Nhịp Cầu Thế Giới Online

http://nhipcauthegioi.hu


MÓN QUÀ GIÁNG SINH

(NCTG) “Bé hãy cùng tôi hy vọng người lớn sẽ biết điều, để, với khả năng tuy nhỏ bé của từng người, tranh đấu cho hòa bình, cho ngày mai của tất cả trẻ em trên thế giới”.
Ông già Noel với bảng ghi tên người nhận thư  “Ông già Noel” và địa chỉ của Bưu cục “Cổng Thiên Đường” - Ảnh của Bưu cục
Từ khi bắt đầu mở cửa hoạt động vào ngày 16-11 cho đến ngày 17-12-2017 vừa qua, chi nhánh đặc biệt  “Bưu cục Giáng sinh” ở khu phố Himmelpfort (“Cổng Thiên Đường”) thuộc thị trấn Fürstenberg, tiểu bang Brandenburg, CHLB Đức, đã nhận được trên 250.000 bức thư, thiệp bằng nhiều thứ tiếng của các trẻ em và cả một số người lớn từ 60 nước gửi đến cho Ông già Noel ở  “Cổng Thiên Đường”.

Những người lớn viết thư thường là người sưu tầm tem và họ mong sẽ nhận được từ ông già Noel thư trả lời có dán một con tem được phát hành riêng nhân lễ Giáng sinh. Vào năm 2014, một cụ già 94 tuổi cũng đã viết thư gửi cho ông già Noel ở  “Cổng Thiên Đường” chỉ với mơ ước duy nhất là trước khi nhắm mắt đã có lần trong đời nhận được thư của Ông già Noel.

Thư của các em bé gửi đến Ông già Noel luôn được kèm theo một hay nhiều nguyện vọng. Từ vài chục năm nay, hang năm vào khoảng trung tuần tháng Mười một, Cơ quan Bưu chính Đức lại cho mở cửa chín chi nhánh đặc biệt  “Bưu cục Giáng sinh” trên toàn Liên bang nhân mùa lễ Giáng sinh tại những thôn xã hay thành phố có địa danh  “Thiên Đường”, “Thiên Môn”, “Thiên Thần” để nhận thư gửi đến cho Ông già Noel. Từ đó, Ông già Noel với chòm râu bạc trắng và bộ quần áo mầu đỏ thắm rộng thùng thình chễm chệ ngồi ở bàn đón tiếp các em đến đưa thư tận tay.

Cùng với 20 cộng sự viên tình nguyện ở  “Cổng Thiên Đường”, ông sẽ ngồi vào bàn viết trong văn phòng của ông để trả lời tất cả thư của các em gửi đến. Chậm nhất là vào ngày 24-12 các em sẽ nhận được hồi âm của ông. Thường thì các em bày tỏ trong thư nguyện vọng được một món đồ chơi, một hộp bánh kẹo nhân lễ Giáng sinh hay xin ông nói cô giáo cho em điểm tốt trong bài tập lần tới.

Nhưng cũng có em cầu mong được hòa bình, gia đình êm ấm, bố mẹ hết cãi nhau hoặc xin cho ông hay bà đang ốm được khỏe mạnh lại hay có khi chỉ xin Ông già Noel cho tuyết rơi vào ngày Giáng sinh để lại có được một  “Lễ Giáng sinh trắng”. Có em thì lại gửi đến ông một cái thiệp mà tự tay em đã làm rất công phu với những hình vẽ có đề tài Giáng sinh kèm theo những lời chúc tụng đẹp nhất.

Theo Bưu điện Đức thì trong số trên hai trăm ngàn bức thư và thiệp gửi đến “Bưu cục Giáng sinh” ở  “Cổng Thiên Đường” có thư của em bé gái Sophie bảy tuổi ở thành phố Potsdam, tiểu bang Brandenburg, gửi đến ông già Noel với nguyện vọng là xin Ông già Noel cho em một cái kính mà khi đeo vào thì em nhìn thấy được hết tương lai!

Thương bé quá. Tôi cứ suy nghĩ mãi nhưng không biết động cơ nào đã thúc đẩy một cô bé bẩy tuổi có một ước vọng như vậy? Thường thì trẻ em độ tuổi này đã phát triển trí tưởng tượng và óc hiếu kỳ, đã nghĩ ra được những trò chơi lạ lùng, những mơ ước thần tiên. Một cậu bé cũng lên bảy đã viết thư cho Ông già Noel ở Himmelpfort cách đây vài ngày với mong ước có được một cái máy có thể biến các bông cải Brussels thành những chiếc kẹo dẻo hình các con thú. Nhưng một em bé chưa đến mười tuổi đã mong được mang một cặp kính nhìn thấy tương lai.

Có thể em rất tò mò nôn nóng muốn biết trước tất cả mọi điều. Hay có thể em đã trải nghiệm một điều bất ngờ không hay nên đâm ra sợ hãi và muốn biết trước mọi việc cho chắc ăn để khỏi chịu một sự ngạc nhiên đáng chán.
 
Phòng làm việc của Ông già Noel tại “Bưu cục Giáng sinh” mang tên “Cổng Thiên Đường” - Ảnh của Bưu cục
Phòng làm việc của Ông già Noel tại “Bưu cục Giáng sinh” mang tên “Cổng Thiên Đường” - Ảnh của Bưu cục

Em bé của tôi ơi, sao bé lại mong biết trước tương lai thế nào? Bé không thích mỗi ngày khi thức dậy thì sẽ bất ngờ trải nghiệm một điều mới lạ mà bé không biết trước hay sao? Bé không nhớ hồi năm ngoái bé đã hồi hộp, rạo rực suốt cả tuần không ngủ được và nôn nao chờ đến tối 24-12 khi các món quà được mở ra và bé đã mừng rỡ nhận được con gấu túi đen trắng có cặp mắt tròn xoe ngơ ngác ôm một cành bạch đàn nhiều lá như bé đã mong ước hay sao? Nếu biết trước chắc chắn sẽ nhận được món quà đó thì làm gì mà bé lại có niềm vui to lớn như lần đấy được và bé sẽ không còn sự hồi hộp mong chờ nữa?

Có thể là hôm qua trời mưa tuyết rơi bẩn và bé sợ ra đường sẽ bị ngã. Nhưng sáng nay khi thức dậy nhìn ra cửa sổ thì bé đã thấy trời xanh trở lại và tuyết đã tan, để bé lại dễ dàng tung tăng đến trường? Và bé lại vui trở lại khi vào lớp đã thấy cô bạn cùng bàn đang chuyện trò ríu rít. Bé cứ tưởng cô bạn nói nhiều như sáo đấy còn phải nghỉ lâu ngày vì nghe nói cô ấy bị ốm nặng? Nếu bé biết trước thì niềm vui sẽ không lớn phải không nào? Vì không có sự ngạc nhiên bất ngờ, nỗi vui mừng không biết trước?

Mà ở tuổi bé thì bé đã biết cách đối phó với những tình huống thử thách, biết tưởng tượng ra những trò chơi lạ lùng. Bây giờ nếu bé nhìn vào kính và thấy được cách giải quyết một vấn đề làm bé suy nghĩ thì chắc chắn bé sẽ bị cụt hứng vì không được vận dụng đầu óc để suy nghĩ và rồi sẽ không có niềm tự hào đã tự tìm ra được câu đáp. Mà bé là người thích vận động trí óc để suy nghĩ, tưởng tượng cơ mà. Ở độ tuổi 6-7 bé đã bắt đầu thích sự độc lập chứ đâu cứ muốn nhờ vả ông bà, bố mẹ hay nhờ vào cái kính để biết trước tương lai? Bé hãy mạnh dạn tự do bắt đầu đi những bước dài trên con đường đầy những sự ngạc nhiên thích thú. Mà bé thì vẫn thích thử trò chơi này, món ăn nọ xem nó thú vị hoặc ngon không. Nếu biết trước thì bé sẽ không còn dùng đến khả năng nhận xét, đánh giá nữa. Như thế thì sẽ uổng lắm đấy. 

Như tất cả các em bé và cả người lớn nữa, ai cũng mong có được những điều tốt đẹp, những kêt quả mỹ mãn. Nhưng nếu mình không cố gắng chăm chỉ học thì làm sao có được điểm tốt? Như vậy đâu cần phải có cặp kính mới biết được là sẽ nhận điểm tốt phải không nào? Điều quan trọng là phải chăm chỉ, cố gắng. Nếu bé lười biếng không chịu học thì chẳng cẩn mang kính bé cũng biết trước là cô giáo không thể nào cho bé điểm cao nếu bé làm bài sai bét? Như thế chính bé tạo ra một tương lai tốt đẹp hay không tốt đẹp. Vậy thì mình có cần mang cái kính đấy không?

Cũng như nếu khi nào bé cũng vui vẻ, thành thật với các bạn thì bé sẽ biết chắc các bạn sẽ thương mến bé, thông cảm, an ủi bé khi bé gặp chuyện không vui và cùng chia sẻ niềm vinh dự khi bé được giải nhất môn nhẩy cao. Cũng như nếu bé chịu khó thường xuyên tưới cây thì cây sẽ xanh tốt chứ không bị chết. Thế là bé cũng đã biết tương lai của cây ra sao. Dĩ nhiên có khi cây chết tuy bé chăm tưới nó. Nhưng rồi với sự hiếu kỳ, thích tìm hiểu và sự giúp đỡ của bố mẹ hay cô giáo thì bé chắc chắn sẽ được giải thích lý do. Có khi cả bố mẹ hay cô giáo cũng không giải thích ngay cho bé hiểu nhưng hãy kiên nhẫn bé ạ. 

Dĩ nhiên không phải lúc nào mình cũng có được kết quả tốt nếu mình cố gắng, chăm chỉ. Cũng như không phải lúc nào mình cũng sẽ dược yêu thương nếu mình chân tình, vui vẻ với mọi người chung quanh. Có khi vì một lý do nào đó mà mình chưa hiểu được. Nhưng điều này không có nghĩa là mình không bao giờ biết được lý do. 

Có lẽ mỗi người lớn chúng tôi chứ không phải chỉ các em bé cũng nên mong được một cái kính nhìn thấy tương lai. Người lớn có khi lười biếng nên không chịu tự hình dung được tương lai của mỗi người và của tất cả mọi người cũng như mọi sinh vật trên quả đất. Cặp kính sẽ cho người lớn nhìn ra thảm họa một cuộc chiến tranh hạt nhân, nhìn thấy trước cái chết của chính bản thân trong một trận cuồng phong, nhìn thấy địa cầu biến thành sa mạc và những đợt sóng thần cuống trôi tất cả ra biển lớn, những người lớn và trẻ em bị chết trên đường chạy trốn bom đạn, chiến tranh.

Bé hãy cùng tôi hy vọng người lớn sẽ biết điều, để, với khả năng tuy nhỏ bé của từng người, tranh đấu cho hòa bình, cho ngày mai của tất cả trẻ em trên thế giới.

Như thế, không cần cái kính nhìn thấy tương lai nhưng với đôi mắt của chính mình, bé sẽ thấy một tương lai tươi sáng: những nông dân nắm tay cùng nhau ca múa mừng được mùa, những người lính trận bỏ khí giới ôm chầm lấy nhau vì tiếng súng đã ngưng, những em bé trên mọi đất nước được cắp sách đến trường, và quả địa cầu mãi mãi vẫn giữ mầu xanh hy vọng.

Tác giả bài viết: Nguyên Hà, từ Berlin (CHLB Đức)