THÊM ĐÔI NÉT VỀ LỄ GIÁNG SINH Ở HUNGARY
- Thứ ba - 21/12/2010 02:05
- In ra
- Đóng cửa sổ này
(NCTG) Lễ Giáng sinh, hay còn gọi là Noel, là một đợt các ngày lễ Thiên Chúa giáo, ngày lễ chính vào 25-12 hàng năm, để tưởng nhớ ngày sinh của Chúa Jesus, tuy ngày sinh trong thực tế của Chúa Jesus được coi không phải là ngày này.
Giáng sinh là ngày lễ quan trọng nhất trong năm của người Thiên Chúa giáo, nhưng ngay cả nhiều người không theo đạo vẫn tổ chức mừng Giáng sinh. Nó được coi là ngày lễ biểu hiện cho tình yêu thương, bác ái, sự an bình và ngày lễ sum họp của các gia đình.
Ngoài những nét chung của ngày lễ Giáng sinh ở khắp nơi trên thế giới như trang trí cây thông Noel, tặng quà cho người thân, gửi thiếp chúc mừng, dọn dẹp trang hoàng nhà cửa, bữa ăn trưa ngày lễ, cầu nguyện trong nhà thờ v.v…, dưới đây chúng tôi thử tìm hiểu thêm một số phong tục mang nét riêng của ngày lễ Giáng sinh ở Hungary.
Tên gọi Karácsony trong tiếng Hung, theo các nhà nghiên cứu, có xuất xứ từ gốc ngôn ngữ Xlavơ, tên gọi này vào Hungary qua cách gọi trong tiếng Bulgaria: trong tiếng Bun từ kracsun là ngày napfoduló, giống như Hạ chí (tiết khởi đầu điểm giữa của mùa hè, tiếng Anh: Summersoltice) hay Đông chí (tiết khởi đầu điểm giữa của mùa đông, tiếng Anh: Wintersoltice) trong lịch phương Đông, trong tiếng Macedonia kracsun là Giáng sinh.
Người Hung phân biệt hai ngày: Đại Giáng sinh (Nagy Karácsony vào 25-12) và Tiểu Giáng sinh (vào ngày 1-1, ngày đầu năm mới).
Theo dân gian Ngày Thánh Lucia (Szent Luca) mở đầu đợt các ngày lễ vào tháng 12. Theo tín ngưỡng thì vào tháng 12 đêm thường rất dài, ngày 13-12 trời tối nhất, và vào đêm hôm ấy Thánh Lucia sẽ biến thành phù thủy. Người ta nhét tỏi vào lỗ khóa, cài dao vào thành khung cửa ra vào, dùng tỏi vẽ hình cây thánh giá lên cửa hoặc đặt cây chổi chặn ngang cửa để dọa không cho các mụ phù thủy vào nhà.
Vào ngày hôm đó, không được mượn hoặc cho ai mượn đồ vật gì, để tránh cho đồ vật ấy rơi vào tay phù thủy. Vào ngày này các cô gái đoán định xem ai sẽ là người bạn đời sau này. Theo phong tục hôm đó đàn bà không được làm việc, vì nếu vào ngày Lucia họ đan hay may vá thì gà sẽ không đẻ trứng. Đám con trai thường đi thăm các nhà quen vào ngày này để chúc điều tốt lành và để nhận được quà.
Mùa vọng (Advent) trước lễ Giáng sinh bắt đầu từ Chủ nhật bốn tuần trước ngày lễ cho đến ngày 24-12. Bốn tuần này là thời gian được nhiều người theo Thiên Chúa giáo tổ chức như một mùa cầu nguyện, ăn chay để chuẩn bị cho lễ Giáng sinh. Người ta làm vòng hoa Advent: cứ mỗi Chủ nhật đến gần Noel lại thắp thêm một cây nến. Các buổi tối cả gia đình hát các bài ca Giáng lâm bên ánh nến.
Tối Giáng sinh, sau khi sao Hôm (Estcsillag) hiện lên trên bầu trời, bữa cơm tối ngày lễ bắt đầu. Thời xưa chủ nhà không quên ra sân bắn vào không khí để xua đuổi tà ma, trong khi bà chủ nhà chuẩn bị bày biện thức ăn lên bàn trước, vì cả nhà phải ăn đứng từ đầu đến cuối bữa. Trước khi ăn phải cầu nguyện, sau đó món ăn đầu tiên là tỏi chấm mật, hạt hồ đào để xua đuổi ma quỷ.
Bánh fonottkalacs
Người ta bày nguyên cả chiếc bánh mỳ, có khi cả bánh kalács (một loại bánh làm từ bột, bơ, sữa đước nướng trong lò, bánh fonottkalács được lăn thành thỏi dài, sau đó đan xoắn vào nhau rồi nướng trong lò) lên bàn ăn với hy vọng cả năm sau sẽ no đủ.
Các loại hạt ngũ cốc cũng được đặt trên bàn ăn, sau đó đem cho các loại gia cầm ăn với niềm tin là năm sau chúng sẽ sinh đẻ nhiều. Người ta còn đặt rơm xuống phía dưới bàn ăn để tưởng nhớ sự kiện Chúa Jesus đã sinh ra trong máng cỏ, sau đó đem chỗ rơm rạ này đặt trong chuồng gia súc để chúng đỡ bệnh tật, mau lớn.
Theo phong tục Hungary thì bữa ăn ngày lễ không thể thiếu món xúp cá (halászlé). Món xúp cá nổi tiếng quốc hồn quốc túy Hungary được bà chủ nhà nấu từ nhiều hôm trước rất cầu kỳ: nước gốc có khi được làm từ bốn năm loại cá khác nhau, tùy từng vùng có thêm ớt xanh, cà chua, ớt cay, cá khúc thường là cá chép được cho vào sau.
Xúp cá halászlé
Ngoài ra bữa cơm ngày lễ còn có cá tẩm bột rán, đùi vịt rán hay thịt gà tây bỏ lò, món bejgli (loại bánh nướng cuốn tròn, bên trong có nhân hạt anh túc, nhân hồ đào) và món táo là biểu hiện của sự gắn bó trong gia đình.
Sau bữa ăn người chủ gia đình bổ táo ra số miếng bằng số người trong gia đình, hy vọng sang năm các thành viên trong gia đình sẽ gắn bó như quả táo tròn, ai ăn miếng táo này dù phiêu bạt đến đâu cũng sẽ tìm về với gia đình.
Theo phong tục dân gian thì vào ngày lễ Giáng sinh người ta xua đuổi tà ma bằng tiếng hò reo, bằng việc ăn mặc đồ da thú, y phục giả trang, đeo mặt nạ. Cũng hôm đó trẻ em thường diễn tích Bethlehem: khởi thủy là diễn trong nhà thờ, về sau này đám trẻ đến diễn ở từng nhà trong làng, có khi đem theo cả súc vật, một đứa bé sẽ đóng vai Jesus. Các nhân vật - đám mục đồng, các thiên sứ, Mary, Josef - diễn lại tích Chúa Jesus ra đời theo “Kinh Thánh”, rồi trao quà tặng, lời chúc phúc. Sau đó chủ nhà sẽ thết đãi cả đoàn.
Ngày Noel là bắt đầu một giai đoạn lễ mới, gọi là Lễ hiện thân, kéo dài đến ngày 6-1, là Ngày thứ 12 hai sau lễ Giáng sinh. Đây cũng là ngày lễ dâng nước thánh và lễ rửa tội cho Chúa Jesus. Ngày 28-12 là ngày Lễ các thánh Anh hài, thời trước vào ngày này người ta dùng roi quất nhẹ trẻ con để chúng luôn khỏe mạnh. Theo truyền thuyết mọi bé trai bị vua Herodes cho giết khi lùng bắt Jesus Christ đều là các “tiểu thánh”, hay thánh Anh hài.
Thời gian sau lễ Giáng sinh theo truyền thống là thời gian hát rong: từ ngày Thánh István (Stephan) 26-12 đến năm mới những người hát rong hát các bài khác nhau và nói lời chúc phúc người trong gia đình. Tục hát rong thực chất là tục hát cầu thời tiết thuận hòa, cầu chúc thịnh vượng, hát xe duyên, hay hát để quyên góp thiện nguyện.
Ngày 27-12, ngày Thánh Gioan Tông đồ (Szent János) là ngày dâng rượu vang, các gia đình đem rượu đến nhà thờ để linh mục ban phước, vì người ta cho rằng rượu vang đã được ban phước có sức mạnh thần kỳ có thể chữa khỏi bệnh cho người, cho gia súc, người ta còn đổ rượu đã được ban phước vào các thùng rượu để chúng không hỏng.