Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


GIỚI ĐẠI HỌC VÀ KHOA BẢNG ĐỨNG VỀ PHÍA CEU

(NCTG) Lãnh đạo 23 đại học hàng đầu của Châu Âu và Bắc Mỹ - trong đó có Yale, Oxford, Stanford và Princeton - đã ký vào một thư chung gửi Thủ tướng Orbán Viktor, biểu lộ sự ủng hộ đối với Đại học Trung Âu (CEU) và nêu nỗi quan ngại trước việc chính quyền Hungary sửa đổi Luật Đại học theo hướng rất bất lợi cho CEU.
Đại học Boston cũng ủng hộ CEU - Ảnh: Stan Honda (AFP)
Trong lá thư, những người ký tên nhấn mạnh rằng CEU là một cơ sở giảng dạy đại học nổi tiếng trên trường quốc tế, một vài ngành đào tạo của trường được xếp trong Top 50 trên thế giới. Đồng thời, trường là một thành viên giá trị của cộng đồng khoa học quốc tế, và trường cũng khiến đời sống khoa học Hungary thêm phần tên tuổi.

Tuy vậy, việc chính phủ Hungary đề xuất dự luật sửa đổi, và Quốc hội nước này thông qua, là sự đe dọa tự do trong khoa học và tạo ra tiền lệ nguy hiểm, do đó, lãnh đạo các trường đại học sau đề nghị người đứng đầu nội các Hungary lưu tâm rằng, nếu đạo luật được đưa vào thực thi thì nó sẽ gây nên hậu quả nguy hại như thế nào:

Arizona State University
Boston University
Columbia University
Cornell University
European University Institute
Freie Universität Berlin
Georgetown University
Johns Hopkins University
Massachusetts Institute of Technology
Princeton University
Sciences Po
Stanford University
Technische Universität München
The City University of New York
University of California, Berkeley
University of Chicago
University of Michigan
University of North Carolina at Chapel Hill
University of Oxford
University of Pennsylvania
University of Toronto
Uppsala Universitet
Yale University


Trong một diễn biến có liên quan, các giảng viên, nhà nghiên cứu, sinh viên và nhân viên Đại học TP. Debrecen (thành phố lớn thứ hai của Hungary), một đại học lớn và quan trọng của nước Hung cũng đã ký một thư ngỏ cho hay, họ quan ngại trước những diễn biến xảy ra, khiến hoạt động tại Hungary của Đại học Trung Âu bị đe dọa.

Điều đáng nói là tuyên bố của những người ký tên không phải là quan điểm của Ban lãnh đạo trường, vì lãnh đạo Đại học Debrecen không những không đứng về phía CEU, mà còn ủng hộ quyết định của chính quyền vì theo họ, CEU có lợi thế hơn so với các đại học khác của Hungary và như thế, trong thị trường giáo dục, đã xuất hiện sự thiếu công bằng.
 
Nhiều giảng viên và sinh viên Đại học Debrecen cũng ủng hộ CEU - Ảnh: Molnár Zsolt (index.hu)
Nhiều giảng viên và sinh viên Đại học Debrecen cũng ủng hộ CEU - Ảnh: Molnár Zsolt (index.hu)

Trong thư ngỏ, những người ký tên khẳng định CEU đã “hội nhập sâu vào đời sống khoa học Hungary, là phần tử giá trị của hệ thống nghiên cứu và đóng vai trò đáng kể trong giáo dục đại học tại Hungary, do đó sự hiện diện của trường và việc trường được hoạt động mà không gặp trở ngại cũng là lợi ích cơ bản của giới khoa học Hung, cũng như của Đại học Debrecen”.

Thư ngỏ nêu tầm quan trọng của việc trường đại học phải được tự trị, nghiên cứu phải độc lập và giáo dục phải được tự do. Bên cạnh đó, số phận của CEU cũng ảnh hưởng trực tiếp tới Đại học Debrecen vì hai trường - và nhiều giảng viên, sinh viên của hai trường - có rất nhiều mối quan hệ hợp tác đa dạng. Những dự án và hội thảo chung, cũng như hệ thống quan hệ quốc tế và thư viện rất tốt của CEU cũng làm giàu thêm những cơ hội của Đại học Debrecen.

Những người ký thư ngỏ đề xuất toàn thể nhà trường và các đơn vị của trường hãy bày tỏ sự đoàn kết với CEU, danh tiếng trong nước và quốc tế của Đại học Debrecen đòi hỏi điều đó. Đứng bên những đồng nghiệp, những bạn hữu xuất sắc của CEU, hiện đang gặp cảnh khó khăn, là một “bổn phận đạo đức”. Thư ngỏ yêu cầu hãy “làm tất cả để CEU tiếp tục được hoạt động bình thường tại Hungary, vì những dự án và quan hệ hợp tác đã được khởi động giữa hai trường cũng là trách nhiệm dài hạn đối với Đại học Debrecen”.

Trong số rất nhiều người ký thư ngỏ này, có TS. Trần Quốc Bình một gương mặt quen biết của cộng đồng Việt Nam tại Hungary, thân hữu của NCTG, hiện đang nghiên cứu và giảng dạy tại Viện Toán (Đại học Debrecen).

Tác giả bài viết: Trần Lê tổng hợp