Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Từ những chuyến đi: VẪN CÒN NHỮNG BỨC TƯỜNG...

(NCTG) “57 năm sau ngày tường Berlin được dựng lên, vẫn còn rất nhiều bức tường vô hình và hữu hình trong tâm tưởng và thực tế, nhắc nhớ rằng thế giới còn rất nhiều vấn nạn, và không biết giới chính khách đã học được đến đâu từ lịch sử?”.
Tưởng nhớ một nạn nhân của bức tường Berlin, người tử nạn trên con đường tìm tự do (phố Zimmerstraße, Berlin)
Không biết có người Việt nào điên như mình chưa, nhưng nếu có chắc cũng hiếm tay hâm nào lần mò gần hết dấu tích của bức tường Berlin đoạn nằm trong thành phố, tính ra tổng cộng có lẽ cũng vài chục cây số.

Đương nhiên, không phải đoạn tường nào của “Die Berliner Mauer” cũng hiển hiện, lồ lộ và nườm nượp du khách đến độ có lúc mình bất giác đã thấy nhàm, như ở Checkpoint Charlie, hay tại East Side Gallery.

Với mình, bức tường Berlin đáng nhớ hơn nhiều ở những nơi có những người con của nước Đức đã ngã xuống trên đường tìm tự do. Zimmerstraße (*) hay Invalidenstraße luôn khiến mình rúng động, vì lý do ấy.

Cũng như thế, Bernauerstraße đem lại cảm giác rùng mình, khi ở ranh giới một thời của Đông và Tây, ngay cạnh dấu tích những nạn nhân của bức tường, còn khắc ghi ký ức những nạn nhân của holocaust...
 
“... anh ấy chỉ muốn tự do” (phố Zimmerstraße, Berlin)
“... anh ấy chỉ muốn tự do” (phố Zimmerstraße, Berlin)

Tường cũng nhiều lần khiến mình... toát mồ hôi khi bỗng nhiên nó đâm sầm vào một khu dân cư, bãi hoang, công viên rộng lớn hay nghĩa trang để rồi gần như mất hút, và phải khó khăn lắm mới lần ra tiếp được.

Những buổi vác ba-lô và bản đồ lần mò cả ngày theo dấu tường xưa đã là một phần kỷ niệm của mình với Berlin, một thành phố không đẹp theo nghĩa thông thường, nhưng chứa chở sức nặng ghê gớm của quá khứ.

57 năm sau ngày tường Berlin được dựng lên, vẫn còn rất nhiều bức tường vô hình và hữu hình trong tâm tưởng và thực tế, nhắc nhớ rằng thế giới còn rất nhiều vấn nạn, và không biết giới chính khách đã học được đến đâu từ lịch sử?

Ghi chú:

(*) Nơi Peter Fechter (1944-1962), một trong những nạn nhân được biết tới nhiều nhất của bức tường Berlin đã bỏ mạng trên đường tìm tự do. Người bạn của anh kịp trèo qua phía bên kia tường, nhưng Fechter thì bị lính biên phòng Đông Đức xả súng bắn vào lưng, và bỏ mặc trong vòng một tiếng cho đến khi anh tử nạn vì mất máu.

Nhiều nhân chứng chứng kiến cảnh chàng thanh niên 18 tuổi bị bắn gục và rơi xuống phía Đông bức tường, nằm trên đống dây thép gai và khóc lóc kêu cứu, nhưng vô hiệu. Trong khi, bên kia tường, hàng trăm cư dân Tây Đức tụ tập và hét vang “lũ sát nhân”, ám chỉ những kẻ được lệnh bắn bỏ bất cứ ai có ý định vượt tường...

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Nguyễn Hoàng Linh