Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


CHUYỆN Ở HÀNG CÁ

(NCTG) “Mày làm cho chị một con nhé, hàng dài thế này bố ai chờ được, chị ra lúc sáng thấy dài đã bỏ về rồi, giờ ra vẫn thấy dài...”.
Món xúp cá “thần thánh” của Hungary mùa Giáng sinh
Ở Hung, nói đến ẩm thực mùa Giáng sinh là không thể thiếu món xúp cá, cũng như Việt Nam ta làm gì có tết mà vắng bóng bánh chưng. Mà muốn có xúp cá, thì phải có... cá - và cá ở Hung, nhất là nếu chép được đánh bắt ở hai con sông Danube và Tisza, cộng với loại ớt paprika địa phương, thì vẫn được coi là tạo cho xúp cá một vị đặc biệt mà không đâu trên thế giới có được (một số bạn Hung của mình bảo thế, đương nhiên có thể hơi ngoa).

Năm nay mình không bỏ công đi những siêu thị xa xôi để đầu cơ khoản cá chép tươi, vì hám rẻ, mà mua ngay ở dưới cửa hàng dưới chân nhà - đây là chuỗi cửa hàng của Hung khá được ưa chuộng, và cũng mang tính cạnh tranh. Cách đây vài năm, họ có nhập một lượng cá không lớn lắm và bán với giá cực rẻ trong ngày cuối - tiếc là khi mình loan tin trên FB thì họ đã bán hết, quá tội cho mấy người bạn mình bổ tới định mua nhưng không kịp.

Cũng không rõ vì lý do gì, mà năm nay, từ ngày 17-12, cửa hàng này đã bán cá tươi, nhưng mỗi ngày họ chỉ nhập 100-150 ký, mà theo anh chàng bán cá vui tính - vốn được điều từ quầy thịt sang - thì nhu cầu hàng ngày chí ít cũng phải dăm sáu trăm cân. Nên ngày nào cũng có khoản xếp hàng chờ đợi rồng rắn, không khác gì thời bao cấp - bởi vậy, trong vài ngày liền, chờ đợi đợt cá mới về đã trở thành một phần đời của mình, rất đáng nhớ.

Chờ đợi lâu, phần nữa vì vận tốc tiêu thụ cá rất chậm. Quầy cá có hai anh chàng, một anh chuyên làm “kế hoạch ba” mổ cá cho ai có nhu cầu, lấy 500 Ft mỗi con (đút túi luôn), còn chàng kia - cậu vui vẻ - thì chỉ chờ để cho cá vào túi, cân lên và phát giá. Nhẽ ra theo suy nghĩ mềm dẻo của người Việt thì những ai mua cá tươi tự vác về nhà làm (như mình) cần được phục vụ riêng, còn ai mua mổ cá hẵng chờ, nhưng không, hai cậu này cứ tuần tự vậy.

Khốn nỗi, xếp hàng đa phần là các ông bà già hồi hưu, rảnh, nhưng không còn sức làm cá, nên đa số đề nghị mổ tại chỗ. Hai bà đứng trước và sau mình làm thành một câu lạc bộ tán gẫu, cho hay nhà chật, làm cá máu me tung tóe rồi đi dọn cũng chết (cái này mình rất thấm thía). Vả lại, “bọn tôi chỉ cần mấy lát, về làm bát xúp cho con cháu nó về húp, chứ cả con bốn năm ký ăn đến khi bước chân vào quan tài chả hết”, một bà rất vui vẻ chia sẻ.

Cái vui là, dù phải chờ đợi cả tiếng đồng hồ, và phập phù hồi hộp xem đợt cá này còn đủ cho mình hay không, nhưng các ông bà quanh mình rất kiên nhẫn, không thấy có dấu hiệu manh động. Một ông đội phớt rất đẹp, thời trẻ hắn Alain Delon phải gọi bằng cụ, nháy mắt bảo mình hóm hỉnh, “nhẽ ra khi quảng cáo vụ cá tươi này, họ phải nói thêm là nên mang võng theo để nằm chờ”. Và hai bà đầu tóc mượt mà, chỉnh tề cạnh mình đều cười ý nhị.

Mình bình sinh là kẻ kiên nhẫn nhất đời, nhưng trò chờ đợi cá vô vọng này cũng khiến mình lộn ruột. Cuối năm, ở nhà cả đống công việc, công và tư, mà bỏ ra mấy tiếng xếp hàng mà không biết có tới lượt không, ai chả điên. Đặc biệt anh chàng bán cá vui vẻ, pha trò luôn luôn - và rất được các bà Tây hưởng ứng - lại không chịu đáp ứng đề xuất của mình, là bán đại trước cho những ai mua cá tươi về nhà làm đi, “bọn tôi đâu có rỗi như tổ hưu trí đâu”.

Câu chuyện như vậy thật ra cũng không có gì đáng kể. Tuy nhiên, với mình, mọi thứ khởi đầu khi một chị người quen tạt qua, rất xăng xái, “mày làm cho chị một con nhé, hàng dài thế này bố ai chờ được, chị ra lúc sáng thấy dài đã bỏ về rồi, giờ ra vẫn thấy dài...”. Mình thấy người quen, đã linh cảm sẽ có màn chen hàng hay bét ra cũng nhờ vả rồi, tính kế quay đi kiểu “gặp nhau làm ngơ” nhưng không kịp, đành cười gượng “em cũng chờ cả tiếng nay rồi”.

Mà chắc gì còn tới lượt em đâu” - cái này thì đúng vì ông cụ đội phớt trước đó chừng 5 phút có tiến lên đầu hàng thám thính, và về thông báo lại cho xóm dưới là chỉ còn đâu dăm sáu con, tất nhiên loại to bốn, năm ký, nên hy vọng còn tới lượt ông (ông cũng chỉ cần vài lát). Nhưng tới mình hay không thì hoàn toàn không chắc, nói gì mấy bà trong tổ hưu sau mình, mà nếu phải ưu tiên chị người quen cả một con thì hóa ra họ phải chờ đợi công cốc...

Nhưng, không những không thể từ chối chị vì chị rất quả quyết, mà chị còn đứng ngay sát mình trong hàng, như một hình thức giám sát. Cho dù mình đã nói khéo, “chị cứ đi dạo cửa hàng một vòng đi, để em liệu...”. Vừa đứng, chị vừa hỏi thăm cả gia đình mình, từng người, rất nhiệt tình, nhưng vẫn không quên liếc qua cái quầy cá, và cái hàng dường như không hề tiến, rồi giục “mình phải nói chúng nó bán cho mình trước chứ, ai mà chờ được, cái bọn...”.

Cứ thế chừng mươi phút, thì chị chán, và nghĩ lại “thôi tao về, chờ với chả đợi...”. Và chị đi, rất khảng khái, không biết rằng đã trút cho mình một gánh nặng tinh thần ghê gớm, khi nghĩ tới mấy bà sau lưng sẽ có thể không có cá. Khoảnh khắc ấy, mình ngấm hơn bao giờ hết cái ý của Nam Cao trong một truyện ngắn nọ về hạnh phúc, coi nó như một tấm chăn hẹp, không đủ che chắn cho tất cả mọi người, người này ấm thì kẻ khác phải co ro...

TB. Rốt cục thì mọi quan ngại - hình như là rất xa xỉ - của mình hóa ra thừa, vì giữa chừng cá lại về thêm hơn trăm cân nữa, và thừa đủ cho tất cả những ai đã xếp hàng khi đó.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh