VIENNA
- Thứ năm - 22/03/2007 22:19
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nhà thờ St. Stephan
Nằm ở chính giữa thành phố là nhà thờ St. Stephan, biểu tượng của thủ đô Vienna, được xây từ đầu thế kỷ XII, bắt đầu sửa và xây thêm từ đầu thế kỷ XIV, đến thế kỷ XVI mới hoàn tất ở dạng như ngày nay. Được sửa sang và trang bị quan trọng nhất vào thời Gotic nên nhà thờ St. Stephan mang phong cách Gotic rõ rệt nhất. Đáng chú ý là chỉ có 1 chóp - chóp phía Nam - được hoàn thiện, chóp phía Bắc thì đến giờ vẫn bị bỏ dở và liên quan đến chuyện này, có một truyền thuyết khá thú vị. Truyện kể rằng hồi đó, kiến trúc sư xây mãi chóp hướng Bắc mà không được, cứ xây lại bị đổ mà không rõ nguyên nhân. Ông có một anh thợ học nghề rất giỏi và trẻ, biết cậu này yêu cô con gái ông - tên là Maria - đã lâu, ông bèn gọi anh thợ đến và giao nhiệm vụ trong vòng 1 năm nếu xây được chóp Bắc thì sẽ gả con gái cho. Một con quỷ nghe lỏm được cuộc trò chuyện và đến làm quen với anh thợ trẻ, hứa sẽ giúp anh xây chóp đó nếu trong vòng 1 năm, anh không gọi tên bất cứ một vị Thánh nào. Anh thợ học nghề đồng ý ngay. Khi xây gần xong chóp, anh vui quá, mơ màng chuyện sắp được cưới Maria nên thầm gọi tên cô trong lúc đặt tảng đá cuối cùng. Con quỷ chỉ đợi đến lúc đó và đẩy anh rơi xuống đất và từ hồi đó, không ai hoàn thành được công việc này nữa…
Khu phố cổ của Vienna, được xếp trong danh sách Di sản Văn hóa Thế giới của UNESCO, được bao bọc bởi vành đai Ring, tương đương với bức tường thành quanh thành phố Vienna cổ từ thế kỷ XIII. Cuối thế kỷ 19, hoàng đế Franz Joseph Đệ nhất của Đế chế Áo - Hung đã cho tháo dỡ tường thành cũ để mở rộng và quy hoạch thành phố. Hồi đó, Vienna thu hút rất nhiều người giàu đến lập nghiệp và sinh sống, họ đã đầu tư rất nhiều tiền để mua đất và xây nhà ở vùng vành đai. Với số tiền bán đất và thu thuế xây nhà, vị hoàng đế đã dùng để xây dựng và mở rộng những tòa nhà quan trọng đối với sự phát triển lâu dài của một đô thị lớn, như Tòa Thị chính, Nhà Quốc hội, trường Đại học, Bảo tàng Lịch sử Thiên nhiên, Bảo tàng Lịch sử Nghệ thuật, Nhà tiếp khách và khu làm việc của hoàng đế (tức Hoàng cung Hofburg), Nhà hát Opera Quốc gia, Nhà hát Nhân dân, nhà hát kịch, Nhà hát Cung thành (Burgtheater), các công viên, khu quân sự (Arsenal), v.v… Và còn nhiều cơ sở hạ tầng khác, như bệnh viện, trường học, đường ray xe ngựa kéo (sau này thành đường tàu điện)…
Nhà hát Opera Quốc gia Vienna
Đi dạo trong khu phố cổ của Vienna là thú vui của cư dân mọi lứa tuổi, cũng như đa số du khách tới Vienna. Vì khu này phần lớn là đường dành cho người đi bộ nên vào mùa hè, những quán kem, quán cà phê thường kê bàn ghế ra đường - với những hàng rào xinh xinh được trang trí bằng hoa - cho khách ngồi hóng mát và nghỉ ngơi, nhâm nhi ly cà phê, thưởng thức cốc kem mát lạnh, ngọt ngào… Để có được cảm giác thật thoải mái khi sau một ngày hè oi bức, làm việc bận rộn, bạn có thể đi dạo ở khu trung tâm rồi dừng chân ở một tiệm cà phê, ngồi ngắm người đi lại, thoảng nghe tiếng hát, tiếng nhạc đằng xa của những nghệ sĩ đường phố, một phần không thể thiếu của đô thị đa văn hóa này. Dạo trong khu phố cổ, bạn cũng có thể có một bức chân dung kỷ niệm tại Vienna nếu muốn. Chỉ trong vòng khoảng 30 phút, bạn đã có bức chân dung giống và ấn tượng, bởi cây cọ của một họa sĩ đường phố nào đó.
Tòa thị chính Vienna có lẽ là trung tâm văn hóa nhộn nhịp nhất dành cho quần chúng tại thủ đô. Mùa hè, những festival nhạc cổ điển và nhạc đương đại được tổ chức tại đây. Cư dân và khách du lịch có thể ngồi xem hòa nhạc miễn phí, xung quanh là những lều bán đồ ăn, giới thiệu nghệ thuật ẩm thực của các nước khắp thế giới, khu ngồi ăn ở giữa có mái che và được trang trí bởi những lẵng hoa đủ màu sắc.
Điểm qua chút lịch sử về đô thị nổi tiếng này của châu Âu: thế kỷ 16, Vienna bị quân Thổ Nhĩ Kỳ chiếm đóng lần thứ nhất và văn hóa uống cà phê của Vienna cũng bắt đầu từ thời gian ấy. Một trăm năm sau, Vienna lại bị Thổ xâm chiếm và cả 2 lần, được sự trợ giúp từ bên ngoài, thủ đô của xứ Áo đã đẩy lùi được quân thù. Đến thời kỳ Barock, sau khi quân Thổ bị đánh bại và rút lui hẳn, Vienna bắt đầu phát triển trở thành trung tâm của dòng họ Habsburg. Đây là thời huy hoàng nhất của vương triều Habsburg: nước Áo thành một đế quốc lớn với biên giới kéo từ Ukraine sang tận Pháp và một phần của Tây Ban Nha, phía Nam xuống đến phần lớn của bán đảo Balkan, còn phía Bắc thì lên đến vùng Bohemia và Bavaria. Trong thời gian này, Vienna trở thành trung tâm văn hóa của Châu Âu, nổi trội nhất là về âm nhạc với trường phái cổ điển Vienna (Viennian classic) với những nhạc sĩ vĩ đại như Mozart, Beethoven, Haydn…
Vọng cảnh đài Gloriette tại quần thể cung điện và lâu đài Schönbrunn
Nhắc đến thời Barock, không thể không nói đến Cung điện Schönbrunn, một trong những điểm đến được thăm viếng nhiều nhất ở Vienna và cũng là di sản văn hóa thế giới thứ 2 của thủ đô này. Cái tên của nó được hoàng đế Matthias (thế kỷ 17) đặt: trong khi đi săn, ông phát hiện được một nguồn suối rất đẹp, nước suối có tác dụng chữa bệnh, nên ông quyết định dẫn nguồn nước này về thành phố và đặt tên cho lâu đài là “Schönbrunn”, dịch nôm na là “Nguồn giếng đẹp”. Lâu đài này bề ngoài không đồ sộ như bản vẽ ban đầu, nhưng những chi tiết bên trong lại rất tinh tế và cầu kỳ. Khu vườn thượng uyển đằng sau cung điện có vọng cảnh đài “Gloriette” nằm ở trên một quả đồi, từ trên đó nhìn xuống có thể thấy hết toàn bộ thành phố Vienna. Ngoài ra, Schönbrunn có 2 vườn theo kiểu mê lộ (labyrinth) và một hệ thống nhà kính trồng cây cỏ vùng nhiệt đới. Vào thế kỷ 18, khu vườn này được mở rộng thêm một vườn thú xây theo kiểu Barock, là vườn thú cổ nhất thế giới.
Nói đến Vienna, du khách nghĩ ngay đến bản Walz bất hủ “Đa-nuýp xanh” của nhạc sĩ Johann Strauß. Ai đã từng đến Vienna mà chưa một lần đi dạo dọc sông Danube (tiếng Áo gọi là Donau) thì thật là uổng phí. Sông Donau được chia ra làm 3 phần, phần chính, phần mới và phần cũ. Phần cũ là dòng chảy tự nhiên của sông, nhưng hiện tại gần như là dòng tĩnh, còn phần mới là dòng chảy song song với dòng chính đã được quy hoạch lại (sở dĩ cần quy hoạch vì hàng năm vào mùa mưa, nước sông dâng lên làm ngập thành phố). Trải dài giữa 2 dòng chảy này là “Đảo Donau”: với hòn đảo này, Vienna tránh được những ngập lụt sau này. Mùa hè, đảo Donau trở thành nơi vui chơi và tổ chức những kỳ hòa nhạc ngoài trời lớn có tiếng ở Châu Âu. Du khách có thể đi dạo dọc bờ sông dưới hàng cây xanh rờn, ngắm nhìn người đi dạo, đi xe đạp, bơi, chèo thuyền trên sông… Khi mỏi chân, bạn có thể dừng lại ở những quán nước mang đậm phong cách Latin hoặc châu Phi nằm trên sông, thưởng thức nước sinh tố, cocktails, tortellinis để có cảm giác thật thanh bình… Đi tàu qua sông, thấy dòng sông cũ màu xanh nước biển trong vắt, dù có căng thẳng đến mấy, bạn cũng cảm thấy người nhẹ nhõm hẳn…
Chẳng những đẹp kiêu sa vào mùa hạ, mùa đông của Vienna cũng thật ấm cúng và lãng mạn. Khi trời bắt đầu se lạnh và lá cây bắt đầu chuyển dần sang màu vàng thì cũng là lúc bắt đầu có những chòi bằng gỗ bán hạt dẻ xuất hiện. Thành phố Vienna rất gió, những lúc gió thổi buốt tai buốt mũi thì người ta lại càng thích dừng lại bên những chòi bán hạt dẻ và mua 1 túi hạt dẻ hay 1 túi khoai tây nướng… Vị ngọt ngọt, bùi bùi, thơm thơm của thứ hạt hay được gọi là “maroni” khiến chúng ta cảm thấy ấm lòng ngay lập tức!
Hội chợ Noel tại Vienna
Gần vào dịp Noel, Vienna bắt đầu có chợ “Christkindlmarkt” chào đón ngày Chúa ra đời (những người dân vùng nói tiếng Đức, và đặc biệt là người Áo, có tập tục thờ Đức Chúa khi Ngài còn nhỏ). Người ta trang trí cây bằng đèn điện, đèn lồng, đèn ngôi sao lấp lánh trông như trong truyện cổ tích. Ngoài ra còn có nhiều ngôi nhà nhỏ bằng gỗ trưng bày búp bê cũng được gọt bằng gỗ kể những câu truyện cổ tích cho trẻ em, nhiều khi người lớn xem cũng thấy thích và vui không kém. Trong chợ Noel này, người ta còn bán nhiều đồ trang trí cho cây thông, nến thơm, bánh ngọt, và tất cả những gì liên quan đến dịp lễ Noel. Đồ uống đặc trưng nhất của người Áo trong dịp này là rượu vang nóng nấu với hoa quả và thảo dược mà người ta hay gọi là “punsch”. Đi qua chòi gỗ bán Punsch, chúng ta không thể không dùng chân để thưởng thức một cốc. Mùi thơm rất dịu và vị ngọt vừa phải của nó cộng với sự quây quần quanh gia đình, bạn bè làm chúng ta không còn thấy cái rét khắc nghiệt của mùa đông nữa mà muốn mùa này cứ kéo dài mãi… Chợ Noel lớn và đẹp nhất của Vienna có lẽ là chợ được dựng trước tòa thị chính. Ở giữa công viên là chỗ trượt băng khá rộng. Còn bên trong tòa thị chính, người ta cho trẻ em vào làm bánh ngọt, nến, đồ chơi trẻ con các loại của mùa Noel.
Vienna cũng là một trong 4 bang của Áo trồng nho và sản xuất rượu vang: đến mấy quận phía Đông Bắc của thành phố, chúng ta có thể thấy bạt ngàn những đồi nho. Mùa hè, người Vienna cũng hay lên đó để “nghỉ mát” ngắn hạn. Dù ở dưới thành phố có oi bức và nóng nực đến đâu, thì ở trên núi Kahlenberg và Leopoldsberg vẫn mát mẻ và thoáng đãng. Đường lên núi được lát bằng những viên đá granit nên rất mát, được xây từ thế kỷ 19, thời vua Franz Joseph Đệ nhất. Bạn có thể lên đó bằng tàu điện và xe buýt công cộng một cách dễ dàng. Trên núi, bạn có thể ngắm và đi thăm những làng làm bia, làm rượu vang. Tại đó, hầu như nhà nào cũng mở quán ăn nấu những món đặc sản của nước Áo, cũng như có hầm để nho riêng. Mùa hè, ngồi dưới vườn nho, nhâm nhi cốc rượu vang và ăn thịt hươu với nước sốt nấm thì còn gì bằng…
Với vị trí trung tâm của Châu Âu, Vienna được hưởng rất nhiều nét đa văn hóa từ bốn phương. Có thể nói Vienna là một thành phố náo nhiệt một cách thanh bình, và cũng khá kén khách: người ta vẫn cho rằng, phải thật sự có tâm hồn mới có thể cảm nhận được chút nào đó cái hồn của Vienna…