Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


NHÀ THỜ ĐẤNG CỨU THẾ, MOSCOW

(NCTG) Du khách đến thăm Nhà thờ Đấng Cứu thế Moscow, mục sở thị cảnh những đoàn giáo dân lũ lượt đến từ mọi nơi trên mảnh đất Nga, quỳ nhiều giờ nguyện cầu trong cảnh tôn nghiêm, trong tiếng chuông của quả chuông lớn nhất được đúc trong thế kỷ XX của nước Nga, hẵn sẽ đọng lại trong lòng cảm nghĩ mọi thể chế sẽ đều qua đi, chỉ còn đức tin và tín ngưỡng là còn mãi trường tồn!

Thánh đường Hagia Sophia ở Constantinople, hình mẫu của Nhà thờ Đấng Cứu thế Moscow

Cộng hòa Liên bang Nga, sau nhiều năm dài dưới chế độ vô thần, trong vòng hơn một thập niên rưỡi nay đã trở về với tín ngưỡng truyền thống của mình. Du khách tới Moscow, St. Petersburg và các thành phố lớn khác của Nga, sẽ phải kinh ngạc trước những tòa giáo đường nguy nga, bề thế, với những giáo dân sùng kính trước tượng Đức Chúa và Đức Mẹ.

Đặc biệt, phải kể đến một vương cung thánh đường nằm giữa lòng thủ đô Moscow, được coi là trụ sở của Giáo hội Chính thống giáo Nga, mà lịch sử bi hùng của nó phản ánh trung thực những năm tháng của Liên bang Xô-viết thế kỷ trước: ấy là Nhà thờ Đấng Cứu thế Moscow, mà không một tour du lịch nào đến Nga có thể bỏ qua vì tầm vóc lịch sử và tôn giáo của nó.

Nằm ở phía Đông điện Kremlin, gần bờ bên phải của con sông Moscow, mới đây, Nhà thờ Đấng Cứu thế được cả thế giới biết đến trong kỳ tang lễ ông Boris Yeltsin, tổng thống đầu tiên của nước Nga dân chủ. Là nhà thờ chính của nước Nga và lớn nhất của Giáo hội Chính thống giáo trên toàn thế giới, vương cung thánh đường này là "bản sao" của một nhà thờ được xây dựng từ thế kỷ XIX, đã bị chính quyền Stalin phá hủy đầu thập niên 30 thế kỷ trước.

Lần giở những trang sử Nga, vào dịp Giáng sinh năm 1812, vinh danh chiến thắng vẻ vang trước hoàng đế Pháp Napoleon, Nga hoàng Alexander Đệ nhất đã chỉ thị xây một ngôi thánh đường Chính Thống giáo lớn nhất thế giới "nhằm biểu hiện sự biết ơn đến Đấng Cứu thế, người cứu rỗi và chở che nước Nga khỏi sự tàn phá", và để tưởng nhớ đến những tổn thất, hy sinh của dân Nga.

Công việc thiết kế và chuẩn bị thi công kéo dài trong nhiều thập niên, và nhiều kiến trúc đã được đưa ra. Thoạt đầu, Alexander Đệ nhất chấp thuận một kiến trúc Tân  Cổ điển, mang dấu ấn và biểu tượng của Hội Tam Điểm (Freemason). Nhưng đến đời Nga hoàng kế tiếp là Nicholas Đệ nhất, một người theo chủ nghĩa ái quốc và vô cùng sùng đạo Chính thống giáo, một thiết kế mới đã được đưa ra, lấy mẫu từ tòa thánh đường Đông La Mã (nhà thờ Hagia Sophia ở Constantinople).

Một địa điểm mới, thích hợp hơn cho nhà thờ cũng được lựa chọn: thay vì nơi cũ tại Đồi chim sẻ (là điểm cao nhất của Moscow, nhưng không an toàn về mặt xây dựng), bờ phải con sông Moscow, gần điện Kremlin hơn, đã được phê chuẩn, cho dù như thế, một chủng viện và nhà thờ tại đó phải bị chuyển đi chỗ khác.

Quá trình xây dựng đầy gian nan diễn ra nhiều năm, với sự góp mặt của các họa sĩ, các nhà điêu khắc nổi danh nhất của nước Nga. Nội thất của Nhà thờ Đấng thế mang cấu trúc các tòa thánh đường cổ xưa của dân Nga, với một hành lang hai tầng, tầng dưới là đài tưởng niệm Nga chiến thắng Napoleon và tầng trên dành cho dàn đồng ca nhà thờ.

Tường vách được lát bằng nhiều loại đá quý như hoa cương, cẩm thạch..., và ghi danh những vị tướng, những đạo quân và những trận chiến nổi tiếng của cuộc chiến chống Napoleon năm 1812. Những bức tranh tường hoành tráng càng làm tôn thêm vẻ uy nghi của tòa vương cung thánh đường này.

Năm 1882, kỷ niệm 70 năm chiến thắng của nước Nga, bản “Overture 1812” của nhạc sĩ lớn Chaikovsky được cử lần đầu tiên tại Nhà thờ Đấng Cứu thế. Tuy nhiên, nhà thờ chỉ được hoàn tất và chính thức khánh thành vào mùa hạ năm sau, vào ngày Nga hoàng Alexander Đệ tam đăng quang.

Mười một năm sau, cũng vị hoàng đế này, khi băng hà, đã được Giáo hội Chính thống Nga làm lễ tang ở đây và sau ông hơn 100 năm, mới có một vị nguyên thủ quốc gia Nga được từ giã cõi đời tại tòa giáo đưòng này, chính là ông Boris Yeltsin!

Nhà thờ Chúa Cứu thế Moscow bị san bằng cuối năm 1931

Sau biến cố 1917, các lãnh tụ cộng sản Nga, với chủ trương vô thần, đã làm tất cả để thâu toán và kiểm soát tôn giáo trong tay. Tín ngưỡng bị phỉ báng, giáo dân bị đàn áp, đa số các giáo sĩ đều bị ép buộc làm chỉ điểm cho chế độ và nhiều nhà thờ đã bị tàn phá, trong đó có ngôi thánh đường linh thiêng nhất của dân Nga: vào một ngày đầu tháng Chạp năm 1931, đúng vào năm Boris Yeltsin chào đời, Nhà thờ Đấng Cứu thế đã bị phá hủy tan tành bằng chất nổ đi-na-mít.

Thay vào đó, theo dự định, Liên Xô muốn xây một tòa cao ốc mang tên “Cung các nước Cộng hòa Xô-viết”, cao 412 mét (tức là cao hơn nhiều so với tháp Eiffel tại Paris!), với một pho tượng Lenin khổng lồ trên đỉnh, hai cánh tay giơ cao.

Tuy nhiên, “công trình thế kỷ” này đã không bao giờ được hoàn thành, phần vì chính quyền thiếu kinh phí và phải chuẩn bị cho các cuộc thanh trừng và chiến tranh trước mắt, phần vì nền đất quá mềm, cứ xây lại lún. Người Nga - theo cách nghĩ tâm linh - thì lý giải rằng những dã tâm “báng bổ” sẽ không bao giờ thành công!

Rốt cục, công trình bị bỏ dở và đến thập niên 60, người ta đã xây ở đó một bể bơi công cộng thuộc loại lớn nhất thế giới. Sau khi nước Nga thay đổi thể chế, hành động đầu tiên của Giáo hội Chính thống giáo nước này là vận động quyên góp để xây lại tòa thánh đường. Chỉ trong thời gian ngắn, giáo dân và những người hảo tâm đã góp rất nhiều tiền với nguyện vọng phục hồi biểu tượng nước Nga phục sinh.

Chính Boris Yeltsin, một người cựu cộng sản có những hệ lụy với ngôi thánh đường này, là người cho phép xây lại nhà thờ và dù không phải là người quá mộ đạo, ông đã rất quan tâm đến tiến độ xây dựng vì ý thức được rằng nước Nga mới cần một nền tảng, một lý tưởng mới, đó là đời sống tâm linh.

Tháng 9-1997, trong lễ kỷ niệm trọng thể 850 năm ngày thành lập đô thành Moscow, Nhà thờ Đấng Cứu thế mới được chính thức ra mắt giáo dân Nga. Tòa thánh đường này mang trong mình mọi dấu ấn của nhà thờ cũ, về cả kiến trúc lẫn tầm vóc, với những bức tranh tường khổng lồ và tuyệt mỹ, cũng như với tường vách và cung tròn bằng đá cẩm thạch, trên đó ghi danh những Mạnh Thường Quân đã góp tiền tái xây dựng công trình này.

Vương cung thánh đường Chúa Cứu thế Moscow (được xây dựng lại)

Du khách đến thăm Nhà thờ Đấng Cứu thế Moscow, mục sở thị cảnh những đoàn giáo dân lũ lượt đến từ mọi nơi trên mảnh đất Nga, quỳ nhiều giờ nguyện cầu trong cảnh tôn nghiêm, trong tiếng chuông của quả chuông lớn nhất được đúc trong thế kỷ 20 của nước Nga, hẵn sẽ đọng lại trong lòng cảm nghĩ mọi thể chế sẽ đều qua đi, chỉ còn đức tin và tín ngưỡng là còn mãi trường tồn!

Tác giả bài viết: Nguyễn Hoàng Linh