Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Từ những chuyến đi: MỐI TÌNH ĐẦU CỦA MARIE CURIE VÀ CHỮ "NẾU..."

(NCTG) Cạnh Viện Curie (tên gọi cũ là Viện Radium) được thành lập năm 1932 tại đường Wawelska (thủ đô Warszawa, Ba Lan), có một công viên cây cối um tùm, ở giữa tọa lạc pho tượng nữ khoa học gia nổi tiếng nhất của mọi thời đại: Marie Skłodowska, được thế giới biết nhiều hơn với tên Marie Curie. Tượng được hoàn thành năm 1936, còn giữ nhiều vết đạn trong cuộc Khởi nghĩa Warszawa năm 1944, tròn 80 năm trước.
Tượng nữ khoa học gia Marie Curie trước Viện Curie - Ảnh: Trần Lê (NCTG)
Theo lời kể lại, nhiều năm sau khi nữ chủ nhân của những nghiên cứu tiên phong về phóng xạ đã qua đời, trước pho tượng bà tại công viên mang tên nhà khoa học, vẫn có một vị giáo sư già ngồi suy tư. Ông là Kazimierz Żorawski, khi đó là giáo sư Toán thuộc Đại học Công nghệ Warszawa, và là mối tình đầu của Marie Curie khi bà còn ở Ba Lan và phải làm phó mẫu để kiếm tiền giúp người chị theo học ở Paris.

Đó là những năm của thập niên 80 thế kỷ 19, khi cô gái Marie Skłodowska đã tốt nghiệp trung học tại Vương quốc Ba Lan thuộc Đế quốc Nga, nhưng không được học lên đại học chỉ vì là phụ nữ. Trong vòng 2 năm, cô làm tại một gia đình địa chủ khá giả, có họ hàng với cha của cô, và đã phải lòng con trai của họ là Kazimierz Żorawski, sau này trở thành nhà toán học lỗi lạc. Mối tình của cô cũng được chàng trai đáp trả.
 
00

Tuy nhiên, cuộc tình của hai người đã bất thành: phụ huynh của Żorawski không cho phép chàng trai đang đứng trước một sự nghiệp sán lạn kết hôn với người họ hàng nghèo khó, và chàng trai thì không đủ nghị lực để vượt qua rào cản đó. Mối quan hệ chấm dứt, Żorawski lấy bằng tiến sĩ từ khi còn rất trẻ và theo đuổi sự nghiệp toán học, sau đó trở thành giáo sư và làm hiệu trưởng tại đại học ở cố đô Kraków.

Mối tình đầu bị ngăn cản là một bi kịch lớn đối với Marie Skłodowska nhưng cô vẫn còn hy vọng trong một thời gian. Cô khước từ lời mời qua Paris vào năm 1890 của người chị Bronisława hơn cô 2 tuổi, khi đó đã có chồng tại "Kinh đô Ánh sáng", và chỉ quyết định rời quê hương 1 năm sau đó, khi nhận được thư đoạn tuyệt dứt khoát của Żorawski. Một trang sử mới được mở ra trong đời cô và trong lịch sử khoa học!
 
02

Lịch sử luôn có những cái "nếu" được đặt ra. Nếu cuộc tình giữa Marie Skłodowska và Żorawski kết thúc có hậu, có thể Đại học Sorbonne (Pháp) đã không có nữ tiến sĩ, và sau này là nữ giáo sư đầu tiên, Marie Curie, người lần đầu đặt ra thuật ngữ "phóng xạ". Nước Pháp đã không có người phụ nữ gốc ngoại quốc đầu tiên được đưa vào Điện Panthéon sau khi qua đời vì những công trạng khoa học của chính mình.

Thế giới khoa học có thể còn phải chờ lâu nữa, mới phát hiện được ra những nguyên tố đồng vị phòng xạ Poloni và Radi, mà một trong hai nguyên tố đó đã được gọi tên theo quê hương gốc của Marie Skłodowska, xứ sở Ba Lan. Và có thể không bao giờ có đại gia đình nào lập được kỳ tích với 5 giải Nobel về Vật lý và Hóa học như của Marie Curie, trong đó riêng bà đã sở hữu 2 giải, điều tới giờ vẫn chưa ai làm được!
 
03

Trên một góc tường của Viện Curie - với tên gọi chính thức là Viện Ung bướu Quốc gia - Viện Nghiên cứu Quốc gia Maria Skłodowska-Curie - có thể thấy ký hiệu hóa học đầy kiêu hãnh Poloni và Radi, vinh danh một sự nghiệp nghiên cứu độc nhất vô nhị và bất tử của một người phụ nữ ái quốc và hết lòng vì khoa học, đã ra đi tròn 90 năm trước vì căn bệnh phát sinh do tiếp xúc thường xuyên với bức xạ và phóng xạ.

"Sinh nghề, tử nghiệp", cho dù di hài của Marie Curie và chồng đã được chuyển tới nơi yên nghỉ của các vĩ nhân Pháp ở Điện Panthéon, nhưng ngôi mộ của cặp đôi ấy tại Nghĩa trang Sceaux (Pháp) vẫn còn nhiễm phóng xạ đến mức du khách có thể dễ dàng tìm ra nơi đó kể cả khi không còn ai trong nghĩa trang với một bộ đếm Geiger–Müller đon giản, một dụng cụ điện tử được dùng để phát hiện và đo bức xạ ion hóa.
 
04

Bởi lẽ, theo định luật về bức xạ ion hóa, phải sau 1.580 năm, cường độ tín hiệu bức xạ phát ra từ ngôi mộ ban đầu của cặp đôi Curie mới có thể giảm đi một nửa...

Chùm ảnh của Trần Lê (NCTG):
 
06
 
05
 
07
 
08
 
09
 
10
 
12
 
11
 
13

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh