Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


LÀM QUEN VỚI VACCINE TẦU CỦA SINOPHARM

(NCTG) Thứ Sáu 29-1, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Quốc gia Hungary (OGYÉI) đã phê duyệt về hình thức việc sử dụng ở Hungary loại vaccine của nhà sản xuất Trung Quốc Sinopharm, và ngay sau đó Ngoại trưởng Szijjártó Péter đã tuyên bố Hungary lập tức ký hợp đồng mua 5 triệu liều, thỏa thuận này được ông trao đổi trực tiếp qua điện thoại với người đồng cấp Vương Nghị.
Vaccine “thế hệ một” của Trung Quốc - Ảnh: Zhang Yuwei (Tân Hoa Xã/ AP/ MTI)
Theo vị bộ trưởng, lượng vaccine đủ để chích ngừa cho 2,5 triệu cư dân tại Hungary sẽ được chuyển giao theo 4 giai đoạn trong 4 tháng, và điều này sẽ giúp tăng tốc độ tiêm chủng, có thể cứu sống hàng nghìn nhân mạng và khiến nước Hung có thể dỡ bỏ các hạn chế sớm hơn.

Người đứng đầu Bộ Ngoại giao và Kinh tế Đối ngoại Hungary - nhân vật chính trong các “phi vụ khủng” mua hàng từ Trung Quốc trong mùa dịch bệnh, từ khẩu trang, máy trợ thở, đồ bảo hộ y tế, thuốc men... tới vaccine - nhận xét rằng dân Hung “đại lục” không phải là những người Hung đầu tiên tiêm loại vaccine này, vì tới giờ đã có hơn 300.000 người được chích ngừa ở Serbia, trong đó có nhiều Hung kiều ở Vojvodina (Vajdaság).

Về giá cả, khi được hỏi giá của vaccine Trung Quốc ra sao so với giá của các vaccine mà Liên Âu đặt mua trên cơ sở “chung lưng đấu cật”, ông Szijjártó Péter đáp: “Giá của vaccine luôn rẻ hơn giá một tính mạng con người!”. Khi phóng viên mạng index.hu hỏi thêm “vậy là vaccine Trung Quốc đắt hơn vaccine EU?”, câu trả lời vẫn lấp lửng: “Không gì đắt hơn là loại vaccine không mua được!”.

Như vậy, có thể thấy quan điểm đồng nhất của giới lãnh đạo Hung - từ phát biểu hôm thứ Năm của Bộ trưởng phụ trách Văn phòng Chính phủ Gulyás Gergely tới giờ - là tận mua vaccine từ các nguồn có thể, “không quan trọng giá cả bao nhiêu, miễn là phải có được thật nhiều”. Mạng index.hu tóm tắt một số thông tin về vaccine Trung Quốc, mà ở Châu Âu hiện tại, ngoài Hungary, cho đến nay mới chỉ được phép sử dụng ở Serbia.
 
Ngoại trưởng Hungary: “Giá của vaccine luôn rẻ hơn giá một tính mạng con người!” - Ảnh: Sóki Tamás (index.hu)
Ngoại trưởng Hungary: “Giá của vaccine luôn rẻ hơn giá một tính mạng con người!” - Ảnh: Sóki Tamás (index.hu)

- Vaccine tên là gì?

BBIBP-CorV.

- Vaccine đã được cấp phép ở Hungary?

Giấy phép sử dụng tạm thời của OGYÉI, cũng như của vaccine Sputnik V của Nga được cấp tuần trước. Tuy nhiên, việc sử dụng vaccine vẫn cần có sự đồng ý của Trung tâm Y tế Công cộng Quốc gia (NNK) và cơ quan này sẽ còn kiểm tra sản phẩm, sau đó mới có tiếng nói cuối cùng.

- Tại sao vaccine này có thể được phép ở Hungary?

Liên Âu trước mắt chưa có kế hoạch mua vaccine của Sinopharm, do đó Hungary trên tư cách một quốc gia thành viên của EU có thể nhập vào Hung theo một thủ tục được gọi là “phân cấp”, trên cơ sở quy định của Ủy ban Châu Âu. Đương nhiên, Hungary sẽ tự chịu rủi ro và chỉ có thể dùng loại vaccine này ở trong nước.

- Vaccine này được phát triển như thế nào?

Đây là vaccine “thế hệ một”, tức là về mặt công nghệ sản xuất, có thể xếp nó vào loại cũ, nhưng điều này không nhất thiết liên quan đến chất lượng, hiệu quả và độ an toàn của loại thuốc chích ngừa.

Một virus “bất hoạt” - tức là là đã chết và do đó không thể sinh sản và không thể gây hại - được tiêm vào cơ thể, để các protein của nó kích hoạt phản ứng miễn dịch và khi cơ thể bị một virus sống tấn công, hệ thống miễn dịch đã biết phải làm gì.

- Những loại vaccine nào được phát triển với công nghệ tương tự?

Vaccine ngừa viêm gan A, bại liệt, cúm, dại, viêm não, ung thư cổ tử cung, v.v...

- Cơ quan nào phát triển và sản xuất vaccine này?

Viện Sản phẩm Sinh học Bắc Kinh đã thử nghiệm vaccine này trên động vật vào tháng 6/2020, sau đó các giai đoạn 1, 2 và 3 của loạt thử nghiệm lâm sàng cho thấy rằng không gặp bất kỳ tác dụng phụ nào trên người khiến phải ngừng phát triển. Sản xuất được thực hiện bởi Sinopharm (China National Biotec Group), tất nhiên là một công ty quốc doanh.

- Vaccine đã được sử dụng ở đâu cho đến nay?

Kể từ mùa hè năm ngoái, nhiều nhóm đối tượng (các viên chức chính quyền, nhân viên y tế, v.v...) đã được chủng ngừa ở Trung Quốc với giấy phép khẩn cấp và cho đến nay, hơn 1 triệu người Trung Quốc đã được tiêm chủng.

Tháng 7-2020, vaccine đã được dùng ở Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE), sau đó là Morocco và Peru như một phần của thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3. UAE đã cấp giấy phép khẩn cấp để sử dụng vào tháng 9/2020, và sau đó cấp giấy phép toàn diện cấp vào tháng 12/2020, và ở Bahrain cũng vậy.

Tính đến tháng 1-2021, Ai Cập và Jordan cũng đã thông qua đơn xin sử dụng khẩn cấp. Tại Châu Âu, Serbia là quốc gia duy nhất đã nhập 1 triệu liều vaccine này, và đã cấp phép vào vài ngày trước

- Liều lượng như thế nào?

Như hầu hết các loại vaccine kháng Covid-19, nên tiêm 2 liều, cách nhau 3 tuần.

- Làm sao để bảo quản?

Bảo quản trong tủ lạnh (2°C - 8°C).

- Hiệu quả ra sao?

Ngày 30-12-2020, Sinopharm báo cáo rằng vaccine đạt hiệu quả 79,3% trong các thử nghiệm giai đoạn 3 (chỉ định). Điều thú vị là trong giai đoạn 1 và 2, vaccine Trung Quốc còn tốt hơn so với vaccine “thế hệ mới” của Pfizer đã được sử dụng ở Hungary, nếu xét về những tác dụng phụ ở mức trung bình (ví dụ, sốt).

Tuy nhiên, trong hai giai đoạn đầu, thử nghiệm mới được thực hiện với vài trăm mẫu, cần phải biết kết quả chi tiết của các thử nghiệm thực hiện đại trà (hàng chục ngàn mẫu - giai đoạn 3) để có thể xác định đầy đủ tính an toàn và hiệu quả của vaccine.

- Vấn đề của vaccine này là gì?

Thực tế là mặc dù Sinopharm đã báo cáo mức độ hiệu quả của thuốc dựa trên dữ liệu chỉ định, nhưng kết quả chi tiết giai đoạn 3, tức là các thử nghiệm với nhóm lớn, vẫn chưa xuất hiện trên bất kỳ tạp chí khoa học nào, mặc dù đây là quy trình chính thức cho phát triển vaccine.

Một số nhà khoa học chỉ trích vaccine vì công nghệ cũ của nó. Vaccine thế hệ đầu tiên (chẳng hạn như BBIBP-CorV) yêu cầu đưa vào cơ thể nguyên một virus bất hoạt, trong khi vaccine “thế hệ mới” (vector, hoặc dựa trên công nghệ m-RNA) chỉ cần một đoạn nhỏ của virus, hoặc RNA thông tin.

Nhưng thực chất đây là vấn đề công nghệ và không nhất thiết ảnh hưởng đến tác dụng cũng như độ an toàn của vaccine.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh