵn sàng, nhất cử nhất động mọi việc ông đều nắm bắt và nếu thấy gì bất ổn là ông có thể lên đường ngay, theo lời của chính ông. Thành thử, ngay sau khi Hitler lên nắm quyền và chương trình bài xích, khủng bố người Do Thái được công bố, ông lập tức rời sang Anh rồi Hoa Kỳ.

Vào một ngày đầu tháng 4-1933, tôi lên tàu hỏa sang Vienna. Tàu rỗng không, không có khách. Ngay hôm sau, vẫn chuyến tàu ấy, hành khách dẫm đạp nhau, tàu thì bị chặn ở biên giới, hành khách phải xuống tàu và bị những kẻ Quốc xã thẩm vấn”, Szilárd Leó kể về hoàn cảnh ông rời nước Đức để tìm kiếm nơi chốn an toàn cho bản thân trước họa phát-xít.

Điều này chứng tỏ rằng, nếu chúng ta muốn thành công trong thế giới này, không cần phải thông minh hơn người khác nhiều. Chỉ cần đi trước người khác một ngày”, ông đưa ra lời khuyên đã trở thành huyền thoại. Dầu vậy, trong nhiều vấn đề - như phản ứng hạt nhân dây chuyền và bom nguyên tử - Szilárd Leó không chỉ đi trước thời đại 1 ngày mà còn rất nhiều.

Thường được biết đến nhiều nhất với ý tưởng về lò phản ứng hạt nhân (đăng ký chung với Enrico Fermi, nhà bác học Ý được Giải Nobel Vật lý năm 1938) và bức thư do Albert Einstein ký tên gửi lên tổng thống Mỹ, dẫn tới đại dự án Manhattan chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên, nhưng không phải ai cũng biết, Szilárd Leó còn có vô số phát minh lớn khác.
 
Lá thư làm thay đổi thế giới (gửi tổng thống Roosevelt) và hồi âm của vị nguyên thủ quốc gia Mỹ - Ảnh tư liệu
Lá thư làm thay đổi thế giới (gửi tổng thống Roosevelt) và hồi âm của vị nguyên thủ quốc gia Mỹ - Ảnh tư liệu

Kính hiển vi điện tử, máy gia tốc tuyến tính, tủ lạnh loại mới (mà về sau có thể ứng dụng để làm mát lò phản ứng hạt nhân)... là ba trong số rất nhiều phát minh của ông, mà theo các đồng nghiệp đương thời, hàng ngày ông phải nghĩ ra tối thiểu hai chục ý tưởng mới. Chỉ cần hàng tháng có ít nhất một ý tưởng của ông được đưa ra sử dụng trong thực tế...

Một con số nói lên nhiều điều: thời kỳ 1925-1933, Szilárd Leó có hơn 30 phát minh, trong đó 8 phát minh chung với Albert Einstein. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, ông không tự xây dựng các thiết bị nói trên và cũng không buồn công bố ý tưởng trên các tạp chí, nên đã trao nhiều cơ hội đoạt giải Nobel cho các đồng nghiệp tận dụng phát minh của ông.

Tập quán làm việc của Szilárd Leó khiến ông - trong một thời gian dài - không hề nghĩ tới chuyện kết hôn. Tuy nhiên, vào năm 1951, ở tuổi 53, khi gặp lại bạn cũ - bà Gertrud Weiss - hai người vẫn đi tới hôn nhân. Dầu vậy, họ vẫn ở riêng: bà Gertrud dạy ở Đại học Denver, còn Szilárd thì nghiên cứu ở Chicago nhưng lại sống tại một khách sạn ở New York.

Không chỉ là một nhà vật lý nguyên tử kiệt xuất, Szilárd Leó còn là một nhà hoạt động vì nền hòa bình thế giới (2), cổ vũ cho việc cấm vũ khí nguyên tử trong các xung đột thời Chiến tranh lạnh. Đáng ngạc nhiên nhất là kể từ cuối thập niên 40, ông đã chuyển sang nghiên cứu về sinh vật học, và chẳng mấy chốc đã trở thành một nhà lý sinh học hàng đầu.

Szilárd Leó đã làm rất nhiều để danh hiệu người Hỏa tinh được các đồng nghiệp quốc tế trao tặng cho nhóm khoa học gia Hung kiều tại Mỹ. Trong dự án Manhattan, ông cùng Enrico phụ trách phần thiết kế lò phản ứng hạt nhân, Wigner Jenő phụ trách các vấn đề hóa học, còn Neumann János - “bộ óc vĩ đại nhất đảm đương tính toán về mặt toán học.
 
Người tự chữa lành căn bệnh ung thư cho mình - Ảnh tư liệu
Người tự chữa lành căn bệnh ung thư cho mình - Ảnh tư liệu

Nếu biết được rằng trong dự án, có biết bao gương mặt vĩ đại khác của Mỹ và thế giới, chúng ta mới đánh giá được thích đáng vai trò của nhóm “Mafia Hungary”. Giới khoa học Mỹ truyền tụng rất nhiều về câu chuyện kinh điển và hết sức thú vị sau đây về Enrico Fermi, một thiên tài có sự quan tâm rất rộng đến nhiều vấn đề khác ngoài vật lý hạt nhân.

Một bận, Fermi nói về Hệ Thiên hà cùng vô vàn hành tinh, trong đó có những hành tinh tương tự như Trái đất. Theo ông, khả năng hình thành những nền văn minh có nền khoa học, kỹ thuật phát triển tại các hành tinh khác cũng rất lớn, nhưng đến nay họ vẫn chưa tới thăm Trái đất. Và ông đặt câu hỏi nổi tiếng: “Nếu đúng như vậy thì họ đang ở đâu?”.

Có mặt ở đó và vốn dĩ rất có khiếu hài hước, Szilárd Leó đã điềm nhiên đáp: “Họ ở đây, quanh chúng ta. Họ phát âm tiếng Anh hơi kỳ. Và họ tự gọi mình là người Hung!”. Một điều chắc chắn, nếu thực sự có “những người hành tinh khác” trong nền khoa học đỉnh cao thế giới thế kỷ thứ 20, thì Szilárd Leó phải có tên trong nhóm xuất sắc và toàn diện nhất!

Ghi chú:

(1) Bốn người còn lại là Lincoln, Gandhi, Hitler và Churchill, theo nhận định của nhà nghiên cứu lịch sử khoa học Alice K. Smith.

(2) Nhờ nỗ lực “môi giới” của Szilárd Leó mà đường dây nóng trực tiếp đầu tiên giữa Tòa Bạch ốc và Điện Kremlin đã được thiết lập vào năm 1963.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh