Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Thảm họa bùn đỏ Hungary: TÒA SƠ THẨM TUYÊN BỐ TẤT CẢ ĐỀU VÔ CAN

Vào hồi 10h sáng hôm nay, Tòa án Tỉnh Veszprém (Hungary) đã tuyên án sơ thẩm đối với 15 bị cáo, từng là lãnh đạo và nhân viên thuộc Tập đoàn Nhôm Hungary (MAL Zrt.), trong vụ tràn bùn đỏ diễn ra vào đầu tháng 10-2010, được coi là thảm họa công nghiệp lớn nhất trong lịch sử Hungary.
Thảm họa tràn bùn đỏ tại Hungary - Ảnh: Huszti István (index.hu)
Kết quả, cả 15 bị cáo được coi là không phạm những tội bị cáo buộc. Với phán quyết kể trên, Tòa Hungary đã trả lời cho câu hỏi, có cá nhân nào phải chịu trách nhiệm hình sự trong vụ tai nạn khiến hàng chục người chết, vài trăm người bị thương, mất nhà mất cửa hay không.

Tội danh nghiêm trọng nhất được đưa ra trong vụ án, là gây nguy hiểm tới công cộng, gây chết người vì lý do bất cẩn. Tiếp đó, còn một số tội danh khác như phá hoại môi trường và thiên nhiên do bất cẩn, hoặc vi phạm các quy định xử lý rác thải, dẫn đến hậu quả nặng nề.

Thảm họa bùn đỏ

Trở lại hơn 5 năm trước, thảm họa tràn bùn đỏ tại Hungary bất ngờ xảy ra vào trưa 4-10-2010 tại khu bể chứa số 10 của nhà máy sản xuất Alumin (trực thuộc Tập đoàn Nhôm Hungary) ở gần TP. Ajka, gây thiệt hại rất đáng kể về người, tài sản và môi trường tại khu vực lân cận.

Biển bùn này tạo nên những đợt sóng rất mạnh, có chỗ cao tới 2m, cuốn trôi cả nhà cửa, cầu cống, xe cộ, gia súc... Dòng lũ chứa 1,5 triệu tấn bùn đỏ đã khiến 10 người thiệt mạng, 226 người bị thương và hơn 500 người bị thiệt hại nặng, nhiều người mất hết nhà cửa và tài sản.

Tai nạn hóa chất lớn nhất trong lịch sử Hungary, về sau đã được nước này coi như biểu tượng của “sự bất cẩn và tham lam của con người”, như hàng chữ trên tấm bảng tưởng niệm những nạn nhân của vụ tràn bùn, đặt tại “ngôi làng chết” Kolontár, nơi chịu nhiều thiệt hại nhất.

Rất nhiều câu hỏi đã được đặt ra sau đó, như nguyên nhân của thảm họa có phải là do Hung sử dụng công nghệ thải ướt đã lạc hậu, hay do sự bất cẩn của doanh nghiệp, cũng như của một số cơ quan chính quyền, hoặc giả, liệu tai nạn này có thể lường trước được không?

Cơ quan điều tra đã phải làm việc rất rốt ráo để làm sáng tỏ sự vụ và đầu năm 2012, Tòa án Hung nhận được cáo trạng kèm hồ sơ điều tra dày 60 ngàn trang. Rốt cục, tòa được mở vào cuối tháng 9-2012, với nhiều thành viên, nhân viên lãnh đạo của MAL Zrt. ngồi trên ghế bị cáo.

Giữa chừng, trong nhiều trường hợp, Tòa án và chính quyền Hungary đã tuyên bố trách nhiệm của MAL Zrt. trong vụ tai nạn và do đó, rất nhiều cá nhân và doanh nghiệp - trong đó có Đường sắt Hungary (MÁV Zrt.) - bị thiệt hại trong cơn lũ bùn đỏ lần lượt đã thắng kiện Tập đoàn này.

Tuy nhiên, Tập đoàn Nhôm Hungary do nợ nần đầm đìa nên đang bị giải thể, vì vậy đầu năm 2015 Chính phủ Hung đã để ra nguồn kinh phí riêng là 400 triệu Forint cho mục đích bồi thường các nạn nhân bùn đỏ - tính cho tới cuối tháng 11-2015 đã có 63 nạn nhân được nhận bồi thường.

Vụ án phức tạp

Cơ quan tư pháp Hungary đưa ra một vài con số: kể từ khi phiên tòa được mở cách đây 3 năm rưỡi, tòa đã họp 248 ngày, trong đó 123 ngày chỉ để nghe các ý kiến giám định tư pháp. Biên bản phiên tòa đã lên tới 7.176 trang, và kinh phí phải chi ra cũng đã vượt quá 36 triệu Forint.

Những con số ấy cũng cho thấy tính chất phức tạp và dai dẳng của vụ án, mà ngay từ đầu, các nghi can, bị can chính yếu - đa phần là lãnh đạo doanh nghiệp - đã phủ nhận trách nhiệm hình sự của họ trong thảm họa này, và cho rằng tai nạn là bất khả kháng, không thể tiên lượng được.
 
Phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: Bődey János (index.hu)
Phiên tòa sơ thẩm - Ảnh: Bődey János (index.hu)

Chế biến nhôm, alumin từ quặng bauxite vốn là một thế mạnh của nền công nghiệp nhẹ Hungary khi nước này thuộc thuộc khối cộng sản ở Đông Âu. Trước kia, các nhà máy chế biến, cũng như các bể chứa bùn đỏ ở vùng Ajka đều thuộc sở hữu nhà nước và do nhà nước quản lý.

Vào cuối thập niên 90, Tập đoàn Nhôm Hungary mua và tiếp quản lại tất cả hệ thống này, trong đó có hệ bể chứa bùn đỏ xây từ đầu thập niên 40. Lãnh đạo MAL Zrt. khẳng định rằng, họ đã cho gia cố lại, và làm đúng mọi yêu cầu, thủ tục của nhà nước, cũng như luật định Hungary.

Phải đối mặt với dư luận ngày từ phút đầu và hiện giờ cũng là bị cáo chính của vụ án, cựu Tổng giám đốc MAL Zrt. B. Zoltán trong lời cuối trên tòa, vẫn cho rằng ông vô tội, và có những thảm họa vẫn xảy ra khi tất cả mọi người đều tuân thủ các điều khoản liên quan tới công việc của họ.

Trong phát biểu kéo dài nhiều giờ, ông B. Zoltán cũng nói thêm, tai nạn xảy ra do các lớp đất bị trượt, kéo theo thành đập của bể chứa khiến nó bị vỡ. Nhưng đây cũng là điều không thể tính trước được, mà trên nguyên tắc thành đập của bể chứa bùn đỏ còn phải có sức chịu tải lớn hơn thế.

Đây cũng là quan điểm nhất quán về phía doanh nghiệp, ngay từ khi tai nạn xảy ra. Từ rất sớm, đại diện pháp luật của MAL Zrt. đã nói rằng, họ chỉ tiếp quản một cơ ngơi từ nhà nước Hung, và nếu vẫn xảy ra sự cố mặc dù họ đã làm đúng bổn phận, thì nhà nước cũng phải dự phần trách nhiệm.

MAL Zrt. từng đặt giả thiết, nếu nhà nước Hung chọn được nơi xây bể chứa mà đất tốt, không có cấu trúc và thành phần khác nhau như ở vùng Ajka, và điều kiện thời tiết khác đi, thì có lẽ không có vấn đề gì. Tuy nhiên, đây là điều mà khi làm cách đây mấy chục năm, không ai có thể lường được.

Vì đâu nên nỗi?

Phán quyết của Tòa sơ thẩm Hungary dường như xác nhận lập luận của các bị cáo, theo đó, thảm họa tràn bùn đỏ không thể tiên lượng trước bằng những biện pháp, tính toán khoa học? Nhưng thiệt hại của nó thì rất nghiêm trọng, vậy lỗi thuộc về ai? Vì vẫn phải có ai đó chịu phần trách nhiệm.

Ngay từ đầu, đã có không ít ý kiến cho rằng xét cho cùng, nhà nước vẫn là bên phải chịu trách nhiệm tối thượng trong vụ này. Từng tự hào là cường quốc chế biến và cung cấp quặng nhôm và alumin trong phe XHCN, nhưng Hungary phải sở hữu nguy cơ tiềm ẩn như những trái bom nguyên tử.

Đó là vài chục triệu m3 bùn đỏ đọng lại qua năm tháng mà nước này - và nhìn rộng ra, công nghệ nói chung trên thế giới - cũng không có điều kiện xử lý được một cách thật rốt ráo. Nói đúng ra, xu hướng “tận diệt” thiên nhiên để kiếm lợi trước mắt, sau nhiều thập niên đã để lại hậu quả.

Sau khi Hungary thay đổi thể chế, công nghiệp nhôm là ngạch duy nhất được cứu vãn khỏi đống tro tàn, bản thân MAL Zrt. được nhà nước hết sức hỗ trợ, trở thành một doanh nghiệp có doanh thu lớn, đóng nhiều thuế cho nhà nước và tạo công ăn việc làm cho hàng chục ngàn nhân công.

Tuy nhiên, mặt trái của thành công chính là hiểm họa môi trường. Hungary chưa có những quy định và chế tài chặt chẽ về việc xử lý chất thải công nghiệp, đặc biệt là với một doanh nghiệp “con cưng” như MAL Zrt., khả năng là công tác kiểm tra, giám sát đã không được chú trọng đúng mức.
 
Một người đàn ông giơ tấm poster với dòng chữ “Mười mạng người chỉ đáng thế sao” tại phiên tòa - Ảnh: Bődey János (index.hu)
Dân biểu đảng cực đoan JOBBIK Kepli Lajos giơ tấm poster với dòng chữ “Mười mạng người chỉ đáng thế sao” tại phiên tòa - Ảnh: Bődey János (index.hu)

Trong trường hợp MAL Zrt., cơ quan chức năng về bảo vệ môi trường thì lại không xem xét trạng thái thực tế của các bể chứa, mà để doanh nghiệp tự quản lý. Còn chính quyền địa phương có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng các cơ sở công nghiệp, nhưng lại không thể tiến hành kiểm tra.

Tình trạng “cha chung không ai khóc” ấy dẫn đến hậu quả khi thảm họa xảy ra, các bên đá trái bóng trách nhiệm cho nhau, rốt cục chỉ người dân phải chịu trận! Lẽ ra, nhà nước Hungary phải có mối quan tâm và tầm nhìn dài hạn trong vấn đề môi trường, thoát khỏi sự tính toán thiển cận về kinh tế.

Tựu trung, tai nạn xảy ra một phần bởi lòng tham vô đáy của nhũng kẻ muốn kiếm lợi nhuận - cả nhà nước và doanh nghiệp - chỉ tập trung làm sao có doanh thu tối đa, mà bỏ qua và nhắm mắt trước những cảnh báo môi trường, có khi sau nhiều thập niên mới để lại hậu quả thảm khốc.

(*) Bài viết đã đăng trên RFI.

Tác giả bài viết: Hoàng Nguyễn, từ Budapest