Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Tham quan Tòa nhà Quốc hội: GẶP GỠ TINH THẦN CỦA NGƯỜI VIỆT TẠI HUNGARY

(NCTG) “Vượt lên vòng quay cơm - áo - gạo - tiền nơi đất khách, dù sớm hay muộn, cá nhân tôi nghĩ rằng, dành một buổi tham quan Tòa nhà Quốc hội Hungary - một địa danh có thể với nhiều người đã quen nhưng chưa từng một lần có dịp trải nghiệm bên trong, là một lựa chọn đúng đắn”.
Tòa nhà Quốc hội Hungary
Vừa mới đặt chân đến trời Âu, tôi đã có dịp được gặp rất nhiều người Việt sinh sống, làm việc tại Hungary. Tuy nhiên, địa điểm hội ngộ lần này khác với nhiều lần trước: Không phải ở khu chợ Con Hổ, Thăng Long, Châu Á quy tụ đa số bà con Việt đang mưu sinh nơi đất khách, mà là quảng trường Kossuth, nơi tọa lạc Tòa nhà Quốc hội, một địa điểm văn hóa, lịch sử và chính trị nổi tiếng hàng đầu của xứ này.

Buổi hôm đó, nhóm chúng tôi gồm sáu đứa trẻ gốc Việt từ 6 đến 12 tuổi sinh ra và lớn lên ở Hungary, mươi anh chị cô chú đều là chủ các cơ sở kinh doanh, thương mại đã có “thâm niên” 10-20 năm dãi dầu nắng mưa tại Châu Âu, cùng hai vị phụ huynh cao niên trong dịp sang nước bạn thăm con cháu, và tôi, một người trẻ chỉ mới qua Hungary vỏn vẹn chưa đầy hai tháng ngắn ngủi.
 
Tác giả chụp trước Tòa nhà Nghị viện, nhìn từ bên kia sông Danube
Tác giả chụp trước Tòa nhà Nghị viện, nhìn từ bên kia sông Danube

Gần 20 người, mỗi người một vị trí, một lĩnh vực, một ngành nghề. Có bạn trẻ đã được học qua về văn hóa lịch sử Hungary, đa số chưa có nhiều kiến thức, nhưng tựu chung, tất cả đều hẹn gặp nhau tại nơi có Cột cờ Quốc gia cao vút phía trước Tòa nhà Quốc hội với mong muốn tìm hiểu thêm một số giá trị của đất nước và con người Hungary, mái nhà thứ hai mà mỗi chúng tôi đều muốn lựa chọn và gắn bó.

Tòa nhà Quốc hội như tôi tìm hiểu từ trước là địa điểm lịch sử có ý nghĩa biểu tượng và thiêng liêng của nhà nước Hungary, đồng thời cũng là một kiệt tác kiến trúc luôn luôn thu hút rất đông du khách trong và ngoài nước tới chiêm ngưỡng và chụp hình. Tuy nhiên, chỉ có thể tham quan bên trong tòa nhà theo đoàn với sự hướng dẫn bằng các thứ tiếng như Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha… chứ không có tiếng Việt.
 
Bà con trong cộng đồng tham quan Nhà Quốc hội - Ảnh: Trần Lê
Bà con trong cộng đồng tham quan Nhà Quốc hội - Ảnh: Trần Lê

May mắn thay, lần này, nhờ sự tổ chức của anh Hoàng Linh, người đã có 35 năm gắn bó ở vùng đất Trung Âu này, chúng tôi mới có cơ duyên gặp nhau tại chuyến tham quan cả bên trong lẫn ngoài khuôn viên tòa nhà Quốc hội. Đặc biệt hơn cả là được lắng nghe anh dẫn dắt, giới thiệu kỹ lưỡng bằng tiếng Việt những thông tin về các điểm nhấn văn hóa, lịch sử và kiến trúc ngàn đời của đất nước Hungary.

Giữa tiết trời lạnh giá của Budapest, nhiệt độ ngoài trời âm 3 độ C kèm theo gió lớn khiến ai nấy đều liên tục xuýt xoa hay không phải có những cái rùng mình nhẹ. Vậy nhưng, cứ mỗi bước chân chậm rãi cùng lời cảm thán “tuyệt vời quá”, “vĩ đại quá”, “giỏi quá”, tôi cảm nhận rằng, không chỉ tôi mà phần nào mọi người cũng đều được sưởi ấm bằng những kiến thức thú vị mà xưa nay họ chưa từng hay biết.
 
Quần thể kiến trúc biểu tượng của nhà nước Hungary
Quần thể kiến trúc biểu tượng của nhà nước Hungary

Đứng ngay phía chính diện tòa nhà, anh Hoàng Linh cho chúng tôi biết, đây là tòa nhà nghị viện lớn thứ nhì Châu Âu sau Tòa nhà Quốc hội Anh, Điện Westminster, lớn thứ ba thế giới (sau Đại lễ đường Nhân dân Trung Quốc) nhưng là tòa nhà Quốc hội trong loạt các quần thể kiến trúc tại thủ đô Budapest được UNESCO công nhận Di sản Thế giới và được nhiều người bình chọn là đẹp nhất thế giới.

Về lịch sử của công trình này, được biết, năm 1880, khi Hungary đang trong thời kỳ Đế chế Áo-Hung (hai quốc gia độc lập nhưng có chung một vị quân vương và các Bộ quan trọng nhất được điều hành chung), Quốc hội Hungary đã quyết định ra một đạo luật nhằm thiết kế và xây dựng một tòa nhà lập pháp cố định, đánh dấu thời khắc quan trọng của một quốc gia đã trải qua lịch sử “oai hùng và khổ đau”.
 
Cầu thang chính của tòa nhà
Cầu thang chính của tòa nhà

Vượt qua 19 tên tuổi sáng giá, tác phẩm xuất sắc của kiến trúc sư Steindl Imre đã được lựa chọn. Trong gần 20 năm (1885-1904), Hungary lần đầu tiên xây dựng thành công một công trình bề thế gần như “thuần Hungary”, từ đội ngũ kiến trúc sư tới bao nhiêu vạn người thợ Hung lành nghề, tới vật liệu quý như 40 kg vàng, đá cẩm thạch, đồ gốm sứ… được huy động từ mọi vùng miền của xứ sở Trung Âu này.

Tọa lạc bên bờ Pest của dòng sông xanh Danube (con sông duy nhất chảy qua 10 quốc gia ở Châu Âu, trong đó có 4 thủ đô), Tòa nhà Quốc hội Hungary có chiều dài 268m, rộng 123m và cao 96m. Cùng với nhà thờ lớn St. Stephen's Basilica (Vương cung thánh đường mang tên vị vua lập quốc của Hungary, Thánh István), đây là một trong hai quần thể được phép xây tới độ cao 96m trong khu vực nội đô Budapest.
 
Những hành lang đẹp như mơ
Những hành lang đẹp như mơ

Qua giới thiệu, chúng tôi được biết với người Hung, không phải ngẫu nhiên họ chọn 96m là chiều cao giới hạn, hay cầu thang chính bên trong tòa nhà nghị viện cũng có đúng 96 bậc. 96 là con số đặc biệt, gợi nhớ đến năm 896, khi các bộ lạc người Hung đến từ Châu Á xa xôi đã chinh phục mảnh đất nằm giữa lòng Châu Âu để lập quốc về sau này, hay cũng là thời điểm đánh dấu một thiên kỷ hào hùng của dân tộc, năm 1896.

Không chỉ bị choáng ngợp từ sự hoành tráng, bề thế của tòa nghị viện mà khi dạo bước tại khu vực xung quanh Nhà Quốc hội, chúng tôi còn bị thu hút bởi nhiều công trình kiến trúc khác như trụ sở Tòa án Tối cao Hoàng gia Hungary một thời, tòa nhà của Bộ Nông nghiệp Hung, hay Quảng trường Tự do thể hiện ước vọng tự do của dân tộc Hung ở nơi từng là một nhà tù lớn của Đế quốc Áo nửa đầu thế kỷ thứ 19…
 
mh8

Phòng họp của Quốc hội
Phòng họp của Quốc hội

Đi sâu vào bên trong Tòa Nghị viện, chúng tôi một lần nữa phải thốt lên vì vẻ đẹp tuyệt vời từ tổng thể kiến trúc mang dấu ấn Gothic hay thời kỳ Phục Hưng (thế kỷ 16) đến sự tinh tế và sắc sảo của từng chi tiết, họa tiết. Công trình đồ sộ này với 27 cửa ra vào, 691 phòng, ngoại trừ 8 cây cột đá cẩm thạch của Thụy Điển (trên tổng số 12 cây cột, 4 cột còn lại đặt ở Nhà Quốc hội Anh Quốc, London), đều là vật liệu của Hungary.

Cổng chính của Tòa nhà Quốc hội chỉ được mở trong các dịp đại lễ hoặc để tiếp đón những đoàn đại biểu cấp cao của nước ngoài. Khi bước tới cầu thang chính với 96 bậc thang trên thảm đỏ trang trọng nối cổng chính với tòa đại sảnh mái tròn cao nhất của tòa nhà, nơi đặt chiếc Vương miện Thiêng liêng (Szent Korona) của Hungary, có đội canh giữ liên tục, chúng tôi được yêu cầu không chụp ảnh và nói chuyện nhỏ nhẹ.
 
Phòng trò chuyện của giới dân biểu
Phòng trò chuyện của giới dân biểu

Trong tòa đại sảnh, chúng tôi được chiêm ngưỡng những báu vật lịch sử quý giá nhất của nước Hung, biểu tượng của nhà nước Hungary, đặc biệt là chiếc Vương miện Đăng quang mà 55 đời vua, kể từ vua lập quốc Szent István (năm 1000) cho đến vị vua cuối cùng (năm 1916) đã được đội lên đầu khi lên ngôi. Cạnh đó cây quyền trượng biểu tượng cho sự anh minh và công bằng, và trái cầu thể hiện quyền lực của nhà vua.

Gần một tiếng tham quan, chúng tôi còn được qua phòng họp một thời của giới quý tộc; khu vực dành cho những cuộc gặp gỡ và trò chuyện của các dân biểu sau các phiên họp; hay gần 250 bức tượng khắc họa các nhân vật nổi tiếng cùng đại diện các ngành, nghề trong lịch sử nước Hungary cổ. Rất đáng chú ý là hệ thống sưởi và thang máy - được coi là tối tân nhất đương thời - đã hoạt động liên tục từ 117 năm nay.
 
Chụp kỷ niệm cùng HDV của Văn phòng Quốc hội - Ảnh: Trần Lê
Chụp kỷ niệm cùng HDV của Văn phòng Quốc hội - Ảnh: Trần Lê

Nhớ lại hồi mới sang Budapest, trong một lần dạo quanh thành phố cùng chị gái, tôi đã có dịp lưu lại một bức ảnh đẹp, phía sau là Tòa nhà Quốc hội, hiện lên lung linh kỳ vĩ dưới bầu trời hoàng hôn tím hồng. Vậy nhưng, phải đến khi trải nghiệm cùng những đồng hương Việt nơi đất khách, tôi mới thực hiểu phần nào những giá trị của nước Hungary hơn 1.100 năm tuổi, mảnh đất chúng tôi lựa chọn sinh sống và làm việc.

Vượt lên vòng quay cơm - áo - gạo - tiền nơi đất khách, dù sớm hay muộn, cá nhân tôi nghĩ rằng, dành một buổi tham quan Tòa nhà Quốc hội Hungary - một địa danh có thể với nhiều người đã quen nhưng chưa từng một lần có dịp trải nghiệm bên trong, là một lựa chọn đúng đắn. Không chỉ để tìm hiểu vùng đất chúng ta lựa chọn, giúp bản thân tự tin hơn trong sự hòa nhập, hội nhập, mà còn là cơ hội sống chậm, làm giàu thêm vẻ đẹp tinh thần, để thấy vui hơn với quyết định xa quê và khám phá thế giới.

(*) Xem clip của NCTG về cuộc tham quan tại đây.

Tác giả bài viết: Oanh Trương, từ Budapest