Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


MỘT TUẦN Ở TOKYO (1)

(NCTG) Nước Nhật khiến tôi nhớ lại một kỷ niệm thời trẻ con. Dạo đó tôi học lớp 7 tại một ngôi trường cấp 2 thị xã vùng biên, năm học ấy có tin vui - có thể nói là vui nhất từ trước đến giờ - đó là trường được một suất đi trại hè quốc tế tại Nhật Bản trong một tháng.

Những em bé Nhật kiên nhẫn mặc kimono để chụp hình, thật đáng yêu


Trẻ con miền núi, được về thủ đô ăn kem đã sướng lắm, nói gì đến đi nước ngoài. Người sướng âm ỉ và mừng như mở cờ trong bụng là tôi, vì xét về thành tích học tập hồi đó, tôi luôn đứng nhất trường, thêm giải nọ, giải kia, tôi cứ chắc mẩm mình sẽ được đi với ý nghĩ chắc ai nhiều thành tích nhất sẽ được chọn. Ai dè, sau đó, một thằng học lớp dưới tôi được đi, nó học cũng khá, nhưng nếu lực học như nó thì trường có khoảng chục đứa là ít. Nhưng tôi cũng không thắc mắc nhiều, đầu óc còn non nớt có xìu xuống một tí rồi lại vui ngay.

Cho đến một hôm, cô giáo chủ nhiệm của tôi chắc ấm ức quá, không nhịn được, nói với mấy đứa tôi rằng: “Cô buồn lắm, đáng nhẽ cả hội đồng nhà trường đã bầu cho Q.A đi Nhật rồi, thế mà cô P hiệu phó có ý kiến nên cho thằng H. học lớp 6A đi, vì bố nó làm Giám đốc, nhà có điều kiện, đi Nhật chắc cũng phải đóng góp thêm mà nhà Q.A bố mẹ là công nhân làm gì có tiền. Thực ra nhà trường đã xem xét vì thấy có lợi hơn khi cho H. đi vì bố nó sẽ có thêm đóng góp cho nhà trường về cơ sở vật chất”.

Lúc này thì tôi buồn thật và hụt hẫng, về nhà tôi hỏi mẹ sao nhà mình lại nghèo hả mẹ, làm mẹ tôi không biết trả lời ra sao, chỉ bảo tôi là sau này con lớn, con đi Nhật cũng được. Anh trai tôi thì cứ lẩm bẩm, chắc số mày không được xuất ngoại.

Sau này đi làm, tôi có điều kiện đi nhiều nước khác nhau, thế rồi tôi cũng có cơ hội đến Nhật Bản. Lúc đi, tôi cứ tủm tỉm nghĩ lại kỷ niệm hồi lớp 7 và nghĩ bụng, mẹ nói đúng, lớn lên con đi Nhật cũng được.

*

Chuyến đi đến Tokyo của tôi kéo dài 7 ngày, nhiệm vụ khá mệt mỏi. Tôi lo hậu cần và kiêm phiên dịch cho cả đoàn gồm 21 người đi thăm và học tập kinh nghiệm về an toàn vệ sinh lao động tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ, kinh nghiệm quản lý của cơ quan chính phủ, hoạt động của các tổ chức công đoàn tại Nhật, thăm và gặp gỡ Thứ trưởng Bộ Y tế và Lao động Nhật Bản, kèm theo một hội thảo lớn.

Lịch kín mít nên chẳng có tham vọng đi chơi nhiều. Tôi đã mua vé ở lại sau cùng 3 thành viên nữa để đi chơi thêm mà phải xin phép sếp và phải đảm bảo tất cả mọi người lên máy bay về Việt Nam không xảy ra sự cố gì.
 

Bay phía trên mặt trời


Chuyến bay xuyên đêm thật là mệt, ngủ ngồi ngật ngưỡng, tôi bị đánh thức bởi ánh mặt trời đỏ rực xiên qua cửa sổ. Chả hiểu sao mà gọi là đất nước mặt trời mọc nhưng biết là mới bảnh mắt có 4h30 sáng mà trời đã đỏ rực, chúng tôi như đang bay từ phía trên của mặt trời, nhìn xuống trông như cái lòng đỏ trứng gà muối. Tôi kéo cửa sổ xuống ngủ tiếp.

Hạ cánh

Sân bay Quốc tế Narita không đẹp như các sân bay quốc tế khác, nhìn buồn tẻ và xám ngắt. Khách làm thủ tục nhập cảnh xếp hàng theo hình dích dắc di chuyển khá chậm, có hẳn một nhân viên đi từng khách để kiểm tra xem viết bản khai nhập cảnh đã đúng chưa.

Đoàn của tôi khá đông, đã chiều cao khiêm tốn lại đứng xen lẫn với đoàn vận động viên bóng rổ của Nga, nhìn đúng là như tranh đả kích. Có cô đánh bóng rổ người dài như con hươu cao cổ, tôi nghĩ tôi chỉ đứng đến sườn cô ta, còn có bà lùn hơn có khi chỉ đứng đến cạp quần cô ấy. Mấy cô này cao nhưng mà không đẹp, nhìn sợ sợ thế nào ấy.

Đang xếp hàng yên ổn, một chị trong đoàn hoảng hốt vì không thấy hộ chiếu đâu. Lại cuống cuồng đi tìm, lột hết túi nọ túi kia không thấy, tôi phải tất tả chạy ra bàn dịch vụ để nhờ họ kiểm tra trên máy bay xem có đánh rơi không? May quá chị kia lại tìm thấy ở một ngăn nhỏ của chiếc túi. Tôi thở phào và tự nhủ hôm nay mới là ngày đầu tiên.

Dù trước khi đi đã yêu cầu mọi người đọc rõ nội quy của đoàn mà tôi vẫn lo có các trục trặc xảy ra. Y như rằng lại tiếp tục có vụ xảy ra, hai anh ở đoàn Thái Nguyên cầu cứu tôi vì bị hải quan giữ lại, một anh chẳng hiểu họ hỏi gì cứ thế hô “Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội”, tôi phì cười, ai họ hiểu gì mà anh nói thế. Hóa ra họ bắt các chàng bỏ lại túi mực, thịt bò khô. Tôi cũng phải mang hộ cho đứa bạn có họ hàng ở Tokyo một gói nem chua to đùng và ruốc thịt do nó khẳng định mang đi được, may mà không bị hỏi, hú vía.

Đoàn chúng tôi ra đến sảnh thì đã thấy Yoshi, chuyên gia kỹ thuật của văn phòng tôi đứng đón, anh làm tại Bangkok nhưng về Nhật đợt này để hỗ trợ chúng tôi khoản phiên dịch Anh-Nhật, còn tôi đảm nhận Anh-Việt, Yoshi còn thực hiện nhiệm vụ cao cả là điều phối viên, liên lạc viên và dẫn đường, vì xe cộ tại đây thuê cực đắt nên chúng tôi di chuyển chủ yếu bằng tàu điện ngầm.

Mà mạng lưới tàu điện ngầm tại Tokyo toàn được mã hóa bằng chữ cái và con số, nghe nói là gần như phức tạp nhất thế giới, nhìn bản đồ như ma trận với các loại đường xanh đỏ tím vàng, lại thêm các tàu địa phương, tàu thường, tàu siêu tốc, hoa hết cả mắt, chưa kể đến ba phần tư đoàn chúng tôi chưa ra nước ngoài bao giờ, tiếng Anh không biết, mà biết tiếng Anh ở Nhật cũng không phải lúc nào cũng sử dụng được. Nhiệm vụ của Yoshi xem ra khá khó khăn.

Đi làm

Sáng hôm sau đoàn bắt đầu khởi hành, Yoshi mang tiếng dân Tokyo nhưng đã ở nước ngoài hơn chục năm nên đi đâu anh cũng phải nghiên cứu bản đồ khá kỹ, đi đường nào, xuống ga nào, mấy ga nữa là xuống, v.v... Giờ cao điểm, di chuyển bằng tàu điện khá chật chội và khó khăn, có những ga lớn như ga Keio, Yoshi bảo một ngày có khoảng 1 triệu lượt người qua lại, lên đến tàu là đứng chật như nêm, nhất là sợ lạc mất ai đó thì hỏng hết việc vì đã hẹn các văn phòng, đúng giờ phải có mặt, người Nhật mà, không phải Việt Nam mà giờ cao su được.

Hôm ở nhà đi, tôi đã tính mua cho mỗi đồng chí một chiếc mũ lưỡi trai giống nhau, nhưng sợ các đồng chí tự ái, sợ nhìn giống khách du lịch Trung Quốc, nên lại thôi. Ra đến ga tàu điện, thật là tá hỏa, đoàn mình mặc veston, hòa cùng hàng trăm hàng ngàn người đi lại như mắc cửi, không biết ai mà lần, dân Nhật đi như chạy, đầu cắm về phía trước, không ai nói câu nào, nghiêm phăng phắc, lên tàu là người thì cầm điện thoại, người thì đeo tai nghe, người thì đọc sách, họ dành cả ngày mấy tiếng đi lại trên tàu nên tìm cách để thư giãn, đặc biệt để..ngủ, đứng ngủ, ngồi ngủ.

Trước khi tàu đến, Yoshi tập hợp cả đoàn, quy định ai đi đầu, ai đi cuối, ai đi giữa, đoàn tỉnh nào kiểm người đoàn tỉnh đó, đề phòng thất lạc. Nhìn cả đoàn nhớn nhác, vừa phải đi nhanh, vừa phải nhìn nhau xem có đủ người không, tôi cứ phì cười. Yoshi đi đầu cầm cái ô chưa xòe, cứ giơ lên thụt xuống như diễu binh, hài không thể tả.

Ở Nhật, đa phần đàn ông đi làm nên nhìn ở ga tàu điện ngầm thì toàn một màu áo xám ngắt, thi thoảng có một thanh niên phá cách, tóc tai bờm xờm, quần áo bó sát, xích đeo xủng xoảng từ thắt lưng đến gót chân, rất gớm. Hay có vài cô trời thì lạnh mà mặc quần siêu ngắn, hở đùi trần, nhưng dưới đi bốt có lông lòe xòe như con chó cảnh, tóc thì nhuộm vàng hoặc bạch kim, trang điểm rất ấn tượng và màu sắc chói lọi. Nghe nói trước đây có nạn quấy rối tình dục trên tàu nên những chuyến tàu dành hẳn một toa cho phụ nữ. Trẻ em thì ít gặp ở tàu điện ngầm vì chắc đều đi xe buýt đi học.

Cả ngày chúng tôi di chuyển khá nhiều, có ngày đi bộ đến cả chục cây số, đi bộ rạc cả cẳng, ăn trưa cũng vội vàng, thường là dừng ở các trung tâm ăn uống, mua cơm hộp hoặc vào các nhà hàng ăn nhanh trong 30 phút lại tiếp tục lên đường. Đi họp thì phải ăn mặc lịch sự, tôi đã sắm đôi giày da bệt nhưng cả bàn chân vẫn đau nhức không chịu nổi. Đi bộ đã mệt, tôi còn phải nói luôn miệng, lúc đi ở ngoài thì phải đôn đốc mọi người đi khẩn trương, đúng hướng.

Đến nơi họp thì mọi người ngồi thở, còn tôi bắt đầu tay ghi, mồm nói. Mà lại phải đợi dịch từ Nhật sang Anh rồi mới từ Anh sang Việt rồi lại ngược lại, thành ra cuộc họp nào cũng dài gấp 3 thời gian. Cả tuần cứ như thế, tôi mệt nhoài, chiều xong việc thì lại tranh thủ đi chơi thăm thành phố, thế nên chân lại càng đau gấp bội, có hôm về đến khách sạn, tôi phải nhờ người dìu vì đi không nổi.

Nghĩ ra ở Việt Nam vẫn sướng khoản thuê xe đi tiện lợi và rẻ hơn bao nhiêu. Ở Nhật, nếu mở cửa taxi là đã 750 hay 780 Yên, tương đương với 200 ngàn đồng. Được cái là taxi rất đẹp, xịn, sang, cửa đóng tự động, mỗi tội đắt lè lưỡi.

Tranh thủ đi chơi

Chúng tôi dù với lịch làm việc dày đặc, vẫn cố gắng tìm ra vài chỗ hổng để đi chơi. Nhăm nhăm trên tay là cái bản đồ các nơi đáng tham quan ở Tokyo, chúng tôi lấy bút khoanh tròn chỗ nào muốn đi và gần hay tiện lợi nhất. Đoàn có anh Cục trưởng đã từng đi Nhật, chúng tôi rủ rê nhập thành một nhóm tự đi riêng.


Công viên Ueno có hơn 3.000 gốc cây hoa anh đào và là nơi nổi tiếng để du khách ngắm hoa hàng năm. Thật tiếc khi chúng tôi đến là cuối tháng 10, không phải mùa hoa, chỉ có hai rặng cây xanh mát hun hút trải dài, với những gốc cây xù xì cổ kính


Phải nói rằng Tokyo có vẻ đẹp hiện đại pha lẫn hài hòa với sự cổ kính, những khu phố nhiều tòa nhà cao tầng đèn sáng suốt đêm, nhộn nhịp mua sắm như Ginza, Akihabara hay những mái chùa, mái đền nằm khuất trong những khu vườn tuyệt đẹp. Khí hậu ở Tokyo khi đó hơi se lạnh nhưng nắng vàng. Năm nay mùa thu đến muộn nên chúng tôi lỡ dịp ngắm lá đỏ, lá vàng ở Tokyo, nghe đâu phải ra ngoại ô thì có thể ngắm được nhiều hơn.
 
Chúng tôi cũng đến thăm đền Meiji tình cờ vào một ngày lễ, được ngắm rất nhiều người lớn và trẻ em mặc lễ phục cổ truyền kimono và các hoạt động văn hóa rất đặc sắc, dù cho không có thời gian tìm hiểu hay có hướng dẫn viên, nhưng ai cũng thích không khí ở đây, rất trang nghiêm và đậm đà bản sắc, được ngắm thêm lễ hội hoa trưng bày các loại hoa cúc Nhật.
 

Những mái cổng đền cổ kính

 

Trưng bày các loại hoa cúc



Uống nước và rửa tay sạch trước khi vào đền

 

Cá bơi ở hồ tại cung điện của Vua Nhật, nơi đây có những khu vườn tuyệt đẹp và yên tĩnh



Một gian hàng bánh kẹo cổ truyền của Nhật tại khu Akasuka, đặc sản là các loại bánh gạo, với đủ màu sắc và hình thức khác nhau. Người Nhật nổi tiếng cầu kỳ về mặt bày biện, hình thức, chưa biết ăn có phù hợp khẩu vị hay không nhưng nhìn là đã muốn ăn rồi

 
Ngày cuối cùng, tôi ở lại thì không gặp may, trời đổ mưa và lạnh buốt, mấy người định rủ nhau đi xem núi Phú Sỹ thì thời tiết không ủng hộ, cuối cùng hẹn nhau đi Disney Land để “trở về tuổi thơ” và đi cùng hai con trai của Yoshi cho vui. Hai đứa ở Bangkok từ nhỏ nên cũng chưa được đi Disney Land bao giờ.

Chúng tôi đi chơi đúng ngày hội Halloween, dù mưa rét căm căm mà dân Nhật mặc áo mưa đi chơi như trẩy hội. Vì đông quá nên xếp hàng vào các khu vui chơi rất lâu, lại rét, nên đoàn quyết định quay về sớm sau khoảng 4 điểm vui chơi, trong đó có một phim 4 D về Michael Jackson dài 40 phút được nghe hát tưng bừng, có anh xem phim xong thì lẩm bẩm “mất tiền đi xem mà bị con voi nó tè vào mặt”, cả đoàn dù hơi thất vọng vì phải về sớm, mà vé vào cửa quy ra tiền Việt là khoảng 1,5 triệu cho 1 ngày chơi thoải mái, nhưng tự an ủi nhau là đi cho biết.


Dân Nhật đi đông thế này, chẳng nhẽ mình tận Hà Nội sang lại không đi nhỉ?

Kinh nghiệm là đi chơi những chỗ này nên đi vào ngày thường, nếu không chỉ có xếp hàng là hết thời gian.

Mua sắm

Ở Tokyo đi mua sắm thật tiện lợi, các ga tàu điện ngầm thường dừng ngay tại những khu mua sắm sầm uất, cửa hàng cửa hiệu ở khắp mọi nơi, hàng hóa cực kỳ phong phú, giá cả có thể nói là bình ổn như tuyệt đối. Tôi thấy cùng một đôi tất hay chỉ một phong kẹo thì ở cả chục cửa hàng là giá bằng nhau, từ những gian hàng nhỏ của tư nhân hay siêu thị lớn hơn (trừ các chỗ bán giảm giá vì hết size, hay sắp hết hàng).

Đặc biệt hơn là hàng ở sân bay Narita không hề đắt hơn hàng cùng loại trong thành phố. Giá cả y như nhau chứ không đắt gấp 2-3 lần như ở sân bay của Việt Nam, Bangkok, Singapore hay các sân bay khác tôi đã qua. Nếu vội hoặc quên mua gì thì khách du lịch hoàn toàn có thể mua tại sân bay mà không sợ bị giá cao. Tuy nhiên, hàng hóa tại Tokyo thì đắt, nhưng cậu bạn của tôi đã ở Tokyo 8 năm nói rằng chất lượng thì có thể yên tâm, ít có đồ quá đát hay hỏng lỗi mang ra bán.

Không ngờ đoàn của tôi đi từ tháng 10 năm ngoái mà đã có tinh thần tẩy chay hàng Tàu rất nhiệt tình, các anh, các chị mua cái gì là săm soi xem “Made in Japan” hay “Made in China”, họ bảo mua quà từ Nhật về mà “Made in China” thì mang tiếng, thế là từ cái cắt móng tay đến thỏi son dưỡng môi cũng phải sản xuất tại Nhật thì mới mua, có loại họ chả ghi là sản xuất ở đâu, chỉ toàn tiếng Nhật cũng mua nốt.

Phải tội là hàng made in China tràn khắp mọi nơi, ngay cả ở khu phố bán đồ điện tử Akihabara mà có cửa hàng còn phải treo biển quảng cáo là “có hàng made in Japan”.

Người Nhật bán hàng rất hiếu khách, ai vào là họ reo lên chào rất to, khi tính tiền, trả lại tiền thừa họ cũng cám ơn rất to, nếu nghe không hiểu cứ tưởng họ hát, mà sao họ khỏe thế, từ sáng đến tối cả gian hàng có hai nhân viên mà họ phục vụ tận tình, giọng sang sảng chào như hát cả ngày mà không biết mệt.

Khu Ginza là thiên đường mua sắm hàng hiệu, chúng tôi chỉ ngó và xem cho biết, còn nếu nướng tiền vào một cái túi dạng như Hermes thì chắc treo niêu cả năm.

Ăn uống

Cảm nhận của tôi là đồ ăn Nhật nhìn chung là ngon, bổ dưỡng và đẹp mắt, nhưng không phải cái gì cũng hợp.


Hộp cơm dã chiến chúng tôi ăn tại bàn họp được đơn vị bạn chuẩn bị, nhìn bên ngoài như hộp quà buộc nơ, ở trong thì hấp dẫn đẹp mắt thế này, ăn cũng rất ngon và đủ chất


Bình thường đi ăn nhà hàng, gọi món chỉ tay vào thực đơn thì không sợ nhầm, thấy món nào chắc chắn ngon là ngon. Nhưng cũng có hôm gặp nạn, hôm đó đoàn đi ra ngoài địa phận Tokyo, trời rét 7 độ, dừng ăn trưa ở ga, mấy người chúng tôi chọn quán mỳ, mà phải mua thẻ từ máy ở ngoài, trên cao có cái thực đơn bằng tiếng Nhật thì có ảnh món ăn, nhưng khi bấm vào máy thì chỉ có chữ, không có ảnh.

Anh bạn bảo tôi, em cứ để anh, anh chép chữ bằng mắt rồi chỉ cho em bấm nút nào nhé. Ôi giời, bảo ăn đĩa mỳ xào nóng ngon lành, thì anh chép chữ thế nào mà bấm ngay vào nút ra phiếu mua bát mỳ lạnh.

Lúc bà bán hàng đưa bát mỳ lạnh ngắt, kèm theo một bát nước xốt, lại có quả trứng chim cút sống đập vào, tôi xua tay bảo không phải, bà ấy chả hiểu nói một tràng tiếng Nhật, biết mình nhầm rồi, cố vào ăn sợi mỳ không, lạnh ngắt và nhạt vì không dám chấm cái nước chấm kia. Mấy người mua sau, rút kinh nghiệm bấm nút khác nên họ được ăn mỳ nóng, làm tôi thèm quá mà hết thời gian nghỉ để ăn bát khác.

Phần 2: Những người bạn Nhật Bản

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Mai Quỳnh Anh, từ Hà Nội