Mỏ muối ở Wieliczka: THẾ GIỚI NGẦM KỲ ẢO DƯỚI LÒNG ĐẤT VÀ HUYỀN THOẠI ĐẸP VỀ NÀNG CÔNG CHÚA HUNGARY
- Thứ sáu - 09/06/2006 11:57
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Nói đến Kraków, người ta nghĩ ngay đến một trong những thành phố có lịch sử lâu đời và đẹp nhất vùng Đông Âu, cố đô của Ba Lan trong 5 thập niên, và hiện nay vẫn là trung tâm văn hóa, lịch sử quan trọng nhất của quốc gia này. Đó là một đô thị may mắn thoát khỏi những thăng trầm của lịch sử Ba Lan, và tới nay vẫn giữ được nhịp điệu cũng như hầu hết mọi dáng dấp của thời xưa.
Nhưng Kraków còn được biết đến và rất được du khách ưa chuộng vì một thắng cảnh độc nhất vô nhị trên thế giới: loạt mỏ muối ở vùng ngoại ô Wieliczka, với lịch sử hơn 70 năm và trong nhiều thế kỷ, nơi đây từng là nguồn tài nguyên, cũng như cơ sở của đời sống văn hóa cả vùng lân cận.
Ngay từ đầu thế kỷ thứ X, mỏ muối Wieliczka đã được gọi bằng cái tên vương giả Magnum Sal (Đại Muối). Đây là một mê lộ khổng lồ dưới lòng đất, được chia làm 9 tầng, kéo dài 300 cây số và nơi sâu nhất lên tới 327 mét.
Tại đây, du khách có thể trầm trồ trước vẻ đẹp diệu kỳ của thiên nhiên, cũng như bàn tay kỳ diệu của con người: những căn phòng, những điện thờ, nhà thờ nhỏ, cùng mọi vật dụng của thợ mỏ trong vòng 700 năm qua đã nói lên tất cả về cuộc sống, công việc và cuộc chiến thầm lặng với thiên nhiên của những anh hùng dưới lòng đất.
Hiện tại, ngay dưới mỏ muối Wieliczka, du khách còn có thể thưởng thức ẩm thực Ba Lan tại các tiệm ăn, cũng như mua đồ lưu niệm và gửi ngay đi tại trạm bưu điện ngầm dưới lòng đất hơn 100 mét. Ở trung tâm của mỏ muối, có những khán phòng đặc biệt, có thể tổ chức hội thảo, gặp mặt, lễ cưới hỏi, sinh nhật, hòa nhạc và cả các sự kiện thể thao.
Du khách sẽ cảm thấy dễ chịu và ngạc nhiên vì có thể dùng điện thoại di động gọi cho người thân, bạn bè ở tầng ngầm 130 mét dưới lòng đất! Không phải ngẫu nhiên mà mỏ muối Wieliczka được đưa vào danh sách Di sản Văn hóa Thế giới của UNESCO năm 1978 và đến năm 1994, Tổng thống Ba Lan đã coi đây là di tích lịch sử quốc gia của xứ sở này.
*
Kraków và mỏ muối Wieliczka còn đi vào tâm thức người dân Ba Lan và Hungary như một nét đẹp của mối quan hệ lịch sử giữa hai quốc gia Đông Âu này. Sử cũ ghi rằng Béla Đệ tứ, vị vua vĩ đại của Hungary, người đã dẫn dắt nước Hung khỏi cuộc chiến bạo tàn với quân Mông Cổ thế kỷ 13, có một người con gái tuyệt đẹp tên là Kinga.
Tương truyền, ngay trước khi sinh nở Kinga, thân mẫu cô đã được nghe một lời sấm truyền huyền bí, theo đó, đứa trẻ bà sinh ra sẽ đem lại rất nhiều niềm vui cho bà và đất nước, vì thông qua nó, Đức Chúa trời sẽ khai sáng và giúp đỡ một dân tộc láng giềng của Hungary. Và, kỳ lạ thay là khi mới chào đời, Kinga đã biết cất tiếng nói.
Từ khi chào đời, Kinga đã được giáo dục trong môi trường Thiên Chúa và khi mới lên mấy tuổi, nàng công chúa đã thề sẽ sống trinh bạch cả đời để thờ phượng Đức Chúa trời. Tuy nhiên, khi mới lên 5, để củng cố mối bang giao giữa Hung và Ba Lan, đã có ý định gả Kinga cho Boleslav, chàng hoàng thân xứ Kraków và Sandomir. Khi ấy, cha mẹ Kinga còn chưa đồng tình, vì họ muốn chọn một chàng rể "danh giá" hơn cho con gái cưng "cành vàng lá ngọc" của họ.
Mọi thứ thay đổi khi vó ngựa quân Mông Cổ bắt đầu dẫm nát các đồng cỏ, thảo nguyên Châu Âu. Với Hungary, điều cần thiết khi ấy là sự chi viện quân sự nhanh chóng, hiệu quả và trực tiếp. Năm 1239, khi Kinga tròn 15 tuổi, cha mẹ cô gật đầu trước phái đoàn Ba Lan sang cầu hôn và sau vài ngày "cầm cự", nàng công chúa đã nghe lời phụ huynh.
Truyền rằng, trước khi từ giã cha mẹ về Ba Lan, vua Béla Đệ tứ hỏi con gái muốn món quà hồi môn như thế nào. Cô gái 15 tuổi đáp cô muốn một thứ gì để có thể chia sẻ cho người dân Ba Lan. Khi ấy, mọi người đều bối rối vì Ba Lan thời đó là một quốc gia rất giàu có và đầy đủ mọi thứ, vua cha của Kinga không biết họ có thể cần gì, nhưng cưng chiều con gái, ông vẫn hứa sẽ cho cô tất cả khi nào cô nghĩ ra món quà này.
Sau lễ thành hôn và những buổi lễ lạt diễn ra trên toàn quốc Hung và Ba Lan, Kinga đã làm tất cả để chồng cô tôn trọng lời thề trinh bạch suốt đời của cô, thậm chí, để hoàng thân xứ Kraków cũng có một lời thề như thế trước Đức Chúa trời. Trong những năm Hungary và Ba Lan bị quân Mông Cổ chiếm đóng, cặp vợ chồng Kinga - Boleslav cũng phải lang bạt và ẩn náu ở nhiều nơi.
Chiến tranh kết thúc, cô về thăm cha và có dịp đến thăm một mỏ muối ở vùng Erdély (Transilvania, nay thuộc Romania). Thích thú ngắm những tảng muối trắng muốt và lấp lánh, lập tức cô nghĩ ngay tới thần dân Ba Lan của mình, ở nơi đó người dân chỉ được dùng loại muối phơi khô từ nước mặn. Tận dụng dịp may này và nhớ lại lời hứa năm xưa của vua cha, Kinga xin vua Béla Đệ tứ hãy cho cô mỏ muối này như của hồi môn, để có thể chở thẳng muối từ đây về Ba Lan.
Được sự chấp thuận của vua cha, nàng công chúa thả ngay chiếc nhẫn cưới của cô xuống hầm mỏ, như sự chứng thực cho sở hữu của cô với mỏ muối. Về lại Ba Lan, cùng tốp thợ mỏ Hung được vua cha cử đi cùng, Kinga đã mở mỏ muối ở vùng ngoại ô Kraków. Tương truyền, năm 1251, khi tảng muối đầu tiên được đưa lên từ mỏ muối Wieliczka thì những người thợ mỏ đã lập tức tìm thấy chiếc nhẫn kỳ diệu của nàng công chúa Kinga!
Công chúa Kinga đã sống một cuộc đời dài và có ích, đem lại vô vàn niềm vui cho hai dân tộc Hungary và Ba Lan, đúng như theo lời sấm truyền. Qua đời năm 1292, được Đức Giáo hoàng Gioan Phaolô Đệ nhị phong Thánh năm 1999, cô được coi là một vị Thánh bảo hộ cho xứ sở Ba Lan, và cho những người thợ làm ở mỏ muối.
Ngày nay, tại Quảng trường Chính của thành phố Kraków lịch sử, đúng vào ngày mà trước đó hơn 700 năm, Kinga và hoàng thân Boleslav cho phép vùng đất này được mang danh hiệu thành phố, người dân bản địa lại tổ chức những cuộc vui bất tận. Tối đến, du khách có thể nếm ở đây những loại bia ngon và đặc biệt nhất của Ba Lan, hoặc ngắm những cảnh tượng sống động của Quảng trường Chính, với những dấu ấn của thời Gotique, Phục Hưng và Baroque.
Đó là Kraków và Wieliczka, mảnh đất của lịch sử và những huyền thoại đẹp, giữa lòng Châu Âu!