Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Hungary: TIẾP TỤC CÂU CHUYỆN VỀ HỒ SƠ MẬT VỤ THỜI CỘNG SẢN

(NCTG) Đảng đối lập LMP (Chính trị có thể khác) một lần nữa lại đệ trình lên Quốc hội Hungary một dự thảo luật nhằm thanh lọc và đưa ra ánh sáng những hồ sơ mật vụ của chế độ cũ, đúng vào ngày 4-11, Quốc tang của nước Hung.
Minh họa: Internet
Vào ngày 4-11-1956, trong khuôn khổ một chiến dịch quân sự lớn đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, Hồng quân Liên Xô đã đưa chiến xa và quân đội ào ạt tấn công và đè bẹp nỗ lực độc lập và dân chủ của người dân Hungary. Sau khi nước Hung chuyển đổi hệ thống chính trị năm 1989-1990, 4-11 được coi là ngày Quốc tang, tưởng niệm cuộc cách mạng 1956.

Bà Szél Bernadett, đồng chủ tịch đảng LMP, ứng viên Thủ tướng của đảng trong cuộc bầu cử Quốc hội 2018, phát biểu trong họp báo ở Budapest nhân Quốc tang rằng mốc thời gian 4-11 đồng thời cũng là sinh nhật của thể chế cộng sản Kádár János, và những kẻ tội phạm của chế độ cũ hiện vẫn sống giấu mặt một cách yên bình, và không hề bị truy cứu trách nhiệm.

Đã 61 năm trôi qua kể từ biến cố 1956, và gần 30 năm từ ngày Hungary thay đổi thể chế, vẫn còn phải chú tâm tới chuyện này - bà Szél Bernadett nhấn mạnh. Đảng LMP tâm niệm rằng không thể xây dựng nền dân chủ trên những bí mật của thể chế độc tài, không thể đặt cơ sở cho sự thay đổi thể chế, và do đó, LMP ủng hộ việc bạch hóa mọi bí mật bẩn thỉu của chế độ cũ.

Theo bà Szél Bernadett, liên minh cầm quyền cánh hữu đã 15 lần bác bỏ dự luật nhằm thanh lọc và đưa ra ánh sáng những hồ sơ mật vụ và như thế, các đảng cầm quyền phải chịu trách nhiệm về việc “thể chế Kádár vẫn tiếp tục tồn tại ở Hungary”. Đồng chủ tịch LMP tuyên bố, nếu lên nắm quyền, đảng của bà sẽ công bố các hồ sơ mật vụ và đưa vào thực thi đạo luật thanh lọc.

Ông Hadházy Ákos, đồng chủ tịch thứ hai của đảng LMP thì khẳng định, sở dĩ LMP đệ trình lên Quốc hội lần thứ 16 dự thảo luật của mình, vì đây là một bổn phận đạo đức. Những lý lẽ đã được đưa ra để bác bỏ dự luật, theo ông, đều là “trí trá”, chẳng hạn, “chuyện xảy ra đã lâu, không cần quan tâm”, “trong số những kẻ chỉ điểm cũng có người yếu ớt, không chỉ bọn xấu”, v.v...

Đạo luật thanh lọc có ích trong thực tiễn vì “chúng ta không muốn những kẻ yếu ớt hay xấu xa trong ghế lãnh đạo đất nước”, ông Hadházy Ákos. “Cho tới giờ, đã có thể chứng tỏ được rằng trong ban lãnh đạo đất nước hiện tại, có bọn chỉ điểm của chế độ cũ” vì nếu không, dự luật của LMP đã không bị bác bỏ tới 15 lần như thế - vị chính khách đối lập diễn đạt một cách gay gắt.
 
*

Như NCTG đã nhiều lần đưa tin, dùng mạng lưới chỉ điểm dày đặc để duy trì chính quyền và khiến người dân luôn trong cảnh sợ hãi và phục tùng là một trong những đặc tính của các thể chế cộng sản tại Liên Xô (cũ) và vùng Đông Âu. Trong nhiều thập niên, Stasi của Đông Đức, Securitate của Romania hay AVH của Hungary là những cái tên kinh hoàng đối với mọi người dân. 

Tại Hungary, theo ước tính chưa đầy đủ, đã có chừng hai trăm ngàn “chỉ điểm viên”, “đặc tình” từng phục vụ thể chế độc tài cộng sản trong vòng bốn thập niên tồn tại, trong số đó, có cả những “kiều nữ” trẻ thành thạo tiếng Ả Rập và không ngần ngại nếu phải sử dụng thân xác cho “việc lớn”, theo một lãnh đạo Cục Lưu trữ Lịch sử trực thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia nước này. 

Trong một phần tư thế kỷ qua, không ít những nhân vật có uy tín - những chính khách, tăng lữ, văn nghệ sĩ, nhà thể thao... - của Đông Âu đã bị lộ diện là những kẻ chỉ điểm. Chỉ điểm trong nội bộ gia đình cũng không phải là quá mới mẻ, đặc biệt như trong trường hợp mật vụ chính trị Stasi của Cộng hòa Dân chủ Đức, hay KGB của Liên Xô, hoặc như một trường hợp nhức nhối ở Romania.

Tại các quốc gia cựu cộng sản vùng Đông - Trung Âu , kể từ sau biến cố dân chủ 1989-1990, nhu cầu thiết lập công lý, trừng phạt những tội ác trong quá khứ, để kẻ gieo gió phải gặp bão - nói rộng ra là trong sạch và trực diện triệt để với quá khứ - luôn là ý nguyện của số đông cư dân từng là nạn nhân bị đàn áp, tù đày, hoặc bị theo dõi, chỉ điểm bởi các thể chế độc tài toàn trị. 

Tuy nhiên, việc truy cứu trách nhiệm sau ngần ấy năm không đơn giản, khi rất nhiều nhân chứng không còn sống, những hồ sơ, tư liệu tiêu hủy và thiếu sót, sự buộc tội và chứng tỏ tội trạng rất khó khăn. Nhiều kẻ thủ ác - trong giai tầng lãnh đạo, hoặc đơn thuần là những kẻ thừa hành của bộ máy mật vụ - không hề bị trừng phạt, và có thể sinh sống và ra đi êm thấm. 

Những nỗ lực của Hungary (như trao hồ sơ mật vụ vào tay tư nhân, hoặc thành lập Ủy ban Ký ức Quốc gia để làm sáng tỏ và xử lý mọi vấn đề có liên quan tới quá khứ cộng sản), hay Ba Lan (giảm lương hưu của khoảng 32 ngàn cựu nhân viên mật vụ cộng sản nước này xuống mức lương hưu trung bình), bị coi là chưa thấm vào đâu trong việc phơi trần tội lỗi của những kẻ phục vụ chế độ cũ.

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh