Thi lấy bằng lái ở Đức: CƠN ÁC MỘNG (Phần 1)
- Thứ sáu - 20/12/2013 23:57
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Đó là cơn ác mộng lớn nhất, dai dẳng nhất mà mình có trong đời. Không biết với những người khác thì thế nào, với mình, học lái xe đúng là “địa ngục trần gian”.
Bên chiếc Audi A3 thứ hai, gắn liền với “cơn ác mộng” của tác giả
Sau khi tiêu gần bốn ngàn Euro cho các loại chi phí, một năm trời đau khổ, tốn không biết bao nhiêu nước mắt, sức lực, ơn trời, giờ đây cơn ác mộng ấy đã qua đi. (Thực ra thời gian học thật chỉ khoảng 6 tháng, nhưng mình bị gián đoạn vì bị ốm, có bầu, nghỉ đi du lịch, về Việt Nam, sinh em bé, vướng mắc các thủ tục hành chính về việc đổi quốc tịch và cả... dỗi thầy giáo nữa).
Đến giờ, khi ngồi viết lại những dòng này mà đôi lúc đầu mình vẫn còn ngổn ngang.
Những bước đầu tiên
Khó khăn đầu tiên với một bà mẹ có con nhỏ như mình là việc sắp xếp thời gian để đi học. Tuy nhiên với sự giúp đỡ và động viên của chồng, bố mẹ chồng, mọi thứ cũng khá ổn. Chồng luôn tình nguyện ở nhà trông con, cho con đi ngủ buổi tối để một tuần hai buổi mình có thể đến trường học lý thuyết.
Bố mẹ chồng thì giặt giũ, nấu cơm cho để mình có nhiều thời gian học hành hơn. Đặc biệt, khi cháu bé ra đời, ông bà còn phải trông thêm một cháu nữa. Tóm lại, nếu không có chồng, ông bà nội thì chắc chẳng bao giờ mình có thể nghĩ đến chuyện thi lấy bằng lái xe.
Ở Đức, khi học lái xe, học viên phải đăng ký với chính quyền. Muốn đăng ký, học viên phải có xác nhận khám mắt và có chứng chỉ đã tham gia một khóa học cứu thương. Nếu phải đeo kính như mình thì khi lái xe bắt buộc luôn phải đeo kính, thậm chí nên có tới hai chiếc kính để đề phòng một chiếc hỏng.
Mình đăng ký một lớp học cứu thương vào cuối tuần. Lớp học kéo dài từ 9 giờ sáng tới tận 3 giờ chiều và chỉ nghỉ 15 phút giữa giờ nên học viên phải mang đồ ăn và nước uống theo. Ở đây, mình học các kỹ năng cứu thương, băng bó, hô hấp nhân tạo, xử lý các tình huống khi gặp tai nạn xe cộ, gọi xe cứu thương như thế nào...
Rào cản ngôn ngữ
Lúc bắt đầu học lái xe, mình đến Đức được ba năm. Vốn liếng của mình là trình độ B1 có được sau ba tháng đến Đức và từ đó vẫn dậm chân tại chỗ. Mình có thể nói chuyện giao tiếp với người Đức, tóm lại các chủ đề lẻ tẻ kiểu như tã, bỉm, sữa chứ nếu để học thật sự một cái gì đó thì e rằng hơi vất vả.
Được cái cháu bé đã đi nhà trẻ nên mình có nhiều thời gian để nghiền ngẫm mớ lý thuyết với các loại từ vựng mà tra toét cả mắt trên các loại từ điển cũng chẳng tìm thấy. Nguyên nhân là trong tiếng Đức có rất nhiều từ ghép. Người Đức thường có luôn cả định nghĩa luôn trong từ đó để đọc lên người ta hình dung luôn đó là cái gì, dùng để làm gì.
Nhưng vấn đề là khi có quá nhiều định nghĩa trong một từ, cái từ dài đến cả dòng ấy trở nên vô cùng rối rắm, rồi chả ai biết nó nghĩa là gì nữa. Ví dụ, cái biển màu xanh, có chữ P màu trắng bên trong, ai chả biết đấy là biển đỗ xe, tiếng Anh P nghĩa là Parking hay Parken trong tiếng Đức.
Thế mà người ta nghĩ ra một cái tên dài ngoằng ngoẵng thế này (một từ thôi đấy): “parkraumbewirtchaftungszone” (đại loại là: khu vực đỗ xe có sự quản lý).Về hỏi chồng và bố chồng những từ này mà mọi người còn cứng cả họng. Sau khi nghe cái từ đó thì đến người Đức cũng phát hoảng.
Mỗi học viên mua một bộ sách, băng đĩa tài liệu trị giá 75 Euro. Học viên sẽ có một tài khoản (account) trên một trang web học lái xe, có thể làm bài thi thử trực tiếp trên đó hoặc tải (download) một ứng dụng cho ipad, iPhone với hơn 900 câu hỏi thi, được trộn làm 100 bộ đề, mỗi bộ gồm 30 câu hỏi.
Nói chung chỉ cần chăm chỉ thì tất cả những câu hỏi này không hề khó. Vấn đề là mình luôn muốn biết tường tận mọi vấn đề nên luôn phải hỏi chồng vì sao lại thế chứ không chỉ cần biết nhấn vào câu trả lời đúng là được. Thế là ngoài các buổi tối đi học, các buổi tối khác, sau khi cho con đi ngủ, chồng cũng phải lao vào học cùng, rồi giải thích.
Nhiều khi tiếng Đức mình không hiểu thì chàng lại chuyển tiếng Anh. Tất nhiên tiếng Anh cũng không phải ngôn ngữ mẹ đẻ của mình nên nhiều khi lại phải dừng lại để đi tra từ điển sang tiếng Việt nữa. Sau một thời gian “đánh vật” như vậy, mình thi đỗ với số điểm tuyệt đối.
Những bài học đặc biệt
Nhưng việc học lý thuyết chả thấm vào đâu so với học lái. Ở khu vực mình ở có khá nhiều đồi núi, địa hình dốc dựng và nhiều khúc cua hẹp. Nhà mình ở làng nhỏ trong khi các cuộc thi lái xe chủ yếu ở hai thành phố bên cạnh là Diez và Limburg. Mình hoàn toàn ú ớ, không biết đường. Thầy cứ nói rẽ trái thì rẽ trái, phải thì rẽ phải mà chả biết là đang ở đâu.
Mỗi lần lái đầu óc mình cứ quay cuồng như cái tàu lượn siêu tốc. Ngoài các bài tập lái thông thường như vậy, có một số loại bài tập đặc biệt với lượng thời gian phải tuân theo quy định như lái đường quốc lộ (không phải trong thành phố, làng mạc) tối thiểu 225 phút, đường cao tốc tối thiểu 180 phút, lái đêm tối thiểu 135 phút.
Đường quốc lộ cho phép chạy với tốc độ 100 km/h, nếu thời tiết đẹp, nắng ráo, đường khô thì không có lý do gì chạy dưới 80km/h vì nếu không sẽ gây cản trở giao thông. Còn đường cao tốc ở Đức chắc mọi người đã từng nghe nói rồi: nơi duy nhất trên thế giới có những đoạn cho phép chạy không giới hạn tốc độ”.
Mặc dù vậy, ở Đức, đường cao tốc lại là nơi ít xảy ra tai nạn nhất. Thầy giáo nói: “Cô mới lái, lái chầm chậm thôi nhé. Ý tôi chậm ở đây là 130 km/h”. Mình lái với tốc độ này mà toàn phải dạt vào làn đường bên trong để nhường đường cho các xe khác vèo vèo qua mặt. Điều đáng sợ nhất là lúc bắt đầu lái vào đường cao tốc.
Từ một đường vòng trước khi vào đường cao tốc, người lái đã phải quan sát giao thông đang lưu chuyển, tìm khoảng trống thích hợp giữa hai xe để di chuyển vào. Bên mỗi lối rẽ vào đường cao tốc luôn có một dải đường khoảng 200m để tăng tốc. Đoạn này phải tăng hết ga để đạt tốc độ cao, rồi xin chuyển làn.
Mình luôn quá hồi hộp và sợ hãi. Các xe bên cạnh cứ lao vun vút, sắp hết 200m của dải tăng tốc mà vẫn chưa láng được vào. Thầy giáo thì cứ hét lên bên tai: “Tăng tốc nữa nên, gas, gas nữa lên. Các xe ở làn ngoài cùng bên phải toàn xe tải cỡ lớn và chạy với vận tốc 80-100kmh, cô chạy chậm thế xe sau nó húc vào bây giờ”.
Hồi đầu, mỗi khi lái vào đường cao tốc, tim mình như ngừng đập vì chẳng dám thở nữa. Nhưng một khi đã vào đường cao tốc thì lái lại rất dễ, chỉ cần chú ý quan sát và làm các tín hiệu rõ ràng mỗi khi chuyển làn là được.
Học lái đêm cũng là một trải nghiệm thú vị. Vì mình học lái đêm vào mùa hè nên trời mãi chẳng chịu tối. Bắt đầu có thể lái đêm được là 10 rưỡi tối. Sau khi cho cháu bé đi ngủ, mình cũng phải tranh thủ chợp mắt để đêm đi học. Lái đêm ít xe cộ hơn, chỉ cần chú ý chuyển đèn và để ý nếu có thú hoang như hươu nai hay cáo chạy qua không.
Có lần mình tái cả mặt vì suýt kẹp chết một con nhím bên lề đường!
Xem tiếp Phần 2 của bài viết.