Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


75 năm Máté Péter: “KHI ANH RA ĐI, MẶT TRỜI KHÔNG CÒN BAO GIỜ RẠNG RỠ”

(NCTG) Sáng Chủ nhật 9/9/1984, Đài Phát thanh Hungary báo tin dữ về sự ra đi bất ngờ ở tuổi 37 của Máté Péter, nam ca sĩ được xem là “Elvis Presley của nước Hung”. Vài ngày sau, trong lễ tang của ông, đoàn người đồng thanh hát “ngày Chủ nhật, khi anh ra đi” (vasárnap volt, amikor elmentél) cùng lời ca của người nghệ sĩ quá cố. Hôm nay, tượng đài của nền nhạc nhẹ Hungary tròn 75 tuổi.
Ca, nhạc sĩ Máté Péter (1947-1984) - Ảnh: Urbán Tamás (Fortepan)
Cuộc đời và cái chết của Máté Péter là đề tài của nhiều huyền thoại và cả những lời đồn thổi. Điều có thể biết được một cách chắc chắn, ông chào đời năm 1947 tại Budapest, học nhạc từ năm 6 tuổi, có bản nhạc thu âm đầu tiên trên sóng phát thanh năm 1967 “Anh đợi, em tới chưa?” (Úgy várom jössz-e már), năm 1973 được giải nhất cuộc thi nhạc nhẹ “Made in Hungary” với ca khúc “Lá vàng rơi” (Hull az elsárgult levél).
 
Thập niên 70, Máté Péter giành giải trong nhiều cuộc thi âm nhạc tại Liên Xô, Hy Lạp, Ireland và Pháp, và bài hát nổi tiếng nhất của ông “Anh ra đi” (Elmegyek) được biết thế giới biết đến qua bản cover của nhiều ca sĩ quốc tế, trong đó có nữ danh ca Pháp Sylvie Vartan. Được xem là có “tai nhạc” tuyệt vời từ bé, trong sự nghiệp, Máté Péter tỏ ra toàn tài khi ông là tác giả 2 vở nhạc kịch, 6 đĩa nhạc và khoảng 150 ca khúc.
 
Máté Péter ra đi năm 1984 vì nhồi máu cơ tim, để lại nhiều đồn đoán. Ca sĩ Poór Péter cùng thời với ông nói rằng “chỉ 3 người biết sự thật, trong đó có tôi”, nhưng “sự thật” không được tiết lộ. Anh trai của người ca sĩ, Máté Pál, thì nói rằng em của ông bị hở van tim bẩm sinh nên chỉ nhận được 37 năm từ Đức Chúa trời, và có ý trách thiên hạ quan tâm nhiều đến cái chết của em ông, hơn là cuộc đời của người nam danh ca.
 
Di sản mà Máté Péter để lại là đáng nể với rất nhiều bài hát tới giờ vẫn được ưa chuộng và được giới trẻ hát lại không ngừng. Trong đó, có những bản tình ca đẹp nhất của nền nhạc nhẹ Hungary như “Có em đứng ở cuối đường” (Ott állsz az út végén), “Hãy đợi anh” (Kell, hogy várj), “Có một thời...” (Egyszer véget ér), “Gần như là tình yêu” (Ez majdnem szerelem volt) hay “Một mảnh từ trái tim tôi” (Egy darabot a szívemből).
 
Bên cạnh đó, ông cũng được ưa thích với nhiều tác phẩm về tình bạn, về ý nghĩa cuộc đời... như “Vì thế có những người bạn tốt” (Azért vannak a jó barátok), “Tổ quốc tôi” (Hazám), hay “Sống làm sao thiếu âm nhạc?” (Zene nélkül mit érek én) với phần ca từ được đánh giá là đẹp và giàu cảm xúc. Đây cũng là một trong những lý do khiến ca khúc của ông được nhiều thế hệ du học sinh Việt Nam tại Hung “thuộc nằm lòng”.
 
Tại phòng thu âm của Đài Phát thanh Hungary (MR), ngày 31/1/1980 - Ảnh: Hámor Szabolcs (MTI)
Tại phòng thu âm của Đài Phát thanh Hungary (MR), ngày 31/1/1980 - Ảnh: Hámor Szabolcs (MTI)
 
Máté Péter được coi là “sinh nhầm thế kỷ”, khi tại nước Hungary cộng sản còn chưa có khái niệm “ngôi sao”, thuở khởi đầu, nhạc ông chơi còn phải núp dưới bóng các “ca khúc chính trị”. Một thời gian, Trung ương Đảng còn đưa ông vào danh sách cấm diễn (nhưng không hề thông báo cho người nghệ sĩ biết) vì một bài hát của ông có ca từ “trái tai” một cán bộ đảng thuộc Hội Hữu nghị Hungary - Liên Xô và bị vị này “tố”.
 
Thực sự là một thần đồng trong nền nhạc nhẹ Hungary với khả năng sáng tác và hát, cũng như chơi được nhiều nhạc cụ với tài hòa âm phối khí xuất sắc, dầu vậy, sinh thời, Máté Péter không nhận được sự thừa nhận xứng đáng như các nghệ sĩ tài ba ngang tầm với ông tại các quốc gia Phương Tây và đó là điều khiến ông lao vào rượu chè, thuốc lá và vòng tay phụ nữ, nhiều khi, ông làm việc suốt đêm không ngừng nghỉ...
 
Trong số các ca khúc của Máté Péter, “Anh ra đi” (Elmegyek) ra đời năm 1976 có vai trò đặc biệt và chói lọi nhất: cho tới giờ, không có tuần nào mà một kênh radio lại không chơi lại bản đó. Một thống kê năm 2017 của Hiệp hội Bảo hộ Tác quyền Hungary Artisjus cho hay, đây là bài hát quan trọng thứ nhì trong lịch sử nhạc nhẹ Hungary sau “Cô gái có mái tóc ngọc” (Gyöngyhajú lány) của ban nhạc huyền thoại “Omega”.
 
“Anh ra đi” đã được tác giả hát bằng tiếng Anh trong các chuyến lưu diễn ngoại quốc, và được cover qua gần 10 thứ tiếng, trong đó có tiếng Việt. Có thể hiểu nó như một bản tình ca kể câu chuyện một người tình đột ngột bỏ ra đi vào ngày Chủ nhật mà không một lời chia tay, giã từ, khiến ngày hôm đó trở nên “chết chóc”, và mặt trời mãi mãi không còn rọi sáng trong tâm tưởng người ở lại, vẫn luôn chờ đợi và kiếm tìm.
 
Được coi là tiếp nối âm hưởng của “Chủ nhật buồn” (Szomorú vasárnap) nổi tiếng - Quyên sinh ca” của thế kỷ 20 đã khiến bao người tự vẫn -, “Anh ra đi” được biết đến nhiều nhất tại các quốc gia nói tiếng Pháp với bản cover “Nicolas” (1979) của nữ danh ca Sylvie Vartan với nội dung khác, được một bình chọn ở Paris năm 1981 bầu là “Bản nhạc Pháp xuất sắc nhất của thế kỷ 20” theo tin của báo chí đương thời.
 
Cùng vợ, Edit, người đã ở vậy nuôi 2 con nhỏ từ 38 năm nay sau cái chết của chồng vì “không ai có thể được như anh ấy, không ai có thể giống anh ấy” - Ảnh: blikk.hu
Cùng vợ, Edit, người đã ở vậy nuôi 2 con nhỏ từ 38 năm nay sau cái chết của chồng vì “không ai có thể được như anh ấy, không ai có thể giống anh ấy” - Ảnh: blikk.hu
 
Điều thú vị mà vào khi đó còn chưa ai biết tới mà chỉ rất lâu sau đó, khi sách tiểu sử Sylvie Vartan được ấn hành, đại chúng mới được biết rằng thân mẫu của nữ ca sĩ - bà Mayer Ilona - là người Hungary. Trong những năm tháng của “Chiến tranh lạnh”, khối Đông Âu từng có thể tự hào khi có một ca khúc sáng tác sau “bức màn thép” lại chinh phục Tây Âu thông qua diễn xuất của một nghệ sĩ di cư từ Bulgaria qua Paris.
 
Tuy nhiên, điều còn ít biết hơn nữa, là bối cảnh mà bài hát ra đời lại không phải một mối tình cụ thể. S. Nagy István, bạn nhân nhất, đồng thời cũng là người viết lời cho đa số các ca khúc của Máté Péter, kể lại rằng trên đường về nhà, hai người bàn xem có nên nhận lời mời ký hợp đồng 5 năm hay không với RCA (Radio Corporation of America) Records, một trong những hãng thu âm lớn nhất của Hoa Kỳ đương thời.
 
Đi hay ở” là điều mà cặp tác giả ngẫm nghĩ, và vào thời điểm đó, “đi” nghĩa là chia tay nước Hung cùng gia đình, bạn hữu và có thể chưa biết khi nào trở lại. “Anh ra đi” ra đời trong hoàn cảnh đó, và như chúng ta đã biết, người nghệ sĩ chọn ở lại quê hương với biết bao khó nhọc, bỏ viễn cảnh “ra đi, ra đi, nhưng đi đâu cũng không biết”, “rời gia đình, đến bạn bè thân thiết cũng không giã từ” được mô tả trong bài hát nổi tiếng.
 
Và ở quê hương đó, dầu không hoàn toàn có được sự tưởng thưởng trong đời, nhưng bù lại, Máté Méter được cả nước nhớ tới. Năm 2018, một giải thưởng nhà nước mới mang tên ông dành cho giới nghệ sĩ trong thể loại nhạc nhẹ và nhạc Jazz được thành lập và trao vào Đại lễ 15/3, với mục đích công nhận và trân trọng tài năng và cống hiến của những ca sĩ “nhạc trẻ” xuất sắc mà người dân vẫn nghe hàng ngày.
 
Nhưng, có lẽ không có vinh dự nào lớn lao hơn với người nghệ sĩ là trong tâm tưởng của nhiều người Hung đam mê âm nhạc từ gần 40 năm nay, ngày mà Máté Péter từ giã cõi trần, là “ngày Chủ nhật chết chóc” (halott vasárnap), khi với người ở lại, “Mặt trời không còn bao giờ rạng rỡ - Chỉ nếu tới khi nào anh trở lại” (Nekem többé már a Nap sem tündököl - Csak ha újra megjönnél) như trong lời bài ca nổi tiếng của ông...
 
Sylvie Vartan, người đưa bản “Anh ra đi” của Máté Péter đến với thế giới - Ảnh: Internet
Sylvie Vartan, người đưa bản “Anh ra đi” của Máté Péter đến với thế giới - Ảnh: Internet
 
ANH SẼ RA ĐI
(Giáp Văn Chung dịch)
 
1. Tung tăng một dòng suối nhỏ, sớm chiều hát ca
Suối va vào vách đá, và tiếng ca vỡ òa
Khi em bỏ anh đi
Anh thành gương nước hồ lặng lẽ
Mặt trời thôi rực rỡ trong anh…
Chỉ nếu một mai em lại quay về.
 
ĐK:
Anh sẽ ra đi, đi về đâu anh nào có hay
Sẽ rời xa tổ ấm, bạn hữu chẳng chia tay
Anh đi tìm em, dù em đang ở phương nào
Trong nỗi nhớ nôn nao
Anh biết em vẫn chờ anh tới.
 
Vào Chủ nhật em đã bỏ ra đi
Nhưng với anh em không hề mất
Chỉ có ngày Chủ nhật
Là đã chết trong anh
Từ lúc em đi
Với anh Mặt Trời thôi rực rỡ…
Chỉ nếu một mai em lại quay về
 
2. Em bỏ anh đi trong ngày Chủ nhật
Là từ khi anh chỉ thấy màu đen
Mọi sắc màu đã bỏ theo em
Từ lúc mình biệt ly
Những ngày vui cũng đã ra đi…
Chỉ nếu một mai em lại quay về.
 
Con người mà sự ra đi của ông đã mang theo “một mảnh từ trái tim tôi” (Egy darabot a szívemből), và chấm dứt cả một thời (Egyszer véget ér), như tiêu đề các ca khúc nổi tiếng của ông mà tới giờ hậu thế vẫn hát hàng ngày - Ảnh tư liệu
Con người mà sự ra đi của ông đã mang theo “một mảnh từ trái tim tôi” (Egy darabot a szívemből), và chấm dứt cả một thời (Egyszer véget ér), như tiêu đề các ca khúc nổi tiếng của ông mà tới giờ hậu thế vẫn hát hàng ngày - Ảnh tư liệu
 
ELMEGYEK
(Máté Péter, S. Nagy István)
 
Egy kis patak mindig rohant,
s közben csak énekelt.
egy sziklafal útjába állt,
s a dalnak így vége lett.
 
Én is így lettem néma víztükör,
mikor tőlem elmentél.
Nekem többé már a Nap sem tündököl,
csak ha újra megjönnél.
 
Elmegyek, elmegyek,
milyen úton indulok, még nem tudom.
Elhagyom otthonom,
még a jó barátoktól sem búcsúzom.
Elmegyek, elmegyek,
igen megkereslek én, bármerre jársz.
Nem tudom, hogy merre vagy,
mégis úgy érzem, hogy engem egyre vársz.
 
Vasárnap volt, vasárnap volt,
amikor elhagytál.
Azóta én minden napot
feketével írok már.
 
Látod így vitted el a színeket,
mikor tőlem elmentél.
Nekem többé már nem lesznek ünnepek,
csak ha újra megjönnél.
 
Elmegyek, elmegyek,
milyen úton indulok, még nem tudom.
Elhagyom az otthonom,
még a jó barátoktól sem búcsúzom.
Elmegyek, elmegyek,
igen megkereslek én, bármerre jársz.
Nem tudom, hogy merre vagy,
mégis úgy érzem, hogy engem egyre vársz.
 
Elmegyek, elmegyek,
milyen úton indulok, még nem tudom.
Elhagyom az otthonom,
még a jó barátoktól sem búcsúzom.
Elmegyek, elmegyek,
igen megkereslek én, bármerre jársz.
Nem tudom, hogy merre vagy,
mégis úgy érzem, hogy engem egyre vársz.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh