Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NƯỚC Ý CỦA TÔI

(NCTG) “Mong rằng nước Ý sẽ sớm vượt qua đại nạn để trở lại hồn nhiên và yêu đời như xưa...”.
Tác giả (trái) và vợ trước Nhà ga Trung tâm TP. Milan (Milano Centrale), tháng 8-2019 - Ảnh do nhân vật cung cấp
Lần đầu tiên mình đặt chân ra khỏi Việt Nam là đến Ý. Ở trường Trento, các thầy đã dạy mình biết thế nào là tư duy khoa học. Vẫn nhớ mãi câu của thầy Schwartzbach: “Cái gì mà tất cả mọi người đều tin (mà không có bằng chứng) thì chắc chắn là sai!”.

Một câu nói nữa mình rất thường nghe ở Ý là “qui Italia!”, dịch nôm na “đây là Ý mà!”. Tàu đến trễ à? “Qui Italia!”. Thủ tục giấy tờ lâu? “Qui Italia!”. Bưu điện làm thất lạc thư? “Qui Italia!”.

Có lẽ cũng vì rất nhiều thứ ở Ý “trông vậy mà không phải vậy” nên lần này mới chịu thiệt hại nặng đến thế từ dịch Covid-19. Nước Ý là nước đầu tiên ở Châu Âu cấm toàn bộ các chuyến bay từ Trung Quốc. Hệ thống y tế của Ý rất tốt, số lượng test thực hiện cao nhất châu Âu. Thế nhưng rốt cuộc chính Ý lại là nước đầu tiên cách ly cả đất nước.

Nước Ý cũng là nơi có nhiều người Trung Quốc vào bậc nhất Châu Âu. Người Trung Quốc đến vùng Bắc Ý, đặc biệt là quanh Milan, để làm hàng hiệu “Made in Italy” (nhớ là “trông vậy mà không phải vậy”, “qui Italia”). Họ đến bằng rất nhiều con đường - chính thống có, lậu có. Cảnh sát Ý từng nói đùa là người Trung Quốc ở đây không bao giờ chết. Vì người Ý không phân biệt được mặt mũi người Trung Quốc nên khi một người chết, người xung quanh không báo tử mà đưa lại giấy tờ cho một người khác dùng.

Ca dương tính đầu tiên được phát hiện là một người đàn ông ở gần Milan, không biết ông này lây từ ai và người ta cũng đã từ bỏ luôn ý định truy tìm bệnh nhân số 0 vì bất khả thi. Có lẽ chúng ta sẽ mãi mãi không biết được nguồn cơn của kiếp nạn này nhưng mình vẫn cứ ngờ ngợ là có liên quan đến người Trung Quốc và sự lỏng lẻo của mọi thứ ở Ý.

Hai năm ở Ý là một quãng đời tuyệt đẹp của mình, mỗi lần có dịp mình vẫn tranh thủ ghé qua Rovereto để được ngắm dòng sông Adige xanh lơ, được trèo lên triền đồi để thu vào tầm mắt thị trấn nhỏ xinh, được ngắm ruộng nho và uống dòng sữa mát lành. Mong rằng nước Ý sẽ sớm vượt qua đại nạn để trở lại hồn nhiên và yêu đời như xưa...

Tác giả bài viết: Lê Ngọc Minh, từ Utrecht, Hà Lan