VITRY, THỦ ĐÔ CỦA “NGHỆ THUẬT ĐƯỜNG PHỐ” PHÁP
- Chủ nhật - 13/05/2018 15:40
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) “Dù rất nhiều điểm yếu khiến Vitry khó trở thành một thành phố mơ ước, nhưng ít ra với tôi, mảng văn hóa và nghệ thuật rất được chú trọng của thành phố này là một lý do lớn tạo mối dây gắn bó”.
Capital de “street art” (Thủ đô của “nghệ thuật đường phố”) là danh hiệu mà tôi tìm thấy trên mạng của Vitry. Hóa ra, đô thị này lâu nay được coi là một trong những trung tâm nổi bật của nghệ thuật tranh tường trên phố, xếp ngang với New York và Berlin!
Sống bên rìa Paris bao năm, Vitry là một thành phố đặc trưng của mạn Đông Nam Paris: tập trung tầng lớp trung lưu, đa phần nhập cư. Dù hơn mấy đô thị mới xây những năm 60 thế kỷ trước là có một khu trung tâm với nhà thờ và vài tuyến phố, khu biệt thự nhỏ cùng nhiều công viên, nhưng nơi đây vẫn mang đặc trưng của một khu nghèo: nhiều nhà ở cao tầng cũ những năm 70, ồn ào, hỗn tạp, không sạch sẽ.
Sống bên rìa Paris bao năm, Vitry là một thành phố đặc trưng của mạn Đông Nam Paris: tập trung tầng lớp trung lưu, đa phần nhập cư. Dù hơn mấy đô thị mới xây những năm 60 thế kỷ trước là có một khu trung tâm với nhà thờ và vài tuyến phố, khu biệt thự nhỏ cùng nhiều công viên, nhưng nơi đây vẫn mang đặc trưng của một khu nghèo: nhiều nhà ở cao tầng cũ những năm 70, ồn ào, hỗn tạp, không sạch sẽ.
Tôi không quá thiết tha với nơi này, chỉ có một thứ thú vị là những bức họa trên tường rất đẹp, phong phú thể loại, có ở khắp mọi ngóc ngách, ngay cả nơi nhem nhuốc tối tăm. Vì vậy đã lâu nay tôi có ý định đi chụp ảnh các bức tranh mà tôi thích để lưu lại, coi như chút an ủi là thứ hấp dẫn duy nhất làm tôi thích thành phố này. Chứ không hề biết các tác phẩm này được mệnh danh “bộ tranh bảo tàng trưng bày ngoài trời” (oeuvres du musee a ciel ouvert).
Một trong những lý do để một thành phố “tầm thường” như Vitry trở nên như vậy chính là do hơn chục năm nay, C215 - một họa sĩ tranh tường nổi tiếng thế giới đã chuyển đến sống ở đây. Đa phần các tác phẩm ở Vitry do ông vẽ, được khuyến khích bởi thành phố, dần dần có các bạn bè và họa sĩ khác đến tụ hội tham gia vẽ trên mọi ngóc ngách.
Bạn sẽ không tìm thấy tranh tường ở những nơi trang nghiêm, trung tâm bóng bẩy sáng đèn. Street art trong đó có graffity, ra đời những năm 60 và phát triển mạnh ở Pháp năm 68, mang đúng tinh thần tự do phá cách của thập niên này: nghệ thuật của giới trẻ, dành cho đại chúng, được thể hiện rõ ở đây. Nhiều khi tôi tiếc rẻ những bức tranh đẹp, công phu lại vẽ trên những thùng thư gỉ cũ, cánh cửa phụ thoát hiểm, những bức tường bãi đỗ xe, những mặt sau chân tòa nhà cỏ dại mọc đầy hay tối tăm hôi hám, có nơi rác vứt bừa bãi...
Có thể vì sự nhiệt tình đón nhận và cổ vũ nghệ thuật đường phố mà ở thành phố này, ngay đối diện tòa nhà tôi ở, tọa lạc bảo tàng nghệ thuật đương đại được xây dựng gần đây nhất (2005) và duy nhất ngoài Paris, trong vùng Ile de France. Bảo tàng được đánh giá cao về chất lượng, với kiến trúc hiện đại tỉ lệ đẹp mắt.
Chợt nhớ đến định nghĩa “thành phố đáng sống”. Dù rất nhiều điểm yếu khiến Vitry khó trở thành một thành phố mơ ước, nhưng ít ra với tôi, mảng văn hóa và nghệ thuật rất được chú trọng của thành phố này là một lý do lớn tạo mối dây gắn bó.
Nghĩ đến ở Việt Nam, tại một làng chài hay trong vài khu dân cư trong đô thị hay tường bệnh viện, tranh tường bắt đầu xuất hiện, hay như con đê tranh gốm ở Hà Nội. Chất lượng nghệ thuật nhiều vẻ khác nhau nhưng cũng làm bộ mặt thành phố hấp dẫn, trẻ trung thêm phần nào.
Dưới đây là vài bức hình tôi chụp khi dạo bộ quanh khu phố mình, cùng vài ảnh lấy trên Internet do toàn ngắm từ xe buýt nên chụp không kịp.