Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


MỘT GÓC ĐÊM BUDAPEST

(NCTG) “Và trong đầu mình chợt vang lên bản nhạc mà lúc nãy người nghệ sĩ đường phố đã chơi. Bản nhạc, lạ lùng và ngẫu nhiên sao, hình như rất hợp với mình, lúc này... “Biết dùng lời rất khó, để mà nói rõ...”.

Tác giả tại Budapest, bên tượng đài cố Thủ tướng Nagy Imre


Buổi tối, ăn uống xong xuôi, ngồi nghĩ ngợi, giờ mà ngủ luôn thì phí quá, dẫu sao mình cũng chẳng có nhiều thời gian ở Budapest nhỉ. Thôi nào, một, hai, ba, cố gắng ra khỏi nhà xem thành phố xinh đẹp này ban đêm thế nào nhé.

Chỗ mình ở gần sông, cũng gần phố chính. Đi dọc bờ sông một tí là đã thấy mặt bên của Nhà Quốc hội. Ban đầu mình còn không nhận ra vì nhìn từ góc khác, đã nghĩ đấy là một... nhà thờ nào cơ đấy. Ồ, mà tít trên cao là cơ man cái gì màu trắng thế nhỉ? Như những con chim, tất nhiên chỉ có thể là chim, nhưng bay lờ đờ y như bị thôi miên, chả giống chim thật... chắc là chim giấy? Nhưng chim giấy làm sao bay được hiên ngang thế kia, không lẽ họ buộc dây gì từ nóc Nhà Quốc hội đến những con chim ấy?

Mình đã thắc mắc như thế mãi cho đến sau này mới hỏi được “làm sao mấy con chim ấy bay được cơ?” và nhận được một tràng cười chảy nước mắt từ anh, một “thổ công” Việt ở xứ này: “Chết mất, chim thật thì phải bay được chứ sao, ai hơi đâu buộc chim giả vào đấy cơ chứ! Mà rất lạ đấy nhé, ở đây có rất nhiều tòa nhà khác cũng cao ráo đâu có kém cạnh gì, thế mà chim chỉ toàn bay xung quanh nóc Nhà Quốc hội thôi, không ai lý giải được”.


Một góc Nhà Quốc hội Hungary trong màn đêm với những chú chim... giấy


Hừm, mình nghĩ, chim thật gì bay kỳ thế nhỉ, rất chậm và rất đông, lại vào thời gian lẽ ra chim chóc phải ngủ yên lành trong tổ rồi. Hay là chim cũng... biểu tình nhỉ. (Vì mình có nghe nói người dân Hungary hay ra biểu tình tại quảng trường trước mặt tiền Nhà Quốc hội, phải chăng ban ngày thì người, ban đêm đến chim cũng bắt chước?).

Mặt chính diện của Nhà Quốc hội tuy vắng vẻ nhưng vẫn có lác đác vài chiếc ô tô, đôi ba người dừng lại chụp hình. Họ cũng nhằm toàn cảnh tòa nhà Quốc hội với mấy con chim, đấy, không phải chỉ mình mình thấy lạ nhỉ. Nhà Quốc hội ban đêm nhìn đẹp hơn ban ngày vì không có quá nhiều xe cộ đậu ngay trước cửa - vả lại, hình như bóng đêm khiến tòa nhà nhìn cũng huyền ảo hơn.

Con đường Hiến pháp, rồi Viện Bảo tàng Dân tộc học phía bên kia đường, ban ngày đã rất đẹp rồi, nay buổi tối nhìn càng thấy long lanh hơn sau những rặng cây, tất cả đều rất yên tĩnh và thanh bình. Mình ngồi nghỉ chân trên chiếc ghế trong công viên nhỏ ở phía trái Nhà Quốc Hội, nghe nói cả khu vực này sẽ bị thay đổi trong đợt quy hoạch sắp tới, sẽ có chỗ cho người biểu tình đứng ngồi biểu tình, sẽ chỉ có người đi bộ hay sao đấy.


Viện Bảo tàng Dân tộc học


Nếu đúng vậy thì mình bỏ phiếu tán thành vì như hiện tại, bãi đậu xe ô tô và những bồn hoa trước cửa Quốc hội cứ lộn xộn và không đẹp lắm, theo ý riêng ý của mình. Mà nhắc đến biểu tình thì ngay trước mắt mình, cách vài chục mét thôi, có vài lều trại dựng lên tạm thời, trong đó thấy có vài người và một cái máy ra rả phát thanh gì đấy, ở ngoài dán mấy áp-phích, mặt người - dường như là chính khách? - bị gạch xóa, lại có thêm mấy anh cảnh sát đứng nói cười ngay gần. Mình đồ rằng có lẽ cũng là một dạng chống đối hay biểu tình chăng, nhưng cũng không tìm hiểu kỹ hơn.

Mình rời khu nhà Quốc hội, thử leo lên cái tàu điện số 2 vừa dừng bánh để đỡ một chặng cuốc bộ. Tàu chạy ven sông Danube, chỉ một ga là tới chỗ mình thôi mà, nhưng sao lại lâu thế này nhỉ? Chết thật, hay buổi đêm đi tàu điện được khuyến mãi? Bến đậu gần nhất hóa ra cách nơi mình cần xuống khá xa, nhưng may quá, tàu dừng ngay tại chân cầu Sư Tử, đúng điểm mình muốn đến vào ban ngày nhưng vì nắng quá nên ngại, sợ leo trèo sinh mệt...


Cầu Sư Tử


Đi dạo trên cầu trong bóng đêm quả là thích, gió mát lộng, đèn nhiều và thật lung linh, nhìn đâu cũng đẹp hoa cả mắt không biết nên chụp chỗ nào trước chỗ nào sau. Phóng tầm mắt ra xa, một bên bờ là Nhà Quốc hội, bên kia là Thành Cổ Buda. Đằng trước mình là cầu khác, đằng sau cũng là cầu khác, và bên dưới là dòng Danube thơ mộng. Mình ngắm nghía không chán hai chú (hay là bác/ông nhỉ?) sư tử ở đầu cầu, nhớ truyền thuyết bị chỉ trích tại sao tượng sư tử không có lưỡi, người tạc tượng đã nhảy xuống sông tự vẫn vì không thể đợi đến ngày được minh oan bởi ở tư thế như thế, không có cách nào nhìn thấy lưỡi của sư tử cả...

Mình để ý dù đã vào đêm, nhưng vẫn có rất nhiều người đang dạo chơi, có người rong ruổi xe đạp thong dong, và rất nhiều đôi tình nhân dừng lại hôn nhau nồng nàn, trong khi đôi khác kẻ đứng người ngồi phía trên rất trìu mến. Mình lia máy ảnh chụp vội mà chỉ sợ bị phát hiện vì xâm phạm quyền riêng tư. Nhưng, ô kìa, hình như Budapest cũng ủng hộ tình yêu khi bỗng nhiên, ánh sáng trên cầu dường như biến mất, chỉ còn lại gió mơn man và bầu trời tối thẫm. Đồng hồ điểm 12h đêm...


Những cặp nhân tình tay trong tay


Và kỳ diệu hơn nữa là một giai điệu quen thuộc, êm dịu và du dương đang lan ra bao trùm bầu không khí ấy. Hay là mình tưởng tượng? Nhưng thật mà, trước mặt mình là một người đàn ông đang kéo đàn vĩ cầm ở khoảng giữa cầu. Ông niềm nở hỏi mình từ đâu đến, rồi chào mình bằng đúng ngôn ngữ ấy. Mình đã rất vui như gặp đồng hương, cười hớn hở và dợm bước định đi thì ông lại bảo, “cô thử chụp một cái ảnh cầm đàn nhé”: “Đây, để tôi chỉ cho nào, ngón tay ở đây, cằm tì vào đây, cầm chắc vào nhé kẻo đàn bay xuống sông đấy...”.

Và thế đấy, thật bất ngờ, mình đã có một tấm ảnh chụp đang kéo vĩ cầm y như thật ngay trên cây cầu cổ nhất bắc ngang sông Danube vào lúc 12 giờ đêm, thời khắc bắt đầu một ngày mới, giữa lòng thành phố Budapest rất rất đáng yêu này. Rồi mình đi qua hết cầu Sư Tử, tới cột mốc số 0 và đứng sát chân Thành Cổ. Đã nghe bao nhiêu, thấy ảnh cũng rất nhiều, và bây giờ, mình đã đến đây, tiếc là rất muộn rồi và nhìn lên thấy toàn cây cối cũng hơi sợ. (Còn tiếc hơn là rồi cuối cùng suốt cả mấy ngày ở Budapest, mình đã không có lúc nào lên Thành để tham quan).


Điều bất ngờ kỳ diệu trong đêm Budapest


Lại thong thả tản bộ đi về. Trước khi đến đây, mình đã được cảnh báo phải cẩn thận nhé, nhưng đến giờ này hình như mình mất hết cả tinh thần cảnh giác. Budapest yên bình, trong lành và rất đẹp với những con đường, những tòa nhà cổ kính không cái nào giống cái nào, khiến mình cũng thấy mềm mại ra, tươi tắn và khỏe khoắn hơn sau rất nhiều những di chuyển tưởng như bất tận trong một khoảng thời gian ngắn.

Và trong đầu mình chợt vang lên bản nhạc mà lúc nãy người nghệ sĩ đường phố đã chơi. Bản nhạc, lạ lùng và ngẫu nhiên sao, hình như rất hợp với mình, lúc này... “Biết dùng lời rất khó, để mà nói rõ...”. (*)

Chùm ảnh Budapest về đêm của Lê Vân:

































Ghi chú:
 
(*) Nhạc phẩm “Chuyện tình” (Love Story) của Francis Lai, lời Việt Phạm Duy.

Tác giả bài viết: Bài và ảnh: Lê Vân, từ Kawanishi (Nhật Bản)