VỀ SỰ TÍCH LƯƠNG SƠN BÁ – CHÚC ANH ĐÀI
- Thứ năm - 22/02/2007 00:08
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Thiên tình sử bi thảm và có nguồn gốc từ rất lâu đời ấy, được coi là chuyện tình ”Romeo và Juliet của phương Đông”, xưa nay, vốn rất được ưa chuộng và quen thuộc ở Việt Nam dưới cái tên Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài.
*
Sự tích Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài có từ thời nhà Đông Tấn (317-420), được ghi lại lần đầu vào cuối thời nhà Đường trong cuốn “Tuyên thất chí” của tác giả Trương Độc (cuối thể kỷ thứ IX), cũng như một số tư liệu chính thức khác. Chuyện kể rằng, cô gái trẻ ham học Chúc Anh Đài, người Chiết Giang, cải trang thành con trai tới Hàng Châu học tập tại một trường dành cho nam sinh. Trên đường, cô đã gặp và cảm mến Lương Sơn Bá, một chàng trai đến từ Cối Kê. Cùng học trong 3 năm ròng, hai người trở nên thân thiết, nhưng cô gái không dám tiết lộ bí mật của mình với chàng trai.
Đến khi phải đột ngột chia tay về nhà theo lời gọi của cha mẹ, Chúc Anh Đài bảo rằng cô sẽ thu xếp để Lương Sơn Bá cưới người em gái 16 tuổi, sản phẩm trí tưởng tượng của cô. Chỉ sau đó một thời gian, khi đến thăm nhà Chúc Anh Đài, Lương Sơn Bá mới biết bạn thân của mình là một thiếu nữ và hai người đã yêu thương nhau say đắm. Chàng trai đã đến cầu hôn cô gái, nhưng bị khước từ và đuổi đi vì trước đó, Chúc Anh Đài đã bị cha mẹ mình hứa gả cho Mã Văn Tài, một kẻ bất tài vô dụng.
Vì quá sầu muộn, Lương Sơn Bá - khi đó giữ chức huyện lệnh một huyện thuộc Ninh Ba bây giờ - đã mất tại nhiệm sở. Một chàng Lương được đặt tại Nam Sơn Tiểu Lộ, chỗ đánh dấu buổi gặp gỡ đầu tiên của hai người.
Trong ngày cưới của Chúc Anh Đài, cô gái được hộ tống đến nhà họ Mã bằng đường thủy và con thuyền cứ dừng lại trước một ngôi mộ, không thể đi được vì sóng gió nổi lên ầm ầm. Biết rằng đó là mộ của Lương Sơn Bá, Chúc Anh Đài rời kiệu hoa đến trước mộ khóc thảm thiết và cúng tế; bất ngờ trời tối sầm, phần mộ bỗng mở ra và cô gái gieo mình vào đó. Chúc Anh Đài được chôn cất trong mộ cạnh người cô yêu và Tạ An, khi đó là thừa tướng nhà Tấn, đã tấu biểu cho đề lên mộ câu “nghĩa phụ trủng” (mộ của người vợ có nghĩa). Dân gian truyền rằng từ trong mộ, vụt ra một đôi bướm quấn quít không rời nhau rồi cùng bay đi.
Truyền thuyết Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài đã được dàn dựng thành vô số những vở hí kịch Trung Quốc truyền thống, cũng như nhiều bộ phim ăn khách. Năm 1958, hai nhà soạn nhạc Trung Quốc là Hà Chiêm Hào và Trần Cương đã lấy cảm hứng từ sự tích này để sáng tác “Lương Chúc tiểu đề cầm hiệp tấu khúc” (bản concerto Lương Chúc dành cho violon), dài chừng nửa tiếng và được liệt là một tác phẩm kinh điển của âm nhạc Trung Quốc hiện đại. Ở phương Tây, mối tình “Romeo và Juliet của phương Đông” được biết đến qua vở ballet “Hồ điệp tình nhân” (Butterfly Lovers), do hai tác giả Randy Strawderman và Jann Paxton sáng tác và dàn dựng, ra mắt vào đầu năm 1982 bởi Nhạc viện North Carolina, Hoa Kỳ.
Tại Việt Nam, tích Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài rất nổi tiếng và thân thuộc trong các loại hình sân khấu dân gian như tuồng, chèo, cải lương…, khiến không ít người nghĩ rằng nó là sự tích của Việt Nam!
*
Ngày nay, đến Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang, nằm bên bờ Bắc con sông Tiền Đường nổi tiếng với sự tích nàng Kiều, một trong những cố đô nơi 14 vị vua Trung Quốc đã trị vì 237 năm qua nhiều vương triều, du khách có rất nhiều điểm đến để có thể “mục sở thị” vẻ đẹp độc nhất vô nhị của mảnh đất được coi là một trong hai “thiên đường hạ giới” của Trung Quốc. (“Thượng giới hữu thiên đường - Hạ giới hữu Tô, Hàng”).
Thế nào du khách cũng phải đến Tây Hồ, thắng cảnh tuyệt mỹ của cả đất nước Trung Hoa - được thi hào Tô Đông Pha ví là có vẻ đẹp như nàng Tây Thi - với hơn 40 danh lam thắng cảnh và 30 địa danh lịch sử. Tản bộ hoặc ngồi thuyền rồng qua những di tích và địa danh vang bóng trong văn học và thư tịch cổ của Tây Hồ như Tô Đê, Bạch Đê, hay “Tây Hồ Thập Cảnh” (10 cảnh đẹp được bình chọn từ đời Tống như Tam Đàn Ấn Nguyệt, Lôi Phong Tháp, Đoạn Kiều Tàn Tuyết…), có thể hướng viên du lịch địa phương cũng lưu ý chúng ta đến Vạn Thông Thư Viện, ngôi trường cổ nơi cặp nam thanh nữ tú Lương Sơn Bá - Chúc Anh Đài từng theo học.
Tuy nhiên, có lẽ không ai có thể bỏ qua “Trường Kiều Bất Trường”, một trong 4 thắng cảnh được gọi là “Hàng Châu Tứ Tuyệt”. Cây cầu nhỏ (tiểu kiều) này dài vỏn vẹn 15 mét, tương truyền là nơi mà vào thuở xa xưa, Lương Sơn Bá phải chia tay Chúc Anh Đài. Đôi trai gái lưu luyến và bịn rịn nhau mãi, không đành để nhau đi, nên cứ đưa nhau qua lại 138 lần, mất đúng một ngày! Cái tên “cầu dài mà không dài”, xuất phát từ sự tích động lòng này của một tình yêu bất diệt!
Hàng Châu là một vùng đất tương đối hòa bình trong lịch sử đẫm máu của Trung Quốc, nên người dân ở đây, từ nhiều đời nay, đã có tiếng là lãng mạn và phong lưu. Phải chăng vì thế mà mảnh đất nay đã là nơi diễn ra những thiên tình sử vượt thời gian, kể từ mối tình “vong quốc” giữa Ngô vương Phù Sai và nàng Tây Thi cách đây 25 thế kỷ, đến những mối tình được thể hiện rất lãng mạn, mạnh mẽ và bi phẫn trong các sự tích Thanh xà - Bạch xà, Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài…, được coi là khá hiếm hoi trong xã hội phong kiến của Trung Hoa thuở xưa, vốn có cái nhìn ngặt nghèo trước tình yêu đôi lứa.
Có dịp đi dạo trên những tiểu kiều ở Hàng Châu, thưởng thức cảnh trời đất hữu tình và đắm chìm trong những sự tích tình yêu một thời vang bóng, hình dung những bóng hồng kiều diễm “nhân diện đào hoa tương ánh hồng” (hoa đào và mặt người cùng ánh lên sắc hồng - thơ Thôi Hiệu) của Trung Hoa trong quá khứ, hẳn chúng ta sẽ ý thức được hơn bao giờ hết những dòng ca ngợi tình yêu của một thi sĩ Việt Nam:
Cái gì cũng có một thời
Bao nhiêu máu chảy trong lời vua ban
Cái gì rồi cũng tiêu tan
Bao nhiêu xương trắng nằm oan dưới mồ
Cái gì rồi cũng hư vô
Bao nhiêu tượng gỗ lên chùa ngồi chơi
Cái gì rồi cũng rụng rời
Quả trên Vườn cấm, hoa nơi Địa đàng
Chỉ còn mãi với thời gian
Tình yêu tự thuở hồng hoang dại khờ…
Phải rồi, tất cả sẽ qua đi, chỉ còn tình yêu vĩnh viễn là ở lại…