Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CON ĐƯỜNG SỐ 67 CỦA BÓDI LÁSZLÓ

(NCTG) Nếu con đường ấy không đi qua thành phố Kaposvár, nếu không có một tình yêu và sự đoạn tuyệt diễn ra ở đó, và nếu không có người nghệ sĩ qua đời cách đây tròn 5 năm sáng tác một bài ca về nó, để rồi ban nhạc “Republic” của anh đã đưa ca khúc ấy lên hàng một trong những tình khúc hay nhất của Hungary kể từ thời thay đổi thể chế, thì đường số 67 chỉ là một trong số hàng trăm hàng vạn con đường bình thường khác tại Hungary.
Ca - nhạc sĩ Bódi László (1965-2013)
Cơn mưa to chợt ào đến
Anh lên đường, đi thật xa
Trên con đường số sáu bảy
Có em đợi anh, run rẩy.

Đường số 67 (67-es út) là con đường chính nối Balatonszemes với Szigetvár, và Bódi László “Cipő” đã sáng tác bài ca để đời về nó vào năm 1994, khiến 4 năm sau khi anh thành lập ban nhạc “Republic” (1990), trong thời gian rất dài, giới trẻ Hung đâu đâu cũng thấy hát “Đường số 67”, bên cạnh “Giá em ở bên anh” (Ha itt lennél velem), hai “bom tấn” trong nền nhạc tình ca Hungary.

Trong số những đô thị mà đường số 67 dài khoảng 90km đi qua, thành phố lớn nhất và có tuổi đời lớn nhất là Kaposvár, được nhắc tới tên từ năm 1009 trong chỉ dụ ấn định giáo phận Pécs của vị vua lập quốc Hungary, Thánh István. Đây là nơi mà chính người ca - nhạc sĩ Bódi trong một concert, đã thổ lộ với khán thính giả rằng mỗi lần tới biểu diễn, anh lại thấy như được về nhà.

Bởi lẽ, như lời anh, chừng nào “Republic” tồn tại, giữa ban nhạc và vùng đất này, có một cầu nối, một sự gắn bó, chính là bài ca “Đường số 67”...
 
Với thần tượng Bródy János trong Ngày Ca khúc Hungary (2008) - Ảnh tư liệu
Với thần tượng Bródy János trong Ngày Ca khúc Hungary (2008) - Ảnh tư liệu

Như đa số các sáng tác của Bódi, “Đường số 67” (còn có tựa đề phụ “Những vì sao”) có nét nhạc trong trẻo, ca từ dễ hiểu, dễ nhớ và ca từ ý nghĩa, giàu nhạc điệu và nên thơ. Bódi gọi đó là “dòng Pop hay Beat của Hungary”, hội tụ nhiều nét của các dòng nhạc Beat, Rock, Folk, Punk, Softrock..., và nhận xét rằng vào thập niên 90 thế kỷ trước, đây là thứ đã bị “khai tử” ở Hung.
 
Đêm hè, nếu anh không tới
Mưa cứ rơi, trời sấm chớp
Những vì sao, em choáng váng
Mưa rơi, và không thấy anh.

Không có chất giọng thật đặc biệt, nhưng mỗi lần Bódi cất tiếng, là một lần khán thính giả cảm thấy anh thì thầm tâm sự, chia sẻ. Mỗi bài ca của anh là một câu chuyện và hầu như bao giờ cũng vậy, bên cạnh nét tươi sáng, luôn có cái gì u uẩn, buồn bã - có lẽ đúng như lời tự thuật, Bódi không cảm thấy thích thú với cuộc sống, về căn bản anh coi mình là người bi quan và rất kiệm lời.

Đoạn điệp khúc như sáng lên với lời nguyện cầu gửi tới những vì sao, khi nhắc tới con đường của hai người từng yêu nhau, giờ đã chia đôi. Nhạc điệu tha thiết, day dứt và đượm nỗi âu lo. Tự nhận không thuộc trào lưu thử nghiệm tân kỳ, mà chỉ theo đuổi con đường sáng tác những giai điệu dễ “cảm” và đặt trọng tâm vào lời ca giàu ý nghĩa, Bódi đã tỏ ra hiệu quả với ca từ đơn giản:
 
Sao trời hãy nói cho em
Anh yêu giờ ở nơi đâu?
Đường anh đi nguy hiểm lắm
Và đường em đi cũng vậy.

Để rồi, bài ca kết thúc với những lời an ủi. Rồi cũng có lúc cả anh, cả em, sẽ về với ngôi nhà ấy thôi. Nhưng, nó có thể là ngôi nhà của đôi ta, mà cũng có thể là những ngôi nhà riêng của từng người, an bài với ai đó khác. Miễn là hãy trở về, bỏ sau lưng những gập ghềnh nhân thế, vì định mệnh là như thế và chúng ta đã phải theo định mệnh ấy. Âm điệu chủ đạo như chùng xuống:
 
Một ngày trên con đường ấy
Anh cũng sẽ về thôi anh
Và một ngày em cũng vậy
Sẽ về ngôi nhà đôi ta...

Tương truyền, Bódi viết bài ca này cho người yêu của mình, khi hai người chấm dứt mối tình. Người nghệ sĩ không chịu được sự chia tay ấy, và những suy tư cứ thế tuôn tràn về con đường số 67 dẫn tới thành phố quê hương của cô gái, Kaposvár. Và dường như trong nhiều năm, anh cũng không nhận được hồi âm của cô và khi đó, anh chỉ còn biết hướng lên những vì sao trên trời cao...
 
Người hâm mộ không quên Bódi László...
Người hâm mộ không quên Bódi László...

Trong số khoảng 240 ca khúc của Bódi sáng tác cho “Republic” và các ca sĩ khác, có không ít bản tình ca để lại dấu ấn sâu đậm trong nền nhạc trẻ Hungary sau mốc thời gian 1989-1990, ở đây chỉ cần nhắc tới “Yêu ai đó, vì điều gì đó” (Szeretni valakit valamiért), “Hãy cho anh nghị lực và thời gian” (Adj erőt és adj időt), “Nếu một lần nữa anh được thấy” (Ha mégegyszer láthatnám), hay “Giá em ở bên anh”.

Nhưng có lẽ, không có bài hát nào của Bódi, mà mỗi lần nhạc được cử lên là đủ để cả cầu trường hát cùng, và hát thay người ca sĩ, như “Đường số 67”, “khúc ca của Kaposvár”. Tròn 5 năm sau ngày anh đi xa, mộ anh vẫn luôn có những bó hoa tươi của người hâm mộ, và anh vẫn được đời sau nhớ tới như những vì sao trong ca khúc. Ở nơi ấy, người ca sĩ chắc đã tìm được về ngôi nhà của mình...
 
A 67-ES ÚT (CSILLAGOK, CSILLAGOK)

Nagy esők jönnek, és elindulok, elmegyek innen messze.
A 67-es úton várhatsz rám dideregve,
Nyáréjszakán ha nem jövök, esik az eső és mennydörög,
A csillagokkal ha szédülök, esik az eső, és nem találsz rám.

Csillagok, csillagok, mondjátok el nekem,
Merre jár, hol lehet most a kedvesem.
Veszélyes út, amin jársz, veszélyes út, amin járok.
Egyszer Te is hazatalálsz, egyszer én is hazatalálok.

Nagy esők jönnek, és itt maradok, itt maradok örökre
A 67-es út mellett, az árokparton ülve.
Nyáréjszakán ha nem jövök, esik az eső és mennydörög,
A csillagokkal ha szédülök, esik az eső, és nem találsz rám.

Csillagok, csillagok, mondjátok el nekem,
Merre jár, hol lehet most a kedvesem.
Veszélyes út, amin jársz, veszélyes út, amin járok.
Egyszer Te is hazatalálsz, egyszer én is hazatalálok.

(*) Ngày 14-2-2013, đúng vào Ngày Tình nhân, thủ lĩnh Bódi László “Cipő” của ban nhạc “Republic” phải vào viện vì bệnh tim và anh đã bị hôn mê sâu mà không tỉnh lại được từ lúc đó. Sau hơn 3 tuần chống cự với bệnh tật, trái tim của người nghệ sĩ phải đầu hàng trước Thần chết rạng sáng ngày 11-3. Hungary đánh mất người ca - nhạc sĩ nổi bật nhất kể từ thời thay đổi thể chế (1989-1990).

Để tưởng nhớ người ca - nhạc sĩ tài ba, trong đoạn đường dài 33km dẫn tới Kaposvár của đường số 67 hiện đang trong quá trình mở rộng bắt đầu từ cuối năm ngoái, có một đoạn đặc biệt dài 500m được thiết kế và xây dựng để xe cộ khi đi ngang qua sẽ phát ra nhạc điệu bài ca “Đường số 67”. Theo kế hoạch, đoạn đường đó sẽ được hoàn tất vào năm 2019 với nguồn kinh phí 60 tỷ Forint.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh