Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NƠI THẦN THÁNH CHUNG SỐNG VỚI CON NGƯỜI

(NCTG) Đảo Síp (Cyprus - Kypros) là một miền đất kỳ lạ, trung tâm thông thương buôn bán thời cổ đại của Địa Trung Hải, là nơi giao nhau của các luồng giao thông hàng hải thời Trung cổ, là đất nước của những huyền thoại mê hoặc lòng người.

Đảo Síp, "nơi thần thánh chung sống với con người"

Từng hai lần đặt chân đến nơi đây, tôi vẫn muốn được có dịp quay lại thêm lần nữa và nếu có thể, lại lần nữa, lần nữa… Mỗi lần là mỗi một khám phá, không lần nào ít đi ấn tượng và cảm giác hạnh phúc hơn lần nào - không hiểu sao, tôi rất tin vào điều đó!

* Đôi chút về lịch sử

Tò mò tìm hiểu thêm một chút về đảo Síp, tôi thực sự ngạc nhiên khi biết hòn đảo này đã có nền văn hóa hơn 9.000 năm!

Từ những năm tháng xa xưa, đảo Síp đã là trung tâm buôn bán sầm uất giữa các đế chế Châu Âu, châu Phi và các nước vùng Cận Đông - chính vì thế hòn đảo luôn là miếng mồi hấp dẫn đối với một vài vị đế vương nào đó (nếu kể tên những quốc gia từng đô hộ hòn đảo bé bỏng này thì có lẽ phải cần đến tất cả các ngón của hai bàn tay!)

Năm 58 trước Công nguyên, đế chế La Mã đã đến đây và cầm quyền ở đảo cho đến tận thế kỷ thứ VII. Năm 1191, hoàng đế Anh Quốc Richard “Sư tử Tâm” (Richard the Lionheart) đã tham gia cuộc thập tự chinh thứ 3 chiếm lấy đảo Síp, song người dân ở đây đã khiến cho ngài lao đao, khiến ông ta đã bán đảo Síp … Trong vòng 3 thế kỷ sau đó, đảo Síp nằm trong tay vị vua Jerusalem Guy de Lucian. Các thế hệ kế tục ông đã phá hỏng khá nhiều nét văn hóa gốc của đảo nhưng lại chú trọng phát triển về kinh tế, khiến cho cuộc sống của người dân nơi này rất no đủ, phồn thịnh.

Người Venice chiếm đảo Síp vào năm 1489, đến năm 1571 thì bị hất cẳng bởi đế chế Osman. Ba trăm năm sau, người Anh thế chỗ họ. Đến năm 1960, Anh Quốc trả lại quyền tự do cho dân Síp…

Chế độ chính trị ở Síp khá phức tạp, nhất là từ tháng 7-1974, khi người Thổ đổ bộ vào đảo và chiếm tới một phần ba đảo về phía Bắc, đuổi hết 180 ngàn cư dân gốc Hy Lạp ra khỏi mảnh đất cha ông. Vì vậy, người dân đảo Síp gốc Hy Lạp vẫn đau đáu một nỗi đau mất đất và bị người Thổ đồng hóa phần đảo rộng lớn mà họ chiếm đóng. Chúng tôi đã đứng ở bức tường thành biên giới ngăn cách giữa phần đảo Síp của dân Síp - Hy Lạp và đảo Síp ở trong tay người Thổ. Thật là một cảnh tượng kỳ quái, đối nghịch: nếu phần đất bên này yên bình thơ mộng thì nhìn sang bên kia, dường như có thể cảm thấy hơi thở lạnh giá của chiến tranh: những ụ, những nhà ngổn ngang sắt thép, mang dấu vết của đạn và khói súng. Tôi tình cờ mua được tấm card điện thoại có in sơ đồ vùng Famagusta, nơi người Thổ từ năm 1983 lập ra cái gọi là “Cộng hòa Thổ Nhĩ Kỳ Bắc Cyprus”, trên đó có dòng chữ rất ấn tượng: “Famagusta - nằm dưới ách thống trị của người Thổ từ năm 1974, hiện giờ là vùng của bóng ma”.

* “Thuộc địa của… Liên bang Nga”!

Chuyện chính trị vốn dĩ bao giờ cũng phức tạp và nhiều lắt léo. Song hòn đảo nằm giữa lòng Địa Trung Hải này không vì thế mà mất đi vẻ thanh bình quyến rũ; ngược lại, nó luôn gọi mời bao du khách đến nghỉ ngơi hưởng nắng. Hiện giờ, đường phố nơi đây lại cho tôi cảm giác nó là thuộc địa của… Liên bang Nga. Tất nhiên, đây là một suy nghĩ tếu táo, nhưng đúng là người Nga đến đây mua nhà, lập nghiệp rất đông. Số người Nga đến nghỉ cũng phải chiếm tới 80% số lượng du khách nước ngoài. Nếu bạn không biết tiếng Hy Lạp và tiếng Anh, hoàn toàn có thể tự tin "sổ" tiếng Nga được vì bất kỳ một quán ăn, siêu thị, khách sạn… nào cũng có người phục vụ biết tiếng Nga! Những biển hiệu trên đường với những dòng chữ tiếng Nga chen lẫn tiếng Hy Lạp và tiếng Anh là rất phổ biến. Người Nga đặc biệt tập trung nhiều ở thành phố Limassol, nơi có vô khối cửa hàng, cửa hiệu do người Nga làm chủ, có cả trường học, bệnh viện… cho con em họ nữa. Đi trên đường phố đôi khi cứ ngỡ đang dạo bước trên con đường nào đó ở Nga!

* Cảnh…

Đảo Síp không phải là hòn đảo lớn. Nó xinh xắn nằm nghiêng về phía Đông của Địa Trung Hải, trông như một miếng ghép hình vị thần nào đó lỡ tay đánh rơi từ trên trời xuống vậy. Nhìn từ xa, đôi khi có cảm tưởng đảo giống một chiếc đàn công-trơ-bát be bé, bồng bềnh trôi trên biển. Diện tích chỉ có 9.251 km2. Chúng tôi đã đi một vòng quanh đảo từ Limassol, Paphos, về Ayia Napa… rồi lại lộn về Protaras, thủ đô Nicosia và Lanarka… Đi từ thành phố này đến thành phố kia mất có độ 30 phút đến gần 1 tiếng, nhưng cuối cùng vẫn là cưỡi ngựa xem hoa bởi mỗi một thành phố đều có những vẻ huyền bí riêng của mình mà có lẽ muốn khám phá được hết phải cần rất nhiều lần quay lại nữa!

Bờ biển Limassol

Nơi dừng chân đầu tiên của chúng tôi là Limassol. Dù không phải là thủ đô, thành phố này vẫn được coi là trung tâm văn hóa của Síp. Đây là nơi trồng nho nấu rượu vang nổi tiếng dưới chân núi Troodos. Cho đến giờ, người ta vẫn thu hoạch nho và chuyên chở bằng phương tiện cổ xưa mang đậm chất lãng mạn: những chú lừa! Những đàn lừa đen thồ nho đi trên triền núi - cảnh tượng ấy quả là đẹp mà không phải ai trong đời cũng được nhìn thấy! Hàng năm cứ tháng Chín là có lễ hội Rượu vang. Khi ấy, du khách nào may mắn được dự hội sẽ thấy rượu rót tràn trề thoải mái, và đúng là “rót vào miệng chảy tràn qua râu” như hình ảnh vẫn thường nói về cuộc sống hạnh phúc của các nhân vật cổ tích! Bên cạnh đó là những điệu múa Hy Lạp tập thể vui nhộn, nối người ta thành những vòng tròn thân ái. Cuộc sống không còn ưu tư, chẳng thể ưu tư khi rượu đã ngà ngà và hồn đã bay bổng đến tận đỉnh núi cao… Tôi không may mắn được dự lễ hội này, chỉ nghe kể thôi, nhưng tôi đã được thăm một nơi làm rượu vang, được nếm thoải mái các loại rượu trắng, đỏ… và tranh thủ mua về làm quà những chai rượu vang đóng dấu vùng núi Troodos, đựng trong một chiếc túi gai thô rất đẹp mắt. Ra về, lòng cũng say say… chẳng hiểu vì rượu hay vì điều gì khác nữa!

Điều duy nhất mà tôi không thích ở đây là tiền Kyp, có tỉ giá hối đoái quá đắt so với đồng đô-la khiến tiêu tốn ơi là tốn! (1 Kyp= 2,5 $!) Tiêu pha lặt vặt cứ vài đồng, tưởng tiền lẻ, đáng gì… hóa ra mỗi một đồng đã đi tong cả gần 100 Rúp Nga chứ chơi đâu!

Đặc sản đảo Síp thì ngoài rượu vang ra còn có nhiều: một vài loại kẹo bột ngọt lừ được đựng trong chiếc hộp có hình thần Vệ nữ, những sản phẩm thủ công bằng lá cọ... và hoa quả. Ở đây người ta cấm nhập khẩu hoa quả, vì vậy cứ yên tâm mà thưởng thức hoa quả nội địa! Những quả táo căng mọng, trắng trắng, hồng hồng, cầm lên đã thấy mịn tay, không hề có cảm giác nhờn nhờn là lạ như khi cầm trên tay thứ quả được ướp chất bảo quản… Và thơm, mùi thơm mới thanh khiết chứ! Có thể vì nó có nắng đảo và gió biển tẩm ướp hương thơm rồi. Miếng táo giòn mát, ăn còn thích hơn cả táo Nga. Ngoài ra, cam cũng là niềm tự hào của đảo Síp. Những vườn cam xanh kiến cho bề mặt của đảo bớt đi vẻ khô cằn. Thậm chí cam còn trở thành… biểu tượng trong công viên nước lớn ở Limassol (nghe đồn đây là công viên nước lớn nhất cả châu Âu) - ở đó có một quả cam khổng lồ bằng hơi đặt dưới một đài phun nước to để mọi người trèo lên và trượt xuống. Trò bước đi trên những lát cam to nổi bềnh trên mặt nước cũng rất khó và thú vị!

Nhà hát ngoài trời ở Kourion

Trên đường từ Limassol đi Paphos, chúng tôi ghé vào thăm Đền thờ Thần Apollon và vịnh biển nơi nàng Aphrodite đã tắm, nhà hát ngoài trời ở Kourion xây dựng theo kiểu La Mã với những bậc đá vòng cung. Ngay cạnh đó là một ngôi nhà lớn Dionis với những bức tường tranh ghép kỳ ảo. Quả thật, giá như đến đó vào buổi chiều muộn, khi nắng bớt gay gắt thì sẽ dễ chịu hơn nhiều. Nắng trưa như đổ lửa khiến du khách rất nhanh mệt. Vì vậy, chặng dừng chân ở vịnh tắm của thần Vệ nữ đã lôi kéo nhiều du khách lao xuống làn nước trong xanh cho dịu bớt nóng nực. Cũng thật lạ, trên bờ có nóng đến thế nào thì khi bạn nhảy xuống biển, cảm giác bừng bừng như lửa lập tức biến mất. Chỉ còn cảm thấy những âm yếm dịu dàng và mát rượi của sóng biển mà thôi! Tương truyền, những ai từng tắm ở nơi này sẽ giữ được sự trẻ trung và sắc đẹp rất lâu (người ta bảo là mãi mãi, nhưng phải khiêm tốn một chút, “rất lâu” thôi). Suy cho cùng, thêm vài giờ tươi trẻ thôi đã là quý lắm rồi, cần gì phải mãi mãi!

Trên bờ có một cái cây nhỏ, du khách thay nhau treo lên cành cây một cái gì đó trong hành trang của mình để đánh dấu với đất trời rằng "tôi đã đến đây", nơi bọt biển dâng trào làm nên một thân hình vệ Nữ đá trắng nuột nà. Thú thật, tôi thầm thấy thương cho cái cây ấy. Nó còng lưng gánh trên người những thứ vớ vẩn của khách thập phương... và nếu nàng Aphrodite có hiện ra chắc cũng không khỏi kêu lên thương xót!

Những thành phố khác của đảo đều xinh xắn và có những đặc trưng riêng. Ví dụ như Lanarca là thành phố của những con hồng hạc rực lửa, cứ mỗi độ Đông về lại bay đến vùng hồ xinh đẹp nằm giữa những “mặt trời xanh” là hàng cọ biếc, ngay cạnh sân bay quốc tế, dường như thờ ơ với tiếng ồn của máy bay lên xuống hàng ngày. Còn thủ đô Nicosia lại quyến rũ du khách bởi số lượng lớn bảo tàng cổ và… khu buôn bán thương mại khá sầm uất.

Ayia Napa thì là thành phố lớn với diện tích bãi biển rất rộng và đẹp nhất đảo Síp với bờ cát vàng thoai thoải chứ không nửa cát nửa đá như ở Limassol. Xưa kia, nơi này là cánh rừng hoang rậm rạp, vì thế nó có tên tiếng Hy Lạp là “Cánh rừng thiêng”. Du khách đến thành phố này chẳng muốn đi thăm thú gì ngoài việc tận hưởng đến cùng từng tia nắng mặt trời kéo dài đến chiều rất muộn và những giây phút nằm trên bờ cát vàng vô tận bình yên. Ở đây, ngoài một nhà thờ cổ xây dựng từ thế kỷ XVI thì chỉ có những công trình giải trí hiện đại như công viên nước, bảo tàng động vật biển… Tuy nhiên, bảo tàng khá sơ sài và vé rất đắt, nên theo tôi, thật là phí tiền khi dại dột tin theo quảng cáo của hãng du lịch mà chui vào ngôi nhà bé tẹo ấy, nơi chỉ rặt vài ba giống cá biển đơn sơ!

* Và người…

Người hiếu khách thì ta có thể gặp ở khắp nơi trên thế giới. Nhưng trên diện tích một mét vuông mà đông người hiếu khách như ở đảo Síp thì chắc là hiếm lắm! Hơn thế nữa, cả hải quan lẫn cảnh sát cũng hiếu khách thì… với một người đến từ Nga như tôi, quả là điều kỳ diệu. Tôi vẫn nhớ vẻ nhẫn nại của cô nhân viên sân bay giải thích cho tôi cách chuyển đồ. Tôi nhớ cảnh một anh cảnh sát hấp tấp chạy qua đường đến gần xe chúng tôi chỉ để chỉ đường cho tỉ mỉ hơn. Tôi không quên được hình ảnh một ông già bỏ cả cốc cà phê buổi sáng đang uống dở để dắt chúng tôi đến tận nơi cần thiết khi chúng tôi hỏi thăm đường. Tôi cảm kích cả những ánh mắt ân cần của… người phục vụ trong quán ăn: có cảm giác như họ đang phục vụ người thân chứ không phải là khách hàng!

Phải chăng, vì đây là một nước công nghiệp về du lịch nên họ “phải” hiếu khách thế, hay đó là tính cách tự nhiên của những người sinh ra ở nơi hiền hậu này? Vì đảo Síp quả là “hiền hậu”. Chúng tôi có thể dạo bước khắp các ngóc ngách cả đêm mà không sợ gì, kể cả… ma! Chắc hẳn, ma ở đây cũng là những chú “ma đáng yêu” dịu dàng đi lại trên hòn đảo tình yêu ngập tràn tiếng sóng này. Síp cũng gần như không có hiện tượng trộm cắp, các vụ hình sự càng hiếm (theo thống kê, một năm chỉ có độ ba ngàn vụ án trên hòn đảo này - một con số ít ỏi)… Người đảo Síp vẫn để ngỏ cổng vào nhà (hình như giống miền Bắc Việt Nam những năm… 60 thế kỷ trước?!) Nhà họ xây rất kiên cố bằng đá hoặc gạch đỏ. Chung quanh thường có những khóm hoa rực rỡ, phổ biến nhất là hoa giấy, hoa đại và trúc đào. Ngoài ra còn có những loài hoa bé xíu, thân như lá bỏng, hoa như mặt trời nhỏ mọc tràn trên đất. Màu hoa đỏ thì thật đỏ, vàng thì thật vàng, rực lên như những đốm lửa, trong đêm cũng không giảm bớt độ nóng của mình. Tôi rất thích những căn nhà có cửa sổ gỗ sơn mộc mạc nổi bật giữa bức tường đá trắng, có chiếc sân bé nhỏ xinh xinh với giàn hoa giấy đỏ, có bộ bàn ghế gỗ xập xệ bên hàng rào nằm hứng nắng… Nhìn vào đã tưởng ra một cảnh sống yên bình, không vội vã. Mà người dân ở đây không vội vã thật: họ làm việc thong dong… Ngoài 2 ngày nghỉ như mọi nơi khác, họ còn có ngày thứ Tư “ngắn ngày” - tất cả chỉ làm việc đến 1 giờ chiều, kể cả các cửa hàng, cửa hiệu.

Ấy thế nhưng người đảo Síp lại ưa tốc độ khi lái xe. Họ đi bạt mạng. Đường xe đi thì ở bên lề trái như người Anh, vì thế chúng tôi đi lại đôi lúc cũng khá căng thẳng. Bù lại, đường sá ở đây được chăm sóc khá tốt, đi êm ru và dọc đường hoa cỏ được chăm bón rất vui mắt. Đi đường cao tốc giữa các thành phố mà không có những bụi hoa thì chắc buồn chết mất vì nhìn ra xa bên đường chỉ là bạt ngàn đá trắng, những ngọn đồi cháy sém vì nắng với những ngôi nhà thấp thoáng trên cao.

Thần Vệ nữ trên đảo Síp

Vì nắng quá nắng, đá khô quá khô nên thiên nhiên bù đắp cho đảo một vùng biển mềm thật mềm. Cả những lúc sóng dồn nhất thì cũng vẫn mang lại cảm giác mềm mại và dịu dàng. Những đàn cá thảnh thơi bơi thật sát bờ. Buổi sáng nước trong, tôi nhìn thấy chúng rõ mồn một qua làn nước. Thử bơi theo chúng một lần cho biết, thoắt cái tôi đã lạc vào giữa một bầy cá chỉ to độ một bàn tay người lớn, sọc đen sọc vàng… Chỉ ra xa thêm tí tẹo thôi, chạm vào chiếc kè đá không quá xa bờ, tôi đã chìm vào chốn thần tiên. Tôi nhìn thấy qua làn nước các loại cá đủ màu và những con nhím biển gai đen nhọn hoắt. Thật là thú vị: cúi mặt xuống nước là rơi vào Thủy cung, ngẩng mặt nhìn lên đã lại trở về nơi trần thế, chung quanh xôn xao người tắm biển cười đùa… Phải là một hòn đảo hiền hậu lắm thì Thủy cung và Trần thế mới gần gũi nhau đến vậy!

Không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ Hy Lạp George Seferis (1900-1971) đã viết: “Đảo Síp là nơi thần thánh chung sống với con người”!

Chỉ một lần đặt chân đến hòn đảo bé nhỏ mang trên mình đầy ắp những dấu vết cổ xưa, ngắm những con đường dốc nắng, những đền đài Hy Lạp, những bức tranh ghép đá kiểu La Mã, những cột kèo đá trắng sừng sững dưới nắng mưa, ngắm đàn dê núi thong dong đi về trong ánh hoàng hôn, nhìn những cánh đồng nho trải dài bất tận, những cây ô-liu cổ thụ đậm người vững chắc... và đắm mình trong làn bọt biển trắng xóa từng làm nên một nàng Aphrodite thuở nào, buông mình theo luồng cá nhỏ để khám phá đáy biển kỳ bí..., bạn sẽ hiểu câu thơ ấy thật như là một chân lý. Nơi này khiến bạn không còn nghĩ đến quá khứ muộn phiền, không còn lo ngại đến tương lai trắc trở… - chỉ có hiện tại tuyệt vời như kéo dài mãi mãi.

Các vị thần Hy Lạp chẳng đã từng sống trong một hiện tại kéo dài bất tử đấy sao?

Tác giả bài viết: Thụy Anh, tháng 8-2007