Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Sổ tay NCTG: 11h30 ngày 3/10/2022: LẠI CỔ VŨ CHO TS. KARIKÓ KATALIN!

(NCTG) Ngày 29/9/2022, tại New York, nhà khoa học Karikó Katalin cùng đồng nghiệp, TS. Drew Weissman đã được nhận Giải Nghiên cứu Y học Lâm sàng Lasker-DeBakey 2021, một trong 4 giải thưởng của Quỹ Lasker dành cho việc hiểu thấu đáo, chẩn đoán, phòng ngừa, điều trị và chữa lành bệnh tật.
TS. Karikó Katalin nhận Giải Lasker tại New York ngày 29/9/2022 - Ảnh: u-szeged.hu
Hai nhà khoa học được nhận giải thưởng cao quý này cho phát minh về công nghệ điều trị mới dựa trên việc sửa đổi RNA thông tin (mRNA). Đây đồng thời cũng là cơ sở của các loại vaccine “thế hệ mới của các hãng Moderna và Pfizer-BioNTech được nhắc hoài trong 2 năm thời đại dịch Covid-19.

Theo lý giải của Quỹ Lasker, công nghệ mRNA là một bước đột phá vì nó “giúp phát triển nhanh chóng vaccine Covid-19 hiệu quả cao”, “cung cấp một phương tiện để ngăn chặn một đại dịch tàn khốc” và tạo điều kiện thuận lợi cho sự tiến bộ về các cách điều trị và ngăn ngừa các bệnh khác nhau.

Được xem là có uy tín thứ hai trong Y học sau Giải Nobel, nhiều khi còn được gọi bằng tên “Giải Nobel Y khoa của nước Mỹ”, Giải Lasker được trao thường niên từ năm 1946 cho những nhà khoa học còn sống và có cống hiến to lớn cho ngành Y học hoặc thực hiện các dịch vụ y tế cộng đồng.

Theo thống kê, trong vòng 76 năm qua, đã có tới 95 chủ nhân của Giải Lasker được nhận Giải Nobel, trong đó có nhà bác học Hungary, GS. Szent-Györgyi Albert (1893-1986) - người cha của Vitamin C - năm 1954 được nhận Giải Lasker, sau khi đã nhận Giải Nobel Sinh lý và Y khoa năm 1937.
 
Bên tượng GS. Szent-Györgyi Albert trước Đại học Tổng hợp TP. Szeged, ngày 21/5/2021 - Ảnh: SZTE
Bên tượng GS. Szent-Györgyi Albert trước Đại học Tổng hợp TP. Szeged, ngày 21/5/2021 - Ảnh: SZTE

Điều lý thú là cả “tiền bối” Szent-Györgyi Albert lẫn TS. Karikó Katalin đều có duyên nợ với Đại học Tổng hợp TP. Szeged: Szent-Györgyi Albert được nhận Giải Nobel trên cương vị giáo sư Đại học Szeged, còn bà Karikó Katalin tốt nghiệp Hóa - Sinh năm 1978 và bảo vệ bằng TS năm 1982 ở đây.

Trong những trao đổi đầu tiên với TS. Karikó Katalin vào tháng 12/2020, mình có nói vui rằng, mình rất mong đợi tên bà được vang lên trong lễ trao giải Nobel, để sau đó có dịp được “kể” về bà cùng “tiền bối” Szent-Györgyi Albert với các bạn Việt Nam theo học chương trình sát hạch để nhập tịch.

Mình cũng nói thêm, nếu được như vậy, thì cùng với GS. Szent-Györgyi Albert, bà sẽ là người Hungary thứ hai được nhận Giải Nobel khoa học cho những công trình được khởi đầu tại đất Hung, cho dù về sau cả hai đều sống và làm việc ở nước ngoài. Bà rất vui, đáp “để chờ xem như thế nào”!

Gần đây nhất, trong những chuyến đi thăm TP. Szeged, bao giờ mình cũng dừng chân trước tòa nhà chính của Đại học Tổng hợp, nơi tọa lạc tượng đài GS. Szent-Györgyi Albert. Dù có được nhận Giải Nobel hay không, theo mình, TS. Karikó Katalin một vị trí tại đó chắc chắn phải được dành cho bà.
 
Ảnh chụp màn hình
Ảnh chụp màn hình

11h30 sáng mai (theo giờ Budapest), Ủy ban Nobel sẽ tuyên bố chủ nhân của Giải Nobel Sinh lý và Y khoa năm nay. Trên trang cá nhân thuộc mạng xã hội Facebook, TS. Karikó Katalin có gửi đường link, và nhắn nhủ các bạn hữu hãy theo dõi. Một lần nữa, cá nhân mình lại có dịp cổ vũ và hồi hộp :).

Tròn 1 năm trước, cũng trong dịp này, mình có viết rằng “Ủy ban Nobel có tiếng là độc lập, ko phụ thuộc và cũng ko để tâm tới dư luận, hay “cộng đồng mạng”... nên mọi nỗ lực để vận động hay tác động cho ai đó đều rất khó”. 100 năm qua đã cho thấy, Giải Nobel không phải là điều có thể cầm chắc.

Hơn nữa, Ủy ban Nobel “rất bảo thủ nên thường chỉ trao giải cho các công trình đã có “thâm niên” vài chục năm, hoặc nếu không thích thì họ không trao (Albert Einstein cũng đâu có được trao Giải Nobel cho Thuyết Tương đối đâu). Nhưng có lẽ chính vì thế mà giải này có uy tín và sức hấp dẫn đặc biệt”.

Đối với TS. Karikó Katalin, có lẽ bà không còn thiếu bất cứ giải thưởng khoa học hay danh hiệu gì ngoại trừ Giải Nobel. Nhưng mình vẫn ao ước, bà có thêm được Nobel trên cương vị một nhà khoa học Hungary như bà nhấn mạnh, vì bà hoàn toàn xứng đáng với sự tưởng thưởng đó. Hãy chờ mong!

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh