VẠN LÝ TRƯỜNG THÀNH
- Chủ nhật - 18/03/2007 09:39
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Em là em; anh vẫn cứ là anh.
Có thể nào qua Vạn Lý Trường Thành
Của hai vũ trụ chứa đầy bí mật.
(“Xa cách”, Xuân Diệu, 1936)
“Rồi từ đó, đốt sách, chôn học trò, tuần du vô độ, đắp Vạn Lý Trường Thành (VLTT) để chống rợ Hồ, trăm họ than vãn cuộc sống cơ cực”.
Bằng một đánh giá ngắn gọn, cô đọng và nghiêm trang mang dáng dấp chính sử, nhà văn Phùng Mộng Long đã kết thúc trường thiên tiểu thuyết “Đông Châu Liệt Quốc” như thế, sau khi mô tả sự nghiệp hiển hách của Tần Thủy Hoàng, vị hoàng đế đầu tiên đã có công thống nhất Trung Quốc.
Kể từ thời điểm đó, bức trường thành kỳ vĩ đã đi vào lịch sử và trở thành một biểu tượng của đất nước Trung Hoa đi kèm một khẳng định mang tính huyền thoại từ cuối thập kỷ 30 thế kỷ trước và còn được tranh cãi cho đến ngày nay, theo đó, VLTT là công trình kiến trúc duy nhất của loài người có thể nhìn thấy từ vũ trụ.
*
Với chiều dài trên dưới 7 ngàn cây số, xuất phát tại Gia Dụ Quan ở Cam Túc, trải dài đến Sơn Hải Quan trên bờ Biển Bột Hải (Bohai) ở phía Đông, tại giới hạn giữa Trung Quốc bản thổ và Mãn Châu, tới Lop Nur ở phần phía Đông Nam Khu tự trị người Duy Ngô Nhĩ tại Tân Cương, VLTT là công trình kiến trúc hùng vĩ nhất mà con người từng tạo dựng trong lịch sử.
Trường Thành Bát Đạt Lĩnh, nhìn từ trong cáp treo
Tuy nhiên, khác với sự hình dung của nhiều người, VLTT không phải được khởi đầu từ thời Tần Thủy Hoàng, mà đã có trước đó khá lâu, thời Xuân Thu và Chiến Quốc, dưới dạng những mảnh tường riêng lẻ và rời rạc của các nước nhỏ (Yên, Triệu, Ngụy…), được xây xây bằng nguyên liệu thô sơ như đất và sỏi một cách độc lập nhằm phòng thủ trước sự tấn công của quân Hung Nô và các bộ lạc du mục từ phía Bắc, bị gọi một cách khinh khi là “rợ”, như rợ Bắc Dịch, Đông Di, Tây Khương…
Sau khi thống nhất Trung Quốc vào năm 221 trước CN, Tần Thủy Hoàng đã liên kết những mảnh tường đó, củng cố và xây dựng những tháp canh ở những khoảng cách đều nhau để tạo thành một trường thành kỳ vĩ dài chừng 5 ngàn cây số, điểm cực Đông vươn tới tận Bắc Hàn hiện nay.
Cạnh tường thành là những phong hỏa đài, phương thức truyền tin nhanh và hiệu quả nhất thời xưa, thực chất là những ụ đất cao, trên có rơm và phân súc vật, sẽ được đốt khi có giặc xâm nhập. Theo quy định thời xưa, một cột khói nghĩa là quân địch ít hơn 500 lính, 2 cụm khói là quân địch ít hơn 3.000 lính… cứ như vậy tin sẽ được truyền khá nhanh qua các phong hỏa đài về trung tâm.
Có điều, bức trường thành đời Tần Thủy Hoàng, đến nay, không còn lại gì mấy: công trình vĩ đại của chừng 30 vạn nhân công làm cật lực trong vòng 10 năm, chỉ còn là những ụ đất thấp, dài!
Với thời gian, VLTT liên tục được tu bổ và củng cố qua các đời Hán, Ngụy, Ngũ Đế, Tùy, Đường… và đặc biệt, được hoàn chỉnh và xây thêm ở đời Minh (cuối thế kỷ XIV - đầu thế kỷ XVII). Trong gần 150 năm, hơn 1 triệu nhân công đã được huy động để bảo quản và nâng cấp 5.000 cây số tường đã xây trước đó, cũng như xây dựng thêm 1.000 cây số tường thành mới.
Thay vì đất và sỏi, ở triều đại này, gạch, ngói và vôi đã là những nguyên liệu chính của Trường Thành: đặc biệt, những viên gạch có kích thước và hình dáng khác nhau đã được nung để khớp vào các vị trí đặc biệt. Ngoài các tháp canh và phong hỏa đài, nhà Minh còn xây cất các doanh trại và các trạm trữ thực phẩm dọc Trường Thành.
*
Phần lớn những gì du khách có thể thấy được hiện tại của bức Trường Thành đều là phần tường thành khá bề thế và kiên cố do nhà Minh xây dựng, có độ cao trung bình 8 mét, độ rộng trung bình ở phần đáy là 6,5 mét, phần thành lũy đi lại được là 5,7 mét.
Cho dù được khởi đầu với mục đích phòng thủ, những mảnh bức tường này thực chất có ý nghĩa về mặt phân chia ranh giới và thể hiện uy quyền của các vương triều phong kiến, hơn là ý nghĩa quân sự. Rất ít cuộc chiến diễn ra ở vùng có Trường Thành, thường là những khu vực rất hẻo lánh về mặt địa lý và bình thường cũng đã rất khó xâm nhập.
Dường như chỉ đoạn tường cuối cùng thời nhà Minh thực sự mang tính chất chiến lược và quân sự trên một số phương diện, nhưng ngay các nhà nghiên cứu về lịch sử quân sự cũng cho rằng Trường Thành không có giá trị thực và không có vai trò gì nổi bật trong việc phòng thủ của nhà Minh, để rồi mất vào tay Mãn Châu.
Có lẽ vì thấy nhà Minh, cũng như các triều đại trước đó, đã không hề chống được giặc ngoại xâm bằng bức Trường Thành, nên nhà Thanh đã bỏ Trường Thành hoang phế mà không quan tâm tu sửa.
“Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi” tại những cửa quan như thế này…
Nhìn lại lịch sử, không biết bao nhiêu công sức và tiền của đã bị tiêu tốn để xây dựng bức tường vạn lý, từng được đặt cho một cái tên ghê rợn là “nghĩa địa dài nhất địa cầu”. Ước tính, hàng triệu nhân công - đa phần là lính thú và tù nhân bị đày ra biên ải - đã bỏ mạng ở đây.
Các triều đại phong kiến Trung Quốc, lẽ ra, đã có thể sử dụng sức người một cách hợp lý và nhân đạo cho những mục tiêu xã hội và quốc phòng, thì lại dựng nên một bức tường nhiều khi cô lập hóa chính họ, khiến Trung Quốc kiệt quệ về kinh tế, trói buộc về tư tưởng và nền văn minh lâu đời thì trở nên trì trệ, người dân bị “bế quan tỏa cảng”.
Tuy nhiên, với tinh thần tự tôn dân tộc, người Trung Quốc vẫn rất tự hào với Trường Thành của họ. Trên trường quốc tế, bức tường vạn lý được liệt vào bảy kỳ quan thời Trung cổ của Thế giới, và trở thành Di sản Thế giới của UNESCO năm 1987, sau khi Trung Quốc gia nhập tổ chức này.
Trong những năm gần đây, chính quyền Đại lục đã có nhiều cố gắng rất lớn để tôn tạo di tích này, chống lại sự tàn phá của thời gian và cả của con người. Những đoạn tường gần các tụ diểm du lịch được giữ gìn, phục chế, và được quảng cáo rầm rộ trước du khách quốc tế - tuy nhiên, phần còn lại bị bỏ mặc, không ai để tâm, nhiều nơi bị phá để làm đường, làm chỗ chơi cho dân địa phương. Ước tính, chỉ một phần năm bức tường thành là còn ở trạng thái khả dĩ.
Hiện tại, VLTT vẫn dẫn đầu trong cuộc bình chọn bảy kỳ quan mới của địa cầu, đang thu hút sự chú ý của cả thế giới, sẽ được công bố vào ngày 20-7 năm nay.
*
VLTT có những cửa quan lừng danh trong sử sách và các tiểu thuyết kiếm hiệp, như Sơn Hải Quan (khởi điểm của Trường Thành, do danh tướng Từ Đạt nhà Minh xây dựng), Gia Dụ Quan (khởi điểm phía Tây của Trường Thành), hay Nhạn Môn Quan (nằm trên một thung lũng tỉnh Sơn Tây, trong một cảnh trí thiên nhiên vô cùng hoành tráng, hai bên là vách núi dựng đứng, chỉ chim nhạn, én mới có thể vượt qua được mà cũng chỉ bay dọc theo thung lũng phía trước cửa ải).
Tuy nhiên, đa số du khách tới Trung Quốc, hẳn sẽ “gặp” Trường Thành tại Bát Đạt Lĩnh, một cửa quan cách thủ đô Bắc Kinh chừng 60 cây số về hướng Tây Bắc.
Phòng tuyến chiến lược trấn giữ đô thành Bắc Kinh
Trái với khá nhiều cửa quan hẻo lánh khác, thực chất ít có ý nghĩa quân sự, Trường Thành Bát Đạt Lĩnh kéo dài chừng 10 cây số, nằm trên dãy núi Thái Hà, phía Bắc đèo Cư Dụng Quan, là một phòng tuyến chiến lược trấn giữ đô thành Bắc Kinh. Nằm trên độ cao 600 mét, khách du lịch viếng thăm Bát Đạt Lĩnh có thể đi bộ, hoặc qua hệ thống cáp treo để lên tới những đỉnh cao nhất của tường thành và chiêm ngưỡng cảnh quan hiểm trở xung quanh.
“Bất đáo trường thành phi hảo hán” (Chưa qua Vạn Lý Trường Thành thì chưa phải người giỏi), câu nói cửa miệng của người dân Trung Quốc từ thời xa xưa, mà tương truyền Mao Trạch Đông sinh thời cũng thường nhắc lại, là động lực để không ít du khách trong và ngoài nước rồng rắn nối đuôi nhau trèo lên Bát Đạt Lĩnh, để được cấp tấm bằng “Đáo Trường Thành”, để có một tấm hình chứng tỏ mình đã “chân cứng đá mềm”, hoặc đơn thuần, chỉ để hình dung lại những cực nhọc của người dân, người lính thú thời xưa, khi xây bức Trường Thành, hoặc khi từ giã vợ con lên đường ra chiến trận nơi biên ải.
“Cổ lai chinh chiến kỷ nhân hồi”, trong lịch sử 28 thế kỷ của bức tường vạn lý, biết bao người ra đi bên bức Trường Thành mà không mấy ai trở về, theo lời nhà thơ Vương Hàn trong bài “Lương Châu Từ” nổi tiếng đời Đường.
Mục sở thị bức Trường Thành đến nay vẫn giữ nguyên vẻ kỳ bí và tôn nghiêm, ngoằn ngoèo như một con trăn khổng lồ qua bao núi đồi gập ghềnh và hiểm trở, ngày nay ngập tràn du khách và những dịch vụ “ăn theo” từ chính sách mở mang du lịch của Trung Quốc, mới thấy rằng không có một bức tường nào, dù hùng vĩ đến mấy, có thể đảm bảo một cuộc sống bình yên và hạnh phúc cho muôn dân.
“Bất đáo Trường Thành phi hảo hán”, để rồi “mỏi gối, chồn chân vẫn muốn trèo”!
Đến thăm VLTT ngày nay trong các chuyến du ngoạn Trung Quốc, ngoài việc chiêm ngưỡng một công trình vĩ đại đã thấm máu xương và công sức của bao nhiêu thế hệ người dân bản địa, cũng là để một lần nữa, chúng ta có thể chiêm nghiệm và thấm thía một cách sâu sắc điều này!