CHỊ HOA
- Thứ năm - 16/05/2019 05:35
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Đa phần, chúng ta góp rất ít được công sức cho cộng đồng và cái chung, nên sự ra đi của những người dấn thân như thế càng khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: làm sao sống có ích hơn, không chỉ cho bản thân và gia đình bé nhỏ, mà còn cho cả cộng đồng quanh ta?”.
Mình biết chị Hoa, có lẽ cũng cỡ hai chục năm nay. Trí nhớ của mình thật tệ về thời gian, nhưng may mà những ký ức xa xưa ấy còn được lưu lại trong một bài viết, bây giờ đọc lại thấy rất vụng về, nhưng hồi đó (năm 1999) thì mình thấy nó hay lắm, về những ca khúc về Hà Nội thuở ấy.
Bài có đoạn (rất mang dáng vẻ tự sự): “Tôi có một chị bạn, tôi biết chị là người Hà Nội trước khi nghe chị nói. “Ở viễn xứ gặp như thế khó lắm”, nhà văn Lê Minh Hà bảo thế, không rõ thực hư. Một điều chắc chắn, bên này, rất nhiều người nhận là Hà Nội, nhưng không phải ai cũng xứng danh với người Tràng An.
Đến chơi nhà chị, thấy lắm băng nhạc trong nước, nhất là những băng về Hà Nội, tôi liền sấn đến gạ gẫm nghe. Chị kêu lên “lâu lắm mới có người hợp ý”, tôi cũng thế. Đó là lần đầu tiên, tôi được nghe Lê Vinh với “Hà Nội và tôi”, một bài hát về đất Thăng Long được ưa thích nhất trong vòng 1, 2 năm nay, theo lời chị (chị mới qua, nên sành những thông tin về Hà Nội)”.
Đoạn ngắn nhắc đến chị, trong một bài viết mà hồi đó mình tâm đắc lắm, đặt cho cái tên điệu đà “Hà Nội nhớ”, mình đã hoàn toàn quên. Cho dù hôm đó, mình không chỉ được no nê vì nhạc và sách báo từ Việt Nam qua, mà còn được gia đình anh chị đãi một bữa cơm thật ngon. Mình chỉ nhớ lại chi tiết này, khi đang ở nước ngoài, được một người bạn nhắn tin sét đánh: “Anh có biết chị Hoa đã đi chưa?”.
Bài có đoạn (rất mang dáng vẻ tự sự): “Tôi có một chị bạn, tôi biết chị là người Hà Nội trước khi nghe chị nói. “Ở viễn xứ gặp như thế khó lắm”, nhà văn Lê Minh Hà bảo thế, không rõ thực hư. Một điều chắc chắn, bên này, rất nhiều người nhận là Hà Nội, nhưng không phải ai cũng xứng danh với người Tràng An.
Đến chơi nhà chị, thấy lắm băng nhạc trong nước, nhất là những băng về Hà Nội, tôi liền sấn đến gạ gẫm nghe. Chị kêu lên “lâu lắm mới có người hợp ý”, tôi cũng thế. Đó là lần đầu tiên, tôi được nghe Lê Vinh với “Hà Nội và tôi”, một bài hát về đất Thăng Long được ưa thích nhất trong vòng 1, 2 năm nay, theo lời chị (chị mới qua, nên sành những thông tin về Hà Nội)”.
Đoạn ngắn nhắc đến chị, trong một bài viết mà hồi đó mình tâm đắc lắm, đặt cho cái tên điệu đà “Hà Nội nhớ”, mình đã hoàn toàn quên. Cho dù hôm đó, mình không chỉ được no nê vì nhạc và sách báo từ Việt Nam qua, mà còn được gia đình anh chị đãi một bữa cơm thật ngon. Mình chỉ nhớ lại chi tiết này, khi đang ở nước ngoài, được một người bạn nhắn tin sét đánh: “Anh có biết chị Hoa đã đi chưa?”.
Có lẽ trong vòng mấy chục năm nay, chưa có sự ra đi của ai trong cộng đồng Việt bé nhỏ tại Hungary lại để lại sự tiếc thương và cảm mến như của chị! Chị còn trẻ lắm, với tuổi 54, và nhất là với nụ cười không bao giờ thiếu trên môi, với những câu nói tinh nghịch, hóm hỉnh và như thể không bao giờ biết buồn, với tấm lòng Bồ Tát và dấn thân hiếm thấy vì trẻ em miền cao...
Bạn bè thân thiết với chị, đặc biệt là các anh chị trong nhóm thiện nguyện “Vì ta cần nhau” mà chị là gương mặt, là trụ cốt - từ nhiều năm nay đã cùng chị vượt mọi gian nan thử thách, tích cóp từng đồng để gửi về đóng góp cho các cháu gặp hoàn cảnh khó khăn - sẽ là những người có tư cách hơn cả để nói, để viết về chị. Và những dòng về chị đã được chia sẻ không ngớt trên mạng FB những ngày qua, từ khi chị ra đi...
Cá nhân mình, chỉ có thể chia sẻ những kỷ niệm cá nhân với chị, những câu chuyện có khi không ra đâu vào đâu, mà giờ nghĩ lại hết sức bùi ngùi...
Không phải tới bây giờ, tự nhiên chị lại thích hợp trong vai trò xin sách của các tác giả trong và ngoài nước, để vận động bán đi bán lại rồi gom tiền cho các cháu. Ngay từ hai chục năm trước, khi mới biết chị, chị đã là người ham đọc, sách vở và báo chí (lúc đó mạng Internet còn chưa được phổ biến và lan rộng tới từng người như bây giờ, thông qua chiếc điện thoại “thông minh”).
Dạo ấy, rất nhiều những tờ báo tiếng Việt, có khi đã được dùng làm giấy gói quà từ trong nước, đã được chị vuốt lại phẳng phiu để cho mình mỗi khi mình qua quầy của chị ở cổng 4 chợ Tứ Hổ. Thói quen đọc sách, chị còn giữ tới giờ khi chị chia sẻ với mình, “người thích đọc sách (quyển) giờ ít lắm, may sao thằng cu sau nhà chị vẫn mê sách quyển”, khi chị gửi cho mình tấm ảnh với lời chú:
“Cho em xem đầu giường ngủ của chị chỉ toàn thuốc và sách. Hồi bé nấu cơm bếp dầu hỏa chị làm cháy biết bao nhiêu nồi cơm vì truyện. Mẹ chị bảo vụng về thế thì ế chắc. Hì”. “Hì” là câu mà mặc dù những năm gần đây chị em rất ít gặp nhau, cũng ít trò chuyện, nhưng không bao giờ thiếu ở chị - rất hồn nhiên và lạc quan ở một con người phải trải qua rất nhiều bươn trải của cuộc sống, như đa số bà con mình ở đây...
Vì thích đọc, nên khi bọn mình ra tờ báo NCTG cuối năm 2001, chị là một trong những độc giả đầu tiên, nhiệt tình và hết lòng với tờ báo. Rất nhiều bận, mùa hè nóng cháy cũng như mùa đông lạnh tái tê, mình đã khởi đầu “công cuộc phát hành báo” (bán rong ngoài chợ) ở quầy chị, để có được một bạn đọc chắc chắn. Và bao giờ cũng thế, rất vui vẻ, chị lại nói “đây rồi, đây rồi, lại tốn tiền đây rồi”, ánh mắt sáng lên, tít mù, má lúm đồng tiền.
Không chỉ đọc kỹ, chị còn là người hay góp ý cho mình từng tí một, “theo chị là thế này... theo chị là thế kia...” khi gặp những chủ đề cần lưu ý. Những cú điện thoại của chị vài tiếng sau khi báo đến tay bà con ngoài chợ, luôn là sự khích lệ và động viên vô cùng lớn đối với mình khi ấy. Chị cũng là người an ủi và đưa ra lời khuyên cho mình khi tờ báo có lần gặp “hạn” và cá nhân mình, bị dọa giết, đốt nhà, v.v...
Thật ra, mình luôn nghĩ chị hoàn toàn có thể viết được, và không bỏ qua dịp nào để “bắt” chị viết. Hiếm hoi, mình đạt được kết quả, khi chị gửi mình bài viết về PGS. Tôn Thất Bách, người đồng nghiệp, người anh lớn của lớp bác sĩ như chị, khi ông qua đời. Những bận khác, chị luôn kêu lên “ôi thôi, ngại lắm!”, nhưng bù lại, chị hay viết những mẩu chuyện nho nhỏ, kiểu muôn mặt cuộc sống dưới con mắt trẻ thơ.
Những mẩu ấy, thường được viết vào những mảnh giấy nhàu nhĩ ngoài chợ, kiếm được gì viết nấy, mà mình vẫn còn giữ tới bây giờ. Chị ký “Đỗ Nghĩa”, tên con trai chị, và những lúc mình mang báo ra, chỉ cho chị chỗ đăng bài, nhiều khi chỉ chiếm một góc nhỏ, phải chịu khó căng mắt nhìn mới thấy, nhưng cả hai chị em đều rất khoái trá vì chính những câu chuyện ấy, nhiều khi lại khiến bạn đọc mê, chứ không phải nhiều phân tích bình luận dài dòng nặng đầu khác.
Thời gian trôi qua, mình không làm báo giấy nữa, chị cũng chuyển đi nơi khác kinh doanh, hai chị em rất ít khi gặp nhau, họa hoằn có thấy nhau trong các dịp lễ lạt, chủ yếu là tết nhất. Những năm gần đây, NCTG thưòng tổ chức gặp mặt nhân sinh nhật báo, có lúc chị đi được, có lúc không vì “chị không biết lái xe, còn lão Q. già thì lười đến những vụ như thế này” nên phải xem có ai bám càng được không. Nhưng dù đi được hay không, chị vẫn rất vui và cám ơn vì “chú vẫn còn nhớ đến chị”.
Những năm gần đây, chị nhiệt tình với phong trào “Vì ta cần nhau” và có lẽ tìm được ở đó ý nghĩa cuộc sống của mình. Chắc chắn, sự chân tình, cách tiếp xúc hồn nhiên, tươi tắn và tấm lòng thành của chị đã là những yếu tố khiến Nhóm hoạt động rất hiệu quả. Ấy vậy mà cứ mỗi lần “gạ” chị trả lời vài câu phỏng vấn để có thể tường thuật được hoạt động của Nhóm, là chị lại “không, không!” và chỉ ngay sang người khác, mà không thể giận được chị.
Khoảng giữa tháng 3, bất ngờ, tự nhiên mình lại “có duyên” với chị khi chị ngỏ ý muốn đi học để thi chứng chỉ Quốc tịch. Cả tuần làm việc bù đầu, chỉ còn ngày Chủ nhật, nên mấy anh chị em hẹn nhau ngày đó để học khóa “cấp tốc”. “Chị ngu toàn tập”, chị cho hay, rất tươi, khi mình bảo bất cứ ai cũng có thể học được, chỉ cần sự kiên nhẫn và chuyên cần. Học được 2 buổi, chị nhắn bảo mình cho biết trước sẽ học câu nào, để chị xem tiếng Việt trước.
“Thử đổi cách xem có khá hơn không”, “tư duy ngu của chị theo kiểu cũ”, chứ không thì “chị chỉ có ngáp ngáp Linh ơi” - chị nhắn tin khiến mình buồn cười quá, “nạt” chị: “Đừng tư duy kiểu Việt Nam”, “giờ chị cứ học những gì đã học là quá đủ rồi, đừng học trước gì cả”. Nhưng rồi buổi học hôm 28-4 mình phải hoãn vì có việc đi xa, để rồi vài ngày sau nhận được tin dữ. Không bao giờ còn dịp được ngồi học cùng chị nữa!
Ngày mai, cộng đồng tiễn đưa chị về nơi yên nghỉ cuối cùng...
“Những con người như thế luôn là tấm gương cho chúng ta cần học tập và noi theo. Đa phần, chúng ta góp rất ít được công sức cho cộng đồng và cái chung, nên sự ra đi của những người dấn thân như thế càng khiến chúng ta phải đặt câu hỏi: làm sao sống có ích hơn, không chỉ cho bản thân và gia đình bé nhỏ, mà còn cho cả cộng đồng quanh ta?” - mình đã chia sẻ như thế, trong nhóm riêng của các bạn học Quốc tịch, khi có bạn viết status tiếc thương chị.
Một con người như thế, khi ra đi, được cả cộng đồng “tôn kính và thương tiếc” như lời trên trang FB của Hiệp hội Người Việt Nam ở Hungary. “Vì ta cần nhau”, rất cần chị, rất cần những người như chị, chị ạ... Và bọn em sẽ không bao giờ quên chị, không bao giờ quên những gì chị đã làm... Yên lòng ở nơi ấy, chị nhé!
(*) Có thể xem clip của NCTG về lễ truy điệu và an táng chị Nguyễn Thái Tuyết Hoa tại đây.