Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Đức Giáo hoàng Phanxicô: XÂY DỰNG SỰ HIỆP NHẤT VÀ CÓ CÁI NHÌN TÍCH CỰC VỀ TƯƠNG LAI

(NCTG) Giá trị quan trọng nhất sau dịch bệnh mà các Cơ-đốc nhân cần có là sự hiệp nhất, và con người cần có cái nhìn tích cực trước các vấn đề của tương lai, bằng không, niềm hy vọng sẽ lụi tàn, theo Bài giảng Thánh lễ mà Đức Thánh Cha Phanxicô chủ trì vào hồi 10h sáng Chủ nhật 31-5, nhân dịp đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống tại Nhà nguyện Thánh Thể trong Đại vương cung thánh đường Thánh Phêrô.
Đức Giáo Hoàng Phanxicô - Ảnh: Alessandra Benedetti
Vì lý do dịch bệnh, nên tại đền thờ chính này của Giáo hội Hoàn vũ - mới được mở lại hôm 18-5 sau hơn hai tháng đóng cửa vì Covid-19 - chỉ có chừng 50 giáo dân có dịp tham dự Thánh lễ, mà thông điệp chính là sự hiệp nhất, thông qua Chúa Thánh Thần, Đấng hiệp nhất sự khác biệt trong Giáo hội tiên khởi vốn gồm các vị Tông đồ “xuất thân từ những hoàn cảnh xã hội khác nhau (...) và tính cách cũng khác biệt”.

Trả lời câu hỏi “trước sự khác biệt này Chúa Giêsu đã làm gì?”, Đức Thánh Cha Phanxicô đáp: “Chúa Giêsu không thay đổi các Tông đồ theo một khuôn mẫu giống nhau. Chúa vẫn duy trì sự khác biệt của các Tông đồ nhưng hiệp nhất các ông” trong Lễ Ngũ Tuần thông qua “sức mạnh hiệp nhất của Chúa Thánh Thần”, “Đấng dệt nên sự hiệp nhất từ đa dạng và mang lại sự hòa hợp vì Ngài chính là Đấng hòa hợp”.
 
tt1

Trở về hiện tại, Đức Thánh Cha đặt câu hỏi: “Điều gì liên kết chúng ta, sự hiệp nhất của chúng ta được đặt nền tảng trên điều gì?”. Bởi lẽ, theo Ngài, “Chúng ta cũng có những điều khác nhau như: về ý kiến, sự lựa chọn, tình cảm. Chúng ta luôn bị cám dỗ mạnh mẽ trong việc bảo vệ ý kiến của mình, chúng ta tin rằng ý kiến của chúng ta tốt cho mọi người và chúng ta chỉ hòa hợp với ai có cùng ý kiến với chúng ta”.

Nhưng đó là đức tin được tạo nên từ những hình ảnh của chúng ta; không phải điều Chúa Thánh Thần muốn”, Đức Thánh Cha nhấn mạnh, và nhắc lại: “Thế gian chỉ nhìn thấy những khuynh hướng của chúng ta; Chúa Thánh Thần nhìn chúng ta là những người con của Chúa Cha và là anh chị em của Chúa Giêsu. Thế gian nhìn thấy những người bảo thủ và tiến bộ; Chúa Thánh Thần nhìn ra đó là con cái Thiên Chúa”.
 
tt2

Nói về thời kỳ hậu dịch bệnh, Đức Giáo hoàng Phanxicô nhắc tới “bí quyết của sự hiệp nhất”: đó “chính là Chúa Thánh Thần” và “Chúa Thánh Thần chính là hồng ân, sống trao ban chính mình, và bằng cách này liên kết chúng ta lại với nhau để chúng ta được chia sẻ cùng một hồng ân”. Tuy nhiên, theo Ngài, hồng ân có ba kẻ thù “luôn ẩn nấp tại cánh cửa tâm hồn chúng ta”, “cản trở mỗi người trao ban chính mình”.

Kẻ thù thứ nhất đó là thái độ chỉ yêu mình”, “thần tượng chính mình, chỉ quan tâm đến những gì có lợi cho mình”, “chỉ nghĩ đến những nhu cầu của mình, làm ngơ trước những nhu cầu của người khác”, theo Đức Thánh Cha. “Cuộc sống tốt khi nó có lợi cho tôi”, “Tại sao tôi phải hy sinh bản thân mình cho người khác?” là suy nghĩ của họ, và Ngài cho rằng “thời điểm đại dịch này biết bao tổn hại do thái độ này gây ra”.
 
tt8

Kẻ thù thứ hai là thái độ duy nạn nhân (...) cũng nguy hiểm không kém”, Ngài nhận xét và nói thêm: “Người có lối sống này luôn luôn than phiền về người khác: “Không ai hiểu tôi, không ai giúp đỡ tôi, không ai yêu thương tôi!”. Những người này có trái tim khép kín, và hỏi: “Tại sao không ai quan tâm đến tôi?”. Ngài kết luận: “Trong giai đoạn khủng hoảng chúng ta đã trải nghiệm thái độ duy nạn nhân thật là tệ hại!”.

Thái độ bi quan là kẻ thù cuối cùng của hồng ân, với những con người “luôn luôn than phiền rằng: “không có gì tốt đẹp, xã hội, chính trị, Giáo Hội...”. “Người bi quan nổi giận với thế giới, nhưng thu mình lại và chẳng làm gì”. “Trong lúc mọi người đang cố gắng để bắt đầu lại, thì người bi quan lại nhìn mọi việc dưới cái nhìn tiêu cực và luôn lặp lại rằng không gì có thể trở lại được như trước!”, theo lời Đức Thánh Cha.
 
tt7

Và Ngài kết luận: “Những ai suy nghĩ và có thái độ sống như thế nơi họ không có niềm hy vọng. (...) Cần phải biết trân trọng hồng ân sự sống, hồng ân là mỗi người trong chúng ta. Vì thế, chúng ta cần Chúa Thánh Thần, hồng ân của Thiên Chúa để chữa lành khỏi những thái độ sống như trên”, để “giải thoát khỏi chứng bại liệt của tính ích kỷ và thắp lên trong chúng ta ước muốn phục vụ, ước muốn làm điều tốt”.

Điều tệ hại hơn khủng hoảng hiện nay chính là thảm kịch con người tự đóng cửa tâm hồn mình”, Đức Giáo Hoàng kết thúc Bài giảng Thánh lễ nhân dịp đại lễ Chúa Thánh Thần Hiện Xuống với lời cầu nguyện xin cho mỗi Cơ-đốc nhân hãy “trở thành những người xây dựng sự hiệp nhất”, “lòng can đảm đi ra khỏi chính mình để yêu thương và giúp đỡ lẫn nhau”, “nhờ đó trở nên anh chị em trong cùng một gia đình”.
 
tt6

(*) Các trích đoạn trong bài từ bản dịch của “Vatican News”.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh