Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


SYDNEY CỦA TÔI

(NCTG) “Sydney như một cô gái trẻ, tuổi mười tám đôi mươi, rực rỡ đủ đầy, với vẻ đẹp lồ lộ dâng hiến, chẳng cổ kính, không trầm mặc như những thành phố bà già Châu Âu cả nghìn năm tuổi. Nếu không sẵn lòng đón nhận tình yêu, bạn đừng đến nơi đây. Vì tôi chắc chắn, chỉ một lần tận mắt ngắm Sydney, bạn sẽ đánh mất trái tim mình”.

Nhà hát Con Sò, biểu tượng của Sydney, trong Lễ hội Ánh sáng


Dường như tôi chưa yêu Sydney từ cái nhìn đầu tiên.

Lần đầu đến với Sydney tôi đã là một phụ nữ trưởng thành, đã từng đi lại và làm việc ở một số nước trên thế giới. Tôi vốn thích các thành phổ cổ Châu Âu, từng lang thang cả ngày trên những con đường lát đá, ngắm những tòa nhà cổ kính và thăm những thư viện lắng đọng màu thời gian ở Paris hay Amsterdam.

Thời trẻ, hình như tôi đã đánh mất tim mình đâu đó nơi lâu đài trầm mặc ở Kiev, chìm đắm trong le lói hoàng hôn rải nắng vàng trên những mái vòm nhà thờ âm vang tiếng chuông chiều kỳ bí. Khi đó, tôi đang nắm tay người yêu, nghe tiếng đàn dương cầm chơi Tchaikovsky mê đắm lòng người.

Cảm xúc dữ dội đầu đời, cùng thói đỏng đảnh đàn bà làm tôi khó tính và thiên kiến với Sydney. Tôi đã liên tục so sánh Sydney với một thành phố nào đó của Châu Âu, và tìm ra đầy thứ mà Sydney không có. Với tôi, hình như Sydney thiếu sự sâu lắng của lịch sử, Sydney còn non trẻ quá.

Rồi không hiểu tự lúc nào Sydney cứ lặng lẽ xâm chiếm trái tim tôi...


Thành phố trẻ đẹp, quyến rũ và phóng khoáng

Có lẽ, đó là lúc Sydney giang tay đón tôi vào lòng. Tôi được Sydney chấp nhận và yêu thương như một người bản xứ. Tôi gần như không cảm thấy sự phân biệt đối xử trong công việc, hay trong rất nhiều các quan hệ khác ngoài xã hội, hay trong giao lưu với cộng đồng bản xứ.

Sydney là một thành phố rất đa dạng về chủng tộc, hình như phải đến một nửa số dân đến từ nhiều các quốc gia khác nhau. Khoảng 30% dân số không nói tiếng Anh. Những ngôn ngữ được sử dụng tương đối phổ biến trong gia đình là tiếng Trung Quốc, Indonesia, Hy Lạp, Nga và Việt...

Bạn sẽ cảm thấy thật đặc biệt khi lên tàu điện có thể nghe rất nhiều thứ tiếng, cứ như là một thế giới thu nhỏ, một bài tình ca được hát lên bằng nhiều ngôn ngữ khác nhau.

Bạn có thể dễ dàng sống, học tập và làm việc tại Sydney. Người nhập cư ở Sydney, nếu thực sự cố gắng hoà đồng, có thể hoà nhập vào cuộc sống và có những công việc tương đối phù hợp chẳng khó khăn gì.


Biển Manly

Tôi tin vào việc giữ truyền thống và văn hóa Việt, nhưng không nghĩ mình cần giữ một cách cứng nhắc các thói quen, tập tục chẳng còn phù hợp, khi mình đã quyết định nhập cư và trở thành công dân của một nước khác.

Chính vì thế, khi sang đây sinh sống chúng tôi không chọn vùng tập trung nhiều người Việt, vì đã chuẩn bị kỹ càng để mỗi thành viên gia đình trở thành công dân toàn cầu, mềm dẻo đón nhận thử thách mới.

Đồ ăn của Sydney theo tôi là đa dạng nhất thế giới. Bạn sẽ được thưởng thức các món ăn từ nhiều nước và vùng lãnh thổ như Việt Nam, Indonesia, Bắc Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Thái Lan, Hy Lạp, Châu Phi, Lebanon, Ấn Độ, Tây Ban Nha và tất nhiên của nước Úc.

Phố Oxford nổi tiếng với những nhà hàng món ăn dân tộc với giá tương đối phải chăng nằm ngay khu trung tâm. Nếu đi ăn với tôi, bạn sẽ bị tôi tra tấn các món salad. Tôi là kẻ điên khùng, sùng bái salad bất kể đó là bữa sáng, trưa hay tối. Và Sydney chiều chuộng tôi với vài chục loại salad từ salad rau, salad thịt, salad cá, đến salad hoa quả.


Biển Coogee

Tôi tự cho mình là nấu ăn khoa học, vì chuẩn bị món salad đầy đủ chất và nhiều vitamin chỉ mất mươi, mười lăm phút, trong khi đó nấu món ăn Việt rất mất thời gian. Gia đình tôi, chỉ được nuông chiều ăn các món ăn Việt vào cuối tuần, hoặc lúc nào tôi hứng chí muốn giết thời gian nhàn rỗi. Theo tôi, nếu bạn sống ở nước ngoài, mà ngày nào cũng chỉ nấu món ăn Việt thì thật là một sự thiệt thòi lớn cho giao thoa văn hóa.

Người Sydney đặc biệt thích cà phê. Buổi sáng đi lại ở khu trung tâm, bạn thường nhìn thấy những hàng xếp dài chờ mua cà phê. Người Sydney không thể mở mắt làm việc nếu không có cốc cà phê trên tay. Một cô gái tóc vàng, khoác tay một chàng da nâu tóc quoăn, vừa đi lướt qua tôi. Họ tay trong tay, cả hai ôm cốc cà phê nóng.

Hình như hương cà phê kích thích mọi giác quan, đánh thức hai kẻ yêu khỏi mê muội, vấn vương và cả mệt nhoài chăn gối đêm qua. Và như thế một ngày làm việc bắt đầu, thật sảng khoái.


Cầu cảng Sydney

Sydney luôn tràn trề nắng, cho dù bạn đang ở giữa mùa đông. Trưa mùa đông ở đây thường có mặt trời ấm áp và nắng vẫn làm rám má hồng con gái, tô ấm màu da các chân dài lấm cát thả bộ dọc bờ biển. Sydney nổi tiếng với những bãi biển quyến rũ đến nao lòng. Tôi thường tận hưởng vẻ đẹp của các bãi biển Manly và Bondi hoặc ngắm nhìn thành phố từ bờ biển trên những chuyến phà đi qua bến cảng đẹp hút hồn.

Mỗi lúc như vậy, chỉ ước mình như con mòng biển tự do tung cánh, đậu trên đầu sóng, tận hưởng cái tròng trành vô định, mà với chúng, lạ thay lại là sự cố định trong tròng trành.

Người dân Sydney đặc biệt yêu thích thể thao. Các công viên quốc gia tuyệt đẹp nơi này là địa điểm hàng tuần chúng tôi đi dã ngoại bên sông, đi xe đạp trên những con đường mòn thơ mộng. Có những nơi leo núi tuyệt vời như Blue Mountain, bạn sẽ mất cả ngày ở đây và đắm mình trong thiên nhiên kỳ vĩ.

Nếu bạn yêu những môn thể thao mùa Đông thì Thredbo và dãy núi Snowy là nơi bạn sẽ đến để trượt tuyết và chịu rét. Còn tôi, tôi chỉ thích nằm dài trên các bãi cát trắng, ngắm những thân hình nóng bỏng của các đồ đệ môn lướt sóng, hoặc ngồi ở vị trí khán giả, hò hét cỗ vũ lũ trẻ con chơi bóng chày ở Công viên Centennial, hay chơi bóng chuyền trên cát tại biển Manly.


Tinh thần thể thao

Cầu cảng Sydney và Nhà hát Con Sò là điểm nhấn đặc biệt mà không khách du lịch nào có thể bỏ qua. Nhà hát Con Sò dựa lưng vào Cầu cảng Sydney, được Jorn Utzon, kiến trúc sư người Đan Mạch thiết kế có hình hài một con thuyền với những cánh buồm căng no gió vươn mình ra biển xanh bao la.

Jorn Utzon lấy cảm hứng từ hình tượng chiếc thuyền buồm lịch sử của vị thuyền trưởng huyền thoại James Cook của nước Anh, người có công khám phá rất nhiều các vùng đất mới bao gồm nhiều vùng đất của Úc. Số phận công trình xây dựng này tương đối kỳ lạ. Nó được hoàn thành năm 1973 (chậm hơn mười năm so với dự kiến) và tổng chi phí vượt xa dự tính ban đầu (từ 7 triệu USD lên 102 triệu USD).

Trong dịp Quốc khánh 26-1-1973, pháo hoa tưng bừng trên nền nhạc Bản giao hưởng số 9 của Beethoven, và cả sự có mặt Nữ hoàng Anh Elizaberth II, Nhà hát Con Sò đã được long trọng khánh thành. Jorn Utzon không có mặt trong buổi lễ trọng đại đó, và cũng không hề quay lại Úc sau khi bực mình bỏ đi vào giữa giai đoạn thi công năm 1963 khi có bất đồng với việc quản lý dự án của chính phủ.

Ông không được nhìn thấy hình hài con đẻ của mình khi nó ra đời!


4S - Sun Sea Sand Sex

Tôi đã một mình đến Nhà hát Con Sò vào ban đêm hai lần. Một lần khi nghe tin nó được công nhận là di sản thế giới. Đó là đêm đầu đông cuối tháng Sáu năm 2007, tôi đến lặng lẽ tận hưởng vẻ đẹp của cánh buồm trắng no gió, thổn thức giấc mơ thời con gái mong chàng hoàng tử đến đón mình, để gậm nhấm sự cô đơn đến nao lòng, giống như khi hạnh phúc quá đủ đầy người ta bỗng dở hơi kiếm tìm nỗi đau trong cô đơn một mình, để thấy thật yên tâm là đời thực đấy, chẳng phải thiên đường đâu.

Lần thứ hai, tôi đến Nhà hát Con Sò khi nghe tin Jorn Utzon qua đời, ngày 29-11-2008. Tôi biết hồn ông sẽ đến nơi đây, thăm chốn cũ và hình như tôi đã gặp ông để chào từ biệt trong đêm hè ấm áp ấy.

Tôi yêu Sydney, không ngây thơ điên dại như tình đầu, nhưng đằm thắm, chín chắn đầy biết ơn. Sydney ôm ấp tôi, nâng niu những ước mơ tốt đẹp trong cuộc sống trong tôi, nơi những giá trị khác biệt của con người được tôn trọng, nơi tôi được là tôi, nắm tay người bạn đời thân yêu của mình nuôi dạy con cái trong môi trường yêu thương, đa dạng, đa văn hóa.

Sydney như một cô gái trẻ, tuổi mười tám đôi mươi, rực rỡ đủ đầy, với vẻ đẹp lồ lộ dâng hiến, chẳng cổ kính, không trầm mặc như những thành phố bà già Châu Âu cả nghìn năm tuổi. Sydney trẻ đẹp và quyến rũ với 4S - Sun Sea Sand Sex. Nếu không sẵn lòng đón nhận tình yêu, bạn đừng đến nơi đây. Vì tôi chắc chắn, chỉ một lần tận mắt ngắm Sydney, bạn sẽ đánh mất trái tim mình.

Tác giả bài viết: Phương Lan, từ Úc - Ảnh: P.H.Nguyên