Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


MYANMAR MỞ CỬA, TỐT HAY KHÔNG?

(NCTG) Khi Mỹ bắt đầu tiến trình bình thường hóa quan hệ với Cuba, mấy anh bạn tôi tỏ ra cụt hứng, nói rằng đang có ý định đi thăm Cuba khi chưa mở cửa, giờ phải đi nhanh không sợ Cuba thay đổi nhanh quá sẽ không muốn đi nữa. Tương tự như Myanmar, đất nước tôi đang sống, rất nhiều người muốn đi thăm khi chưa mở cửa và lúc nào cũng sợ đất nước này phát triển sẽ mất đi sự hấp dẫn của nó.

Làn gió đổi mới đã mang lại những phát triển tích cực cho Myanmar - Ảnh: nol.hu


Riêng tôi, đứng về góc độ một người đang sinh sống và làm việc ở đây, tôi mừng cho Myanmar nhiều hơn, bởi vì tôi chứng kiến nhiều những hạn chế trong cuộc sống của người dân khi đất nước bị cấm vận. Những gì được coi là bình thường ở các nước khác thì là vô cùng xa xỉ đối với họ.

Cách đây chỉ ba năm, một chiếc sim điện thoại ở đây lên đến 700-800 đô-la, sóng điện thoại cực kém do một công ty độc quyền cung cấp dịch vụ. Gọi điện cho nhau bập bà bập bõm, hiếm khi có cuộc nào mà trơn tru từ đầu đến cuối. Mà không có điện thoại thì các bạn biết là bất tiện thế nào rồi đấy, chỉ có ở văn phòng và ở nhà là có, còn di động ít người dám dùng vì quá đắt, chất lượng lại kém.

Xe cộ mới là cơn ác mộng, thành phố cấm xe máy nên phương tiện chủ yếu là taxi và xe buýt. Xe buýt lúc nào cũng lèn chặt người, chật chội nóng bức. Taxi thì là loại xe từ thời cổ lai hi, sắt gỉ, thủng lỗ, đi rung bật bật. Nếu trời mưa thì khách ướt hết vì cửa kính bị hỏng, đệm xe cực bẩn và ẩm. Anh lái xe mặc longi co chân lên ghế, áo may-ô, thi thoảng tranh thủ lúc đèn đỏ mở cửa ra nhổ nước trầu ra đường.

Cho dù xe cô cũ kỹ như vậy, nhưng bạn phải trả khoảng 20 ngàn đô cho một chiếc cũ đời những năm 80. Hàng hóa cũng thiếu nhiều loại, có vài siêu thị bán hàng nhập khẩu nhưng nhiều khi chưa kịp lấy hàng, các ông Tây bà đầm sẽ chịu chết vì thiếu món phô-mai hay bơ theo ý, lại phải đợi nhập hàng về.

Internet là món xa xỉ, các khu căn hộ cao cấp hay khách sạn năm sao may ra mới có mà rất yếu, mỗi lần mở thư là sẽ mất cả 15 phút đợi mạng chạy. Liên hệ với người nhà ở nước ngoài không dùng Skype hay Viber được vì mạng quá yếu, còn gọi điện lại quá đắt. Phải mất khá lâu tôi mới quen được tình trạng không điện thoại di động, không skype, chit chat. Viết email có khi bị nghẽn đâu đó là chuyện thường.

Về ngân hàng, chỉ có ngân hàng của nhà nước, không có thẻ tín dụng, không thanh toán bằng thẻ, mọi sự đều trao đổi bằng tiền mặt. Có lần chúng tôi đi ăn tối, do gọi nhầm món mà bị thiếu tiền chỉ khoảng 4 đô-la mà phải về lấy tiền, có thẻ cũng không giải quyết được gì. ATM cũng không thấy bóng dáng.

Vậy nhưng Myanmar thay đổi khá nhanh chóng, kể từ khi thay đổi hình thức quản lý nhà nước và được Mỹ bình thường hóa quan hệ, các công ty lớn của nước ngoài được đầu tư vào Myanmar tạo nên sự cạnh tranh lành mạnh. Hai công ty viễn thông lớn của nước ngoài được hoạt động tại Myanmar khiến cho giá sim chỉ còn 1,5 đô-la.

Lần đầu tiên bạn được chứng kiến các điểm bán sim có hàng trăm người đứng xếp hàng chờ để mua, kể cả sư sãi nay cũng có dịp dùng điện thoại di động. Tôi thấy hả hê khi cửa hàng của công ty cung cấp Internet trong nước vắng đi trông thấy, họ đã từng làm mưa làm gió, chặt chém giá đắt với dịch vụ tồi, nay người dân có 3g để dùng Internet nên họ không cần đến công ty này nhiều nữa.

Mặt hàng xe ôtô cũng thay đổi tích cực, thuế giảm nên giá xe giảm mạnh, chỉ còn khoảng một phần ba giá cũ, nhưng có nhiều loại xe mới hơn, chính phủ tạo điều kiện cho các tài xế taxi cũ nát bỏ xe cũ để mua xe mới với giá rẻ, vì thế chúng tôi đã được hưởng những chuyến xe có điều hoà mát lạnh, có nhạc, có cửa kính và đệm êm.

Đường xá cũng được nâng cấp đầu tư xây thêm nhiều cầu vượt để giảm ách tắc giao thông. Các siêu thị có nhiều hàng hóa hơn để phục vụ người dân trong nước và người nước ngoài sống tại đây.

Do có nhiều công ty đầu tư vào Myanmar nên nhu cầu tuyển lao động tăng lên, tạo việc làm cho người dân vốn rất nghèo nơi đây. Khi mới tới Yangon bạn sẽ rất khó chịu với cách làm việc của nhân viên văn phòng, cách phục vụ của nhân viên nhà hàng khách sạn, do sự chậm chạp trong suy nghĩ, thụ động và sợ trách nhiệm trong hành động, kể cả sự vô kỷ luật muốn nghỉ thì nghỉ luôn không cần báo trước.

Dần dần, người lao động cũng được đào tạo một cách bài bản hơn và tiến bộ hơn, trình độ và ý thức được nâng cao. Các công ty độc quyền hay được cưng chiều nay đã phải hạ mình để cạnh tranh với các đối thủ nước ngoài khác. Không phải ai khác, chính người dân được hưởng lợi từ sự cạnh tranh này.

Tuy vậy, giá nhà đất, giá cho thuê nhà tại thành phố cũng tăng như vũ bão do cầu lớn hơn cung, nhưng tôi tin sau khi cơ sở hạ tầng được xây dựng, nhiều nhà ở và khách sạn mọc lên thì giá cả sẽ ổn định trở lại.

Tất nhiên, với một đất nước đang phát triển nhanh thì sẽ khó tránh khỏi những hệ luỵ như ô nhiễm môi trường, tệ nạn xã hội, thuơng mại hóa, làm hỏng bộ mặt các danh lam thắng cảnh, các di tích lịch sử, v.v... Trong những vấn đề đó, đều cần sự quan tâm và quản lý tốt của chính phủ để việc phát triển và bảo tồn luôn song hàng vơi nhau.

Nhưng tôi vẫn phấn khởi với sự thay đổi tích cực và tiến đến thế giới văn minh hiện đại hơn của đất nước này, không thể chỉ vì sự hấp dẫn đối với khách du lịch muốn khám phá đất nước còn lạc hậu nghèo khó, hoang sơ mà lại không hào hứng với sự mở cửa, đem lại cuộc sống tốt hơn, thoải mái hơn, tiện nghi hơn cho người dân, để cho họ tối thiểu chỉ là có thể mua được cái sim điện thoại khi cần liên lạc với người thân.

Khi nhìn cô giúp việc của tôi có điện thoại thông minh, chụp ảnh “tự sướng”, chát viber với tôi, tôi lại buồn cười khi nghĩ chỉ hai năm trước tôi còn chưa dám dùng điện thoại.

Tác giả bài viết: Mai Quỳnh Anh, từ Myanmar