Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TRƯỜNG “TÂY” XÉT THƯỞNG NHƯ THẾ NÀO?

(NCTG) “Quả thực từ bốn năm nay tôi chưa bao giờ biết con tôi đứng thứ mấy ở lớp vì các cháu không có danh hiệu thi đua hay kiểm tra tính điểm để lấy tổng kết cuối năm”.
Minh họa: Internet
Cứ vào cuối năm học, các bậc cha mẹ ở Việt Nam lại nô nức vui mừng với các thành tích mà con đạt được, trên mạng xã hội tràn ngập các ảnh khoe điểm tổng kết 9-10 “phẩy”, danh hiệu học sinh giỏi, học sinh xuất sắc, v.v... Ừ thì mừng chứ vì cả năm cũng chỉ mong xem con mình học ra sao, đạt thành tích gì không?

Mọi người hay hỏi tôi, thế con B (con gái tôi đang học lớp Bốn, trường Quốc tế) nó học có được không? Đứng thứ mấy? Quả thực từ bốn năm nay tôi chưa bao giờ biết con tôi đứng thứ mấy ở lớp vì các cháu không có danh hiệu thi đua hay kiểm tra tính điểm để lấy tổng kết cuối năm. Dần dần tôi cũng quen với việc không phải so sánh xem con mình đứng ở đâu. Tôi tự đánh giá con theo con mắt của người làm cha mẹ và dựa trên các kết quả kiểm tra của nhà trường gửi riêng về cho từng học sinh, chứ không công khai để các cháu có thể so bì ai hơn ai kém.

Tôi nhớ lúc Bộ Giáo dục bỏ chấm điểm ở bậc tiểu học thì rất nhiều phụ huynh và giáo viên than rằng như vậy không biết cháu nào giỏi, cháu nào dốt. Trường Tây tuy không chấm điểm nhưng mỗi quý đều có báo cáo của giáo viên gửi riêng cho mỗi học sinh, các mức đánh giá dựa trên nhiều tiêu chí, không chỉ là trình độ mà cả thái độ học tập. Các nhận xét này cũng được mã hóa để cho việc nhận xét của giáo viên được nhanh gọn mà bố mẹ vẫn nắm được con mình học hành ra sao, có đạt mức khá hay trung bình, chứ không có sự so sánh với các bạn khác.

Ngoài nhận xét theo quý ra thì trường cũng có các đợt kiểm tra các môn học dựa theo bài kiểm tra trắc nghiệm trên máy do Hiệp hội các trường Quốc tế soạn thảo. Học sinh tự làm trên máy, làm đến đâu chấm điểm tới đó và nhà trường sẽ gửi kết quả bằng biểu đồ cho từng học sinh để thấy mình nằm ở mức nào so với trung bình.

Hằng ngày đến trường, học sinh được chú trọng rèn luyện các kỹ năng và phẩm chất khác nhau. Bạn nào làm tốt thì cô sẽ phát giấy khen do cô tự làm rất đơn giản, như khen bạn A đọc tốt, khen bạn B luôn giúp cô, khen bạn C luôn sáng tạo, khen bạn D luôn chu đáo, v.v... và v.v... Con bạn không cần học xuất sắc mới được khen, mà có thể được khen bởi bất cứ lý do nào nếu nhà trường cho rằng đó là điều tốt mà con bạn làm được.

Cả bốn năm con tôi chưa nhận được phần thưởng nào về vật chất ngoài các giấy khen cô tự in từ máy tính. Duy nhất năm nay tôi được nhà trường thông báo đến dự lễ trao giải mà con tôi được nhận. Nhà trường bí mật không nói cho cháu là được giải gì cả cho đến khi vào hội trường và được gọi tên. Giải thưởng rất đơn giản, chỉ là bằng khen được đóng khung gỗ nhưng tôi rất tự hào, vì cháu là học sinh duy nhất của khối được trao danh hiệu “Công dân Toàn cầu”.

Tên của danh hiệu này là một trong bốn tiêu chí mà nhà trường muốn học sinh trở thành, bên cạnh các tiêu chí như “Người học trọn đời”, “Người có suy nghĩ sáng tạo” và “Người có khả năng giao tiếp tốt”. Tuyệt nhiên không phải là học sinh có điểm cao nhất hay đạt thành tích gì ghê gớm. Riêng danh hiệu mà con tôi nhận được để khen các học sinh có các phẩm chất của công dân toàn cầu như quan tâm đến môi trường, tôn trọng các nền văn hóa và các giá trị khác nhau, sống trung thực, v.v...

Tôi chưa bao giờ tự hào vì con mình học giỏi Toán hay Văn vì tôi không được biết cháu học thế nào so với các bạn trong lớp, tôi chỉ biết con tôi có tiến bộ và nằm ở mức khá so với học sinh các trường Quốc tế nói chung. Tuy nhiên, tôi lại vui vì con được bạn bè thầy cô yêu mến. Cháu học được tác phong chững chạc tự tin, lễ phép, tự lập từ sự giáo dục của nhà trường làm tôi cảm thấy yên tâm vì gia đình và nhà trường có cùng chung quan điểm giáo dục, rằng con bạn sẽ được đánh giá một cách toàn diện chứ không chỉ việc học tập và họ sẽ trân trọng bất cứ phẩm chất tốt đẹp nào mà con bạn có chứ không chỉ đơn thuần về điểm số.

Học sinh sẽ không có sự so bì hay chạy đua về đích để đạt danh hiệu gì vào cuối năm học nên việc học luôn thoải mái và không ganh đua. Suy cho cùng, làm cha mẹ, tôi chỉ muốn con tôi trở thành người dễ mến và hạnh phúc hơn là thành người giỏi nhất, thành đạt nhất.

Tác giả bài viết: Mai Quỳnh Anh, từ Myanmar