Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Từ những chuyến đi: HALLSTATT THỜI “HẬU COVID”

(NCTG) Sau gần 1,5 năm, mình mới có dịp trở lại - nhưng liên tục 4 lần trong vòng 2 tuần - Hallstatt, ngôi làng mình thấy đẹp cả bốn mùa, trong nắng, trong mưa (3/4 số lần mình tới đó, là mưa hìhì), trong tuyết phủ... Vài dòng sau đây là những suy nghĩ thoáng qua về Hallstatt.
Hallstatt, ngôi làng ven hồ được xem là “đẹp nhất thế giới”
Thật ra, những vùng quê ở Áo, Đức, Pháp, Thụy Sĩ... đều đẹp lắm, và làng ven hồ cũng không thiếu nơi đẹp, nên mỹ từ thường lệ dành cho Hallstatt - Ngôi làng bên hồ đẹp nhất thế giới, bồng lai tiên cảnh... - khiến một số người phải kêu lên là “làm gì đến nỗi thế”...

Hơn thế nữa, thời trước dịch bệnh, ngôi làng nhỏ mà du khách Châu Á đông như kiến cỏ, nhiều khi cũng không tránh được việc í ới, mất trật tự - khiến lãnh đạo và người dân trong vùng thường xuyên phải “có ý kiến” - và không ít người thì dè bỉu “sến”, “toàn Tầu+”, v.v...

Nhưng, mặc dầu vậy, Hallstatt của thời “hậu Covid” - khi mấy làn sóng đầu tạm lắng xuống, và làn sóng mới nhất dù vẫn rập rình và đáng ngại, nhưng... kệ, du khách vẫn phải đi chứ! - vẫn có không ít khách đến từ thập phương. Dĩ nhiên, dân từ Châu Á thì còn khá vắng.
 
hall6

Và Hallstatt vẫn thể hiện vẻ đẹp kiều diễm đặc thù của ngôi làng này, với người mới đến, đương nhiên, nhưng cả với mình là người đã khá quen thuộc với từng góc nhỏ của làng. Vẫn những hình ảnh và sắc màu ấy, chụp cả trăm ngàn lần, không biết chán và như mới!

Một năm mới trở lại nơi này, làm quen lại với những mức giá dịch vụ đã thuộc lòng, thì thấy mọi thứ có mắc hơn 10-15%. Tuy nhiên, như thường lệ, tuyệt nhiên vẫn không có tình trạng “chặt chém”, “cho mày chết” để đi khách “nhất khứ hề, bất phục phản”, ví dụ như ở ta.

Ở một nơi mà theo khách du lịch đến từ Việt Nam, lẽ ra phải đầy rẫy hàng quán, và ít nhất cũng “nên” có một tiệm Á thì “hốt bạc biết chừng nào”, mà tới giờ vẫn thủy chung với chỉ đôi ba hàng quán, mới thấy Tây thật văn minh, coi du lịch không phải là chỗ nhậu nhẹt.
 
hall5

Và không chỉ thế, Hallstatt đâu đơn thuần là câu chuyện của một vùng đất được may mắn thừa hưởng vẻ đẹp tự nhiên - những nơi như thế đâu hiếm, Hạ Long của ta chẳng hạn. Nó còn là bài học về văn hóa mà người dân ở đó đã nhiều đời gìn giữ, dày công hun đúc cho tới giờ.

Qua Hallstatt, vẫn còn có thể thấy dấu vết của “Thần lửa” 2 năm trước, thiêu rụi một góc nhưng may là không lan ra xung quanh, và mấy ngôi nhà bị cháy cũng không thật quan trọng. “Điểm lạ” ấy, chắc du khách “phổ thông” không mấy để tâm, nhưng mình lại rất lưu ý.

Bởi lẽ, nó cho thấy, mọi thứ thật mỏng manh, cũng như thế giới này với đại dịch Covid-19. Thế nên, phương châm là nếu đi được, và muốn đi, để tìm hiểu và trải nghiệm thế giới, để học hỏi cái tinh hoa của thiên hạ và đất trời, thì nên làm ngay, đừng chờ đợi phút nào... (*)
 
hall4

(*) Rất thú vị khi xem “ghi nhận” trên mạng Facebook của bà con Việt sau khi trở về từ Hallstatt - khách Việt đến từ các nước Châu Âu cũng đã thấy đông đông -, khó tránh được cả rừng ảnh (đương nhiên có thông qua các app, Photoshop... khá đậm đặc) của các khổ chủ :).

Tất nhiên, đi để chụp lại - và “khoe” - những khoảnh khắc đẹp đẽ của mình, trong khung cảnh thiên nhiên tuyệt vời, là điều dễ hiểu. Nhưng lắm lúc, nên chăng, hãy tập trung giới thiệu một địa điểm du lịch đẹp, lịch sử và văn hóa, chứ bớt phần quảng bá cho... bản thân, thì hợp nhẽ hơn?

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Nguyễn Hoàng Linh