Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


QUỸ SOROS QUYẾT ĐỊNH RỜI BUDAPEST

(NCTG) “Quỹ Xã hội Mở” (Open society Foundations), tổ chức dân sự có bề dày hoạt động từ năm 1984 cho hay, họ cho chuyển văn phòng tại Hungary sang Berlin, thủ đô CHLB Đức.
Nhà tỷ phú Soros trong tâm điểm của sự bài trừ của chính quyền cánh hữu Hungary từ ba năm nay - Ảnh: 24.hu
Trong thông cáo được phát đi hôm thứ Ba 14-5-2018 từ New York, Quỹ nói rằng do môi trường chính trị và pháp lý ngày càng “ngạt thở” tại Hungary, Quỹ đành rời hoạt động quốc tế của mình qua Berlin, và các nhân viên của Quỹ cũng sẽ được chuyển qua thủ đô nước Đức.

Trước đây, Phát ngôn viên của Quỹ là ông Csontos Csaba cũng đã từng chia sẻ rằng Quỹ có thể phải “di tản” ra nước ngoài nếu bộ luật Stop Soros nhằm hạn chế hoạt động của các tổ chức dân sự không vừa ý chính quyền được thông qua.

Mới đây nhất, hôm 13-5, một yếu nhân của chính phủ mới là ông Rogán Antal nhấn mạnh, nội các FIDESZ còn thắt chặt hơn nữa bộ luật Stop Soros mà theo dự kiến, sẽ được đưa ra biểu quyết trong Quốc hội vào tuần cuối của tháng 5 này.

Thông cáo của Quỹ cũng nói thêm rằng dầu vậy, họ vẫn tiếp tục ủng hộ các tổ chức dân sự tại Hungary trong những lĩnh vực quan trọng như đảm bảo nhân quyền, nghệ thuật và văn hóa, tự do báo chí và minh bạch xã hội, cũng như trong lĩnh vực giáo dục và y tế cho tất cả mọi công dân Hung.

Hiện ở Budapest có hơn 100 nhân viên - trong đó chừng 60% là công dân Hung - làm việc cho Quỹ, nhiều người trong số họ đã có thâm niên từ hơn 10 năm, và Quỹ sẽ thực hiện những biện pháp cần thiết để đảm bảo an ninh và đời sống cho họ trong quá trình chuyển đổi nơi làm việc.

Trong thông cáo, Quỹ cũng nhắc đến bộ luật Stop Soros sắp được đưa ra biểu quyết. Chủ tịch Quỹ, ông Patrick Gaspard khẳng định rằng chính phủ Hungary đã lăng mạ và bôi nhọ hoạt động của họ, cũng như đã hạn chế xã hội dân sự nhằm mục tiêu giành lợi thế chính trị, “áp dụng thứ chiến thuật chưa từng thấy trong lịch sử Liên Âu”.

Cái gọi là bộ luật Stop Soros là một thử nghiệm mới nhất theo hướng đó. Chúng tôi không thể tiếp tục đảm bảo an ninh cho công việc và các nhân viên của chúng tôi tại nước Hung”, ông Patrick Gaspard nói, và cho hay Quỹ bất lực trước sự can thiệp độc đoán của chính quyền. Chẳng hạn, không được phép của chính quyền, mọi tổ chức dân sự sẽ bị cấm hoạt động tư vấn hay đại diện cho người xin tỵ nạn hoặc người tỵ nạn.

Theo đại diện của Quỹ, chính quyền Hungary không giấu giếm việc bằng bộ luật Stop Soros, Budapest muốn vô hiệu hóa những tổ chức bảo vệ nhân quyền đáng kể nhất của Hungary (trong đó có “Quỹ Xã hội Mở”) cùng những ai ủng hộ họ, nhưng Quỹ sẽ tận dụng mọi khả năng pháp lý để bảo vệ những quyền cơ bản đang bị đe dọa bởi bộ luật mới chuẩn bị được đưa ra biểu quyết trong Quốc hội Hung.

Bản thông cáo nhắc tới trong hai năm qua, chính phủ Hungary đã tiêu tốn hơn 100 triệu Euro tiền thuế dân cho chiến dịch tuyên truyền dối trá về Quỹ và các đối tác, gợi nhớ giọng điệu bài xích Do Thái thời Đệ nhị Thế chiến. Không chỉ các nhân viên và những người có liên hệ với Quỹ, mà các giảng viên đại học, các nhân viên thuộc những nhóm xã hội dân sự mới đây cũng bị truyền thông thân chính phủ cáo buộc một cách bịa đặt.
 
Bộ luật Stop Soros được chuẩn bị thông qua căn cứ những cáo buộc bị coi là vô cơ sở với các tổ chức dân sự mà chính quyền không ưa - Ảnh: Internet
Bộ luật Stop Soros được chuẩn bị thông qua căn cứ những cáo buộc bị coi là vô cơ sở với các tổ chức dân sự mà chính quyền không ưa - Ảnh: Internet

Quỹ cũng ghi nhận rằng, hoạt động xã hội đầu tiên tại Hungary của nhà tỷ phú Soros György - Quỹ Soros - đã được khởi động từ năm 1984, nghĩa là trong những năm cuối thời cộng sản trước khi nước này thay đổi thể chế chính trị, nhằm thúc đẩy tự do tư tưởng và tự do ngôn luận, và sau đó, để ủng hộ quá trình chuyển đổi dân chủ.

Trong thập niên hoạt động đầu tiên, Quỹ đã ủng hộ chương trình tài trợ sữa cho học sinh tới trường, tặng các thiết bị y tế cho bệnh viện và giúp đỡ giai tầng nghèo khổ nhất trong xã hội Hung. Năm 2010, Quỹ cũng dành gần 1 triệu Euro để ủng hộ các nạn nhân của thảm họa tràn bùn đỏ ở vùng Ajka, Hungary.

Phản ứng trước tin Quỹ Soros phải rời Budapest, Phó Chủ tịch thứ nhất Ủy ban Châu Âu Frans Timmermans trong một thông điệp đưa ra trên mạng Twitter đã gọi đây là điều “đáng tiếc”, khi một tổ chức dân sự phải đóng cửa tại một quốc gia thành viên Liên Âu.

Vị quan chức của cơ quan hành pháp EU cho rằng, “nền dân chủ đau khổ” tại nơi mà một tổ chức dân sự xã hội với vai trò ủng hộ sự thiết lập những nền dân chủ năng động và khoan dung lại cảm thấy bị đe dọa và cho rằng mình không còn khả năng tiếp tục thực hiện công việc.

Trong một diễn biến có liên quan, một bài báo mới đăng trên tờ “Bưu điện Hoa Thịnh Đốn” (The Washington Post) cho rằng các đối thủ chính trị tại Hungary đang chuẩn bị cho sự báo thù mà Thủ tướng vừa đắc cử Orbán Viktor đã hứa trước khi thắng cử, trong dịp đại lễ 15-3.

Đại diện của một trong những “đối tượng” như thế, ông Michael Ignatieff, Hiệu trưởng Đại học Trung Âu (CEU, Budapest) - cơ sở giáo dục được coi là “sào huyệt của Soros - cho hay, hoạt động của trường từ mùa xuân năm ngoái rất bấp bênh, khi đạo luật Giáo dục Đại học mới được thông qua với những điều khoản nhằm triệt hạ trường.

Đã có những dự tính chuyển trường sang Vienna, tuy nhiên trước đây ông hiệu trưởng thổ lộ rằng, ông muốn trường ở lại thủ đô của Hungary và nỗ lực cho việc xử lý nhằm thực hiện mục tiêu đó một cách dài hạn. Tuy nhiên, giờ đây ông Ignatieff khẳng định, nếu trong hè này trường không nhận được giấy phép hoạt động từ chính quyền Hung, thì sẽ phải rời đô sang Áo.

Nếu không có thay đổi, trường không còn hấp dẫn với sinh viên nữa. Chúng tôi không thể tuyển sinh, và bắt đầu “chảy máu”. Không thể khởi đầu một năm học mới trong sự bấp bênh như vậy”, ông hiệu trưởng nói và nhấn mạnh, đây là lần đầu tiên trong lịch sử Liên Âu, một trường đại học bị buộc phải rời nơi hoạt động như vậy.

Quyết định này cũng sẽ cho thấy, chính phủ Hung đi về hướng vào, và họ muốn đi xa tới đâu, theo ông Michael Ignatieff trong phát biểu với tờ báo Mỹ.

Tác giả bài viết: Trần Lê tổng hợp, theo hvg.hu