Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Từ những chuyến đi: OSKAR SCHINDLER VÀ THẮC MẮC VỀ LÒNG TRẮC ẨN

(NCTG) “Tại sao con người lại có thể khốn nạn và đê tiện như thế, trong sự bạo hành, khủng bố và giết chóc đồng loại?”.
Khu Do Thái ở Kraków trong mưa
Cứ mỗi lần qua Ba Lan, câu chuyện holocaust và Katyń lại trở về trong suy nghĩ của mình. Cả hai đều là những đề tài mình bỏ công tìm hiểu từ lâu nay, lý do rất đơn giản vì mình muốn tìm câu trả lời cho thắc mắc, tại sao con người lại có thể khốn nạn và đê tiện như thế, trong sự bạo hành, khủng bố và giết chóc đồng loại?

Kraków là một thành phố rất đẹp, đương nhiên, nhưng sẽ không đầy đủ nếu chỉ qua khu phố cổ, Quảng trường Chợ Rynek Główny, hay khu đại học Uniwersytet Jagielloński cổ kính thứ nhì trong vùng Trung Âu, cùng hằng hà sa số nhà thờ, thánh đường nguy nga, những chỉ dấu tiêu biểu của nền văn minh Phương Tây.

Mà, nếu có thời gian, mình thích thả bộ trong những con phố nhỏ lát đá gồ ghề đi rất dễ vấp, nhiều khi xe buýt lớn đi là đã khó khăn, với rất nhiều những tòa nhà cũ kỹ, thậm chí đổ nát, của khu Do Thái cổ Kazimierz, và khu Podgórze nơi biệt khu (ghetto) Do Thái được Đệ tam Đế chế thành lập vào mùa xuân năm 1941.
 
Đài tưởng niệm các nạn nhân holocaust tại Kraków
Đài tưởng niệm các nạn nhân holocaust tại Kraków

Đấy cũng là nơi xuất phát của câu chuyện kỳ lạ gắn liền với tên tuổi Oskar Schindler, thương gia, kỹ nghệ gia Đức, người đã cứu mạng gần 1.200 cư dân Do Thái ở Kraków trong Đệ nhị Thế chiến khi nhận họ vào nhà máy sản xuất đồ đồng tráng men của mình, và tìm mọi cách che chở họ khỏi cái chết gần như chắc chắn.

Không ai dám chắc là có thể hiểu hành động đó của một thành viên Đảng Quốc xã, kẻ bị coi là ủng hộ phát-xít vì tìm thấy ở chiến tranh những cơ hội làm ăn do chiến sự mang lại. Một điều chắc chắn, hơn một ngàn Schindlerjuden (người Do Thái được Schindler cứu mạng) phải coi ông là vị cứu tinh, là ân nhân và là một anh hùng.

Trong bộ phim “Bản danh sách của Schindler” (Schindler's List, 1993), đạo diễn Steven Spielberg đã khắc họa cảnh những công nhân khi chia tay ông chủ vào lúc cuộc chiến đã tàn và Schindler phải trốn chạy, đã trao cho ông một chiếc nhẫn khắc câu “Ai đã cứu sống một mạng người thì kẻ đó cũng đã cứu cả thế giới này”.
 
03
Hình bóng quá khứ nhạt nhòa trong mưa...

Câu nói ấy của người Talmud có cái gì phảng phất tư tưởng “cứu một người phúc đẳng hà sa” của Phật giáo, phải chăng là lời lý giải cho Schindler và rất nhiều người khác cùng thời, với xuất xứ và vị thế xã hội hết sức khác biệt, nhưng trong những khoảnh khắc định mệnh của đại nạn holocaust đã giang tay hành hiệp quên mình.

Mưa tầm tã không ngừng, nên chuyến đi này tới Krakow mình chỉ có thể nhìn lại ngôi nhà của Schindler, khu công xưởng của ông, cùng những con lộ, những mái nhà liêu xiêu của khu ghetto cũ nhạt nhòa sau cửa kính xe. Dầu vậy, những hình bóng của quá khứ dường như vẫn hiển hiện như trong những thước phim đen trắng.

Và tự nhiên, nảy ra trong mình một câu hỏi: sao trong những đại nạn tương tự, cũng tiêu biểu cho sự phi nhân ở “phía bên kia” - như Katyń, như Gulag... - không hề thấy những bóng dáng như thế? Hay “cứu nhân” hoặc lòng trắc ẩn là những khái niệm, những phản xạ không hề tồn tại trong tự vị của những “con người mới XHCN”?

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Nguyễn Hoàng Linh