Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


TẬP TỤC GIAO THỪA Ở HUNGARY

(NCTG) Tại Hungary cũng như nhiều nước châu Âu khác, thời khắc giao thừa - đêm 31-12 rạng sáng 1-1 năm mới - là lúc diễn ra những cuộc vui, vũ hội hóa trang với những bộ trang phục, quần áo đầu tóc, mặt nạ hình thù kỳ quái. Kèn giấy được thổi vang, nhiều khi giới trẻ còn chĩa vào tai nhau váng óc, rất vui nhộn.

Minh họa: Internet

Trước lúc nửa đêm, ai nấy đều tập trung chờ đón thời khắc 12 giờ để đếm ngược thời gian. Những chai sâm-banh được mở cùng những tràng đồng thanh “bốn - ba - hai - một...” và òa lên với câu “BUÉK” (Boldog új évet - Chúc năm mới hạnh phúc!). uống cạn ly rượu, ôm hôn, chúc nhau những điều tốt lành nhất trong năm mới.

Tuy nhiên, giao thừa sẽ ko phải là giao thừa nếu thiếu những tập tục từ ngàn đời, đặc biệt là bữa tối giao thừa. Tại Hungary, ẩm thực giao thừa và năm mới được quan niệm khác với ẩm thực trong mùa Giáng sinh, kéo dài từ đầu tháng 12 tới “Đêm thánh vô cùng” 24-12.

Đặc biệt trong ẩm thực ngày cuối năm cũ, và đầu năm mới, là sự xuất hiện của những món ăn được coi là mang lại sức khỏe, vận may và tài lộc cho gia chủ:

Gia cầm không được dùng trên bàn tiệc, vì chúng vẫy cánh tụt lùi về phía sau, “tụt hậu”, mất lộc. Ngược lại, thịt heo quay giòn, và nhất là những bộ phận tai, đuôi, móng giò... được ưa chuộng đặc biệt vì được coi là mang lại “vận hên”, do chú heo luôn tiến về phía trước.

Các món từ đỗ, đậu... hoặc thậm chí cơm cũng rất được ưa chuộng, thường có mặt trong bữa ăn đêm giao thừa và sáng mùng một. Ăn những thức ăn đó, người Hung tin tưởng rằng trong năm mới ví tiền của họ không bao giờ cạn tiền.

Cá, đặc biệt cá chép là món ăn truyền thống được ưa thích trong cả mùa Giáng sinh với món “quốc hồn quốc túy” xúp cá. Tuy nhiên ăn cá vào đêm giao thừa phải chọn loại có nhiều vẩy để đem lại nhiều tài lộc, và phải bắt đầu ăn từ đuôi cá trước, để vận may đừng có trôi đi.

Và cuối cùng, tất cả các món ăn được bày biện trên bàn tiệc cuối năm phải được ăn cho kỳ hết, vì chỉ khi đó trong năm mới chúng ta mới không bị thiếu thốn về tiền tài. Bên cạnh đó, tại các vùng quê, đêm giao thừa cũng là lúc nhiều cô gái vẫn thực hiện những tập tục ẩm thực cổ xưa để tìm người trong mộng của mình.

Chẳng hạn, 13 viên bột sẽ được nặn và 12 cái tên đàn ông sẽ được đặt vào trong đó, rồi đun trong nồi nước nóng. Viên bột nào nổi lên mặt nước đầu tiên, thì cái tên trong đó sẽ là tên người đàn ông là chồng tương lai của cô gái. Nếu đúng phải viên bột rỗng, thì cô gái trong năm mới sẽ chưa có cơ hội gặp “ý trung nhân” cho mình.

Tất nhiên giới trẻ ngày nay không phải ai cũng rành và tuân thủ những phong tục mà đôi khi họ cho là rườm rà như thế. Nhiều người chỉ chờ tới gần nửa đêm để ra những khu phố chính, nơi tràn ngập tiếng cười và ánh điện để chờ tới khi đồng hồ điểm đúng 12 tiếng.

Tại Hungary, từ nhiều năm nay, giao thừa là thời điểm duy nhất trong năm mà cư dân có thể bắn pháo bông, hoặc đốt pháo vang dội, nên đêm 31 cũng luôn đi cùng với những âm thanh rộn ràng ngày tết, cùng mùi thuốc pháo quen thuộc với Á Đông, và Việt Nam thuở xưa.

Những chùm pháo bông muôn vàn màu sắc bắn lên không trung lúc nửa đêm, cùng bao tiếng reo hò, chúc tụng nhau một năm mới nhiều thành công trong công việc, tình yêu và cuộc sống, với những ly rượu mừng nhau là một số hình ảnh điển hình của đêm giao thừa.

Khoảnh khắc ấy, người Việt xa quê bao giờ cũng thoáng chạnh lòng nhớ nơi chào đời, và những bài ca, câu nhạc man mác “xuân này con không về”, khi “đã thấy xuân về với gió đông”... thường cũng được mở. Để nhớ mảnh đất nơi mỗi người đã ra đi, và cầu chúc cho quê hương một ngày nào đó sẽ thanh bình...

Tác giả bài viết: Hoàng Linh