Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


“LÊN ĐỈNH”, RỒI SAO? SẼ CÓ “LÀN SÓNG THỨ HAI”?

(NCTG) Ngày 3-5, theo dự báo, dịch bệnh tại Hungary sẽ đạt tới mức cực điểm rồi sau đó, trong nhiều ngày, sẽ “ổn định” ở mức đó trước khi đi xuống, theo giải thích của giới chức y tế nước này? Câu hỏi được đặt ra là, như vậy sau đó nước Hung sẽ yên?
Đo thân nhiệt trước Bệnh viện Kanizsai Dorottya (Nagykanizsa, ngày 20/3/2020) - Ảnh: Varga György (MTI)
Bởi lẽ, nhiều người nghĩ rằng, sau khi “cán đỉnh” - và theo thước đo tương đối, sau khi đạt tới một tỷ lệ lây nhiễm thấp - là có thể nới lỏng nhiều thứ, ví dụ có thể trở lại làm việc hoặc đi lại thoải mái hơn ngoài đường. Thủ tướng Orbán Viktor cũng có những ám chỉ tương tự trong một phát biểu trên đài ngày hôm qua.

Ngày 3-5, Hungary sẽ có khả năng - dựa trên kinh nghiệm của nhiều quốc gia khác - đưa ra một kế hoạch trở lại và phục hồi”, ông nói với “Mária Rádió”, và ai cũng biết, mục tiêu của thủ tướng Hung bên cạnh việc chống Covid-19, là tái khởi động nền kinh tế Hung với hàng ngàn vết thương do Coronavirus gây ra.

Vẫn trong phát biểu đó, ông Orbán Viktor khẳng định tính toán của ông liên quan tới dịch Covid-19 là như sau: ngày 3-5, Hungart đạt tới “khả năng tự vệ ở mức toàn diện, và sau đó có thể tìm cách cho phép mình từng bước trở lại cuộc sống thường mà ai nấy đều đã quen thuộc. Điều này tương đối khó hiểu.

Ngay hôm sau, 4-5, theo kế hoạch sẽ diễn ra kỳ thi tốt nghiệp phổ thông, và nhiều tranh luận đặt câu hỏi: ngay trong thời gian dịch bệnh đạt tới cực điểm, sao lại tổ chức một sự kiện có thể ảnh hưởng tới hàng trăm ngàn người? Khiến vị Quôc vụ khanh phụ trách Giáo dục có nói, nếu cần sẽ chọn thời điểm khác.
 
Đo thân nhiệt trước Bệnh viện Kanizsai Dorottya (Nagykanizsa, ngày 20/3/2020) - Ảnh: Varga György (MTI)
Đo thân nhiệt trước Bệnh viện Kanizsai Dorottya (Nagykanizsa, ngày 20-3-2020) - Ảnh: Varga György (MTI)

Một chuyên gia được mạng tin index.hu hỏi, nói rằng những biện pháp hạn chế nếu chỉ được duy trì trong một thời gian ngắn thì không có ý nghĩa gì cả, vì dịch bệnh có thể sẽ mau chóng trở lại với làn sóng thứ hai. PGS. Ferenci Tamás, một nhà nghiên cứu thuộc Đại học Óbuda (Budapest) có nhận định như vậy.

Là thành viên nhóm dịch tễ học có nhiệm vụ nghiên cứu và trực tiếp báo cáo tình hình lên Thủ tướng Orbán Viktor, vị chuyên gia này cho rằng, vì nguy cơ sẽ có một làn sóng thứ hai tiếp tục đe dọa, nên việc “thả lỏng” chỉ có thể diễn ra nếu thay thế các biện pháp hạn chế bằng một phương pháp gì đó khác.

Ví dụ, rất nên tiến hành xét nghệm đại trà, hàng loạt, để kiềm chế và xử lý dịch bệnh mà không phải xáo trộn quá mức đời sống kinh tế và xã hội. Bởi lẽ, các ước tính cho thấy, con số lây nhiễm trên thực tế ở Hungary có thế gấp hàng chục lần, hoặc ở Mỹ có thể gấp vài chục lần (có nghiên cứu nói gấp tới 80 lần!).

Tính toán của nhóm nghiên cứu đưa ra kết luật: nếu sự giãn cách xã hội được thực hiện thật nghiêm ngặt và duy trì trong vòng năm (5) tháng, thì có thể đạt được tình trạng là một bệnh nhân lây nhiễm chỉ lây tiếp được cho một người, chứ không hơn (thay vì hiện tại, sự lây nhiễm có thể lan ra cho rất nhiều người).

Còn nếu cho “tung hê”, thì 1-2 tháng sau mọi sự lại trở lại từ đầu, theo ông Ferenci Tamás. Đó là chưa nói đến chuyện, tại Hung hiện tại không có quá nhiều các ca lây nhiễm, và hiện tượng nhiễm chồng chéo cũng thấp, nên khả năng sau này có thêm một làn sóng dịch bệnh thứ hai, mạnh mẽ hơn, lại gia tăng!

Nếu sau ngày 3-5, chính quyền Hungary thực sự muốn giảm nhẹ những hạn chế về việc đi lại và ra đường để phục hồi nền kinh tế, thì khả năng là chiến dịch “giải phóng” giường để có khoảng 40 ngàn giường cho bệnh nhân Covid-19, chính là để chuẩn bị cho làn sóng thứ hai, mà chính phủ có tính đến và đã chuẩn bị!

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh