Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


FRIEND

(NCTG) “Cuộc sống hàng ngày rất dễ cuốn phăng ta đi theo những cái mệt mà nó tác động lên ta. Làm thế nào để lúc nào ta cũng say mê, cũng hăm hở, hoặc bét nhất là duy trì được năng lượng để đọc, để viết, để cảm thụ?”.

1. Tôi có nhiều mơ ước trên đời. Một trong những mơ ước ấy là du lịch châu Âu.

Năm vừa rồi tôi đã bị từ chối visa sang một đất nước nhiều người mơ ước. Trải nghiệm ấy đối với mọi người có thể là bình thường “như cân đường hộp sữa” nhưng với tôi là một sự bẽ bàng. Mình chỉ là một kẻ vô sản không thể chứng minh nổi mình có khả năng đi du lịch nước họ và sẽ quay về chóng vánh.

Thực ra, lý do để tôi đi là quan hệ bạn bè. Nhưng như thế chẳng nghĩa lý gì với lãnh sự viên. FRIEND không phải là một từ có trọng lượng để chứng minh độ tin cậy. Dĩ nhiên là tôi bị từ chối thật lẹ, thật trơn tru như cái nụ cười và từ “perfect” lạnh gáy mà bà ta thốt lên từ khuôn mặt nặng như đổ chì sau tấm kính chắn. Lệ phí dù đắt nhưng không là gì với cảm giác rợn người như bị trình diện vì mắc một tội nào đó.

Tôi nghĩ đến nỗi trống rỗng của Nhâm trong “Thương nhớ đồng quê” của Nguyễn Huy Thiệp. “Đồng quê tôi vô danh. Nơi tôi đứng đây vô danh”. Kể ra nỗi trống rỗng ấy cũng hơi sáo, nhưng mà có ở tâm trạng ấy thì mới thấy thấm.

Sau đấy tôi mới biết, đi xin visa phải có “bài” và tôi quá thật thà, quá thiếu kinh nghiệm. Tôi cảm thấy sượng sùng và ê chề khi tất cả những người từng xin được visa khác đều dường như luôn biết phải làm gì đấy mà tôi thì không biết! Như là ở Việt Nam bây giờ ai cũng biết phải làm gì để ra tiền mà tôi thì mãi không biết!

Châu Âu thì sao. Châu Âu là một nơi chốn có thần tiên không, vì tôi đã gặp nhiều người Âu tha phương ở Hà Nội. Nhiều người trong số họ khi nhắc tới quê nhà, ngoài cái sự tự hào (dĩ nhiên!) về di sản văn hóa của họ, thì họ cũng không giấu một điều gì đó thất vọng về một xã hội già cỗi, nhiều định chế kỳ cục. Nhưng mà có định chế nào không kỳ cục chứ?

2. Anh Hoàng Linh có nói khi nào sang châu Âu, gắng ghé thăm Budapest. Ừ, nếu mà đi được thì tôi muốn tới đó, xem dinh lũy của những vương quốc lộng lẫy bên dòng Danube. Muốn tới những thành phố xinh đẹp chỉ một, hai triệu dân, đường phố bình yên cho tôi có những lộ trình dạo bộ thư thái.

Nếu đi được, chắc ngoài những bảo tàng, cung điện “phải đến trước khi chết” thì tôi muốn mang một hộp màu và căng một tấm toan, vẽ một bức tranh phong cảnh, để xem cái không khí ấy, cái phổ màu ấy sẽ đi vào tranh của mình ra sao. Ở Hà Nội, thường thích hợp vẽ phong cảnh ngoài trời là từ 8 đến 10 giờ sáng. Tất nhiên đó là dấu ấn kiểu vẽ hơi học trò, nhưng cũng như viết lách, cái gì mình tự rung cảm được trước nhất thì sẽ là cái mình sẽ quý lâu dài. Tất nhiên là người thưởng thức quan trọng, nhưng thực sự không ai đánh giá được chính xác khả năng của mình bằng chính mình. Nhiều người tự hãnh vậy thôi, chứ khi đối diện với chính mình, họ cũng không thể dối mình về giới hạn tài năng của bản thân.

Budapest có màu chính là màu gì nhỉ? Hà Nội có sắc xanh nâu đặc biệt. Những tầng tán trên những vòm cây có màu xanh đậm của rặng nhãn trên đường Thanh Niên hay hàng sấu Phan Đình Phùng, màu xanh phơn phớt chua chua của lá phượng trên phố Lý Thường Kiệt, màu xanh hơi ánh tím điểm da cam bằng lăng trên phố Thợ Nhuộm, màu xanh hoe vàng của cây cơm nguội phố Lê Văn Hưu. Những màu nâu của thân cây hòa với những màu vàng thư của những tòa nhà thuộc địa cũ. Người ta nói sang Paris thấy quen vì nhiều chỗ giống Hà Nội lắm. Chắc chỉ giống Hà Nội mùa này, mù sương và mưa phùn lạnh lẽo như vay mượn từ nơi khác về. Hà Nội mùa hè chói chang, ắt khác.

3. Mỗi ngày tôi đọc tin báo, tôi thích nhất đọc những tin vui vui về những lối sống lạ của con người khắp nơi, những khám phá thú vị có tính thưởng ngoạn. “Nhịp cầu Thế giới” qua đường dẫn của anh Hoàng Linh hay có những bài ấy. Một vụ kiện hi hữu hài hước ở Hungary, một cô diễn viên phim khiêu dâm tranh cử nghị viện, hay là những câu chuyện “nhảm nhí” được thuật lại khá là dễ thương qua lời văn của các cây bút Trần Lê, Hoàng Tuấn… mà hóa ra chỉ là một người :).

Cuộc sống hàng ngày rất dễ cuốn phăng ta đi theo những cái mệt mà nó tác động lên ta. Làm thế nào để lúc nào ta cũng say mê, cũng hăm hở, hoặc bét nhất là duy trì được năng lượng để đọc, để viết, để cảm thụ? Hình như anh Hoàng Linh có một câu trả lời, ít nhất cũng đáng nể dù là qua những gì trên mạng.

Mà mạng bây giờ cũng đã lẫn với đời nhiều lắm. Mark Zuckerberg – người sáng lập Facebook đã thành tỷ phú ở tuổi 20 nhờ phát huy một từ mà tưởng như không có sức nặng khi xin visa – FRIEND. Hình như anh Linh và “Nhịp cầu Thế giới” cũng đã được lợi ở Facebook rất nhiều chính là từ tính năng “kết bạn” ấy.

Có những điều ở cuộc đời hôm nay là vớ vẩn, thậm chí bị từ chối. Ngày mai có khác không thì không ai dám chắc, nhưng dẫu sao ta cũng vẫn còn có khả năng nghĩ đến sự khác!

Tác giả bài viết: Nguyễn Trương Quý