BỒI HỒI LẠ LÙNG
- Thứ hai - 24/08/2015 14:49
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Bồi hồi lạ lùng, khi mắt đang náo nức tìm tấm biển đề tên phố trên đại lộ thẳng tắp dẫn tới quảng trường Anh hùng, thì trong tiềm thức, thoáng một chút xa lạ ập tới, bởi những tiếng vọng thân thương vang lên trong đầu không còn giống như những ngày xưa nữa...” - chia sẻ của anh Phan Hồng về chuyến thăm Hung sau nhiều năm xa cách.
Lời Tòa soạn: Tác giả Phan Hồng là một cựu sinh viên Đại học Tổng hợp Budapest (ELTE) thời gian 1976-1981, là cây bút chủ lực của mạng vnkatonak.com tập hợp nhiều thành viên từng có thời gian học tập và sinh sống tại Hungary, trong đó, đa số là các cựu học viên quân sự.
Anh là tác giả của loạt hồi tưởng rất đặc sắc về đất nước, con người và những kỷ niệm tại Hungary đã thu hút được sự chú ý của đông đảo độc giả. Trong một trao đổi với với NCTG, anh Phan Hồng thổ lộ về vị trí đặc biệt của Hungary trong anh, nơi anh đã sống cả một thời tuổi trẻ:
“Đất nước Hungary là nơi tôi đã sống 6 năm 8 tháng (...) Sau này, tôi có dịp đi công tác và du lịch ở một số quốc gia khác, nhưng chưa bao giờ tôi có được cảm giác hồi hộp và vui sướng như đang bước chân trở về ngôi nhà cũ của mình, như những lần tôi quay trở lại Budapest, Hungary!”.
NCTG xin chuyển tới bạn đọc những ấn tượng xao xuyến mà nước Hung để lại trong tác giả trong chuyến thăm Hungary mới đây, mà tác giả mô tả là bồi hồi một cách lạ lùng. Trân trọng giới thiệu! (NCTG).
Anh là tác giả của loạt hồi tưởng rất đặc sắc về đất nước, con người và những kỷ niệm tại Hungary đã thu hút được sự chú ý của đông đảo độc giả. Trong một trao đổi với với NCTG, anh Phan Hồng thổ lộ về vị trí đặc biệt của Hungary trong anh, nơi anh đã sống cả một thời tuổi trẻ:
“Đất nước Hungary là nơi tôi đã sống 6 năm 8 tháng (...) Sau này, tôi có dịp đi công tác và du lịch ở một số quốc gia khác, nhưng chưa bao giờ tôi có được cảm giác hồi hộp và vui sướng như đang bước chân trở về ngôi nhà cũ của mình, như những lần tôi quay trở lại Budapest, Hungary!”.
NCTG xin chuyển tới bạn đọc những ấn tượng xao xuyến mà nước Hung để lại trong tác giả trong chuyến thăm Hungary mới đây, mà tác giả mô tả là bồi hồi một cách lạ lùng. Trân trọng giới thiệu! (NCTG).
Cách đây 10 năm, năm 2005, chúng tôi có dịp trở lại nước Hung sau 30 năm xa cách. Chuyến đi đầy hào hứng đó đã được chúng tôi kể lại trên trang web của Chi hội Hữu nghị Việt Nam - Hungary của các cựu học viên quân sự từng “đóng quân” trong doanh trại Petőfi.
Khi trở về Hà Nội, chúng tôi hẹn ước với nhau, 10 năm nữa, tức năm 2015, sẽ cố gắng đưa gia đình trở lại quê hương thứ hai của mình. Vì thế, tháng 6 vừa rồi, chúng tôi đã có gần một tuần lễ thăm thú thủ đô Budapest xinh đẹp và một số địa điểm du lịch quen thuộc như hồ Balaton, thành Eger…
Mặc dù từ sau chuyến thăm năm 2005, một số thành viên trong đoàn đã có cơ hội dạo chân trên vỉa hè Budapest thêm đôi ba lần, song cảm xúc của chuyến đi năm nay vẫn khác lạ, bồi hồi.
Bồi hồi lạ lùng khi tất tả nhờ một khách bộ hành qua đường chụp hộ bức ảnh chân dung trước cổng chính nhà ga phía Đông (ga Keleti), nơi đánh dấu điểm đến đầu tiên 40 năm trước.
Bồi hồi lạ lùng khi xe chầm chậm nhích trên con phố hẹp ven bờ sông, khiến tâm trí không tài nào rời khỏi bóng dáng những cây cầu yêu mến. Bốn chú sư tử thân quen. Hai dây văng màu trắng ngà thõng xuống mặt nước xanh trong thân quen. Đôi chim thần guru thân quen. Chạc ba chữ Y thân quen.
Bồi hồi lạ lùng khi thong thả bước trên con đường lát đá đen trên thành Vár dẫn tới nhà thờ Mátyás “vút cao gai góc”, ven đường có tượng Petőfi.
Bồi hồi lạ lùng khi anh bạn đi bên cạnh bảo, người Việt mình cũng có niềm tự hào nho nhỏ, vì ngôi nhà cũ của vua Phổ trên Vár, nay đã có người Việt mua đứt rồi.
Bồi hồi lạ lùng ngắm nhìn toàn cảnh Budapest từ thành của Những người đánh cá (Halászbástya), hay từ đỉnh núi Gellért.
Bồi hồi lạ lùng về thăm doanh trại bộ đội năm xưa, bắt gặp khu vườn tượng mới khánh thành, trong đó có tượng Nữ hoàng Maria Theresa.
Bồi hồi lạ lùng khi gặp tượng Bartók Béla gần đại lộ Bartók Béla, tượng Kosztolányi Dezső trên quảng trường Kosztolányi Dezső, và chợt thấy tấm biển đề những dòng lưu niệm ở ngôi nhà ông từng sinh sống. Hồi đi học, cũng như 10 năm trước đây, đâu để ý.
Bồi hồi lạ lùng khi thanh thản ngồi trên ghế băng dài giữa phố xá đông người qua, trước mặt phương tiện giao thông chạy như mắc cửi, sau lưng là những bồn hoa tươi thắm thơm ngát.
Bồi hồi lạ lùng khi từ tàu điện thả bàn chân xuống giữa cầu Margit cuốc bộ vào thăm đảo. Đài kỷ niệm màu nâu nhọn hoắt như cái đầu Bút Thép trên báo “Thiếu niên Tiền phong”. Đài phun nước nâng lên đặt xuống những làn sương mỏng sáng bạc nhấp nhô, bay bay trong bảy sắc cầu vồng.
Bồi hồi lạ lùng, khi mắt đang náo nức tìm tấm biển đề tên phố trên đại lộ thẳng tắp dẫn tới quảng trường Anh hùng, thì trong tiềm thức, thoáng một chút xa lạ ập tới, bởi những tiếng vọng thân thương vang lên trong đầu không còn giống như những ngày xưa nữa. Hỏi ra mới biết, tên đại lộ đã đổi thay, trước kia gọi là Népköztársaság (*). Nhớ ra rồi.
Bồi hồi lạ lùng buổi tối ngồi uống bia tươi đối diện tòa nhà Quốc hội bên kia sông, miệng nói những câu chuyện tầm phơ rời rạc.
Bồi hồi lạ lùng khi lần đầu viếng thăm khu vườn mộ xanh ngát bên Pest đẹp như công viên mỹ thuật, quên bẵng đi những ồn ào tấp nập ngoài kia, để hồn lắng nghe những hơi thở nóng hổi hổn hển của đời sống hôm qua và hôm nay.
Bồi hồi lạ lùng trong buổi chiều mưa dưới chân chàng lực sĩ đóng khố bắn cung, cạnh sân trượt băng gần khu rừng thưa thành phố.
Bồi hồi lạ lùng khi bắt gặp bà cụ gầy gò lưng còng bán những túm hoa tuyết nhỏ màu trắng ngay cửa vào siêu thị đầy ắp những hàng hiệu sang trọng.
Bồi hồi lạ lùng khi trở lại khu trường cũ Đại học Tổng hợp Budapest (ELTE), đúng vào lúc sinh viên đang yên lặng xếp hàng chờ thi học kỳ ngoài hành lang tầng hai, người bạn đi cùng thốt lên: “Tự nhiên, muốn vào phòng thi quá!”, đành nhắc: “Xưa kia, nơi đây là Khoa tự nhiên, còn bây giờ là Khoa xã hội nhân văn”. Thi sao nổi.
Bồi hồi lạ lùng khi tên trường Đại học Bách khoa Budapest (BME) đã “cải biên” thành tên mới (**), nhiều tấm biển đề đã ghi tên khác, nhưng may thay, dòng chữ ngự trên trán tòa nhà cổ kính nhất đầu phố Budafoki (khoa Hóa) vẫn giữ nguyên cái tên ngày xưa.
Bồi hồi lạ lùng khi nhìn những mảnh ghép đa sắc màu trên mái vòm “cá tính” chợ Szabadság. Bình yên lạ lùng khi nhè nhẹ đưa chân vào cổng chợ, hít một hơi thở sâu tìm lại bầu không khí náo nhiệt quen thuộc năm nao, những mảng mầu xanh đỏ tím vàng sặc sỡ của biển hiệu và hàng hóa lướt qua tầm mắt, những tiếng vọng mua bán ong ong trong không gian, những cái gật đầu lắc đầu, những nụ cười vồn vã, những cái khoát tay, những dáng đi tất tả. Nôn nao lạ lùng khi lên tầng hai của ngôi chợ, chứng kiến những người Hung “vidéki” (“quê mùa”) dùng bữa trưa bên cạnh mình.
Bồi hồi lạ lùng đứng ngoài cánh cửa gỗ lớn nhà thờ Tihany, không dám vào trong, vì sợ sẽ thấy bức tranh có đôi mắt “ma quái” dõi theo từng bước đi của du khách.
Bồi hồi lạ lùng hít làn gió trong lành hồ Balaton trên chuyến phà ngang qua Siófok.
Bồi hồi lạ lùng nếm thử các loại rượu vang trong hầm rượu ở Eger.
Bồi hồi lạ lùng không còn bị lỡ hẹn thưởng thức món súp cá “trứ danh” của thành phố Szeged trong nhà hàng đầu cầu Szabadság nữa.
Bồi hồi lạ lùng…
Ghi chú (của NCTG):
(*) Đại lộ Andrássy hiện tại, thời gian 1957-1990 mang tên Cộng hòa Nhân dân (Népköztársaság).
(**) Từ đầu năm 2000, Đại học Kỹ thuật Budapest (BME) có tên mới là Đại học Kỹ thuật và Kinh tế Budapest.