Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


WARSZAWA - ANH DŨNG VÀ KIÊU HÙNG

(NCTG) Có một thành phố nằm giữa lòng Châu Âu, đã trải qua những tổn thất kinh hoàng của Đệ nhị Thế chiến, từng được coi là biểu tưọng của lòng quả cảm và ái quốc, và nay là thủ đô của xứ sở từng là quê hương của cố Đức Giáo hoàng John Paul Đệ nhị. Đó là Warsaw, hay Warszawa, gọi theo tiếng Ba Lan.
Cung điện Hoàng gia Warszawa tại Quảng trường Thành cổ

Nằm bên bờ con sông Wisla, cái tên Warszawa được tạo bởi Wars (người đánh cá), và Sawa (nàng tiên cá trên sông Wisla), nếu có thể tin được những truyền thuyết có trong dân gian từ ngàn đời nay. Có lịch sử hơn 700 năm, thoạt đầu, Warszawa mới chỉ là một ngôi thành do hoàng thân xứ Mazovia xây dựng bên bờ sông Wisla; ngôi thành ấy, nay vẫn còn dấu tích tại Hoàng Cung Ba Lan.

Dần dần, quanh ngôi thành, hình thành một khu vực mà ngày nay, được gọi là Thành Cổ Warszawa. Từ năm 1550, trong lịch sử đầy bão táp của Ba Lan, với những gián đoạn không đáng kể, Warszawa là thủ đô của đất nước này.

Ngày nay, du khách tới thăm Warszawa sẽ thấy khu Thành Cổ hòa quyện làm một với Thành Mới và một số quận xưa là ngoại thành của thành phố. Thành Cổ lịch sử của Warszawa, xưa kia, được chắn giữ bởi bức tường thành có 11 cửa ô, cũng như những chiến hào bao bọc thành phố. Hiện tại, những chiến hào đã được thay bằng công viên, nhưng ở nhiều đoạn, chúng ta vẫn có thể thấy bóng dáng của một thời qua những vách tường cổ còn sót lại.

Cung Lazienki (trong công viên cùng tên)

Đặt chân lên mảnh đất lịch sử Warszawa, bạn có thể tự tìm hiểu thành phố này với một chiếc bản đồ và một cuốn sách "hướng đạo" trong tay. Không nhất thiết phải khởi đầu từ khu Thành Cổ, nếu có thời gian, thoạt tiên, bạn có thể thả bộ trong Công viên Hoàng gia Lazienki, công viên rộng lớn nhất, đẹp nhất và nổi tiếng nhất - đã có hơn 300 năm tuổi - của thủ đô Warszawa, tụ điểm nghỉ ngơi và dạo chơi của đa số du khách ngoại quốc viếng thăm Ba Lan.

Tại nơi đây, ngay ở cổng vào, bạn có thể gặp Fryderyk Chopin, nhà soạn nhạc, nghệ sĩ dương cầm vĩ đại của xứ sở Ba Lan, qua tượng đài kỳ vĩ được xây từ thập niên 20 thế kỷ trước. Bị chiến tranh hủy hoại vào năm 1940, 18 năm sau, đại diện xuất chúng của trường phái Lãng mạn trong âm nhạc thế giới lại được tái khắc họa theo hình mẫu ban đầu, và đây cũng là nơi, trong mùa hạ, vào mỗi ngày Chủ nhật hàng tuần, các nghệ sĩ dương cầm lại trình tấu những bản nhạc bất tử của vị đại nhạc sư Ba Lan.

Thong dong vài giờ theo những con đường rợp bóng cây của công viên đại ngàn Lazienki, bạn sẽ thấy vô vàn những dấu ấn của quá khứ, từ Cung điện Mùa hè của các triều đại vua chúa Ba Lan đến tòa dinh thự tuyệt đẹp được xây từ thế kỷ XVII trên mặt hồ, soi bóng nước.

Cột Zygmunt trong Thành Cổ

Con đường Hoàng gia, một trong những đại lộ rộng nhất của Châu Âu, sẽ dẫn bạn từ Công viên Lazienki đến Thành Cổ, cũng đồng thời là nơi bạn có thể mục sở thị đa phần những kiệt tác kiến trúc - nhà thờ, cung điện, nhà hát - đã được xếp hạng của thủ đô xứ Ba Lan.

Bạn sẽ dễ dàng nhận ra Cung điện Hoàng gia Warszawa tại Quảng trường Thành cổ, nơi sừng sững và vươn cao bức tượng vua Zygmunt Đệ nhị trên chiếc cột đá cao 22 mét; đây chính là vị vua đã dời thủ đô Ba Lan từ cố đô Cracow về Warszawa vào thế kỷ XVI.

Dọc theo con đường rải đá ghồ ghề, đâu có vẫn thoảng tiếng xe ngựa lạch cạch gợi nhớ một thuở, bạn có thể vào thăm tòa Đại giáo đường Thánh John được xây theo trường phái Gô-tích; có thể chụp tấm hình kỷ niệm trước ngôi nhà của nữ khoa học gia vĩ đại Maria Curie, nay đã trở thành viện bảo tàng; cũng như, có thể rẽ vào hằng hà sa số những hàng quán nhỏ, mang đậm tính tiểu thị dân của một đô thị lớn.

Cuối con đường là Quảng trường Chợ (Rynek), vuông vắn mỗi chiều chừng 80 mét, trái tim của Thành Cổ Warszawa. Có ngồi đây nhấm nháp ly cà phê, thả hồn ngắm quang cảnh tấp nập của dòng khách du lịch bên những tiệm ăn, những phòng tranh nghệ sĩ, hoặc đang quây quần ngay giữa quảng trường bên bức tượng Nàng tiên cá, biểu tượng của Warszawa, họa chăng chúng ta mới có thể cảm được cái hồn của thủ đô một đất nước nghệ sĩ đã trải qua bao cơn binh biến.

Tượng đài nhạc sĩ vĩ đại Fryderyk Chopin tại Công viên Lazienki

Được liệt vào danh sách những di sản văn hóa thế giới của UNESCO, Thành Cổ của Warszawa với những tòa nhà mang nhiều phong cách khác nhau - như hậu Gô-tích, Phục hưng hay Baroque - hẳn nhiên có thể chiếm được thiện cảm của du khách gần xa.

Warszawa cũng có những khu phố hiện đại với nhũng tòa nhà chọc trời, kiến trúc tân kỳ và hấp dẫn, hoặc, có Cung Văn hóa và Khoa học cao ngất 30 tầng, món quà của Liên Xô một thuở, đến nay vẫn được giữ lại như di chứng của một thời, và vẫn là nơi khách du lịch hay "quá bộ" lên đỉnh cao nhất 234 mét để có thể nhìn toàn cảnh thành phố.

Cạnh đó, thủ đô của Ba Lan cũng là một trung tâm văn hóa của Châu Âu với vô số liên hoan phim ảnh, văn nghệ, nhạc cổ điển, mà có lẽ được người Việt biết đến nhiều nhất vẫn là Cuộc thi Dương cầm Quốc tế mang tên Fryderyk Copin tổ chức 5 năm một lần, một trong vài kỳ thi dương cầm khó và có uy tín nhất thế giới, nơi vào 26 năm trước, Đặng Thái Sơn, một danh cầm Việt Nam đã đoạt ngôi vị quán quân. Tuy nhiên, sẽ không đầy đủ nếu chúng ta chỉ biết đến Warszawa như thế.

Tượng đài kỷ niệm những người đã bỏ mình trong Đệ nhị Thế chiến

Warszawa, trước hết và hơn cả, là một thành phố kiêu hùng với lịch sử anh dũng của dân tộc Ba Lan, như biểu tượng con đại bàng trắng không bao giờ chịu khuất phục, ngay cả trước những kẻ thù mạnh hơn mình gấp bội.

Tại đây, vào năm 1920, ngay bên bờ sông Wisla, đại binh của Hồng quân Liên Xô do chính nhà độc tài Stalin và các tướng lĩnh Xô-viết nổi tiếng chỉ huy, với chủ trương dùng vũ lực để xuất khẩu cách mạng, tưởng chừng đã dễ dàng nuốt chửng Warszawa, để rồi phải đại bại dưới tay thống chế Józef Pilsudski, tổng tư lệnh quân đội, đồng thời là người sáng lập nước Ba Lan độc lập.

Mười chín năm sau, bị Liên Xô và Đức quốc xã đồng bội ước tấn công, Ba Lan bị xóa tên khỏi bản đồ thế giới và Warszawa bị chiếm đóng; chỉ nội trong vòng ít ngày, thành phố bị Đức thả bom rải thảm, hủy hoại 15% đô thị. Toàn bộ cư dân gốc Do Thái của thủ đô, chiếm 30% tổng dân số Warszawa, bị đưa vào các ghetto để rồi bị đưa đi các trại tập trung, lò thiêu người.

Trước tình cảnh không còn lối thoát, năm 1940, dân Warszawa đã đứng lên khởi nghĩa và trụ lại được trong vòng 1 tháng, cho dù họ yếu hơn quân Đức rất nhiều kể cả về lực lượng lẫn vũ khí. Nhưng những đau thương ấy chưa thấm vào đâu so với tấn thảm kịch cuối năm 1944: Hồng quân Liên Xô, theo lệnh của Stalin, đã bàng quan thúc thủ tại rìa thành phố, ngay bên bờ con sông Wisla, để chứng kiến cảnh phát-xít Đức phá hủy 85% đô thị Warszawa, kể cả khu Thành Cổ và Cung điện Hoàng gia, và tàn sát vài trăm ngàn du kích quân Ba Lan.

Dù chỉ định tiến hành cuộc khởi nghĩa trong vòng 48 giờ, nhưng du kích quân Warszawa đã cố thủ được 63 ngày và sự hy sinh bi thảm của họ là lời phán xét nặng nề đối với chính sách bội phản của chính quyền Liên Xô thời ấy!

Sau cuộc chiến tàn bạo, không ít du kích quân đã bị mật vụ chính trị Xô-viết giết hại hoặc đưa về các trại tập trung ở Siberia, đô thành Warszawa tiêu điều trong đổ nát. Phải mất mấy chục năm, mới có thể tái tạo lại từng bước những tòa nhà quan trọng nhất của khu Thành Cổ, nhưng dáng vẻ cổ kính kiểu Baroque của Warszawa đã vĩnh viễn mất đi.

Du khách đến thăm thủ đô của Ba Lan, rất nên bỏ ra ít phút để nghiêng mình tưởng nhớ những người anh hùng một thuở, từ bức tượng vị thống chế Józef Pilsudski trước Công viên Lazienki đến tượng đài những người con đã ngã xuống vì tổ quốc...

Bởi lẽ, vẻ đẹp thực sự của Warszawa, con đại bàng bao lần hồi sinh từ đống tro tàn, là ở những nét kiêu hùng và bi thương như vậy!

Tác giả bài viết: Trần Lê