Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


Từ những chuyến đi: AUSTERLITZ VÀ ĐẠI CHIẾN “TAM HOÀNG”

(NCTG) “... rất nên tới thăm những nơi này để tìm hiểu lịch sử, cũng như cảm nhận một lần nữa cái giá của chiến tranh và hòa bình, như nhà thơ Nguyễn Duy từng suy tư: “Đá ơi - xin tạc lại đây lời cầu chúc hòa bình - Nghĩ cho cùng - Mọi cuộc chiến tranh - Phe nào thắng thì nhân dân đều bại…”.
Austerlitz - nơi chừng 40 ngàn người lính đã thiệt mạng...
Brno, thành phố lớn thứ nhì của Cộng hòa Czech thường không được coi như một điểm đến du lịch, cho dù với những ai để tâm tới lịch sử và kiến trúc, nơi đây cũng hàm chứa không ít những điểm đáng thưởng lãm. Đặc biệt, cách Brno không xa là thị trấn Slavkov u Brna, cái tên ít nói lên điều gì với nhiều người, nhưng nếu nhắc đến cách gọi bằng tiếng Đức của nó - Austerlitz, thì hẳn sẽ phải có đôi ba người ồ lên “quen nhỉ?”.

Austerlitz từng là nơi diễn ra trận chiến “Tam Hoàng” (Ba Vua) trong ngày 2-12-1805 giữa quân Pháp của Hoàng đế Pháp Napoléon I và liên quân Áo - Nga của Nga hoàng Aleksandr I và Hoàng đế Franz II của Thánh chế La Mã. Đây là một trận chiến kinh điển và chuẩn mực, một tuyệt tác về nghệ thuật quân sự, đã ghi danh Hoàng đế Napoleon mới 35 tuổi vào hàng những nhà cầm quân lỗi lạc nhất trong lịch sử nhân loại.

Mặc dù đông quân hơn nhưng liên quân Áo - Nga đã đại bại trước Đại quân Pháp (La Grande Armée), dẫn đến việc Áo phải ký Hòa ước Pressburg (địa điểm ký hòa ước này là tòa lâu đài tại quảng trường trung tâm phố cổ Bratislava hiện tại) với Pháp cuối năm 1805, chấp nhận rời Liên minh thứ ba chống Pháp, chấm dứt sự tồn tại của Đế quốc La Mã Thần Thánh (Đế chế Đức - La Mã), mở đầu cho Đế quốc Áo.
 
Vang vọng đâu đây lời nguyện cầu cho hòa bình...
Vang vọng đâu đây lời nguyện cầu cho hòa bình...

Trận chiến Austerlitz được mô tả nhiều trong tác phẩm “Chiến tranh và Hòa bình” của đại văn hào Nga Lev Tolstoy, và được khắc họa trang trọng trong bức điêu khắc tại Khải Hoàn Môn Paris. Chiến thắng hiển hách này cũng được đặt tên cho một chiếc cầu và nhà ga ở Paris, và chiếc cột cao vút tại Quảng trường Vendôme ở Paris được đúc bằng những khẩu pháo, đại bác là chiến lợi phẩm của quân Pháp trong trận Austerlitz.

Đường từ Brno tới Austerlitz qua những khu làng và cánh đồng dường như còn giữ nguyên vẻ hoang sơ như cách đây vài trăm năm. Trên đồi Prace trong khu làng cùng tên, nơi diễn ra trận chiến khiến gần 40 ngàn binh sĩ đã tử trận, tọa lạc một công trình kiến trúc với dáng vẻ trầm hùng và động lòng: Tượng đài Hòa bình (Památník Mohyla míru) được xây từ năm 1910-1912, nhưng chỉ được hoàn tất vào năm 1923.

Là tác phẩm của kiến trúc sư Praha Josef Fanta, kinh phí góp từ món quà của chính quyền ba nước và cư dân Đế chế Áo - Hung, tượng đài không nhằm vinh danh kẻ thắng hay khóc thương kẻ bại, cũng không nhằm ca tụng sự dũng cảm của binh sĩ nói chung, mà đơn thuần biểu tượng của sự hòa giải. Tượng đài cao 26m, đỉnh là một thánh giá tượng trưng cho Ki-tô giáo sơ khai cao 10m nằm trên một quả địa cầu lớn.
 
Những dòng chữ Việt trong cuốn sổ lưu niệm của bảo tàng Austerlitz
Những dòng chữ Việt trong cuốn sổ lưu niệm của bảo tàng Austerlitz

Ở 4 góc của tượng đài là tượng 4 người phụ nữ cầm khiên, tượng trưng cho 4 dân tộc Pháp, Áo, Nga và đặc biệt, Moravia, nạn nhân của cuộc chiến tương tàn. Hài cốt các tử sĩ (chủ yếu là lính Nga) thì được chôn trong hầm mộ dưới Tượng đài Hòa bình. Cạnh tượng đài là một bảo tàng viện, nơi giới thiệu những tư liệu, hình ảnh của trận chiến lớn này, và trong cuốn sổ lưu niệm của du khách, đã có những dòng chữ Việt.

Địa danh của những cuộc chiến - nhất là chiến tranh của “thiên hạ” dường như không phải nơi hấp dẫn du khách Việt. Nhưng với mình, rất nên tới thăm những nơi này để tìm hiểu lịch sử, cũng như cảm nhận một lần nữa cái giá của chiến tranh và hòa bình, như nhà thơ Nguyễn Duy từng suy tư: “Đá ơi - xin tạc lại đây lời cầu chúc hòa bình - Nghĩ cho cùng - Mọi cuộc chiến tranh - Phe nào thắng thì nhân dân đều bại…”.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Nguyễn Hoàng Linh