Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


GÓI BÁNH CHƯNG TẠI BUDAPEST THỜI DỊCH BỆNH

(NCTG) Gần 1 năm chìm trong dịch bệnh Covid-19, cộng đồng Việt Nam tại Hungary đón chờ Tết Nguyên đán Tân Sửu một cách hết sức đặc biệt: sẽ không có lễ hội tết cộng đồng vốn có truyền thống gần 30 năm nay (thường thu hút tới một phần ba, phần tư tổng số bà con), không có những dịp liên hoan, tụ họp với sự tham gia của trên 10 người lớn, v.v... theo đúng các quy định phòng dịch bệnh của nước bạn.
Gói bánh chưng ngày tết đã trở thành tập quán của nhiều gia đình Việt tại Hungary
Xem clip của NCTG ở đây.

Trải qua một năm với rất nhiều khó khăn, có những giai đoạn nhiều bà con tiểu thương Việt phải hạn chế công việc, hoặc thậm chí đóng các hàng quán, nhà hàng... để thực hiện các biện pháp thắt chặt tương đối nghiêm khắc của nước sở tại, nhưng không khí những ngày tết cổ truyền vẫn thể hiện trên các trang mạng, diễn đàn người Việt, với rất nhiều món ẩm thực quê hương được làm sẵn và bán.

Không thiếu thứ gì” là nhận xét của nhiều bậc cao niên qua thăm và ở lại một thời gian với con cháu, khi có dịp qua các cửa hàng thực phẩm Châu Á, trong đó thực phẩm Việt Nam được nhập liên tục và chất lượng đa dạng. Đã qua từ rất lâu thời kỳ chai nước mắm, mảnh lá dong... là đồ hiếm quý, nên từ những năm gần đây, nhiều nhóm bạn, gia đình thường rủ nhau cùng gói bánh chưng cho đỡ nỗi nhớ nhà.
 
Khâu chuẩn bị vui và rộn ràng
Khâu chuẩn bị vui và rộn ràng

Chúng tôi có dịp tham dự một “sự kiện” như vậy, tại tư gia anh chị Dũng - Thảo, cả hai đều là cựu DHS Việt tại Hungary, riêng anh Dũng từ hơn 35 năm nay. Xa nhà đã lâu như vậy, nhưng anh chị vẫn tổ chức hàng năm cùng bạn bè những dịp thế này, phần cũng là để các cháu nhỏ có dịp quây quần gặp nhau, còn bố mẹ thì dù vụng, dù khéo, cũng có gắng gói 5-7 chiếc bánh chưng để có cảm giác quê hương.

Việc chuẩn bị cũng đòi hỏi thời gian và sự chuyên tâm, khi các gia đình phân công nhau, người thì lo mua ngâm gạo nếp, đỗ đậu, người kiếm thịt, lá dong, lạt... Nồi to để luộc đủ gần 40 chiếc bánh chưng theo nhu cầu từng gia đình, có năm phải đi thuê, còn năm nay rất may mượn được từ một bạn hữu có nhà hàng, nhưng phải đóng cửa để phòng dịch. Vui và cảm giác rộn ràng ở khâu chuẩn bị như thế!
 
Lá dong, lạt, thịt, đỗ, gạo... đều đã được chuẩn bị trước
Lá dong, lạt, thịt, đỗ, gạo... đều đã được chuẩn bị trước

Bà Ngọc Lý, một bậc phụ huynh đã định cư tại Budapest từ 24 năm nay và luôn nhiệt tình giúp con cháu trong các dịp lễ, tết như thế này, cho hay rằng mặc dù dịch bệnh kéo dài, tuy nhiên năm nay việc mua sắm các nguyên liệu để gói bánh chưng cũng không mặt khó khăn gì, các mặt hàng thực phẩm Việt rất dồi dào và phong phú, giá cả có phần tăng so với năm ngoái, nhưng “một năm mới có một lần tết mà”.

Quá trình gói bánh cũng là lúc các cựu DHS như sống lại những năm tháng xa xưa, với những câu chuyện từ nhiều thập niên trước trong dịp cuối năm, lễ tết. Cái thời hết sức khó khăn áo chăn chưa ấm thân mình, bánh chưng thường được gói tay nắn nót, phải rất khéo để khỏi tốn lá, lạt, và thường “chỉ đàn ông trụ cột trong nhà mới làm được”, giờ vẫn lưu lại và khắc ghi trong ký ức những người con xa xứ.
 
Các cháu thuộc thể hệ thứ hai cũng có dịp thử sức
Các cháu thuộc thể hệ thứ hai cũng có dịp thử sức

Giờ đây, có khuôn, nên bất cứ ai cũng có thể “thử sức” gói, và đây cũng là dịp để các cháu thuộc thế hệ thứ hai - chào đời ở Hungary, hiện đã trưởng thành và du học hoặc làm việc ở nước ngoài, chỉ tranh thủ chạy về ít ngày với bố mẹ trong dịp lễ cổ truyền dân tộc - có thể tìm hiểu một giá trị đẹp và tinh tế của nền văn hóa và ẩm thực Việt, cũng như, có thể hình dung phần nào bầu không khí Việt ngày tết.

Câu chuyện cũng không thể thiếu những nét thời sự, kể từ bầu cử tổng thống Mỹ, xung đột ở Biển Đông, tình hình dịch trên trên thế giới và tất nhiên, chuyện làm ăn, công việc của bà con trong năm qua. Anh Quang, một doanh nhân lớn chuyên về mặt hàng nước hoa cao cấp, chia sẻ rằng do làm việc ở nhà, từ xa (home office) nên nhu cầu của người tiêu dùng với các sản phẩm của anh cũng giảm nhiều.
 
Lũ trẻ được gặp nhau sau bao ngày cách ly
Lũ trẻ được gặp nhau sau bao ngày cách ly

Gói xong, đến phần luộc. Gia chủ đã chuẩn bị đầy đủ các phương án bếp ga, bếp điện hay đun củi ngoài vườn để “tùy nghi” cho phù hợp thời tiết và điều kiện thực tế. Mùa đông năm nay cho tới giờ ở Hungary khá kỳ lạ: đã thượng tuần tháng Hai mà tiết trời vẫn khá ấm áp, không có tuyết rơi, nấu theo cách gì cũng được, miễn là đảm bảo được ít nhất là 10-12 tiếng đun sình sịch cho bánh chưng đủ “rền”.

Thức thâu đêm trò chuyện, hàn huyên và theo dõi, chờ “thành phẩm” là nội dung hấp dẫn của buổi gặp mặt. Sau gần 12h, những chiếc bánh chưng - độ vuông vức, chắc tay và “ngoạn mục” khác nhau, vì do nhiều người gói - nhưng khi “ra lò” vẫn mang chút hồn Việt nơi xa xứ, và là cái tình, là sự kết nối của những con người xa quê. Mẻ đầu ăn thử, ai cũng tấm tắc khen ngon, rền, chất lượng bảo đảm và an toàn.
 
“Chiến lợi phẩm” từ mẻ bánh đầu tiên...
“Chiến lợi phẩm” từ mẻ bánh đầu tiên...

Rất có thể, cảm nhận như thế, một phần cũng bởi đây là hương vị truyền thống và thiêng liêng của thời khắc cuối năm, và nhắc nhớ những kỷ niệm giờ chỉ còn trong ký ức...

(*) Bản tin đã đăng trên Kênh Truyền hình VTV4.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: PV