Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


BÓNG ĐÁ HUNGARY TẠI VIỆT NAM (PHẦN 1)

(NCTG) Trong số các quốc gia XHCN (cũ) thì Hungary, dù xa xôi, nhưng lại là nước có nhiều duyên nợ với nền bóng đá Việt Nam. Nền bóng đá Hung với những tên tuổi vĩ đại như Puskás, Hidegkuti, Albert Flórián..., đã ghi lại dấu ấn trong lòng người hâm mộ Việt Nam với những hình ảnh trong quá khứ mà đến nay, báo chí thể thao Việt Nam vẫn thường nhắc lại như một hoài niệm đẹp.
Cựu danh thủ Détári Lajos cũng không thành công tại Việt Nam
Mở đầu là chuyện đội tuyển (miền Bắc) Việt Nam thời cuối thập niên 60 thế kỷ trước đã có một chuyến tập huấn “huyền thoại” kéo dài nửa năm tại Hungary vào năm 1969, được cựu danh thủ Vũ Mạnh Hải (Thể Công) đánh giá là “có tác dụng nâng cao trình độ hoàn thiện kỹ năng của một cầu thủ bóng đá”. Rồi sau đó, Hungary cũng thường xuyên cử các đại diện (đa phần là các cầu thủ trẻ) sang dự các giải SKDA.

Tại giải hữu nghị giữa các đội bóng quân đội các nước anh em này, được coi là đỉnh cao của giao lưu bóng đá quốc tế thời “bao cấp”, năm 1985, tuyển Hung đã giành được chiến thắng trong một trận chung kết nảy lửa và đầy kịch tính tại Sân vận động Hàng Đẫy, trước tuyển Quân đội Liên Xô, mà trong hàng hậu vệ sừng sững danh thủ Khidiyatullin (Spartak Moscow, Karpaty Lvov), về sau có mặt trong “đội hình vàng” đoạt huy chương bạc tại EURO 1988 ở Tây Đức.

Dạo ấy (thập niên 80 thế kỷ trước), người hâm mộ bóng đá Việt Nam cũng đã được biết tên và “mục sở thị” trọng tài FIFA người Hung, ông Huták Antal, cũng như một số cầu thủ Hung nổi tiếng như Kiprich, Vincze..., nhưng có lẽ đến giờ, ít ai còn nhớ rằng ngay từ đầu thập kỷ 80, có hai huấn luyện viên người Hung - các ông Borsányi György và Szini József - đã đầu quân cho Câu lạc bộ (CLB) Công an Hải Phòng!

Tuy nhiên, phải chờ đến những năm đầu của thiên kỷ thứ ba này, giới hâm mộ túc cầu Việt Nam mới được “chiêm ngưỡng” các cầu thủ Hungary, thi đấu trong sắc áo của một câu lạc bộ Việt Nam: đội Ngân hàng Á Châu ACB-HN (Asia Commercial Bank), được coi là một “đại gia” về tiền bạc trong làng bóng đá Việt Nam.
*

Báo chí Hungary đã dùng từ “người thèm phiêu lưu” (kalandvágyó) để chỉ hai “lá cờ đầu” của bóng đá Hung tại Việt Nam, các cầu thủ Takács Lajos và Ördög Ferenc; cả hai đều “đánh thuê” cho ACB-HN khi đội này còn thi đấu ở Hạng Nhất. Câu hỏi tại sao Việt Nam lại “vời” các cầu thủ ở một xứ sở xa xôi như thế đến thi đấu, có thể giải đáp là nhờ những duyên nợ và mối quan hệ với nước Hung của ban lãnh đạo CLB ACB-HN, trong đó có chủ tịch Nguyễn Đức Kiên.

Tuy nhiên, báo chí Hung cũng đã đặt một câu hỏi ngược lại: tại sao Takács Lajos và Ördög Ferenc lại sang tận Việt Nam, thậm chí tham dự giải Hạng Nhất (chứ không phải Ngoại Hạng - V-League), để “chu du thiên hạ”? Câu trả lời - từ phía các cầu thủ - khá đơn giản: tiền! Nửa năm sau khi tới Việt Nam, trả lời báo chí Hung, Takács cho biết:

Không có gì phải giấu giếm, chúng tôi qua đây vì tiền, người ta trả chúng tôi mức lương cao đến nỗi ở Hung thì hoàn toàn không dám mơ tới. Chúng tôi muốn thi đấu hết thời hạn một năm của hợp đồng, và nếu có thể thì tiếp tục ở lại”. Cần nói thêm là ở Hung thì cặp Takács & Ördög chỉ là các cầu thủ hạng nhì (họ từng khoác áo các CLB yếu ở các tỉnh, thành phố nhỏ như Kaposvár, Fehérvár, Sopron và Eger), nhưng tại Việt Nam thì ít nhiều, họ cũng có thể là những ngôi sao!

Có điều, để được hưởng mức lương ấy, cả hai đều cũng phải “nếm mùi” cảnh sống ở xứ lạ. Thuật lại với báo Hung, Takács và Ördög cho biết sau khi sang Việt Nam, trong nhiều ngày liền, họ bị sốt li bì trong trại tập huấn do không chịu được thời tiết nhiệt đới, cũng như những món ăn lạ; chỉ với giấy phép đặc biệt, hai người mới được ăn đồ ăn thức uống “truyền thống” của châu Âu.

Một điều an ủi: dưới con mắt của các ngoại binh Hung thì cho dù ACB-HN không phải là đội mạnh, nhưng các trận của đội luôn thu hút được 10-15 ngàn khán giả cuồng nhiệt, và con số này, so với giải vô địch của Hungary (nhất là Hạng Nhì của Hung), thì thật là đáng kể!

Xem tiếp Phần 2 của bài viết.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh - Còn tiếp