Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


ĂN VÀ BIẾT SẼ NHỚ NHAU

(NCTG) “Nhìn người nói, nhìn người làm là biết một nếp nhà của một thời, đã đành, còn có thể biết ít nhiều nếp sống của nhiều đời trong một gia đình nữa”.
Chiều hạ vàng ở Salzburg (Áo), tháng 9-2019
Gửi chị Hoài Thu Loos

Quý người vì được ăn, nói thế thì có vẻ tự dìm hàng quá. Mình không tự dìm, nhưng đúng là càng được ăn mình càng quý người.

Mới đầu thì không. Chỉ toàn những ngỡ ngàng ngần ngại. Chứ sao! Mình thì lành, cò rù, cổ lỗ, có nhiên là phải rụt rè rồi trước người: tầm vóc hoành tráng hơn, tóc muối tiêu phạt sát gốc phía trước như húi cua, phía sau lại nuôi một dúm dài tới tận thắt lưng, áo quần thì lụng thụng lòe xòe. Vụ áo quần lụng thụng lòe xòe màu sắc vừa nhẫn nhịn vừa bùng nổ này thì mình rất chịu, rất đúng khẩu vị về cái đẹp của mình, mà mình thì không mốt được thế như mình muốn, rụt rè là phải lắm rồi.

Người đã hùng dũng và mốt thế thì chớ, lại còn sục sôi bão lũ trong công việc, trong ứng xử, và giắt lưng những hai cái huân chương của chính phủ Đức, vì những đóng góp vào công cuộc hội nhập của cộng đồng thiểu số Việt ở đất này. Nói tóm lại, mình hoàn toàn bị áp đảo, không hề định trước rồi sẽ có một ngày mình lại thân thiết, trong chừng mực nào đó, thật sự là tri giao với người đàn bà đồng hương này. Bảo rồi mà: vì được ăn, được ăn ngon. Xa xứ sở mà lại được ăn đúng khẩu vị như ai xa xứ cũng thèm, dễ gì. Nhưng miếng ăn có khi nào chỉ là miếng để ăn chưa nhỉ?
 
Chị Hoài Thu Loos trong Lễ trao Giải thưởng 'Người Phụ nữ Berlin' (Berliner Frauenpreis 1999), cùng Bộ trưởng Bộ Phụ nữ và Lao động Tiểu bang G. Schöttler và Thứ trưởng K. Korthăse. Tòa Thị chính Đỏ, Berlin tháng 3-1999 - Ảnh tư liệu
Chị Hoài Thu Loos trong Lễ trao Giải thưởng "Người Phụ nữ Berlin" (Berliner Frauenpreis 1999), cùng Bộ trưởng Bộ Phụ nữ và Lao động Tiểu bang G. Schöttler và Thứ trưởng K. Korthăse. Tòa Thị chính Đỏ, Berlin tháng 3-1999 - Ảnh tư liệu

Xôi chẳng hạn. Thứ mà mình vốn không mê lắm dù vẫn thường làm. Ra đi hai mươi mấy năm trời, nhà lại lắp máy báo cháy ở tất cả các phòng trừ bếp, hương không được thắp, nhưng rằm mồng một nào mình cũng thổi xôi. Ấy đấy, con cháu sáu mắt, toàn tính trước phải nấu món xôi gì để mời các cụ xong thì xin hạ lễ cho cả nhà hưởng. Giản dị nhất là xôi hoa cau, không thì món xôi trắng trên úp cái đùi gà hay mấy lát lạp xường, cầu kỳ ra thì xôi vò chè đường. Hôm nào nổi hứng vì người đang sống thì bày món xôi xéo, xôi khúc, nhưng món xôi lạp xường tôm khô thì thú thực là mình chỉ biết qua văn chương miệt vườn, như là một món ăn cho thật chắc bụng mà lội ruộng, tuông rừng, đánh nhau với cọp hay cá sấu, chèo ghe từ xứ nọ qua xứ kia đi gặt thuê, làm mắm…, mà thường cũng chỉ có tôm khô, của những người nông dân Nam Bộ hào sảng, dắt lưng cái nghèo đi mở đất, giữ đất và bị cướp đất một thời. Mình chưa từng nấu món này, nhưng rồi lại được ăn nó ở giữa Berlin. Rá xôi dỡ ra, từng hạt nếp vừa săn vừa mẩy, không trắng ngà mà lấm tấm những hạt tiêu nước mắm quyện vào. Xới một bát vơi vơi, khơi từng đũa nhỏ đưa lên miệng, không miếng nào giống miếng nào. Miếng đậm vị tôm khô ngọt nước nôi nắng gió của ruộng đồng sông biển ở những xứ sở tiếng là quê nhà mà chưa khi nào đặt chân tới. Miếng mằn mặn béo béo ngọt ngọt vị thịt vị đường của những lát lạp xưởng xắt nhỏ nhưng dầy mình. Miếng cay dậy vị hạt tiêu xay vỡ. Ăn miếng xôi chỉ biết qua tiểu thuyết giữa một thành phố không còn lạ lẫm gì sắp đổ tuyết bời bời, không dưng nghẹn, khi nhớ, món này đây, là miếng ngon của những cuộc đời sống và chết chỉ có một khao khát, một niềm tin duy nhất vào bình an: đất.
 
Trong bếp
Trong bếp

Người đàn bà làm mình càng được ăn càng quý ấy biết nấu rất nhiều món, Bắc Trung Nam đủ cả. Món Hà Nội ra món Hà Nội, tỉ như phở gà. Phở gà của chị nước trong, một chút sao mỡ gà lấp loáng, bánh phở khô mà mềm mướt, không hùng hổ mùi hồi mùi quế mà thân mật, thảnh thơi mùi gừng, mùi hành nướng, thêm chút rễ rau mùi. Bát phở chan nước dùng vừa đủ, bánh trắng ngà, thịt gà xé tay miếng đùi nâu nâu miếng lườn trắng trắng kèm mảnh da vàng, củ hành chẻ trắng sáng, và chút dọc hành thái rối với rau mùi xanh mướt, cứ nhìn là mình là nhớ phở Nam Ngư. Ngay đầu phố phía Phan Bội Châu có một biệt thự cách biệt với rộn rực cơm áo gạo tiền của đời thường bằng một mảnh vườn và một bức tường rào. Nghe nói đấy là nhà của bác sĩ Phùng Ngọc Tuệ, không hiểu sao lại không bị trưng thu khi hòa bình lập lại, Hà Nội được tiếp quản bởi đoàn quân kháng chiến. Bên kia phố là dãy nhà hai tầng kiểu nhà trung lưu cũ, có cầu thang lộ thiên. Ở một đầu cầu thang của một ngôi nhà có bụi tre nhỏ theo mùa vi vút. Lên cầu thang đó sẽ gặp một căn phòng treo và chất đầy Bùi Xuân Phái, Lưu Công Nhân, Dương Bích Liên cùng bao nhiêu họa sĩ tăm tiếng khác. Đấy là nơi ở của gia đình một thầy giáo già, thầy Văn Tâm, mà ít người bíết là một nhà văn từng phải từ bỏ bút danh đã được nhiều người biết tới: Tầm Dương. Vì “Nhân văn Giai phẩm”. Chỉ cần bước vào căn phòng đó, nhận một chén trà bà vợ gia chủ từ tốn đưa mời, ngắm tranh, nghe chuyện, khi ra về nhìn mảnh vườn chỉ có cỏ gầy và mấy bụi cây còi bên kia phố tuồng như cứ để tự sinh tự diệt đó thôi là ra Hà Nội, một Hà Nội tàn tạ mà vẫn âm thầm sang cả. Giờ thì có thể tàn hết rồi, tàn thật rồi, vì nơi đó là một công xưởng ăn uống đời mới: quán Ngon. Mình đã từng ngồi trong quán đó, nghe những âm thanh nhai nuốt cười nói rào rào, lòng lại chỉ nhớ quán phở gà cách đó có vài số nhà, và thơ nữa, “… đêm trong suốt áp ngực về phương ấy - gặp lại mùi cỏ cháy suốt đời trai...” (1), nghe nói đã bật lên trước một trận đánh và nghe nói có nguyên ủy từ người con gái sống trong căn phòng bên kia phố, nơi có cái cầu thang ẩn đằng sau một bụi tre già. 
 
Mâm cơm bảo giờ cũng chỉn chu và chuẩn mực
Mâm cơm bao giờ cũng chỉn chu và chuẩn mực

Ở bên này, Berlin, mình cũng có những lúc được ăn và nhớ thơ. Chả cá Hà Nội, đúng điệu, thìa là xanh ngẩn cắt ngắn, bún trắng, lạc rang vừa ăn vừa xoe trên từng ngón tay cho vỏ bong ra, mắm tôm tím trắng, lúc ăn chả đã nướng sẵn rồi sẽ được làm nóng lại trong chảo mỡ dọn lên trên những cái hỏa lò đất nung nhỏ nhỏ. Mấy cái hỏa lò nhìn là biết dành cho món gì ấy bà chị bão lũ, cháu gái của những mấy ông giáo sư dạy mình phần văn học Trung Quốc, văn học Phương Tây cổ đại ở Đại học Sư phạm Hà Nội 1 kỳ công khuân từ Việt Nam qua. Nghe miếng chả reo xèo cái trong mỡ sôi, thơm hùng tráng, nhìn bà chủ đảo đôi đũa bên này bên kia thoăn thoắt, xong đột nhiên lại ngâm nga, nhảy cóc từ “Lương Châu từ” của Vương Hàn qua những ai ai, rồi ngoặt về một nhà thơ họ Vũ nhưng là người Việt, vừa ăn, vừa đọc thầm trong trí cùng, xong ... túy ngọa sa trường quân mạc tiếu - Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi​…” (2) lại bắt đầu là thế, là thôi, là thế đó...” “... Tố của Hoàng ơi...” (3). Ờ những Nguyễn Tuân, Tô Hoài và những ai ai nữa từng ngồi xơi món này trong đêm mùa đông Hà Nội thuở Hà Nội tròn đầy là nó nhất, liệu có khi nào các cụ được phục vụ thêm món thơ không?

Mang cả mấy hỏa lò đất nung sang Châu Âu để mời nhau món chả cá là biết rồi đấy, nữa là những thứ đồ đoàn khác để nấu nướng những thức đặc sản khác. Thiếu làm sao được. Bánh khọt của mảnh đất gầy miền Trung nước Việt mình cũng ăn ở bếp đó giữa đất Berlin này. Cái khuôn làm bánh khọt may sao vẫn thấy bà chủ còn, nhưng mấy cái hỏa lò hiếm có kia thì cô em nào chẳng biết đến giúp bà chị dọn dẹp đã quẳng đi rồi, chắc là cả với niềm hãnh diện mình khoẻ tay, nhanh trí. Nghe, vừa tiếc vừa tức, lại vừa buồn cười. Ừ, miếng ăn với người này có thể không chỉ là miếng ăn, có thể nặng bao nhiêu vui buồn thương nhớ, nhưng với nhiều người thì không nhất thiết phải là như thế, có khi chỉ là miếng thèm miếng nhạt, cũng là chuyện bình thường, ai bảo bà chị không khảm vào mấy cái lò đó hai chữ “cấm sờ” cơ chứ.
 
Ngon và đẹp mắt
Ngon và đẹp mắt

Bao nhiêu là món ngon mình đã ăn ở cái bếp cộng đồng này. Bánh tôm, con tôm nằm co mình giữa những giăng mắc dọc ngang khoai lang thái chỉ dầm trong bột, nếu là tôm siết thì thật đúng bánh tôm mà đất Hà Nội có thể kiêu hãnh như là đã kiêu hãnh vì món phở. Bánh xèo, đúng kiểu miền Trung, diềm bánh lỗ chỗ mình thích bẻ ra nhâm nhi để cảm được độ thơm, độ mỏng, độ mặn, độ béo rất đỗi vừa miệng trước khi cuốn từng miếng bánh cùng rau thơm các loại vào lá cải xanh cay nhâm nhẩm, thêm chút đồ chua rồi nhúng tất cả vào bát nước mắm đã pha. Bà chị chủ cái bếp cộng đồng này có tay pha các loại mắm và nước chấm. Vô cùng tài. Chỉ nhìn, không nếm, vì không biết ăn bất kể loại nào, rất lạ. Mà có phải pha một bát hai bát đâu, bếp cộng đồng mà, có hôm mình thấy chị em thành viên câu lạc bộ xúm vào chia nhau từng chai từng lọ, tưởng gì, hóa là họ chia nhau mấy chậu mắm tôm mấy xô nước chấm mới pha.

Giá kể nấu được những món được coi là đặc sản, hay còn gọi là các thức quà ba miền thì cũng đã là tài lắm rồi. Nhưng có người nấu món nọ món kia rất độc đáo, song bảo nấu cỗ là lúng túng. Cái bà này cỗ cũng chơi luôn. Ngay trước lúc bùng dịch Covid, mình đã ăn một bữa cỗ tất niên sớm những mấy ngày, do chị nấu. Một bữa cỗ thuần những món ăn Hà Nội. Thôi không tính giò chả bánh chưng đặt ngoài hàng, ngon lắm, nhưng ngon hơn với mình là khúc cá chép kho khô, đĩa thịt kho tàu, bát canh măng, canh bóng, đĩa xào chân tẩy. Lâu lắm rồi mới thấy một người nấu canh bóng ngon đến thế, nước ngọt rất sâu, vị ngọt của xương của thịt của rau củ của tôm khô, nhưng tuyệt nhiên không thấy một chút nào mùi nồng và vị đậm đôi khi hơi gắt của tôm, nấu thế là giỏi lắm. 
 
Hương vị Việt đích thực trên xứ người
Hương vị Việt đích thực trên xứ người

Không thường xuyên, nhưng mình rất thích tới câu lạc bộ dành cho đàn bà Việt mà bà chị gây dựng ở đất Berlin này đã mấy chục năm. Tới câu lạc bộ là để đổi sách. Đầu tiên phải thế đã, chứ chẳng lẽ lại thú thực là dọc đường đã chắc mẩm tới sẽ được ăn. Sách tiếng Việt mà không có thư viện của câu lạc bộ này thì thật khó cập nhật. Kéo cái xe đẩy mấy bà Thổ Nhĩ Kỳ hay dùng đi chợ mua thực phẩm chất đầy sách đã đọc đến trả, cậy chỗ thân tình, lúc về lại kéo một xe dăm ba chục cuốn. Mấy tháng trước mình còn lếch thếch theo chân bà chị về nhà để nhặt Toàn quyền Doumer và cả bạn Hoàng Tuấn Công, tại vì sách của mấy quý vị này thuộc tủ sách gia đình. Chọn những ngày câu lạc bộ ít khách, để chị em còn được ngồi riêng trò chuyện, những câu chuyện chỉ cần nói dăm câu với rnhiều khoảng ngừng ngắn ngừng dài là đã hiểu nhau rồi, trả và mượn sách, và trước đó thể nào bà chị cũng cho ăn một bữa cơm thường, những bữa cơm thường rất không thường nếu nghĩ tới mười mấy ngàn cây số xa quê nhà. Bữa su hào luộc ăn với mấy con cá cơm dai dai mằn mặn cay xé lưỡi. Bữa có bát thịt kho tàu, miếng thịt nguyên hình, bì trầm tĩnh màu nâu cánh gián, mềm oặt, mỡ trong, cảm giác không gắp khéo là đôi đũa xắn ngọt như xắt đậu phụ. Bữa cá kho kiểu Bắc, bữa cá kho kiểu miền Trung, bữa cá kho tộ kiểu miền Nam. Bữa cá nấu riêu với mẻ, nghệ, cà chua, hành thìa là vô cùng Hà Nội. Bữa cá chép om dưa. Bữa cá hấp, đậu phụ rán dầm hành, rau muống xào tỏi. Ăn, lòng phập phồng tưởng tới những ngày xa lắm rồi mà vĩnh viễn không qua khi mấy chị em còn ở quê nhà, một bữa ăn như thế này lẽ ra phải là bình thường mà vẫn là rất không thường giữa thời bao cấp, khi chúng mình còn nhỏ, còn trẻ, còn là người nhà nước. Nhìn ra ngoài khung cửa sổ, lúc gió nổi như nồm lộng, lúc lay phay mưa như giữa chiều xuân muộn, lúc hân hoan tuyết đầu mùa, giống hay khác gì cũng làm nỗi nhớ phố của một thời thêm đượm. Bà chị này chỉ ăn được cá nước ngọt, nấu ngon thôi rồi, đang giữa bữa nhưng trên bếp vẫn liu riu một nồi cá kho khác, mà là cá biển. Những con cá thèn chỉ, cá hồng kho nhỏ lửa thấm mắm muối ớt đường sắt lại, dậy một màu nâu quyến rũ, ăn xong lại còn được cầm theo một hộp cá đó, xới bát cơm nguội nịnh chồng vẫn thức chờ vợ một mình đi chơi về muộn lúc sắp nửa đêm, sướng chưa?
 
Những bữa ăn cho thấy một nếp nhà...
Những bữa ăn cho thấy một nếp nhà...

Cũng là người của một thời thiếu đói như nhau, mà cái bà chị này chả biết sao khéo hết phần mình thế. Buồn cười, mình vụng mà lại quen và chơi với toàn những đàn bà giỏi giang. Cơm nước, vá may, đan lát, thêu thùa, cái gì họ cũng thạo. Nhìn người nói, nhìn người làm là biết một nếp nhà của một thời, đã đành, còn có thể biết ít nhiều nếp sống của nhiều đời trong một gia đình nữa. Biết rồi, có lần nghĩ giá không phải là ở đất này, giá vẫn phải bươn chải như còn thời bao cấp thì chắc giống những bà chị giỏi giang tăm tiếng mình từng biết, dẫu chỉ có đồng lương đùa nhả của nhà nước ở một cơ quan toàn sách là sách, dẫu chồng dẫu con, bà chị này vẫn sống ngon lành. Thì đan thì móc thì thêu, toàn những việc vẫn thấy chị làm nhoay nhoáy đấy, hay làm một nồi xôi, hay nấu nồi bún riêu buổi sáng, hay là đổ bánh xèo bánh khọt, hay nấu bún bò Huế, hay là…

Rồi đêm về, xong hết việc nước việc nhà, đến lúc được đặt mình xuống giường, lại nhắc thầm trong trí những “Cô Tô thành ngoại Hàn San tự - Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền” (4), “Ngô đồng nhất diệp lạc - Thiên hạ cộng tri thu...” (5). Bà chị này mê thơ mà, hơi khác người, đàn bà mà lại mê thơ Đường thơ Tống. 

Thế gọi là sống cho mình.

Ghi chú (của NCTG):

(1) “Phương ấy” (Hoàng Nhuận Cầm).

(2) “Lương Châu từ” (Vương Hàn). Trần Trọng San dịch: “Sa trường say ngủ, ai cười? - Từ xưa chinh chiến mấy người về đâu!”.

(2) “Mười hai tháng Sáu” (Vũ Hoàng Chương).

(3) “Phong Kiều dạ bạc” (Trương Kế). Nguyễn Hàm Ninh dịch: “Thuyền ai đậu bến Cô Tô - Nửa đêm nghe tiếng chuông chùa Hàn San”.

(4) Thơ cổ Trung Quốc. Tạm dịch: “Một chiếc lá ngô đồng rụng - Cả thiên hạ đều biết là mùa thu”.

Tác giả bài viết: Lê Minh Hà, từ Berlin - Ngày 14-9-2020