HOA THANH TRÌ VÀ MỐI TÌNH ĐƯỜNG MINH HOÀNG - DƯƠNG QUÝ PHI
- Thứ sáu - 08/12/2006 10:10
- In ra
- Đóng cửa sổ này
Dương Quý Phi, người đẹp hoa nhường
"Tôi tưởng tôi là Đường Minh Hoàng
Trông trăng nhớ nàng Dương Quý Phi"
("Nhị Hồ", Xuân Diệu)
Du khách có dịp tới thăm Tây An, thuộc tỉnh Thiểm
Tây, Trung Quốc, từng là kinh đô của 13 triều đại phong kiến Trung Hoa
và cũng là điểm kết phía Đông của "Con đường tơ lụa" lừng danh thời
Trung đại, hẳn không thể bỏ qua Hoa Thanh Trì, một thắng cảnh nổi tiếng,
gắn liền với những huyền sử về mối tình Đường Huyền Tông và Dương Ngọc
Hoàn, hay như cách gọi quen biết hơn, Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi.
Nằm ở chân núi Ly Sơn có bề dày lịch sử vài ngàn năm từ đời Tây Chu, cách thành phố Tây An chừng 30 cây số, Hoa Thanh Trì tọa lạc ngay bênh cạnh dòng suối nước nóng ngầm Hoa Thanh. Tại đây, thế kỷ thứ VIII, Đường Huyền Tông, vị vua thứ chín của đời Đường - tài hoa về nghệ thuật nhưng về già lại ham sắc dục, yếu kém về chính trị - đã cho xây một quần thể cung điện, nhà nghỉ và bể tắm vô cùng xa xỉ và vương giả, để chiều người tình huyền thoại của ông: Dương Quý Phi.
*
Sử cũ ghi lại rằng Dương Quý Phi, tên thật là Dương Ngọc Hoàn, được mệnh danh là một trong "Tứ đại mỹ nhân" của lịch sử Trung Quốc. Nàng có sắc đẹp được ví là "tu hoa", tức là khiến hoa cũng phải xấu hổ. Thi hào Lý Bạch đời Đường, trong 3 bài "Thanh bình điệu" ca tụng nhan sắc của Dương Ngọc Hoàn, đã có câu: "Vân tưởng y thường, hoa tưởng dung", nghĩa là thoáng thấy bóng mây hoa, lại nhớ đến bóng hồng. Thói thường, người ta thường ví dung nhan của người con gái đẹp với bóng hoa, đằng này, Lý Bạch trông hoa lại nhớ đến người mỹ nữ, mới hay Dương Ngọc Hoàn xinh đẹp biết nhường nào!
Và, dung nhan ấy của Ngọc Hoàn, quả thực đã làm khuynh đảo cả một đất nước. Năm 17 tuổi, nàng được tiến cung hầu Hoàng Thọ vương Lý Dục, là con thứ 18 của Đường Huyền Tông, và hầu hạ Lý Dục trong vòng 3 năm, nhưng không chung chăn gối vì Lý Dục còn nhỏ, tính tình nhút nhát, lại chỉ thích ngắm mỹ nhân. Sau đó, nàng được Cao Lực Sĩ là một hoạn quan, cận thần của Huyền Tông mật đưa vào đài Tập Linh trong cung Hoa Thanh giả làm sãi, nhưng kỳ thực là để thay thế cho người cung phi được vua sủng ái nhất vừa mới mất, là bà Vũ Huệ Phi. Thấy dung nhan của Ngọc Hoàn, Huyền Tông mê mẩn tức thì và quen đi người cũ, lập tức lập nàng làm quý phi; các chị của nàng cũng được phong làm phu nhân và người anh họ của nàng thì được phong tể tướng, rồi thượng thư và nắm toàn binh lực.
Vốn là một vị vua rất tài hoa về nghệ thuật, thuở trẻ còn có tài thao lược, mấy chục năm đầu cầm quyền, Đường Huyền Tông (tên thật là Lý Long Cơ) đã đưa triều đại ông lên mức những triều đại sán lạn nhất trong các triều đại phong kiến Trung Hoa, cả về thi ca, nhạc, họa, kiến trúc. Tuy nhiên, về già, ở tuổi ngoài 50, Huyền Tông ham vui chơi, nhạc vũ với người tình kém hơn 30 tuổi, bỏ bê việc triều chính, lại tin dùng và sủng ái lũ quan lại xu nịnh, bất tài, rồi lao vào ăn chơi xa xỉ nên dân chúng bị lầm than, quốc gia tàn lụi.
Đến khi họa An Lộc Sơn nổ ra, binh sĩ và nhân dân ta oán, họ cho rằng do nhà vua sủng ái Ngọc Hoàn và gia đình quý phi nên mới đến nông nỗi ấy. Trong cuộc nổi loạn, binh sĩ giết anh họ và hai em gái của Ngọc Hoàn, rồi buộc nhà vua phải bắt Ngọc Hoàn tự vẫn vì coi nàng là mầm sinh đại loạn. Trên đường trốn chạy khỏi Tây An vào đất Thục, không còn lựa chọn nào khác, Huyền Tông đành để Ngọc Hoàn tự treo cổ bằng một tấm lụa trắng trên một cành cây. Khi đó, nàng mới 38 tuổi. Sử cũ cho rằng, dù là một mỹ nhân tuyệt sắc và tài hoa, nhưng nàng phải chịu phần về cái chết của 36 triệu nạn nhân trong cuộc chính biến tàn độc hiếm có của phản tướng An Lộc Sơn.
Mối tình vương giả của Huyền Tông - Ngọc Hoàn, vốn đã được truyền tụng trong dân gian và thi giới, còn được ngòi bút tài hoa của thi hào Bạch Cư Dị tô điểm cho thêm phần lâm ly, chua xót. Chứng kiến được những thảm cảnh do mối si tình của Đường Huyền Tông gây ra, Bạch Cư Dị đã xúc cảm làm nên "Trường hận ca", một tuyệt tác về mối hận tình muôn thuở, trong đó những câu kết rất quen thuộc với độc giả Việt Nam qua bản dịch của thi sĩ Tản Đà:
Xin kết nguyện chim trời liền cánh,
Xin làm cây cành nhánh liền nhau,
Thấm chi trời đất dài lâu,
Giận này dằng dặc dễ hầu có nguôi...
Với Việt Nam, cuộc tình Minh Hoàng - Quý Phi còn để lại một huyền thoại lịch sử: tương truyền, vì quá mê và chiều chuộng Dương Ngọc Hoàn (vốn rất thích ăn lệ chi, trái vải của đất An Nam), nên vua Đường đã bắt phu gánh vải từ Nghệ An sang Tây An triều cống, khiến dân Việt thậm khổ và Mai Thúc Loan vùng lên khởi nghĩa chống nhà Đường. Sự thực, cuộc khởi nghĩa của Mai Hắc Đế xảy ra khi Ngọc Hoàn mới lên... 3 tuổi; mặt khác, vải là đặc sản của Trung Quốc, được trồng rất nhiều ở Quảng Đông, Quảng Tây, Quế Lâm... ngàn đời nay, vì thế không ai bảo quản và chuyển trái vải ròng rã suốt 4 ngàn cây số từ Nghệ An sang Tây An cho Dương Quý Phi làm gì!
*
Lịch sử đã trôi qua được hơn 12 thế kỷ, nhưng huyền thoại về một đại mỹ nhân và về mối tình bi thảm của nàng, thì vẫn còn, trọn vẹn, tại Hoa Thanh Trì.
Ngay sau khi vào cổng, du khách sẽ được mục kích một bức họa khổng lồ, khắc trên đá, diễn tả một cảnh vui vầy của Huyền Tông và Ngọc Hoàn, với sự phụ họa múa hát của đám cung tần. Đi thêm vài bước nữa, đến một sân rộng, phóng tầm mắt, du khách sẽ thấy Cửu Long Hồ, một hồ nước nhân tạo, và bên kia hồ, điện Hoa Thanh Cung chìm trong cỏ cây, hoa lá, tạo nên khung cảnh hữu tình tuyệt đẹp cho quần thể Hoa Thanh Trì. Đây chính là nơi nghỉ ngơi và vui chơi của cặp nhân tình vương giả thuở nào.
Xế bên của Hoa Thanh Cung, giữa những hàng liễu rủ và hoa cúc vàng, là tượng bằng bạch ngọc của Dương Ngọc Hoàn, tư thế quyến rũ và mềm mại, e ấp như của nữ thần Vệ Nữ. Thú vị là đúng với lời tả của sử cũ, ở đây, Dương Quý Phi được khắc họa như một phụ nữ có da có thịt, có lẽ là "chuẩn" của đời Đường. Và, không xa bức tượng là những bể tắm hoàng gia thuở xưa, trong đó được chú ý nhất vẫn là hai bể được truyền là của Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi, nay vẫn "trơ gan cùng tuế nguyệt" cho dù không còn giữ được vẻ huy hoàng như xưa, với dấu ấn của thời gian. Ở đó, không còn nước, nhưng nước suối nóng từ nguồn dưới đất thì vẫn được dẫn lên vài bể nhỏ bên cạnh, đặc biệt là một bể có vòi nước được dân tình xếp hàng lũ lượt để rửa tay, rửa mặt cho "sáng mắt sáng lòng", với dòng nước tương truyền là Dương Quý Phi đã dùng thuở nào.
Vũ khúc Nghê Thường lừng danh đời Đường dưới sự thể hiện của các nghệ sĩ ở Tây An
Đến Hoa Thanh Trì, chìm đắm trong những huyền thoại lịch sử hư thực, có lẽ du khách cũng nên hướng ống kính máy ảnh về nơi xa xa, vượt quá những bức tường rêu phủ của quần thể Hoa Thanh, về phía ngọn Ly Sơn, nên đến giờ vẫn còn những phong hỏa đài mà cách đây vài ngàn năm, lửa sẽ được đốt lên mỗi khi có giặc ngoại xâm để báo cho chư hầu về ứng cứu.
Tại đó, nàng Bao Tự, cũng là một đại mỹ nhân thời cổ, người mà không ai khiến nổi nàng nở nụ cười, đã cất tiếng cười vang khi chư hầu nhà Tây Chu lũ lượt kéo đến vì thấy lửa trên phong hỏa đài, lần ấy được nhà vua Chu U Vương cho đốt lên chỉ để chiều người đẹp. Về sau, U Vương đã chết thảm vì giặc kéo đến, dù lửa đã được nổi lên mà không còn ai ứng cứu; ông có biết chăng, 15 thế kỷ sau, một hậu duệ của ông cũng ham mê tửu sắc mà khiến cả một quốc gia bị khuynh đảo như thế!
Thăm Hoa Thanh Trì, nhớ lại cái rực rỡ của Đường triều với Đường nhạc (mà nổi tiếng nhất là vũ khúc Nghê Thường*), với những huyền thoại truyền đời quanh cặp tình nhân Minh Hoàng - Quý Phi (mà sự tích Tết Trung Thu chỉ là một), bất giác, có lẽ du khách cũng phải cảm thán trước những cái đẹp "vong quốc", như của Bao Tự và Dương Ngọc Hoàn. Phải chăng, đây cũng là một nét đặc biệt, không phải lịch sử dân tộc nào cũng có, của một đất nước vĩ đại, có nền văn hóa lâu đời, như Trung Quốc?
Ghi chú:
(*) Theo truyền thuyết, một đêm Trung thu, vua Đường Minh Hoàng thấy trăng sáng, mơ ước được đặt chân lên cung hằng thăm thú. Đạo sĩ La Công Viễn có phép tiên dùng giải lụa trắng, hóa thành cầu đưa nhà vua đến nguyệt điện. Trong điện lưu ly sáng rực, những nàng tiên cực kỳ xinh tươi trong xiêm y lộng lẫy, uyển chuyển múa hát theo tiếng nhạc du dương mê hồn người. Đường Minh Hoàng ngây ngất, quên cả trời gần sáng.
Khi trở về triều, Đường Minh Hoàng vận dụng trí nhớ, cùng Dương Quý Phi chế thành khúc "Nghê thường vũ y" tập cho cung nữ trong triều múa hát. Đến đêm rằm tháng Tám, Đường Minh Hoàng và Dương Quý Phi cùng uống rượu dưới trăng, ngắm đoàn cung nữ múa hát khúc Nghê Thường để tưởng như đang sống trong cung Quảng Hàn nơi nguyệt điện