Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NƯỚC MỸ - NHỮNG PHẢN ĐỀ

(NCTG) “Đến Mỹ rồi sống ở Mỹ hai năm trời, tôi mới nhận ra là mình đã nhầm, nhầm to! Tôi chưa từng quen biết Mỹ và cũng chẳng biết tí ti nào về văn hóa Mỹ. Sự thực là, hầu hết những thứ tôi thấy ở quê nhà - những thứ vẫn mang danh là văn hóa Mỹ chỉ là những phản đề tai hại trong nhận thức của tôi về nước Mỹ”.

Downtown Berkeley một chiều mưa


Nước Mỹ với tôi cứ ngỡ là quen mà hóa ra cực kỳ xa lạ. Tôi đã quen tai nghe về nước Mỹ và cái gọi là văn hóa Mỹ từ khi chưa chạm chân tới xứ sở này. Sự phổ biến của thông tin về nước Mỹ trong thời đại công nghệ ngày nay đã khiến tôi (cũng như đa phần bè bạn mình) cứ tưởng rằng mình đã khá rành về nó, nếu có gì chưa biết thì cũng không lo, vì chúng ta đã có người bạn “biết tuốt” Google mọi nơi mọi lúc.

Ở xứ sở của tôi, bọn choai choai mới lớn ở thành phố đã bắt đầu quen nói chuyện với nhau bằng thứ Vietlish nửa câu đầu là tiếng mẹ đẻ, nửa câu sau là tiếng Mỹ, đã quen hẹn nhau ở những quán đồ ăn nhanh “sành điệu”, đã quen ra rạp xem phim Mỹ và lên mạng nghe nhạc Mỹ, nắm rõ chuyện về chàng hoàng tử nhạc pop Justin Bieber hơn cả chuyện bát đũa để ở đâu trong nhà. Và ai ai cũng tưởng mình đang ngồi ở Việt Nam nếm trải văn hóa Mỹ.

Ngay cả tôi, dù rất dị ứng với thứ tiếng Việt bị xâm lăng bằng tiếng Tây trong từng đơn vị câu từ, dù rất ghét đồ ăn nhanh và hoàn toàn mù tịt với thế giới showbiz của Mỹ, tôi cũng đã tưởng lầm tôi và nước Mỹ là bạn, hoặc chí ít thì cũng là người quen. Chỉ vì tôi mê xem phim Hollywood. Đến Mỹ rồi sống ở Mỹ hai năm trời, tôi mới nhận ra là mình đã nhầm, nhầm to! Tôi chưa từng quen biết Mỹ và cũng chẳng biết tí ti nào về văn hóa Mỹ. Sự thực là, hầu hết những thứ tôi thấy ở quê nhà - những thứ vẫn mang danh là văn hóa Mỹ chỉ là những phản đề tai hại trong nhận thức của tôi về nước Mỹ.

Phải thú nhận rằng tôi đã quá ngây thơ khi phó mặc niềm tin và tri thức của mình cho kỹ nghệ làm phim của các đạo diễn Hollywood. Những bộ phim đầy những cảnh bắn nhau bùm chíu, đụng xe hơi toé khói của điện ảnh Mỹ khiến tôi cứ ngỡ, ở Mỹ, chuyện nhà ai cũng có súng trong nhà là rất đương nhiên. Lần đầu tiên đến Mỹ thăm nhà chồng tương lai mấy năm về trước, tôi đã hồn nhiên hỏi bố mẹ chồng tương lai rằng nhà các cụ có súng không? May sao, như để bù trừ cho bản tính hồn nhiên, tôi lại là người nhạy cảm đủ để nhận ra ngay lập tức vẻ kinh ngạc xen lẫn sợ hãi trong mắt các cụ khi nghe câu hỏi của tôi - cô con dâu tương lai nhỏ bé và trông không có vẻ gì giống một cảm tử quân thuộc tổ chức khủng bố nào đó.

Tôi vội vàng giải thích rằng, tôi hỏi thế bởi vì thấy nước Mỹ khác với hình dung của tôi quá. Nếu nhà nào cũng có súng mà cuộc sống bình yên đến thế này, có lẽ nào súng bảo vệ sự bình yên thật? Nghe xong lời giải thích thật thà và câu hỏi ngô nghê của tôi, bố mẹ chồng tương lai của tôi khi đó mới cười phá lên nhẹ nhõm. Ông bà bảo trong đời chưa bao giờ mua súng và cũng không có ý định mua. Ở Mỹ, có một số bang cho phép sở hữu súng nhưng cũng có nhiều bang cấm. Vấn đề cấp phép sử dụng súng cho cá nhân đang là vấn đề gây tranh cãi dai dẳng trong nghị trường Mỹ. Sống ở Mỹ hai năm nhưng tôi chưa từng nhìn thấy khẩu súng nào, tôi mới “à té ra” rằng: bao nhiêu súng ống, các nhà làm phim Hollywood tung cả vào phim ảnh rồi. Thế nên chắc không chỉ tôi mà còn nhiều người nữa mắc lỡm cái phản đề về an ninh của nước Mỹ.

Chỉ vì ám ảnh với những súng ống ghê rợn trong phim Hollywood mà hồi mới sang Mỹ, tôi cực kỳ thủ thế khi đi ra khỏi nhà. Đã sửa soạn một bộ mặt hình sự trước khi ra đường, nhưng cứ hễ bước mấy bước, tôi lại thấy một người xa lạ đi ngược chiều mỉm cười nhìn tôi cất tiếng chào vui vẻ. Ban đầu, tôi ngây mặt ra nhìn họ và sợ hãi nghĩ: ôi, anh kia đang có âm mưu gì chăng? Ông nọ cười tươi thế với mình nhưng hình như bàn tay trong túi áo của ông ta đang giấu cái gì đó? Quái lạ cái cô kia, không quen biết gì sao cứ nhìn chằm chặp vào con gái mình khen xinh đẹp, dễ thương? Lại còn bắt chuyện liến thoắng nữa…

Nhưng hình như cái áo giáp lạnh lùng tôi tự trang bị cho mình chẳng có tác dụng gì với bản tính thân thiện và ưa bắt chuyện của người Mỹ. Sau một thời gian, tôi tự thấy mình nực cười khi thủ thế quá mức cần thiết với những con người nồng hậu tôi đã tình cờ gặp trên đường. Họ chỉ chào tôi bởi vì tôi là đồng loại của họ, họ chỉ đang thực hiện một động tác giản dị của loài người để bày tỏ nhận thức của họ về sự hiện diện của một đồng loại. Ý nghĩa giản dị mà thiêng liêng ấy của tiếng chào, tôi đã không còn mấy khi được thấy ở ngay chính quê hương tôi. Đáng buồn thay, cuộc sống hiện đại và những nỗi lo sợ, nghi ngờ lẫn nhau giữa con người với con người đã khiến chúng ta quên mất những nụ cười và câu chào - biểu hiện nhân tính sơ giản nhất. Tôi đã được học lại bài học sơ đẳng nhất của con người - chào đồng loại - ở xứ sở tôi đã tưởng chỉ nhan nhản tội phạm và giết chóc.

Cũng ở xứ sở tôi cứ tưởng chỉ nhan nhản tội phạm và giết chóc này, tôi được học lại bài học về niềm tin vào con người. Mùa Giáng sinh đầu tiên ở Mỹ, tôi đã nhận được một món quà lớn từ ông già Noel - người tôi biết tỏng là không có thật trên đời. Nhưng riêng ngày hôm đó, tôi đã tin ông già tốt bụng ấy có thật. Chuyện xảy ra vào một buổi trưa, tôi đưa con gái đi mua sắm quà cáp nhân dịp Giáng sinh. Tung tẩy trên đường thế nào mà tôi đánh rơi ví lúc nào không hay. Đến lúc ra quầy trả tiền, sờ đến ví mới không thấy đâu, tôi thảng thốt vồ lấy điện thoại, không đếm xỉa đến một loạt cuộc gọi nhỡ, gọi ngay cho chồng. Nghe giọng tôi hốt hoảng, chồng tôi điềm nhiên hỏi: “Em rơi ví phải không?”. Hóa ra, có một người nào đó nhặt được ví của tôi, thấy thẻ ngân hàng bên trong thì ngay lập tức cầm đến gửi trả ở Ngân hàng. Loạt cuộc gọi nhỡ mà tôi vì mê mải shopping không để ý là của ngân hàng và của chồng tôi.

Sau khi cầm giấy tờ cần thiết ra Ngân hàng lấy lại thẻ, tôi đã nhận lại ví với đầy đủ tiền và thẻ bên trong. Mọi việc diễn ra chóng vánh khiến tôi vẫn không tin được mình lại may mắn đến vậy. Tôi rụt rè hỏi cô nhân viên ngân hàng về thông tin người trả ví vì rất muốn được cảm ơn lòng tốt của họ. Cô vui vẻ bảo tôi đợi rồi kiểm tra. Kết quả, cô thông báo: đấy là một người đàn ông, ông ấy đến gửi ví rồi đi ngay, không để lại thông tin gì. Nhìn vẻ mặt tiếc nuối của tôi, cô mỉm cười rồi nói thêm: ông ấy chỉ là một người Mỹ tốt bụng, thế thôi! Và tôi đã gọi người đàn ông tôi không có cơ hội quen biết ấy là ông già Noel của tôi - người đã không chỉ “cứu” cái ví tiền của tôi mà hơn thế, còn “cứu” cả niềm tin về lòng tốt của con người đang dần dần mai một trong tôi.

Một lần khác, vợ chồng tôi đi ăn sáng ở quán café gần nhà và chứng kiến một cảnh tượng khó tin về sự chân thật và hồn nhiên của người Mỹ. Tôi nhìn thấy một cặp đôi vừa rời khỏi bàn café phút trước thì phút sau, cô gái ngồi cạnh cái bàn đó hộc tốc cầm cái máy tính xách tay Macbook đắt tiền đuổi theo vì nghĩ là họ quên. Lát sau, một người đàn ông trung niên đi tới cái bàn trống rồi ngó nghiêng tìm kiếm. Cô gái kia chạy một vòng quay lại, trên tay vẫn là cái máy tính. Hoá ra, không phải đôi nam nữ nọ quên mà chính là ông khách mới đến, thấy bàn trống thì quẳng luôn cái máy tính lên bàn rồi thong dong đi gọi đồ ăn.

Chồng tôi chứng kiến toàn bộ sự việc rồi phán một câu: “Ông này cứ ngây thơ thế thì phải sang Việt Nam ở ít lâu mới khá lên được!”. Nghe câu nhận xét vô tư của chồng, tôi không khỏi chạnh lòng. Nhưng tôi nghĩ khác anh, người đàn ông ấy may mắn vì vẫn giữ được bản tính hồn nhiên đến khờ khạo ấy, và ông ấy không việc gì phải “học” cách sống dè chừng của chúng tôi. Chính chúng tôi mới phải học lại cách sống đầy ắp lòng tin vào con người của ông. Lòng tốt của cô gái trẻ và lòng tin hồn hậu vào con người của người đàn ông trong quán café hôm ấy đã xua tan hết những ám ảnh ghê rợn của súng ống, đụng xe, mưu mô chước quỷ trong phim Hollywood. Tôi đã tự tìm ra những bằng chứng hiển nhiên để có thể nhạo cười chính mình và những ngộ nhận ngớ ngẩn của tôi về nước Mỹ.


Một chiếc xe cũ kỹ vẫn chạy trên đường phố Berkeley

Phản đề thứ ba gây bối rối cho tôi trong nhận thức về nước Mỹ là lối sống tiêu dùng Mỹ đang xâm lăng văn hóa Việt Nam và được tung hô là sành điệu ở xứ sở quê hương tôi hóa là lại là thứ không sành điệu chút nào ở Mỹ. Ở Việt Nam, các tiệm đồ ăn nhanh đang mọc lên như nấm và trở thành một nơi hẹn hò của giới trẻ mộ điệu. Họ vào cửa hàng ăn đùi gà chiên, uống Coca Cola và tự thấy mình sành sỏi như… dân Mỹ. Đến Mỹ rồi, tôi mới hay, đồ ăn nhanh chỉ là thứ đồ ăn dành cho người ít tiền (vì giá cả cực kỳ rẻ mạt). So sánh ra, giá đồ ăn nhanh ở Mỹ cũng tương đương như giá ở Việt Nam - quê hương còn nhiều vất vả, nhọc nhằn của tôi. Chỉ khác là, ở Mỹ, dân tình tránh ăn đồ ăn nhanh vì sợ béo phì còn ở Việt Nam, dân tình lại hăm hở nhiệt tình ăn thứ đồ ăn mới du nhập có vẻ sành điệu ấy.

Chắc vì người Việt Nam hồ hởi đón nhận đồ ăn nhanh bằng tất cả sự cởi mở giao lưu văn hóa ẩm thực và tinh thần Tây hóa nên các nhãn hiệu đồ ăn nhanh đang ồ ạt chiếm lĩnh thị trường Việt Nam. Tôi không thể trách các nhà kinh doanh, nhưng tôi ái ngại cho chính đồng bào tôi, khi những nhầm lẫn văn hoá của họ gây ra những phản ứng bất bình thường so với văn hoá gốc. Sau khi nhận ra cái phản đề oái oăm tôi đã bị động tiếp nhận theo đám đông ở quê nhà, tôi tự nhủ sẽ nhắc nhở bạn bè tôi, nếu có mời một bạn người Mỹ đi ăn trưa, đừng dẫn họ vào cửa hàng Mc Donald’s để tránh những hiểu lầm đáng tiếc!

Một hiện tượng trái ngược nữa trong nhận thức của người Mỹ và người Việt cũng khiến tôi kinh ngạc là: cứ cái gì ở Việt Nam bị coi là “nhà quê” thì ở Mỹ lại là chuyện “sành điệu”. Ví dụ, ở Việt Nam, bạn muốn làm người sành điệu thì bạn vào siêu thị mua đồ ăn với giá cả đắt đỏ hơn ngoài chợ. Nhưng ở Mỹ, người sành điệu lại chỉ đi chợ để mua đồ ăn, vì mọi thứ đều tươi sống. Giá cả đồ ăn ở chợ vì thế đắt hơn ở siêu thị. Ở mọi thành phố, thị trấn Mỹ tôi từng qua, tôi đều tìm thấy phiên chợ nông dân vào cuối tuần. Những người nông dân và thợ thủ công tự bày bán những mặt hàng nông sản, thủ công do chính họ làm ra với chất lượng tốt và giá cả có phần cao hơn các mặt hàng sản xuất hàng loạt có thể tìm thấy bất kì đâu trong siêu thị. Các phiên chợ thường có các nghệ sĩ hát rong đến tham gia nên lúc nào cũng đông vui, náo nhiệt. Nó gợi nhắc tôi đến những phiên chợ Tết ở quê đã lâu lắm rồi tôi không được thấy. Nước Mỹ vì thế vừa lạ vừa quen.

Lại nữa, trong khi văn hóa tiêu dùng của người Việt Nam là chuộng đồ mới thì người Mỹ lại chuộng dùng đồ cũ và cực kì chú trọng việc tái sử dụng. Thế nên ở Mỹ, bên cạnh những cửa hàng đồ hiệu, tôi cũng dễ dàng tìm thấy những hệ thống cửa hàng chuyên bán đồ cũ. Hệ thống Goodwill - chuỗi cửa hàng đồ cũ từ thiện trích tiền bán đồ cũ cho mục đích từ thiện là một mô hình tôi tin chỉ có thể tồn tại ở một nơi mọi người ủng hộ việc tái sử dụng. Mọi người dễ dàng quyên góp đồ cũ (đồ gia dụng, quần áo…) tại các hộp chứa đồ từ thiện ở khắp mọi nơi trong thành phố. Sự tồn tại của các cửa hàng đồ cũ khác với các hoạt động trao đổi, mua bán đồ cũ (sách vở, quần áo, đồ dùng…) cũng chứng minh rằng, người Mỹ ưa tận dụng tối đa giá trị sử dụng của mọi vật chất.

Ngay cả một nhãn hiệu thời trang phổ biến ở Mỹ là H&M cũng khuyến khích người mua hàng đem quần áo cũ của mình đến đổi lấy các phiếu giảm giá. Họ sẽ tái chế và tái sử dụng số quần áo cũ đó để giảm chi phí sản xuất, giảm thiểu sự phung phí nguyên liệu. Ở Việt Nam, bạn sẽ ngại khi người khác biết bạn dùng đồ cũ (đồ Si-đa), nhưng ở Mỹ, nếu được một người khen ngợi và hỏi về chiếc áo bạn mặc, đôi giày bạn đi, câu trả lời là đồ cũ sẽ khiến bạn nhận thêm được một lời khen nữa cho sự tiết kiệm và ý thức bảo vệ môi trường.

Những phản đề về nước Mỹ tôi đã “học” được ở quê nhà gây ra những kinh ngạc cho tôi trong những ngày đầu tiên sống ở Mỹ. Tôi học cách nhận thức lại nước Mỹ để hiểu đúng về nó, để có thể bình tĩnh sống trên đất Mỹ như những người đủ mọi màu da xung quanh tôi. Nhưng phải thú thật một điều, dù đã ở Mỹ hai năm, tôi vẫn chưa thể quen được việc uống nước từ vòi và ăn đồ nguội vào mùa đông ở Mỹ. Bài học “ăn chín uống sôi” ở cái xứ sở nhiệt đới dễ sản sinh nhiều bệnh tật của tôi khiến tôi vẫn thấy “ghê răng” khi nhìn cảnh mọi người châu đầu vào cái vòi nước đặt khắp nơi ở công cộng để uống. Cũng may, những điều tôi chưa quen chỉ là chuyện cá nhân nhỏ nhặt, thế nên hình như, nước Mỹ đã “đồng ý” nhận tôi là bạn. Tôi có thêm một người bạn mới với rất nhiều lạ lẫm để tôi học hỏi và một chút thân quen để tôi cảm thấy muốn gần hơn (*).

(*) Trích tự truyện “Làm dâu nước Mỹ”, sẽ được NXB Phụ nữ ấn hành.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Nguyễn Thị Thanh Lưu, từ Berkeley, California (Hoa Kỳ)