Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


VENICE CHƯA BAO GIỜ ĐẸP HƠN THẾ!

(NCTG) “Mỗi đại dịch là dịp để tạo dựng một tương lai mới. Làm thế nào để vực lên từ cơn khủng hoảng này mà không rơi vào thất bại? Nếu thành công, những điều sắp diễn ra ở Venice sẽ gây tiếng vang trên toàn thế giới”.
Các dòng kênh của Venice sạch sẽ hơn nhiều khi không có du khách và tàu bè - Ảnh: Manuel Silvestri (Reuters)
Đã 50 ngày nay Venice ko còn bóng một du khách nào. Không chỉ là một khoảng dừng tạm thời, mà có thể là một bước ngoặt. Giãn cách vì dịch bệnh Covid-19 buộc trái tim thành phố ngừng đập đột ngột.

Chúng tôi chuyển từ thái cực này sang thái cực khác”, Matteo Secchi, đại diện Hiệp hội Cư dân Venice (Venissia) nhận xét. “Trước kia chúng tôi không bao giờ gặp được nhau trên phố, thì giờ đây, Venice như một hoang mạc”.

Venice chưa bao giờ đẹp hơn thế, trong những ngày này. Giải phóng khỏi những xoáy nước khuấy tung bởi động cơ xuồng máy. Từ gần hai tháng nay, vùng đầm nước tìm lại màu nước trong vắt nguyên thủy, thậm chí người dân Venice còn bất ngờ bắt gặp những đàn cá, mực bơi lội.

Cuộc khủng hoảng này mang đến hiệu quả tích cực về môi trường, ít nhất có lẽ là làm sạch lại nước của các dòng kênh rạch.
 
Quảng trường trung tâm San Marco vắng lặng trong mùa dịch. Venice, ngày 5-3-2020 - Ảnh: Andrea Pattaro (AFP)
Quảng trường trung tâm San Marco vắng lặng trong mùa dịch. Venice, ngày 5-3-2020 - Ảnh: Andrea Pattaro (AFP)

Thành phố ngừng trệ - kinh tế trên bờ vực phá sản

Từ mùng 7-3, thành phố hoàn toàn bị cắt đứt với thế giới, trong lịch sử tồn tại hàng ngàn năm thành phổ nổi này chưa bao giờ bị cô lập đến thế. Dân cư vốn cả năm trời luôn phải đối mặt với những phiền hà bởi lượng khách du lịch khổng lồ (100 ngàn khách mỗi ngày trong khu trung tâm thành phố vào mùa cao điểm), đột nhiên còn trơ lại với nhau.

Những con tàu du lịch khổng lồ biến mất, tàu phà công cộng qua lại vắng tanh trên dòng Kênh lớn (Canal Grande). Những ngày đầu, hình ảnh Lễ hội Hóa trang truyền thống của Venice mỗi dịp đầu tháng 3 truyền đi khắp thế giới.

Rồi đột nhiên, tất cả đột ngột dừng lại, dần dần, sự yên lặng này nhuốm màu lo lắng. Tất cả sẽ kéo dài bao lâu nữa?
 
Dịch bệnh bùng phát cuối tháng Hai, khi đô thị này vừa được vực dậy một cách khó khăn sau thảm họa từ trận ngập lụt lịch sử hồi tháng 11-2019 - đây là trận nước biển dâng lớn thứ hai trong lịch sử thành phố.

Vụ ngập này tái báo động nguy cơ bị nhấn chìm của Venice, đã làm thiệt hại nặng nề cho các hoạt động du lịch, dẫn đến tình trạng hủy lịch đặt tham quan hàng loạt và giảm 40% hoạt động khách sạn, nhà hàng trong mùa đông vừa rồi.

Lần này, sự ngưng trệ toàn bộ, tình trạng thất nghiệp tạm thời hàng loạt (khi người lao động hưởng lương thất nghiệp, chi trả bởi chính phủ - ND) - chỉ được giới hạn trong thời gian nhất định - vẫn không chống đỡ nổi cho nền kinh tế địa phương.

Ngay trước khi các cuộc khủng hoảng liên tiếp này bắt đầu, đang có một vài dấu hiệu kinh tế nóng lên (mở nhiều “đại khách sạn” ở Mestre, trên vùng đất liền, nhân gấp bội số lượng các căn hộ cho thuê trên Airbnb).
 
Dinh Tổng thống (Palazzo Ducale) không một bóng du khách - Ảnh: BBC
Dinh Tổng thống (Palazzo Ducale) không một bóng du khách - Ảnh: BBC

Đi cùng với nó, Venice trở thành biểu tượng trên toàn thế giới của thành phố du lịch đại trà, từ nhiều năm gần đây, hình ảnh đô thị cổ lãng mạn dọc ngang kênh rạch này ngày càng trở nên sứt mẻ.

“Hãy cho chúng tôi mở cửa trở lại” để tránh “một quả bom xã hội”

Thành phố nổi này sống bằng nguồn thu chính từ kinh tế du lịch, trực tiếp hoặc gián tiếp. Từ sau giãn cách, theo một nghiên cứu của Quỹ Think tank nord Est (Hiệp hội Doanh nghiệp vùng), Venice mất 5,5 triệu du khách. Và nếu không có viễn cảnh phục hồi lại nhanh chóng, hậu quả với nền kinh tế địa phương sẽ rất khủng khiếp.

Hiện tại, Thị trưởng Venice đang phải cố gắng tìm cách cứu vãn những gì có thể, bằng cách đẩy nhanh việc khởi động lại hoạt động du lịch.

Tôi không muốn diễn đạt theo cách này, nhưng, bất hạnh thay, chúng ta đang đối mặt với một quả bom (các hậu quả) xã hội, bắt đầu được kích hoạt từ bây giờ”, Thị trưởng Luigi Brugnaro cảnh báo, khi tiến hành hàng loạt yêu cầu xin trợ giúp từ chính phủ Ý, với hy vọng giảm nhẹ phần nào thiệt hại từ cú sốc chưa từng có này.

Tối ngày 28-4 vừa rồi, ông Luigi Brugnaro và khoảng chục doanh nghiệp địa phương (trong đó có huyền thoại Arrigo Cipriani, Giám đốc của Harry’s Bar), tập trung trên Quảng trường San Marco, để gửi thông điệp đến chính phủ: “Hãy cho chúng tôi được mở cửa trở lại!”.
 
Cây cầu nổi tiếng Rialto (Ponte di Rialto) ngày 10/3/2020 - Ảnh: Stefano Mazzola
Cây cầu nổi tiếng Rialto (Ponte di Rialto) ngày 10-3-2020 - Ảnh: Stefano Mazzola

“Tái sáng tạo” để hướng tới “một nền du lịch thông minh hơn”

Liệu thành phố mệnh danh lãng mạn nhất thế giới có rút ra được bài học gì từ sự ngưng trệ này? Và sau cuộc khủng hoảng, liệu Venice có chuyển đổi được sang một dạng hoạt động mới, cân đối hơn về luồng khách du lịch?

Điều mà nhiều hiệp hội dân cư địa phương yêu cầu là giảm lượng khách du lịch và đưa ra các biện pháp để ngăn chặn việc cư dân ở trung tâm (hiện nay chỉ còn khoảng 50 ngàn) rời đi.

Tôi nghĩ rằng sự có mặt của những tàu khách sạn khổng lồ sẽ kết thúc cùng với dịch bệnh này, không có lý gì chúng ta chấp nhận cho việc này tiếp tục” - Matteo Secchi, đại diện Hiệp hội Cư dân Venice dự đoán.

Thành phố đang hướng về tương lai. Tư duy đang thay đổi. Các cử tri địa phương muốn chuyển từ du lịch đại trà sang một nền kinh tế hài hòa hơn, sẵn sàng chấp nhận giới hạn số lượng khách du lịch hàng ngày.

Đây là cơ hội để hướng đến một nền du lịch thông minh hơn, với những khách du lịch dùng nhiều thời gian để khám phá, tìm hiểu, thoát khỏi lối mòn những lộ trình vội vã và điên cuồng trước kia”, Simone Venturini, Phó Thị trưởng phụ trách phát triển kinh tế của Venice phát biểu.

Trong tầm nhìn trung hạn, đây là một dự án tốt đẹp. Tuy vậy, trước mắt, đô thị cổ phải tìm cách “sáng tạo lại mình” bởi nhiều ngành thương mại, hiện đang sống chủ yếu bởi du lịch, đang trên bờ phá sản.

Như từ sau dịch hạch thời Trung đại, đô thị này thay đổi hình thái để thích nghi: nghĩa địa của thành phố đã được rời ra tách biệt trên một hòn đảo, để cách xa người dân khỏi mầm bệnh.
 
Toàn bộ ngành du lịch của Ý sẽ phải tự làm mới mình sau đại dịch này - Ảnh: nepszava.hu
Toàn bộ ngành du lịch của Ý sẽ phải tự làm mới mình sau đại dịch này - Ảnh: nepszava.hu

Không chỉ ở Venice, toàn bộ ngành du lịch của Ý, hiện nay chiếm 13% GDP cả nước, sẽ phải tự làm mới mình sau đại dịch này.

Mỗi đại dịch là dịp để tạo dựng một tương lai mới. Làm thế nào để vực lên từ cơn khủng hoảng này mà không rơi vào thất bại? Nếu thành công, những điều sắp diễn ra ở Venice sẽ gây tiếng vang trên toàn thế giới.

Tác giả bài viết: Thư An Hiền tổng hợp theo báo chí Pháp, từ Paris