Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


MỘT THOÁNG LUANG PRABANG

(NCTG) “Những nhà sư ở Lào thường là những các cậu sư ở độ tuổi thiếu niên nhanh nhẹn hoạt bát, hay cười và rất dễ mến, họ đi trên phố, hòa chung vào dòng người, sắc áo cam rực lên dưới nắng... Đẹp đến nỗi tôi ngỡ mình bị thôi miên”.


Du lịch bụi dường như chỉ dành cho những cá tính khác biệt và những thể chất khỏe mạnh. Nhưng đôi khi có vài ngoại lệ, trong đó có tôi: tôi hiền hiền, yếu ẻo lả, và chỉ có mỗi ít tiền.

Tôi chọn Lào bởi hình ảnh những nhà tu hành hàng dài đi khất thực trên phố. Thế là lên lịch trình mà chả quan tâm đến việc mình dốt đặc ngoại ngữ.

Luang Prabang đón tôi với cái vẻ quý tộc giản dị. Những nhà khách xinh xắn và lối cư xử lịch duyệt, nhỏ nhẹ của chủ nhà làm tôi mến Luang Prabang ngay từ giây phút đầu tiên.

Cư dân Luang Prabang thể hiện sự chu đáo, mến khách bằng nhiều cách, trong đó cách dễ thương nhất là họ kê những bộ bàn ghế ngoài hiên nhà, ngay sát vỉa hè để khách bộ hành dừng chân khi mỏi. Ngoài ra bạn có thể dừng bất cứ ai lại để xin phép chụp ảnh cùng mà không sợ bị từ chối hay bị khó chịu.



Tinh thần Phật giáo vừa ăn sâu, vừa bao trùm, vừa hiện hữu ở cố đô đã tạo nét quyến rũ riêng của nơi này - đó là vẻ thanh bình, là lối sống thong thả, thật thà, là sự tinh tươm của phố xá, là cả sắc áo cam rực rỡ của những nhà tu hành và những kiến trúc thếp vàng lộng lẫy.

Cứ nghĩ đến những nhà tu hành là tôi liên tưởng tới những ông sư gầy gò, vẻ mặt buồn vô hồn và khổ hạnh. Nhưng các nhà sư ở Lào thì không phải vậy. Họ thường là những cậu sư ở độ tuổi thiếu niên nhanh nhẹn hoạt bát, hay cười và rất dễ mến, đi trên phố hòa chung vào dòng người, sắc áo cam rực lên dưới nắng... Đẹp đến nỗi tôi ngỡ mình bị thôi miên.

Tôi may mắn kết bạn được với Meng Yang, một nhà sư mười lăm tuổi, giỏi tiếng Anh khiến tôi rất ngạc nhiên. Hỏi tại sao cậu lại đi tu, cậu nói rằng tu hành là cách tốt nhất để học hỏi. Hiện tại chúng tôi vẫn trò chuyện qua faceboob, nhưng vì tôi dốt tiếng Anh quá nên chẳng nói được nhiều.



Tôi chủ ý tìm mãi đoàn sư đi khất thực mà không thấy, sắp phải rời Luang Prabang rồi mà ước mơ chưa được thỏa nguyện. Tôi cứ buồn mãi, tự trách mình không chịu tìm hiểu. Về sau mới biết là họ chỉ đi trong khoảng thời gian từ sáu giờ đến sáu giờ rưỡi sáng.  

Và cuối cùng, tôi đã được nhìn tận mắt hình ảnh xúc động đó khi đến Vientian, lúc trời còn mờ tối. Khi các cậu bé – nhà sư ấy đọc kinh cảm ơn người bố thí, tôi nghe tim mình rộn lên, và muốn khóc.

Rời đất nước Triệu voi, tôi vẫn còn một vài hối tiếc. Một cái tết nào đó, khi muốn trốn lễ nghi và tiệc tùng nhiêu khê, tôi sẽ đi.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Đỗ Thị Quỳnh Nga, từ Hà Nội