Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


THƯỞNG THỨC BÁNH SACHER Ở VIENNA

(NCTG) Không biết đây là lần thứ bao nhiêu Sarbine đến Vienna nhưng lần nào cũng vậy, sau khi lang thang qua những tòa nhà cổ kính, ghé thăm bảo tàng Albertina, cô cũng không quên uống một ly cà phê và nhâm nhi bánh kem Sacher (Sacher torte).

Bánh Sacher - Ảnh: Hoài Vũ


Sacher được coi là chiếc bánh kem sô-cô-la nổi tiếng nhất mọi thời đại. Bánh có nhiều lớp, giữa các lớp có mứt quả (đa  phần là mứt đào), thường được ăn kèm với kem đánh bông. Có lẽ không hẳn chỉ vì vị ngọt ngào của sô-cô-la tan chảy trong miệng, hòa quyện cùng với thứ mứt quả chua chua khiến chiếc bánh ấy đặc biệt đến vậy. Bởi lẽ, du khách đến Vienna còn không khỏi tò mò muốn được nếm thử món bánh nguyên gốc và tìm hiểu về lịch sử thú vị của bánh.

Năm 1832, Quốc trưởng Áo, Hoàng thân, Bá tước Klemens von Metternich mở một bữa tiệc rất long trọng đón khách quý. Là người thích nếm thử những món ăn mới lạ, ông giao cho đầu bếp của mình phải làm một món tráng miệng thật ngon mà chưa ai từng được ăn và không quên dặn dò: “Đừng có để ta xấu hổ tối nay đấy nhé”.

Đúng lúc đó, bếp trưởng bị ốm, các đầu bếp náo loạn không biết phải làm gì. Cậu thực tập sinh 16 tuổi Franz Sacher đã tự mày mò - sau một hồi nhào nặn những loại sô-cô-la thượng hạng trong bếp, cậu làm được một chiếc bánh rất ngon. Bữa tiệc rất thành công. Tuy nhiên, chiếc bánh cũng chỉ là một món tráng miệng ấn tượng trong buổi tiệc đó chứ chưa có tiếng tăm gì. Sau này, Franz Sacher trở thành một đầu bếp rất thành công, làm chủ một số quán cà phê và nhà hàng ở Bratislava, Budapest và Vienna.


Khách sạn Sacher - Ảnh: Internet


Năm 1876, con trai ông là Eduard Sacher tiếp nối sự nghiệp của cha mình. Trong thời gian học việc tại tiệm bánh ngọt Demel nổi tiếng nhất ở Vienna, Eduard đã hoàn thiện công thức bánh Sacher của cha mình. Bánh Sacher được bán độc quyền tại tiệm Demel lúc bấy giờ. Sau này, Eduard mở một khách sạn lớn ngay trung tâm Vienna với tên gọi Khách sạn Sacher (Hotel Sacher). Nhờ sự năng động của vợ chồng ông, khách sạn trở nên nổi tiếng, được xếp vào những khách sạn hàng đầu thế giới, nơi nghỉ chân của giới ngoại giao và chính khách. Bánh Sacher được phục vụ tại đây như một đặc sản ẩm thực.

Cùng với danh tiếng của khách sạn, bánh Sacher trở thành một biểu tượng ẩm thực của Vienna. Tuy nhiên, đến năm 1934, Khách sạn Sacher phá sản, con trai của Eduard Sacher (cũng tên là Eduard Sacher) đã nhượng quyền phân phối độc quyền cho tiệm bánh Demel. Năm 1938, người chủ mới của Khách sạn Sacher tiếp tục sản xuất bánh Sacher với thương hiệu “Bánh Sacher nguyên gốc” (Original Sacher-Torte).

Một chiến pháp lý dai dẳng nhiều năm trời đã diễn ra về tên gọi “Bánh Sacher nguyên gốc”. Tiệm bánh Demel cho rằng bánh Sacher được làm đầu tiên ở đây, trong khi Khách sạn Sacher lại nói người làm ra chiếc bánh vốn là chủ nhân của khách sạn và chiếc bánh ấy đã gắn với danh tiếng, tên tuổi Khách sạn Sacher.


Tiệm bánh ngọt Demel - Ảnh: Internet


Sau nhiều năm kiện tụng qua lại, cuối cùng đến năm 1963, tòa phán xử, Khách sạn Sacher được phép sử dụng thương hiệu “Bánh Sacher nguyên gốc” trong khi tiệm bánh Demel được trang trí thêm một thanh sô-cô-la hình tam giác trên bánh với dòng chữ “Eduard Sacher Torte”, mang tên người đã làm ra chiếc bánh.

Ngoài ra, sự khác nhau của hai chiếc bánh còn ở chỗ bánh ở Khách sạn Sacher có lớp mứt quả giữa các lớp sô-cô-la trong khi ở bánh của tiệm Demel, lớp mứt quả nằm trên lớp bánh nhưng dưới lớp vỏ sô cô la bọc bên ngoài. Mỗi nơi cũng cố gắng làm cho chiếc bánh của mình đặc biệt hơn bằng cách sử dụng sô-cô-la Bỉ hay bột hạnh nhân từ Lübeck (Đức).

*

Trời về chiều. Các bàn tại Khách sạn Sacher lúc này không còn một chỗ trống. Sarbine ngước nhìn các bàn bên cạnh. Cô mỉm cười vì bàn nào cũng có ít nhất một miếng bánh Sacher. Miếng bánh sô-cô-la nằm kiêu hãnh bên lớp kem bông trắng mịn, như đang nháy mắt tinh nghịch: “Này, hãy nếm thử đi! Tôi là chiếc bánh nguyên gốc đấy nhé!”.

Tác giả bài viết: Hoài Vũ, từ Burgschwalbach (CHLB Đức)